Nơi Nghỉ Hè Lý Tưởng
Chúng ta đã bắt đầu bước vào Mùa Hè. Mùa Hè thường là mùa nghỉ ngơi. Quý đã có những dự định nào cho việc nghỉ hè năm nay chưa? Người thì lên núi, người thì ra biển, người thì đi tiểu bang khác, có người thì chỉ thích ở nhà. Đâu là nơi nghỉ hè lý tưởng? Câu trả lời có lẽ tùy thuộc sở thích của mỗi người. Nhưng dù là nghỉ hè ở đâu, điều chúng ta muốn là làm thế nào cho mình thật sự được nghỉ ngơi, được thảnh thơi, thoải mái hoàn toàn. An nghỉ, thảnh thơi, thoải mái hoàn toàn thật sự đến từ tâm hồn chúng ta. Tâm hồn chúng ta có yên ổn thì ở đâu cũng thoải mái, còn nếu lúc mào cũng canh cánh bên lòng một điều gì đó, ta không thể nào an nghỉ được. Dù Bạn định đi nghỉ hè ở đâu, tôi xin Bạn một vài phút giờ nầy với ước mong Bạn sẽ tìm thấy cho mình nơi nghỉ hè lý tưởng.
Sống giữa một xã hội luôn luôn quay cuồng như thác lũ, thật khó cho chúng ta tìm thấy an nghỉ. Thật ra, muốn nghỉ ngơi trong đời sống nầy, chúng ta chỉ cần làm một điều, đó là thật sự vứt bỏ những gì vướng bận sang một bên. Chúng ta sẽ có đủ trăm ngàn lý do để nói rằng không bỏ được. Nhưng khi ta đã quyết tâm vứt bỏ công việc hay những bận rộn sang một bên trong một khoảng thời gian để nghỉ ngơi ta sẽ thật sự có được ngơi nghỉ đó. Nghỉ ngơi trên phương diện tâm linh cũng vậy, ta phải quyết tâm, dành thì giờ, đeo đuổi tìm kiếm, ta mới tìm thấy an nghỉ. Ngược lại, nếu chúng ta cứ để cho những lo lắng, những tiếng gọi của đời sống vật chất chi phối, ta sẽ chẳng bao giờ được nghỉ ngơi.
Chương trình phát thanh Tin Lành đến với quý vị hằng tuần nhằm đem đến cho quý vị một sự an nghỉ tâm linh, nhưng chính quý vị cũng cần dành thì giờ và mở rộng tâm hồn tiếp nhận, quý vị mới nhận được an nghỉ đó. Dọc theo những xa lộ ở Mỹ có những trạm nghỉ để những người lái xe có thì giờ thư duỗi. Những trạm nghỉ nầy gọi là rest area dịch theo nghĩa đen từng chữ là “vùng nghỉ” hay “vùng an nghỉ.” Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống tâm linh, hay nói đúng hơn trên con đường đời mà ta đang đi, chúng ta cũng cần có những vùng đất an nghỉ tương tự, để tinh thần được thoải mái, trí óc được thư duỗi, và nhất là tâm linh được sáng suốt để nhận ra đâu là giá trị thật trên đời.
Trong giờ Phúc Âm hôm nay, tôi muốn mời Bạn cùng với tôi tạm dừng chân trên con đường đời mệt mỏi nầy và cùng nhau bước vào một vùng an nghỉ. Tôi tin chắc rằng tại vùng đất an nghỉ nầy Bạn sẽ thật sự tìm thấy an ủi và thỏa mãn cho tâm hồn, miễn là Bạn chịu nghe những lời khuyên dạy của Đấng hứa ban cho Bạn sự an nghỉ đó. Tôi muốn đọc lại cho Bạn nghe lời dạy của Chúa Cứu Thế về sự an nghỉ của tâm hồn như sau. Chúa phán:
Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:28)
Hai hạng người cần được an nghỉ là những người mệt mỏi và những kẻ gánh nặng.
Mệt mỏi nói đến tình trạng yếu sức vì phải làm việc quá nhiều. Đất nước chúng ta đang sống dù không chủ trương “lao động là vinh quang” nhưng chúng ta đã tự nhiên lao vào lao động như một phần của đời sống vì nhu cầu và một khi đã lao đầu vào, chúng ta thấy khó có thể rút ra. Thật ra, nếu chúng ta biết dừng lại, nhận định vấn đề và nhất là biết phân biệt đâu là nhu cầu, đâu là ước muốn, chúng ta sẽ có thể bước ra khỏi cái chu kỳ lao động dễ dàng. Ước muốn thì ai trong chúng ta cũng ước muốn rất nhiều nhưng những gì chúng ta ao ước đó có thật là nhu cầu không? Đứng trước mỗi quyết định của đời sống, dù là mua sắm hay may mặc, nếu biết đặt những câu hỏi tương tự, chúng ta sẽ đỡ đi rất nhiều đau khổ. Có người đã đề nghị, trước khi mua sắm bất cứ món gì, ta hãy đặt câu hỏi: “Không có điều nầy có thiệt hại gì không? Tôi có thể sống mà không cần đến nó không?” Dĩ nhiên đời sống là để chúng ta tận hưởng, Thiên Chúa không cấm chúng ta điều đó và Ngài muốn chúng ta tận hưởng. Nhưng lắm khi chúng ta đã không phân biệt được giữa tận hưởng và tham muốn, giữa nhu cầu thật sự và mơ ước không cần thiết.
An nghỉ vì vậy bắt đầu từ chúng ta, từ chỗ chúng ta biết đặt vấn đề và chọn vấn đề. Ai trong chúng ta cũng cần làm lụng để sống nhưng đừng bao giờ để cho việc làm của chúng ta cướp đi cái an nghỉ cần thiết trong đời sống. Cái khó của đời sống ở đây là có quá nhiều điều cho chúng ta chọn lựa và nếu chúng ta quyết định theo bản năng, theo những ao ước trong lòng, chúng ta rất dễ chọn lựa sai lầm và đi đến chỗ quá độ lúc nào không hay và tự mình gây đau khổ cho mình. Mệt mỏi hay lao khổ vì vậy trước hết đến từ chúng ta, từ quyết định của chúng ta. Điều đầu tiên chúng ta cần làm vì vậy là phải biết dừng lại, nhận định vấn đề và chọn lựa những điều càn làm, đáng làm thay vì lao mình vào một guồng máy sẽ nghiến nát cuộc đời của chúng ta. Trong vùng an nghỉ hôm nay, ước mong Bạn sẽ nhận thấy vấn đề, dừng lại, chọn lựa và quyết định.
Nhóm người thứ hai cần được an nghỉ Chúa Cứu Thế nhắc đến ở đây là những người gánh nặng. Mệt mỏi đến từ việc làm còn gánh nặng đến từ những áp lực chúng quanh. Áp lực của gia đình, của xã hội, của những người đồng trang lứa. Dĩ nhiên không ai trong chúng ta tự mình mà sống trên trần gian nầy, nhưng cũng giống như việc làm, có những gánh nặng không cần thiết mà ta không nên tự gán vào thân. Đừng vì một chút tham vọng cá nhân hay danh dự với gia đình, bạn bè mà ta tự gán cho mình những gánh nặng ngàn cân. Con người thật của chúng ta, con người bên trong mới là quan trọng. Gánh nặng đây cũng nói đến những lễ nghi và đòi hỏi vô lý của tôn giáo. Đối tượng của Chúa Giê-xu khi nói những lời nầy là những người theo Do-thái giáo, phải sống dưới hằng trăm quy luật phiền phức của tôn giáo. Những điều nầy chẳng những không giải thoát họ mà còn là những gánh nặng, những xích xiềng ràng buộc họ suốt đời.
Trước đám người lao khổ, mệt nhọc, lo âu, mang nặng gánh đau thương đó, Chúa Giê-xu đã phán một lời thật êm dịu. Chúa phán:
Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ.
Lời phán nầy của Chúa Giê-xu cho chúng ta thấy những điều sau. Trước hết nó cho ta thấy là chính chúng ta phải nhận thức mình là người đang laokhổ và nặng gánh. Như đã nói từ đầu, hằngtuần tiếng nói Tin Lành đến với quý vị để cống hiến một sự an nghỉ tuyệt diệu, nhưng con người cần phải đến tìm an nghỉ thì mới được an nghỉ. Nếu ta không thấy mình mệt nhọc và nặng gánh ưu tư thì những lời mời gọi nầy vô ích, chỉ khi nào chúng ta ý thức vấn đề, ý thức nhu cầu của mình, những lời dạy của Chúa Giê-xu mới có ý nghĩa với chúng ta. Lời dạy nầy dành cho những người mệt mỏi và gánh nặng, không phải dành cho những người không cần đến Chúa.
Sau khi ý thức mình là người nặng gánh ưu tư, điều chúng ta cần làm tiếp theo là đến với Chúa. “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng Ta.” Đến với Chúa nghĩa là làm sao? Đến với Chúa nghĩa là trao thân phận cô đơn, buồn chán, mỏi mệt, nản lòng nầy cho Chúa với một lòng tin tha thiết. Tin rằng Chúa hiện diện khắp nơi, Chúa đang ở bên cạnh mình, Chúa thông cảm với hoàn cảnh của mình. Tin rằng Chúa đã gánh chịu mọi đau thương cho chúng ta khi Ngài chịu chết trên cây thập tự. Tin rằng Ngài có quyền giải quyết vấn đề cho chúng ta tận gốc rễ. Đến với Chúa trong đức tin đơn thành đó thể hiện trong một lời cầu nguyện. Cầu nguyện chỉ có nghĩa là thưa chuyện với Chúa, như con thưa chuyện với cha. Chúng ta chỉ cần thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã giáng trần chịu chết thế cho con. Con đang mệt mỏi và gánh nặng vì tội lỗi, vì xa lìa con đường của Chúa. Hôm nay con xin quay trở lại với Chúa, xin Chúa tiếp nhận con làm con của Chúa trở lại và ban cho con sự an nghỉ như lời Chúa đã hứa.”
Bạn thân mến, nếu Bạn thật sự chân thành thưa với Chúa những lời tương tự, Chúa chắc chắn đã nghe và sẽ ban cho Bạn sự an nghỉ như lời Ngài đã hứa. Chúa bảo chúng ta chỉ cần làm một điều là đến với Chúa, và Chúa bảo đảm với chúng ta là Ngài sẽ ban cho chúng ta sự an nghỉ. Hãy nghe lại lời Chúa phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ.” Bạn biết an nghỉ nghĩa là gì không?An nghỉ là tình trạng thanh thản của tâm hồn, một thái độ vô ưu của trí óc. Người an nghỉ không phải là người không làm gì cả, không phải như vậy. Chúng ta vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn tiếp xúc với mọi người nhưng tâm hồn chúng ta yên tịnh, nhẹ nhàng. Chúng ta có thể vui vẻ chấp nhận mọi gian khổ đến trong đời sống mà không phải ưu tư, buồn lo hay bận tâm.
Một bài hát mà tôi rất thích có lời ca như sau:
Ngài không hứa mây trời sẽ mãi luôn giăng đường anh, Ngài không nói tháng ngày sẽ luôn trôi nhẹ nhàng. Ngài chỉ hứa mỗi một điều: dẫu gió mưa hay cuồng phong, thì Ngài sẽ đưa đường đến bến bờ.
Chúa sẽ đưa đường chúng ta đến bến bờ và điều duy nhất chúng ta cần làm là đến với Chúa, trao cho Chúa mọi buồn rầu lo lắng của chúng ta. Vấn đề của chúng ta là vấn đề tâm linh, chúng ta chỉ cần đến với Chúa để vấn đề tâm linh được giải quyết, mọi vấn đề khác sẽ theo đó được giải quyết dễ dàng. Bạn có tin như vậy không?
Tôi xin nhắc lại Bạn điều nầy: chúng ta đang đi trên đường đời nhọc mệt, chúng ta cần dừng lại, tìm một vùng đất an nghỉ. Vùng đất an nghỉ đó là lời của Chúa. Bạn đã nghe Lời của Chúa nhưng Bạn đáp ứng như thế nào trước lời của Ngài. Tôi ước mong Bạn bước vào vùng an nghỉ của Chúa, để cho Chúa mang mọi gánh nặng, nhất là gánh nặng tội lỗi để Bạn thấy mình thật sự được giải thoát, được thanh thản, được an nghỉ. Chúa Giê-xu phán:
Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành