Tháng Cảm Tạ
Nếu có ai hỏi tôi rằng tôi thích tháng nào nhất trong năm, tôi sẽ trả lời đó là Tháng Mười Một. Bạn biết tại sao tôi thích Tháng Mười Một không? Tôi thích tháng Mười Một chẳng những vì Mùa Thu, tiết trời dễ chịu, không quá lạnh cũng không quá nóng. Tôi cũng thích Tháng Mười Một vì tháng nầy ít lễ lạc, hội hè, không làm cho mình quá bận rộn. Nhưng điều làm tôi thích Tháng Mười Một hơn cả là trong tháng nầy có ngày Lễ Tạ Ơn. Lễ Tạ Ơn không xôn xao, nhộn nhịp như lễ Giáng Sinh, cũng không tưng bừng như ba ngày Tết, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ Tạ Ơn, tôi thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui nhè nhẹ, khó tả.
Có một năm tôi được dự lễ Cảm Tạ ở Canada và trong ngày lễ nầy tại một nhà thờ nhỏ ở miền Đông Canada, tôi thấy người ta đem đến nhà thờ những hoa màu của nông trại, mỗi thứ một ít, tượng trưng cho mùa màng vừa gặt hái. Một vài trái bí, một ít bắp, một ít đậu xanh, một vài cây bông cải. Hình ảnh tươi mát của những nông phẩm giúp tôi ghi nhận rõ ràng hơn ý nghĩa của ngày lễ Cảm Tạ. Cảm tạ hay tạ ơn nghĩa là gì nếu không phải là ghi nhận sâu xa từ trong đáy lòng về ơn mưa móc và tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho con người.
Tôi được ngồi đây, giờ nầy nói chuyện với Bạn và Bạn đang ở đâu đó nghe được tiếng nói nầy. Đó cũng là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta. Tôi nói đây là ơn bởi vì có khi có những chuyện bình thường, nhỏ nhặt như mở miệng để nói, lắng tai để nghe ta cũng không làm được vì tật bệnh, vì yếu đau, vì hoàn cảnh. Buổi sáng thức giấc, ta có thể trở mình, ra khỏi giường, bước vào một ngày mới, đó cũng là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta và chúng ta phải sống với lòng biết ơn và tinh thần cảm tạ mỗi ngày.
Có thể nói không ai trong chúng ta đang sống ở xứ nầy mà lại không có tinh thần cảm tạ. Dù đời sống có khó khăn đến đâu, dù có những tâm sự hay thảm cảnh bi đát đến đâu, ta cũng phải nhận rằng mình còn sung sướng hơn rất nhiều người trên quả đất nầy. Hãy nhớ lại những gò bó, thiếu thốn, mất tự do của ngày trước. Hãy nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến bến bờ tự do. Ta sẽ không bao giờ có được tinh thần biết ơn nếu ta quên đi những gì ngày trước và coi thường những gì ta có hôm nay.
Vì biết bản tính hay quên của con người nên trước khi khi con dân của Chúa bước vào Đất Hứa, Chúa đã dùng lãnh tụ Mai-sen dặn dò họ những lời như sau:
Ngươi khá cẩn thận e quên Chúa Hằng Hữu, không giữ gìn những điều răn, mạng lệnh và luật lệ của Ngài mà ngày nay ta truyền cho ngươi chăng. Lại e sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng và mọi tài sản mình dư dật rồi thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Chúa Hằng Hữu là Đấng đã đem ngươi ra khỏi nhà nô lệ chăng! (Sách Phục truyền 8:Mười Một-14)
Quên ơn, vong ân, bội nghĩa, đó là bản tính thông thường của con người, vì vậy chúng ta cần được nhắc nhở thường xuyên về những ơn lành Thiên Chúa ban cho chúng ta. Trong tiếng Anh có một thành ngữ tạm dịch là Hãy đếm những ơn lành trong đời sống (count your blessings). Đếm ơn lành nghĩa là ghi nhận những điều tốt lành ta có trong đời hơn là than thân trách phận về những điều ta không có hay những hoàn cảnh ta cho là kém may mắn. Con người chúng ta có trí nhớ rất tốt nhưng lại thường nhớ những điều không đáng nhớ như những đau khổ, những hận thù, những nuối tiếc. Còn những điều không nên quên như ơn lành, hạnh phúc, những ngày vui ta lại lãng quên.
Vua Đa-vít của Do-thái xuất thân là một gã mục đồng nhưng dù là lúc còn chăn chiên hay khi đã lên ngai vàng, ông vẫn không bao giờ quên ơn Chúa. Và trong Thánh Vịnh, ông đã nói những lời sau:
Hỡi linh hồn ta, hãy ca ngợi Chúa Hằng Hữu, mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài. Hỡi linh hồn ta, hãy ca ngợi Chúa Hằng Hữu, đừng quên những ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bệnh tật ngươi, cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, lấy lòng nhân từ và đức thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi (Thánh Vịnh 103:1-4)
Đây là bài thơ vua Đa-vít nói với chính mình. Ông tự nhủ: Linh hồn nầy hãy ca ngợi Thiên chúa, đừng quên ân huệ của Ngài. Và trong số các ân huệ Chúa đã ban cho ông, trên hết ông cho biết: Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi. Đối với vua Đa-vít, ơn tha tội là ơn lớn nhất Chúa dành cho ông. Tại sao tha tội lại là ơn lớn nhất? Vua Đa-vít ý thức rằng tội lỗi là nguyên nhân ngăn cách ông với Thiên Chúa. Ông biết Chúa là Đấng thánh khiết, không thể chấp nhận tội lỗi vì vậy được Chúa tha thứ là điều quan trọng hơn cả.
Một cái cây không có sự sống thể nào thì một người không có Chúa cũng giống như vậy và cuộc đời của chúng ta không thể có sự sống của Chúa nếu tội lỗi chưa được thanh tẩy. Do đó vua Đa-vít trước hết tạ ơn Chúa về ơn tha thứ. Hôm nay Bạn có thể tạ ơn Chúa về ơn tha thứ của Ngài không? Bạn có biết là tội lỗi của mình đã được thanh tẩy chưa? Chúng ta mắc tội với Chúa vì Chúa đã tạo dựng chúng ta mà chúng ta không tôn thờ Ngài. Không có Chúa, đời sống không còn ý nghĩa gì nữa vì Ngài là nguồn sống của chúng ta. Con người chúng ta cứ mãi lầm lạc và không thể tự cứu nên Thiên Chúa đã giáng trần để giải thoát chúng ta. Chúa giải thoát bằng cách mang tội thế cho chúng ta, chịu hình phạt thế cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhận mình là tội nhân, ăn năn tội và nhận rằng Chúa đã chịu chết thế cho mình. Tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, tội lỗi của chúng ta sẽ được thanh tẩy và đó là ơn tha thứ Chúa dành cho chúng ta.
Khi đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta sẽ sống với lòng biết ơn Chúa và từ tinh thần tạ ơn đó, chúng ta sẽ có thể sống một đời sống hạnh phúc và sung mãn. Ngược lại, một người sống thiếu lòng biết ơn, tư tưởng sẽ lầm lạc, nghĩ rằng mọi việc đều do mình, đều từ tay mình mà ra và do đó sẽ đi dần đến chỗ kiêu ngạo và diệt vong. Sứ đồ Phao-lô đã mô tả tình trạng đó trong lá thư gởi cho các tín hữu ở La-mã ngày xưa như sau:
Họ dẫu biết Đức Chúa Trời nhưng không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài nữa, nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không và lòng ngu dốt, đầy tối tăm (Thư Rô-ma 1:21)
Theo lời Chúa dạy, chính lòng vô ơn đã đưa con người đến chỗ lầm lạc và từ chỗ lầm lạc đã đưa đến những hành động tội lỗi. Nếu đọc tiếp lá thư Phao-lô gởi cho người La-mã, Bạn sẽ thấy rằng tất cả những tội lỗi của con người đều là hậu quả của thái độ vô ơn, quên ơn Chúa, biết Chúa mà không tôn thờ Ngài.
Ngày nay, hơn lúc nào hết, chủ nghĩa nhân bản được nhiều người đề cao, ca tụng và đeo đuổi. Chủ nghĩa nầy mới nghe rất hay vì cốt lấy con người làm gốc. Chúng ta không phủ nhận giá trị của con người nhưng con người đã dần dần thay thế Thiên Chúa. Họ quên đi rằng có một Đấng Tối Cao tạo dựng nên tất cả và cầm giữ sự sống, sức khỏe, tài năng, dịp tiện trong tay Ngài. Chúa không đòi hỏi chúng ta gì cả ngoại trừ việc nhận rằng mình là con của Chúa, mình phải sống cho Chúa, hoàn thành chương trình và ý định của Chúa trên trần gian nầy.
Thiên Chúa luôn luôn muốn cho con người sống trong hạnh phúc và hạnh phúc đó là sống trong hài hòa giữa Trời với người và giữa người với người. Mối hài hòa đó bắt đầu ở chỗ con người ý thức chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Con người là tạo vật của Thiên Chúa và cũng là đối tượng của tình yêu Ngài. Thiên Chúa yêu chúng ta và muốn tương giao với chúng ta trong hài hòa, tốt đẹp. Mối tương quan đó sẽ chỉ tốt đẹp khi chúng ta trở lại với Thiên Chúa, sống với ý thức rằng đời sống của chúng ta ở trong tay Ngài, luôn luôn có thể cảm tạ và ca ngợi Ngài. Luôn luôn sống với lòng biết ơn vì ý thức về những gì mình có và những gì mình không có.
Trong năm Bạn thích tháng nào tôi không biết nhưng tôi vẫn thích Tháng Mười Một không gì khác hơn vì đây là Tháng Cảm Tạ. Không phải chỉ mỗi năm một lần nhưng thật sự trong tháng nầy tôi được nhắc nhở về chính mình và chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Tôi là tạo vật của Thiên Chúa nhưng tôi cũng là con của Ngài. Tôi là con người tội lỗi nhưng đã được Ngài cứu chuộc, tôi sẽ không làm gì khác hơn là sống với lòng biết ơn và ca ngợi ân sủng Chúa dành cho tôi. Tôi sẽ đồng thanh với nhà thơ Đa-vít và nói rằng:
Hỡi linh hồn ta, hãy ca ngợi Chúa Hằng Hữu, mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài. Hỡi linh hồn ta, hãy ca ngợi Chúa Hằng Hữu, đừng quên những ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bệnh tật ngươi, cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, lấy lòng nhân từ và đức thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi (Thánh Vịnh 103:1-4)
Vua Đa-vít đã nói như vậy, tôi đã nói như vậy, còn Bạn thì sao? Bạn có thể cùng chúng tôi nói lên những lời đó không? Ước mong đây cũng là bài thơ của mỗi chúng ta chẳng những trong Mùa Cảm Tạ nầy mà trong suốt cả cuộc đời.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành