Thế Vận Hội
Quý vị có theo dõi các cuộc tranh tài thể thao tại Tokyo trong mấy ngày vừa qua không? Xem những cuộc tranh tài thật là thích thú nhưng thích thú nhất có lẽ là lúc các lực sĩ nhận huy chương với bản quốc thiều nước mình được trổi lên. Chúng ta thật xúc động khi chứng kiến cảnh nầy và đó thật là mục đích cuối cùng của các cuộc tranh tài.
Thế Vận Hội chúng ta có ngày nay phát xuất từ các cuộc tranh tài thể thao tại Olympia, Hy-lạp cổ từ thế kỷ thứ tám đến thế kỷ thứ tư trước công nguyên. Đến năm 1894, bá tước Pierre de Coubertin, người Pháp thành lập Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đưa đến việc tổ chức Thế Vận Hội lần đầu tiên vào năm 1896 tại Athens, thủ đô Hy-lạp.
Song song với các cuộc tranh tài thể thao tại Olympia, Hy-lạp cổ cũng có những cuộc tranh tài thể thao tương tự tại thành phố Cô-rinh-tô. Và trong bối cảnh các cuộc tranh tài thể thao tại đây, sứ đồ Phao-lô đã viết cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô những lời sau:
Anh em không biết rằng trong cuộc chạy đua ở thao trường, tất cả đều chạy nhưng chỉ có một người đoạt giải sao? Vậy, hãy chạy thế nào để anh em có thể đoạt giải. Tất cả các vận động viên phải tự kỷ luật trong mọi sự. Họ chịu vậy để được mão miện hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão miện không hay hư nát (Thư I Cô-rinh-tô 9:24-25)
Sứ đồ Phao-lô đã dùng hình ảnh cuộc chạy đua ở thao trường để so sánh với đời sống tâm linh. Hai điều ông so sánh là kỷ luật và phần thưởng. Ông viết:
Tất cả các vận động viên phải tự kỷ luật trong mọi sự (câu 24)
Kỷ luật là điều không thể thiếu nơi các lực sĩ tranh tài. Đây nói đến kỷ luật bản thân và bao gồm về ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi. Để có một thân thể khoẻ mạnh tranh tài, người lực sĩ không thể buông thả, muốn ăn gì cũng được nhưng phải tiết độ và theo đúng chế độ ăn uống dành cho lực sĩ. Tập luyện cũng vậy, không thể chỉ tập luyện khi nào mình muốn hay khi nào mình khoẻ nhưng phải tập luyện thường xuyên theo đúng chương trình và lịch trình mà người dìu dắt đặt ra. Nghỉ ngơi cũng vậy, phải ngủ nghỉ cho đủ số giờ ấn định, không thể buông thả trong những cuộc vui chơi, trác táng. Thế vận hội được tổ chức mỗi bốn năm, cho nên đời sống kỷ luật nầy không phải chỉ là đôi bữa hoặc vài tháng nhưng ít ra là bốn năm hay nhiều hơn nữa để chuẩn bị cho các cuộc tranh tài. Một lực sĩ nếu mất dịp tiện tham dự hay vì một lý do nào đó bị thua trong một cuộc tranh tài thì phải đợi đến bốn năm sau mới có thể tranh giải. Vấn đề kỷ luật vì vậy cũng nói đến thời gian, nói đến vấn đề kiên trì, không bỏ cuộc nửa chừng. Tất cả những cố gắng và kỷ luật đó đều chỉ nhắm đến một mục đích là huy chương hay phần thưởng mà mình sẽ được.
Trong các cuộc tranh tài ngày xưa tại Hy-lạp cổ, huy chương là những vòng bằng lá nguyệt quế đội trên đầu người thắng cuộc được gọi là mão miện cho người thắng cuộc. Sứ đồ Phao-lô nói về mão miện đó như sau:
Tất cả các vận động viên phải tự kỷ luật trong mọi sự. Họ chịu vậy để được mão miện hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão miện không hay hư nát (câu 25)
Kinh Thánh gọi phần thưởng của người thắng cuộc là “mão miện hay hư nát” vì đây là những vòng bằng lá cây, chẳng bao lâu sẽ khô và hư nát. Giá trị của những mão miện nầy là giá trị nhất thời, chỉ là vinh dự trong phút chốc khi đoạt giải. Dù giá trị ngắn ngủi, nhưng người lực sĩ phải gắng công, ra sức, khép mình vào kỷ luật để được vinh quang ngắn ngủi đó.
Kinh Thánh dùng hai hình ảnh đó: kỷ luật và phần thưởng trong các cuộc tranh tài thể thao để dạy chúng ta những bài học quan trọng về đời sống. Đời sống của chúng ta là một cuộc chạy đua như chúng ta đã biết trong Câu Chuyện Phúc Âm tuần rồi. Đây là cuộc chạy mà mỗi chúng ta đều tham dự với sự chứng kiến của những anh hùng đức tin đi trước chúng ta. Chúng ta nhìn vào đức tin của họ để chạy. Và cùng với gương của những anh hùng đức tin, chúng ta cần tham dự cuộc chạy nầy với kỷ luật và với nhìn biết về giá trị vĩnh hằng của cuộc chạy.
Cũng như các lực sĩ, chúng ta cần có kỷ luật bản thân trong cuộc đua tâm linh. Người lực sĩ không thể đoạt giải nếu không sống trong kỷ luật thể nào thì cũng vậy, chúng ta không thể nào chạy về đến đích nếu không trong kỷ luật. Kinh Thánh khi mô tả về đời sống của một người có đức tin thật cho biết đó là một người có những đặc điểm sau: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, hiền lành, khoan dung và tự chế. Tự chế hay kỷ luật là một trong những đặc điểm của người có đức tin thật. Vì vậy, trong cuộc chạy đua tâm linh, đức tin là điều không thể thiếu. Đức tin đây là đức tin thật nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu vì chỉ có Chúa là Đấng chịu chết thay cho chúng ta mới có thể cứu chúng ta. Khi tin Chúa, Ngài sẽ ban thần linh của Ngài là Chúa Thánh Linh ngự vào lòng chúng ta và đời sống chúng ta sẽ tự nhiên sinh ra những bông trái yêu thương, vui mừng, bình an và cả tính tiết độ hay tự chế là kỷ luật tâm linh.
“Tất cả các vận động viên phải tự kỷ luật trong mọi sự” thể nào chỉ chúng ta cũng phải tự kỷ luật như vậy nhưng kỷ luật của chúng ta đến từ sức mạnh của Chúa vì con người không thể tự cố gắng để làm lành. Sứ đồ Phao-lô là con người đạo đức bậc nhất, tuân giữ mọi luật lệ nghiêm khắc của Phái Biệt Lập nhưng cuối cùng đã phải buột miệng than như sau:
Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác bám theo tôi! Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết nầy? (Thư Rô-ma 7:21, 24)
Phao-lô muốn làm lành nhưng không làm được cho đến khi ông gặp Chúa và được Chúa giải cứu ông và ông nói:
Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta! (Thư Rô-ma 7:25)
Chúng ta cần có đức tin nơi Chúa Giê-xu để có thể vượt thắng trên tội lỗi và đem lại kỷ luật cho bản thân chúng ta. Lời Chúa cũng dạy chúng ta về vấn đề giá trị khi so sánh mão miện bằng vòng nguyệt quế với mão miện không bao giờ hư nát của Chúa. Chúng ta tin Chúa Giê-xu và sống với kỷ luật không phải cho mão miện dễ hư tàn hay ngay cả những huy chương vàng, huy chương bạc ngày nay, rồi cũng sẽ không còn. Điều chúng ta đeo đuổi là giá trị đời đời trong Nước của Chúa, là vương quốc vĩnh hằng chúng ta sẽ thừa hưởng khi từ giã cõi đời nầy. Thật ra, người tin Chúa cũng đã kinh nghiệm Nước Chúa khi sống trên trần gian nầy vì chúng ta sống dưới quyền cai trị của Chúa và sống một cuộc đời có ý nghĩa ngay trong hiện tại.
Các lực sĩ đang tranh tài tại Tokyo để đem về cho mình những huy chương quý giá nhưng cũng là những huy chương sẽ tàn phai và mai một. Quý vị và tôi cũng đang tham dự vào một cuộc đua mà huy chương của chúng ta có giá trị đời đời. Đây là cuộc đua đức tin, với Chúa Giê-xu là mục đích của chúng ta và Ngài cũng là sức mạnh để chúng ta có thể đạt đến mục đích đó. Tôi xin nhắc lại lời Kinh Thánh dạy về cuộc đua nầy trong câu chuyện lần trước:
Chúng ta được nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương mà kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta. Hãy nhìn xem Đức Chúa Giê-xu, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. Anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự chống đối của những kẻ tội lỗi dường ấy, để không chán nản hay ngã lòng (Thư Hê-bơ-rơ 12:1-3)
Kính mời quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau để được hướng dẫn trong việc tin nhận Chúa Giê-xu. Dịa chỉ của chúng tôi như sau:
Phát Thanh Tin Lành
2275 W Lincoln Ave
Anaheim CA 9801
(714) 533-2278
Nhấn Vào Liên Lạc
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành