Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 8)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui được hoan nghênh quý vị đến với “Câu Chuyện Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành. Hôm nay chúng tôi xin tiếp tục trình bày đề tài: “Tiêu Chuẩn cho một Hôn Nhân Bền Lâu.” Nguyên tắc đầu tiên để hôn nhân được hạnh phúc bền lâu là cả vợ và chồng không ích kỷ, chỉ nghĩ đến phúc lợi riêng nhưng hết lòng quan tâm chăm sóc nhau, nghĩ đến phúc lợi của nhau, như Lời Chúa dạy:
Đừng làm điều gì vì ích kỷ hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người chúng ta đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa (Thư Phi-líp 2:4)
Viên đá đầu tiên làm nền tảng cho hôn nhân là: vợ chồng không ích kỷ, chỉ quan tâm đến niềm vui và hạnh phúc của riêng mình nhưng biết nghĩ đến hạnh phúc của người phối ngẫu. Hôm nay chúng tôi xin nói đến viên đá nền tảng thứ hai, đó là Dứt khoát Để Hiệp Một. Nói cách đơn giản là loại bỏ những điều trong đời sống độc thân để bước vào đời sống chung. khi bước vào hôn nhân, có một số điều của đời sống độc thân chúng ta phải bỏ đi hoặc thay đổi thì vợ chồng mới thật sự hiệp một và hôn nhân mới hạnh phúc.
Khi thiết lập hôn nhân, Chúa phán:
Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai trở nên một thịt (Sáng thế ký 2:24, BHĐ)
Áp dụng lời dạy này, khi bước vào hôn nhân, ba điều đôi vợ chồng trẻ cần làm là: thứ nhất: lìa cha mẹ; thứ hai: gắn bó với vợ/chồng mình, lúc đó sẽ đạt được điều thứ ba là hai người trở nên một. Ba bước này phải thực hành theo thứ tự Chúa truyền, nghĩa là, đôi bạn trẻ cần có một thời điểm chính thức lìa khỏi gia đình cha mẹ, bước ra khỏi thẩm quyền của cha mẹ, thời điểm này chính là ngày cưới, ngày thành hôn. Trong ngày cưới, đôi bạn trẻ chính thức cho mọi người biết rằng kể từ hôm nay chúng con sẽ lìa gia đình cha mẹ hai bên để thành lập gia đình mới. Sau đó, cô dâu chú rể đi đến bước thứ hai trong mạng lệnh của Chúa, là “gắn bó với nhau,” tức là chính thức được công nhận là vợ chồng, và rồi mới đến bước thứ ba, đó là “hai người trở nên một thịt,” tức là hiệp nhất về thể xác. Chính Đức Chúa Trời phán rằng:
Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và hai người trở nên một thịt
Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng, không những vì do chính Thiên Chúa truyền phán khi Ngài thiết lập hôn nhân nhưng Chúa Giê-xu và sứ đồ Phao-lô cũng nhắc lại nguyên tắc này khi dạy về đạo vợ chồng. Trong thực tế, chúng ta cũng thấy vợ chồng nào không làm theo ba bước này, tức là khi có gia đình riêng không tự lập nhưng vẫn tùy thuộc cha mẹ về mọi mặt, cũng không lìa bỏ những thói quen của đời sống độc thân để thật sự hiệp làm một, gắn bó làm một với vợ chồng mình, không sớm thì muộn, vợ chồng đó sẽ gặp nhiều nan đề trong hôn nhân.
Có lẽ chúng ta cần hiểu rõ Chúa bảo người lập gia đình phải “lìa cha mẹ” nghĩa là làm gì? Chắc chắn không phải Chúa bảo chúng ta từ bỏ hay ruồng bỏ cha mẹ, người đã sinh thành và nuôi dạy chúng ta. Vì Giới răn thứ Năm trong bảng Mười Giới Răn, cũng như nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh, Chúa dạy chúng ta phải hiếu kính cha mẹ. Chúa phán:
Hãy hiếu kính cha mẹ con hầu cho con được sống lâu trên đất
Hiếu kính cha mẹ là bổn phận quan trọng nhất trong tất cả những bổn phận đối với người chung quanh. Vì vậy, khi Chúa dạy người lập gia đình phải “lìa cha mẹ” không có nghĩa là phải từ bỏ hay loại bỏ cha mẹ ra khỏi đời sống, không kính yêu, không quan tâm chăm sóc cha mẹ nữa. Mạng lệnh “lìa cha mẹ” chỉ có nghĩa là, khi một người lập gia đình thì phải ra riêng, để thiết lập gia đình mới. Đôi vợ chồng mới sẽ làm chủ gia đình của mình, dưới sự lãnh đạo của người chồng chứ không ở dưới sự lãnh đạo của cha mẹ nữa, cũng không tùy thuộc cha mẹ về mặt kinh tế hay về những quyết định liên quan đến đời sống của gia đình. Không chỉ người nam cần lìa cha mẹ nhưng người nữ cũng phải lìa cha mẹ khi lập gia đình. Mạng lệnh Chúa truyền không nói đến người nữ vì khi bước vào hôn nhân, các cô đương nhiên lìa cha mẹ để sống với chồng trong gia đình mới.
Trong văn hóa Việt nam cũng như văn hóa Á-đông nói chung, thường thường khi con trai cưới vợ cha mẹ không muốn hoặc không cho phép con lìa khỏi gia đình hay tách rời khỏi cha mẹ để thành lập gia đình mới. Trái lại, nhiều bậc cha mẹ muốn con trai khi cưới vợ vẫn tiếp tục sống chung với cha mẹ và xem con dâu là một thành viên thêm vào trong gia đình và tất cả mọi người đều ở dưới sự lãnh đạo và kiểm soát của cha mẹ. Nhiều cô dâu trong ngày cưới buồn khóc lo lắng vì không biết về nhà chồng mình sẽ gặp khó khăn nào, đời sống hôn nhân sẽ ra sao. Chúng ta cũng đã nghe, biết, và có thể có người cũng đã kinh nghiệm về nan đề giữa mẹ chồng nàng dâu, là điều đem lại đau buồn cho những người vợ trẻ. Thiên Chúa thiết lập hôn nhân để ban phước cho chúng ta nên chúng ta cần sống trong hôn nhân theo nguyên tắc và mạng lệnh Chúa truyền. Thật ra, Chúa ban cho chúng ta những mạng lệnh này vì Ngài muốn chúng ta được phước, và thật sự được hạnh phúc trong hôn nhân.
Trong tiêu chuẩn của Chúa, khi người nam lập gia đình, sẽ trở thành chủ của gia đình mới, có trách nhiệm lãnh đạo, chăm sóc, bảo vệ, và hướng dẫn gia đình, gồm có người vợ trẻ và sau đó có thêm con cái nữa. Vì Chúa dạy: người nam khi lập gia đình phải lìa cha mẹ để kết hợp làm một với vợ. Đây là bước đầu tiên và là điều kiện cần có để xây dựng hôn nhân. Người con trai phải có đủ can đảm, đủ nghị lực để rời cha mẹ, và phải có đủ khả năng để tự lập thì mới nên có gia đình riêng.
Mặt khác, để con cái làm theo Lời Chúa dạy, thật sự tự lập để lãnh đạo gia đình mới, là phụ huynh chúng ta cũng cần vâng theo mạng lệnh của Chúa, cho phép con, nhất là con trai, lìa khỏi gia đình, khỏi sự kiểm soát của cha mẹ để thật sự làm chủ, lãnh đạo gia đình mới của con. Nếu con học hành chưa xong, chưa có việc làm vững chắc để nuôi sống chính mình và vợ con, tức là chưa sẵn sàng để tự lập, quý vị phụ huynh nên khuyên con chờ đợi một thời gian nữa hẵng cưới vợ. Chúng ta không nên khuyến khích hay tạo điều kiện để con nương nhờ cha mẹ, tùy thuộc cha mẹ khi lập gia đình, vì con cái sẽ ỷ lại, không trưởng thành và sẽ không thể tự lập, nhất là người con trai đó không thể là người thật sự lãnh đạo và làm chủ gia đình theo như khuôn mẫu Chúa dạy.
Tuy nhiên, khi đôi vợ chồng trẻ rời cha mẹ để thành lập gia đình mới, không có nghĩa là sẽ ruồng bỏ cha mẹ, không kính yêu và không giúp đỡ cha mẹ nữa nhưng chỉ có nghĩa là đôi vợ chồng trẻ phải tự lo tự lập, nhất là không tùy thuộc cha mẹ về mặt tài chánh và không ở dưới quyền của cha mẹ nữa. Trong trường hợp cha mẹ cao tuổi, đau ốm hoặc đơn chiếc, cần có con cái ở gần chăm sóc, đôi vợ chồng mới có thể đem cha mẹ về sống với mình nhưng gia đình của con vẫn là một đơn vị độc lập, không ở dưới sự quản lý và kiểm soát của cha mẹ, nhất là về vấn đề tiền bạc hay trước những quyết định quan trọng của vợ chồng. Chúa ban cho chúng ta một khuôn mẫu hôn nhân rõ ràng để chúng ta được sống trong hạnh phúc, vì vậy, nếu không theo khuôn mẫu Chúa dạy, e rằng chúng ta sẽ không tránh được nan đề trong hôn nhân.
Ngoài ra, để gia đình mới được bình an hạnh phúc, đôi vợ chồng trẻ cũng phải thay đổi nếp sống của thời độc thân. Người độc thân, sống một mình nên có nhiều tự do: Tự do sử dụng thì giờ, tiền bạc; lúc nào muốn đi chơi, đi du lịch với ai, muốn sử dụng tiền bạc, mua sắm thế nào cũng được, không bị ai ràng buộc, cũng không bị giới hạn vì nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, khi có gia đình, những tự do đó cần được điều chỉnh hoặc giới hạn lại, vì sẽ ảnh hưởng đến vợ chồng và con cái. Ngoài ra, nếu khi còn độc thân chúng ta có những người bạn thân, thường gặp nhau, đi chơi với nhau bất cứ lúc nào, ở nơi nào.
Khi có gia đình rồi nếu những người bạn đó vẫn liên hệ, chứ không thay đổi, không quan tâm đến đời sống riêng tư của vợ chồng người khác, làm cho vợ chồng bạn mất đi những thì giờ dành cho gia đình thì chúng ta cần cẩn thận. Người mới lập gia đình không cắt đứt liên hệ với tất cả những người bạn của ngày độc thân nhưng chúng ta cần cho bạn thấy rằng đời sống mình bây giờ đã thay đổi, thứ tự ưu tiên cũng đã thay đổi vì thế có những giới hạn mà bạn bè cũ cần tôn trọng. Chúng ta cũng cần tránh trường hợp vì chiều theo ý của cha mẹ hay bạn bè cũ mà không còn thì giờ cho người bạn đời, khiến người đó buồn, thất vọng vì thấy mình bị bỏ quên hoặc không còn quan trọng đối với vợ hay chồng mình nữa (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành