Tôn Thờ Thiên Chúa
Thưa quý thính giả,
Câu Chuyện Phúc Âm hôm nay và trong những tuần tới, tôi xin trình bày về thập giới hay Mười Điều Răn Thiên Chúa ban cho con dân của Ngài ngày xưa và cho chúng ta hôm nay. Mục đích của những giới răn là đặt ra một hàng rào cản để bảo vệ con người. Trên các trục lộ giao thông, ở những quãng đường nguy hiểm, người ta luôn luôn có những rào chắn để xe cộ không bị rơi xuống hố sâu. Ở những khoảng đường nguy hiểm mà không có rào cản sẽ khiến chúng ta lo sợ vì có thể bị rơi xuống những hố sâu đó. Luật lệ trong xã hội cũng như kỷ luật trong gia đình là những rào cản tương tự, giúp cho con người tránh xa tội lỗi và những điều xấu xa, bảo vệ chúng ta. Ngày xưa, khi con dân Chúa vừa được giải phóng khỏi Ai-cập, Thiên Chúa cũng đã ban cho họ những điều luật tương tự, không phải để gò bó họ nhưng để bảo vệ họ khỏi tội lỗi.
Những điều luật của Thiên Chúa cũng thiết lập một căn bản hay nền tảng của công lý và chân lý, tương tự như hiến pháp của một quốc gia. Đời sống người tin Chúa được xây dựng trên căn bản nầy. Người tin Chúa không vâng giữ điều răn để được cứu rỗi vì không ai có thể giữ trọn Mười Điều Răn. Chỉ một mình Chúa Giê-xu là Đấng vô tội mới giữ vẹn Mười Điều Răn và khi chúng ta tin Chúa Giê-xu là Đấng gánh tội thế cho mình thì Thiên Chúa kể chúng ta như đã giữ vẹn Điều Răn của Ngài và không còn bị kể là tội nhân nữa. Do đó, người tin Chúa vâng giữ Điều Răn của Chúa vì yêu Chúa chứ không phải vâng giữ Điều Răn để được cứu.
Chúa Giê-xu đã tóm tắt Mười Điều Răn lại thành hai điều, là Yêu Chúa và Yêu Người. Yêu Chúa, chúng ta làm trọn bổn phận với Chúa thể hiện trong Điều Răn thứ nhất đến Điều Răn thứ tư. Yêu người, chúng ta làm trọn bổn phận với người thể hiện trong Điều Răn thứ năm đến Điều Răn thứ mười. Hôm nay chúng ta sẽ học Điều Răn Thứ Nhất nói về bổn phận của chúng ta đối với Đức Chúa Trời như sau. Chúa phán:
Trước mặt Ta, người chớ có các thần khác (Xuất Ai-cập ký 20:3)
Điều luật nầy cho thấy Thiên Chúa là Chân Thần duy nhất cho chúng ta tôn thờ. Con dân của Chúa ngày xưa được dạy cho câu nhật tụng như sau:
Hỡi Israel hãy nghe, Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai! (Phục truyền 6:4)
Thiên Chúa là chân thần duy nhất cho chúng ta tôn thờ. Thiên Chúa là chân thần duy nhất vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, tạo dựng muôn vật mọi loài, chúng ta gọi là Ông Trời. Thiên Chúa chẳng những tạo dựng muôn vật mọi loài, Ngài ban cho chúng ta sự sống. Thiên Chúa là nguồn gốc của chúng ta. Cây có cội, nước có nguồn, tôn thờ Thiên Chúa là cội nguồn là bổn phận đương nhiên của con người. Trong điều luật đầu tiên nầy, Thiên Chúa phán:
Trước mặt Ta, người chớ có các thần khác (Xuất Ai-cập ký 20:3)
“Các thần khác” hàm ý con người đã không tôn thờ Thiên Chúa nhưng tôn thờ các đối tượng khác. Người xưa, vì thiếu hiểu biết đã thờ thần sông, thần núi, tôn thờ cả những sinh vật do Thiên Chúa tạo dựng như cá voi hay hổ báo. Người xưa vì thiếu hiểu biết nên đã thờ lạy sai lầm còn con người thời nay vì hiểu biết nhiều nên đã tôn thờ cái hiểu biết của mình và gạt bỏ Thiên Chúa là chân thần duy nhất qua một bên. “Các thần khác” của thời đại chúng ta có thể là thần tiền bạc, thần danh vọng, thần lạc thú… Bất cứ điều gì đứng hàng đầu trong đời sống, đó là vị thần của chúng ta. Vị thần đó bây giờ thường là chính mỗi cá nhân con người như trong cá nhân chủ nghĩa nhiều người đang sống. Thánh Kinh mô tả đầy đủ về việc tôn thờ các thần khác như sau. Sứ đồ Phao-lô trong là thư gởi cho người Rô-ma trong thế kỷ thứ nhất đã viết như sau:
Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời từ trên trời được tỏ bày để chống lại mọi sự vô luân và gian ác của những kẻ dùng sự gian ác mà áp chế chân lý. Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài. Cho nên họ không thể bào chữa được. Vì mặc dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài, nhưng cứ suy luận viển vông. Lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên dại. Họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời bất diệt để lấy hình tượng của loài người hư nát, hoặc của chim muông, thú vật, hay loài bò sát (Thư Rô-ma 1:18-23)
Phần Kinh Thánh nầy cho thấy những điều sau:
- Thiên Chúa mạc khải cho mọi người biết Ngài là ai qua thiên nhiên, qua các tạo vật:
Những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài.
- Dù biết rõ như vậy, con người đã cố tình phủ nhận Thiên Chúa:
Mặc dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài, nhưng cứ suy luận viển vông.
- Thay vì tôn thờ Thiên Chúa là Tạo Hóa, con người đã tôn thờ tạo vật:
Họ tự xưng mình là khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên dại. Họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời bất diệt để lấy hình tượng của loài người hư nát.
“Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác” là điều luật đầu tiên Chúa ban cho con người nhưng con người đã vi phạm điều luật nầy từ đầu đó là khước từ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và tôn thờ những thần khác do chính mình tạo nên. Khước từ Thiên Chúa là ánh sáng nên con người đi dần vào bóng tối. Kinh Thánh cho biết: “Lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối.” Quay lưng lại với ánh sáng, trước mặt sẽ chỉ là bóng tối. Chính trong cái bóng tối tội lỗi đó, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giáng trần, một lần nữa đem ánh sáng đến cho nhân loại. Chúa Giê-xu phán:
Ta là ánh sáng của thế giới, người nào theo Ta sẽ không đi trong bóng tối nhưng có ánh sáng của sự sống (Phúc Âm Giăng 8:12)
“Ánh sáng của sự sống” nghĩa là ánh sáng đem lại sự sống. Người khước từ Thiên Chúa chẳng những là người đi trong bóng tối nhưng cũng là người chết, chết về mặt tâm linh đối với Đức Chúa Trời. Chết nghĩa là bị phân cách, không được nối liền với Thiên Chúa là nguồn sống. Do đó, khi một người mở lòng ra tiếp nhận ánh sáng của Thiên Chúa tức là tiếp nhận Chúa Giê-xu, người đó chẳng những được soi sáng để đi con đường đúng nhưng cũng kinh nghiệm sự sống do Chúa Giê-xu đem lại. Sự sống nầy là một đời sống có ý nghĩa trên trần gian và đời sống phước hạnh trong cõi vĩnh hằng. Khước từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ mãi mãi sống trong bóng tối và sẽ không thật sự sống cho đến khi tiếp nhận sự sống của Đức Chúa Trời qua cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu. Phúc Âm chúng tôi rao truyền cho quý vị là như vậy, ước mong quý vị mở lòng tiếp nhận ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta qua cái chết của Chúa Giê-xu. Ăn năn tội, quay trở lại tôn thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu rỗi chúng ta, chúng ta sẽ tận hưởng sự sống Chúa hứa ban cho những ai tin nhận Ngài.
Kính mời quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau để được hướng dẫn trong việc tin nhận Chúa Giê-xu. Dịa chỉ của chúng tôi như sau:
Phát Thanh Tin Lành
2275 W Lincoln Ave
Anaheim CA 9801
(714) 533-2278
Nhấn Vào Liên Lạc
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành