Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 34)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui lại được thưa chuyện với quý vị qua tiết mục “Câu Chuyện Gia Ðình” của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành. Ước mong những điều chúng tôi chia sẻ trong tiết mục này đã mang lại cho quý vị một vài hữu ích trong đời sống hôn nhân và gia đình. Nguyện xin Thiên Chúa ban phước và dẫn dắt quý vị, để quý vị sớm là môn đồ của Chúa, được sống trong sự hướng dẫn của Chúa và Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Hôm nay chúng tôi xin tiếp tục nói về đề tài “Tha Thứ trong Hôn Nhân.” Khi nói đến tha thứ trong hôn nhân, chúng ta cần nghĩ đến việc tha thứ những chuyện lớn và nghiêm trọng cũng như tha thứ những chuyện nhỏ nhặt xảy ra hằng ngày.
Có hai vợ chồng kia sống chung được ba năm thì bắt đầu có nan đề. Bạn bè, bà con đều ngạc nhiên vì biết hai người yêu nhau hơn bốn năm mới cưới. Lúc mới giận thỉnh thoảng họ còn trao đổi với nhau vài lời nhưng sau một thời gian họ không nói chuyện với nhau nữa. Mỗi khi cần trao đổi điều gì thì nói trống không vài câu hoặc viết giấy để trên bàn. Dần dần hai người tìm cách tránh nhau, hễ người này ở nhà thì người kia tìm cớ ra khỏi nhà. Cuối tuần có thì giờ rảnh thì mỗi người lo một công việc khác nhau, người đi thăm bà con, người thì đi chơi với bạn. Hỏi thăm mọi người mới biết là lúc đầu hai vợ chồng chỉ giận nhau những chuyện nhỏ như, chồng quyết định những việc liên quan tới gia đình mà không hỏi ý vợ. Cô vợ làm việc nhà, lo cho con mệt mỏi mà chồng không giúp. Chồng làm gì vợ cũng không khen mà con chê hoặc sửa sai. Hai vợ chồng giận nhau những chuyện nhỏ nhặt không đáng nhưng hễ nói ra thì không ai nhận là mình có lỗi, vì thế không xin lỗi và không tha thứ cho nhau. Lòng cay đắng, bực bội âm thầm đã gặm nhấm tình yêu giữa hai người mà không ai hay, đến khi biết ra thì tình yêu giữa hai người hầu như đã chết. Tất cả chỉ vì thiếu lòng tha thứ.
Có người đã nói, hôn nhân không chỉ là sự kết hợp giữa hai người yêu nhau nhưng cũng là kết hợp của hai trái tim sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của nhau. Tại sao vợ chồng cần tha thứ cho nhau? Chúng ta cần tha thứ cho nhau vì những lý do sau:
- Chúng ta là con người yếu đuối bất toàn, có nhiều lỗi lầm.
- Nếu không tha thứ, buồn giận cay đắng sẽ chồng chất khiến vợ chồng trở nên ngăn cách.
Đó là hai lý do chúng tôi đã nói đến trong chương trình Sống Đạo Gia Đình kỳ trước. Hôm nay chúng tôi xin trình bày những lý do khác như sau:
Lý do 3: Chúng ta tha thứ cho nhau vì đó là mạng lệnh của Chúa
Tha thứ cho người có lỗi với mình là chúng ta làm theo lời Chúa dạy. Kinh Thánh dạy rất nhiều về vấn đề tha thứ. Trong thư gởi cho các tín hữu tại thành Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô viết:
Anh em là những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, là người thánh vả rất yêu dấu. Vậy hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục. Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết những điều này, phải mặc lấy tình yêu thương, vì là dây liên kết của sự toàn hảo (Cô-lô-se 3:12-14, Bản Hiệu Đính)
Khi tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Đời, chúng ta được Chúa tha thứ mọi tội lỗi và được ban cho địa vị cao quý, đó là được trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng:
Hễ ai đã nhận Ngài (Chúa Cứu Thế Giê-xu) thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời (Phúc Âm Giăng 1:12)
Trong thư Giăng thứ nhất, sứ đồ Giăng lại viết:
Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín, công bình, để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (Thư I Giăng 1:9)
Khi chúng ta xưng tội với Chúa, Ngài sẽ tha thứ ngay, tha thứ hết, và làm cho chúng ta được sạch mọi điều gian ác. Và đối với người có lỗi, mạng lệnh của Chúa mà chúng ta phải tuân hành “Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.” Sứ đồ Phao-lô cũng dạy lời tương tự:
Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế (Ê-phê-sô 4:32)
Để bày tỏ lòng kính yêu Chúa, biết ơn Chúa, chúng ta cần vâng giữ lời Chúa, tuân hành mạng lệnh Chúa phán truyền, một trong những lời dạy đó là tha thứ cho người như Chúa đã tha thứ cho mình. Vâng lời Chúa dạy, khi bạn bè, người thân hay người phối ngẫu gây tổn thương, thiệt hại cho chúng ta và sau đó xin lỗi, chúng ta hãy tha thứ. Nếu không tha thưù làchúng ta không vâng theo mạng lệnh của Chúa.
Lý do 4: Nếu không tha thứ cho người, chúng ta sẽ không được tha thứ
Trong Bài Giảng Trên Núi, về vấn đề tha thứ Chúa Giê-xu dạy: “Nếu các con tha lỗi cho người ta thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha lỗi cho người ta thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các con” (Ma-thi-ơ 6:14-15). Đây không phải là sự đổi chác nhưng hàm ý rằng khi nhận được ơn tha thứ của Chúa, chúng ta sẽ biết ơn Chúa, có lòng yêu thương đối với người chung quanh mà sẵn sàng tha thứ cho họ. Khi một người căm giận, ghim lỗi và không tha thứ cho người có lỗi, có thể lắm là người đó chưa kinh nghiệm ơn tha thứ của Chúa, và như thế chứng tỏ người đó chưa được cứu vì chưa được tha thứ. Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi lại câu chuyện Chúa Giê-xu kể về người đầy tớ không có lòng thương xót, để dạy các môn đồ về vấn đề tha thứ. Kinh Thánh ghi:
Lúc ấy, Phi-e-rơ đến gần Đức Chúa Jêsus và hỏi: “Thưa Chúa, nếu anh em con phạm lỗi với con thì con sẽ tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” Ngài đáp: “Ta không nói với con chỉ bảy lần đâu, nhưng là bảy mươi lần bảy. Vậy nên, vương quốc thiên đàng ví như vị vua kia muốn kết toán sổ sách với các đầy tớ của mình. Khi vua bắt đầu soát sổ, người ta đem đến cho vua một người mắc nợ vua mười nghìn ta-lâng. Vì người ấy không có gì để trả nên vua ra lệnh bán người, vợ con và tất cả tài sản, để trả nợ. Người đầy tớ quỳ xuống van nài: ‘Thưa chúa, xin hoãn cho tôi thì tôi sẽ trả hết!’ Vua động lòng thương, thả người ấy về và tha nợ cho. Nhưng khi đầy tớ ấy ra về, gặp một đồng bạn mắc nợ mình một trăm đơ-ni-ê thì tóm lấy cổ và nói: ‘Hãy trả hết nợ đi.’ Bạn quỳ xuống, nài nỉ: ‘Xin hoãn cho tôi thì tôi sẽ trả cho anh.’ Nhưng người nầy không chịu, cứ bắt bạn bỏ tù cho đến lúc trả hết nợ. Những đồng bạn khác thấy vậy thì rất buồn, đến thuật lại với vua mọi việc đã xảy ra. Vua truyền gọi đầy tớ ấy đến và nói: ‘Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi van nài ta; thế sao ngươi lại không thương xót đồng bạn mình, như ta đã thương xót ngươi?’ Vua nổi giận, giao nó cho cai ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. Nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ anh em mình thì Cha Ta trên trời cũng đối xử với các con như vậy (Ma-thi-ơ 18:23-35)
Người đầy tớ được chủ thương xót tha nợ cho nhưng không thương xót anh em mình, không tha thứ cho họ nên rốt lại không được tha thứ. Khi chúng ta đã nhận ơn tha thứ của Chúa, chúng ta hãy tha thứ cho anh em chị em ta, là những người có lỗi với chúng ta. Kinh Thánh dạy:
Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy (Thư Ê-phê-sô 4:32)
Có lẽ vợ/chồng của quý vị, hay anh chị em trong gia đình hoặc trong đám bạn bè thân quen, có người đã gây buồn phiền, tổn thương cho quý vị, khiến quý vị căm giận, buồn phiền và không muốn tha thứ cho người đó. Nếu có, xin quý vị hãy vâng theo Lời Chúa dạy, bỏ qua lỗi lầm của người đã gây buồn phiền, tổn thương cho mình và cư xử với họ tốt đẹp như lúc ban đầu. Làm như vậy quý vị sẽ kinh nghiệm được niềm vui và ơn lành Chúa ban, và mối quan hệ giữa quý vị với người đó cũng sẽ dần dần được tốt đẹp ngọt ngào hơn. Nếu người ta phiền giận là người bạn đời, chúng ta cần tha thứ, giải hòa với nhau ngay hôm nay vì nếu đợi đến ngày mai có thể sẽ quá trễ, chúng ta có thể không còn cơ hội để tha thứ và giải hòa với nhau nữa (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành