Bất Hòa Trong Hôn Nhân (Bài 4)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Trong mấy tuần qua chúng tôi trình bày đề tài “Bất Hòa Trong Hôn Nhân,” nói về những điều chúng ta cần tránh khi vợ chồng hiểu lầm nhau hay phiền giận nhau. Vợ chồng dù sống với nhau bao nhiêu năm, yêu nhau nhiều bao nhiêu cũng không tránh được những lúc buồn giận hay hiểu lầm nhau. Lý do trước hết là vì chúng ta là con người yếu đuối bất toàn chứ không phải thánh nhân; hơn nữa, vì vợ chồng sống bên cạnh nhau mỗi ngày, hết năm này sang năm khác, cùng chia xẻ tất cả mọi điều trong đời sống nên khó tránh được những lúc phiền giận nhau, gây tổn thương cho nhau. Vì không thể tránh những điều làm buồn lòng nhau hay gây tổn thương cho tình cảm vợ chồng, chúng ta cần biết nên làm gì khi những điều này xảy ra.
Dựa vào Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, và dựa vào lời đề nghị của tác giả quyển sách tựa đề: “Mười Giới Răn cho Hôn Nhân,” trong tiết mục này mấy tuần qua chúng tôi chia xẻ những điều chúng ta cần tránh khi vợ chồng giận nhau hay có chuyện bất bình, không vui, những điều đó là:
- Không đè nén hay che giấu cảm xúc trước những sự việc nghiêm trọng, cần bày tỏ cảm xúc.
- Không nên phản ứng quá mạnh: tức là nói những lời làm tổn thương danh dự hay có những hành động quá đáng, gây đau đớn cho vợ/chồng mình.
- Không đem chuyện riêng tư hay khuyết điểm của vợ/của chồng nói cho mọi người biết.
- Đừng tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó xử vì nói những điều quá đáng, tuyên bố những việc mình không thể làm được.
- Đừng làm ngơ, làm bộ bình thản như không có chuyện gì xảy ra, cũng đừng im lặng, rút vào vỏ ốc để tránh xung đột.
Tại sao khi vợ chồng phiền giận nhau chúng ta không nên che giấu cảm xúc đau buồn, nhất là trước những sự việc quan trọng? Như chúng ta đã biết, mỗi chúng ta, dù là vợ hay chồng, đều là con người bất toàn, yếu đuối không thể tránh những lúc lầm lỗi. Hơn thế nữa, vì sống chung dưới một mái nhà, chia xẻ mọi điều trong đời sống hết ngày này sang ngày khác nên dù yêu nhau nhiều bao nhiêu, chúng ta cũng không thể tránh những lúc làm buồn lòng nhau hoặc vô tình gây tổn thương cho nhau. Khi có điều không hay hoặc không vui như thế xảy ra, chúng ta không nên che giấu nỗi buồn bực, phiền giận trong lòng, làm bộ bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cũng không nên đè nén buồn giận, giả vờ như điều xảy ra đó không ảnh hưởng gì đến mình. Khi chúng ta đè nén hay che giấu nỗi phiền giận khi có điều không hay hoặc không vui xảy ra giữa vợ chồng, người kia sẽ không biết lỗi lầm hay sai sót của mình, để nhận lỗi và sửa đổi. Trong khi đó, người buồn giận mà che giấu, không bày tỏ ra sẽ càng buồn giận hơn, khiến nan đề trở thành nghiêm trọng và to lớn hơn. Người không thành thật bày tỏ nỗi buồn giận nhưng ôm giữ trong lòng qua nhiều năm tháng sẽ có thể đi đến chỗ bị bệnh trầm cảm hoặc những chứng bệnh nguy hiểm khác. Buồn giận trước những sự việc chính đáng không phải là tội, nhưng là cảm xúc tự nhiên và cần thiết mà Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, ban cho con người.
Trong thời gian thi hành chức vụ trên trần gian, có lúc Chúa Giê-xu cũng bày tỏ buồn giận trước những sự việc sai quấy. Các sách Phúc Âm nhiều lần ghi lại trường hợp Chúa Giê-xu giận. Chẳng hạn như, tác giả Phúc Âm Mác ghi lại sự việc như sau:
“Lần khác, Đức Chúa Giê-xu vào nhà hội, ở đó có một người bị teo bàn tay. Mọi người rình xem Chúa có chữa cho người đó trong ngày Sa-bát không, đặng lên án Ngài. Chúa phán với người bị teo tay: Hãy dậy, đến đứng giữa đây. Rồi Ngài hỏi dân chúng: “Trong ngày Sa-bát nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người?” Mọi người đều im lặng. Bấy giờ Ngài liếc mắt nhìn họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi” (Phúc Âm Mác 3:1-5).
Một lần khác, Chúa Giê-xu cũng phiền giận, đó là khi các môn đồ ngăn cản, không cho người ta đem các em nhỏ đến với Chúa để Ngài chúc phước cho các em. Kinh Thánh ghi như sau: “Người ta đem những trẻ em đến cùng Chúa Giê-xu để Ngài đặt tay trên chúng nhưng môn đồ trách những người đem đến. Đức Chúa Giê-xu thấy vậy bèn giận mà phán cùng môn đồ rằng:
“Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm chúng, vì Vương Quốc Đức Chúa Trời thuộc về những ai giống như các con trẻ ấy” (Phúc Âm Mác 10:13-14).
Một lần khác nữa, sách Phúc Âm cũng ghi rằng Chúa Giê-xu giận, đó là lúc Ngài lên đền thờ và thấy người ta buôn bán trong đền thờ, nơi dành riêng để thờ phượng Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu đã biểu lộ sự bất bình cách rõ ràng. Chúng ta có thể đọc về sự việc này trong Phúc Âm Giăng thứ 2.
Có người nhận xét về những người không biểu lộ cảm xúc trước những sự việc bất ưng như sau: Những người không biết giận, không bày tỏ sự bất bình trước những điều mình biết là sai quấy, không chấp nhận hay không đồng ý, dù biết rõ đó là điều sai quấy, những người như thế sẽ không làm được việc gì, cũng không thể đóng góp để xây dựng gia đình hay xã hội. Từ xưa đến nay, những người bất bình trước những tệ trạng, tội lỗi hay bất công trong xã hội và muốn tìm cách giải quyết thường đã đứng lên, thành lập những cơ quan từ thiện, những hội đoàn hữu ích để cứu người vô tội, thấp cổ bé miệng, cứu người gặp hoạn nạn hoặc lập ra những cơ quan đặc biệt để bài trừ những tệ nạn trong xã hội.
Lời Chúa trong Kinh Thánh không dạy rằng chúng ta không được phép giận nhưng dạy chúng ta không nên nhạy giận, dễ giận tức là gặp việc gì không vừa ý một chút là nổi giận ngay. Kinh Thánh cũng dạy không nên giận lâu, quan trọng hơn nữa là khi giận ai hay giận về điều gì, chúng ta phải cầm giữ lòng giận để phản ứng khôn ngoan, phải lẽ, hầu không bị ma quỷ lợi dụng, khiến chúng ta nói hay làm những điều gây tổn thương cho bạn bè và người thân yêu. Sứ đồ Gia-cơ khuyên chúng ta như sau:
“Mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của loài người không thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 1:19).
Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta một nguyên tắc quan trọng khác về sự phiền giận, ông viết: “Khi anh em nóng giận thì đừng phạm tội, đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn, đừng tạo một cơ hội nào cho ma quỷ.”
Lời khuyên của sứ đồ Phao-lô cho chúng ta ba nguyên tắc quan trọng chúng ta cần ghi nhớ và áp dụng khi có điều phiền giận, nhất là phiền giận vợ chồng hay con cái. Ba nguyên tắc đó là:
Khi đang nóng giận đừng phạm tội
Khi biết mình đang giận ai hay giận về chuyện gì, hãy cẩn thận kềm chế, đừng gây tổn thuơng, đau đớn hay đổ vỡ cho hả cơn giận. Có ông chồng kia, mỗi khi gặp chuyện không vừa ý thì nổi giận, ông đấm vào tường cho hả giận, vì vậy tường trong nhà bị hư bể nhiều chỗ. Một ông cha khác, mỗi khi nổi giận thì đập bể đồ dùng trong nhà, như bình bông, đồng hồ treo tường, v.v… Một ngày kia vừa ngồi vào bàn ăn, nghe một chuyện gì đó thì nổi giận với vợ, và ông liền hất đổ hết thức ăn, chén bát trên bàn xuống đất, vợ và các con khiếp sợ, chỉ biết buồn khóc và phải nhịn đói hôm đó. Vì hậu quả nguy hiểm của những việc làm cho hả giận, chúng ta cần thực hành lời Chúa dạy: Khi đang giận đừng phạm tội, tức là đừng làm một diều gì đó cho hả cơn giận.
Đừng căm giận cho đến khi mặt trời lặn
Mặt trời lặn là lúc một ngày chấm dứt để chào đón một ngày mới. ‘Đừng giận cho đến khi mặt trời lặn,” nghĩa là đừng giận lâu, đừng ôm giữ lòng buồn giận từ ngày này sang ngày khác. Nếu trong ngày chúng ta có điều buồn giận nhau, hãy nhờ Chúa nói ra và giải quyết giải hòa với nhau nội trong ngày đó, đừng ôm giữ lòng buồn giận hết ngày này sang ngày khác, sự tổn hại sẽ gia tăng, càng suy nghĩ điều mình giận, chúng ta càng giận nhiều hơn và bị tổn thương hơn, và nguy hiểm nhất là càng khó giải hòa với nhau hơn.
Đừng tạo cơ hội cho ma quỷ
Khi giận chúng ta thường thiếu khôn ngoan, cái tôi trở nên to lớn và dễ bị ma quỷ xui khiến làm những điều thiếu khôn ngoan. Vì vậy, đừng để ma quỷ lợi dụng cơ hội, phá hủy hạnh phúc gia đình chúng ta, khiến vợ chồng, cha mẹ con cái trở nên thù ghét nhau, không muốn giải hòa với nhau nữa (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành