Chuyện Lứa Đôi (Bài 7)
Tại sao vậy? Có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân khiến cho một cuộc hôn nhân trở thành cay đắng và chua chát thay vì ngọt ngào hạnh phúc. Trong phạm vi bài nói chuyện hôm nay chúng tôi xin chia xẻ với các bạn trẻ một vài điều các bạn cần tránh khi nghĩ đến việc lập gia đình, để hôn nhân của các bạn tránh được những khó khăn sau này.
1. Đừng quyết định tiến tới hôn nhân cách vội vàng
Điều đầu tiên các bạn cần tránh, cũng là điều chúng tôi đã chia xẻ trong câu chuyện gia đình kỳ trước là: Đừng quyết định tiến tới hôn nhân cách quá vội vàng. Khi mới gặp nhau vài lần, yêu thương nhau vài tháng các bạn chưa hiểu nhau đủ, vì thế không nên quyết định lập gia đình với nhau. Chuyện quan trọng cả đời mà chúng ta quyết định cách hấp tấp vội vàng như thế sẽ không tránh được những hậu quả tai hại.
2. Đừng lập gia đình khi còn quá trẻ
Lập gia đình khi còn quá trẻ cũng dễ gặp khó khăn trong đời sống lứa đôi. Những bạn trẻ dưới hai mươi tuổi, tức là còn trong tuổi thiếu niên (teenager), mà quyết định lập gia đình thì e rằng quá sớm. Trong tuổi này, các bạn chưa hiểu rõ chính mình nên chưa đủ khôn ngoan để chọn người bạn đời thích hợp với mình. Thông thường người ta định tuổi thành nhân của một người là hai mươi mốt. Vì đến tuổi này con người mới phát triển đầy đủ về mọi phương diện: thể xác, tinh thần và tình cảm. Một người trưởng thành như thế mới có thể gánh vác trách nhiệm trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Dĩ nhiên cũng có những bạn trẻ mới mười chín, hai mươi nhưng trưởng thành hơn những người trên ba mươi, nhưng đó là những trường hợp đặc biệt, hiếm có.
Hầu hết các thanh niên thiếu nữ dưới hai mươi tuổi thường rất non trẻ, còn ham chơi và ham vui, vì thế khó có thể buộc mình vào nếp sống của người có gia đình. Không những thế, các bạn hầu hết chưa có mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời. Một ví dụ điển hình là chúng ta thường thấy một số bạn trẻ, vào đại học nhưng chưa biết chọn ngành nghề gì nên cứ học những môn tổng quát hoặc cứ vài năm lại đổi sang ngành khác, và vì thế có người học bốn, năm năm nhưng không xong mảnh bằng nào cả. Khi còn quá trẻ, bạn thường chưa hiểu rõ chính mình nên cũng khó có thể hiểu người khác, dù đó là người bạn yêu. Từ chỗ không hiểu, bạn sẽ không thông cảm, và vì thế sẽ khó chấp nhận những khác biệt hay khuyết điểm của nhau.
Ngoài ra, trong tuổi dưới hai mươi các bạn thường chưa học hành đến nơi đến chốn, cũng chưa có công ăn việc làm vững chắc. Vì lý do đó, các bạn còn tùy thuộc cha mẹ trong nhiều phương diện. Nếu lập gia đình trong tình trạng như thế, các bạn không thể cung ứng nhu cầu cho gia đình, gia đình mới của bạn thường sống chung với cha mẹ chứ không độc lập đối với gia đình cha mẹ. Khi hai đơn vị gia đình sống chung dưới một mái nhà và tùy thuộc vào nhau nhiều sẽ khó tránh được những đụng chạm giữa hai thế hệ, nhất là về vấn đề thẩm quyền trong gia đình.
Một nguy hiểm khác của việc lập gia đình khi còn quá trẻ là về mặt tình cảm. Những bạn dưới tuổi thành niên đời sống tình cảm thường chưa ổn định và hay thay đổi. Vì không biết rõ mình cần gì hay muốn điều gì nên các bạn thường chọn lựa người bạn đời cách thiếu khôn ngoan. Khi tình cảm chưa phát triển đầy đủ và chưa ổn định mà đã quyết định lập gia đình với nhau, những đôi vợ chồng trẻ dễ chán nhau và muốn bỏ nhau. Đây là điều chúng ta thấy rất nhiều trong xã hội Mỹ cũng như trong xã hội Việt Nam.
Một số những người lập gia đình khi còn quá trẻ, dù sau này thêm bao nhiêu tuổi cũng không trưởng thành trong một vài phương diện nào đó. Họ giống như một trái cây hái non nên không bao giờ chín. Những đôi vợ chồng cưới nhau khi còn quá trẻ vì thiếu kinh nghiệm sống thường không hiểu nhau và không biết cách cư xử với nhau. Họ cũng không có đủ nghị lực để chịu đựng gian khổ và thử thách. Trong cách đối xử với nhau, họ dễ thiếu lòng nhân từ, mềm mại và nhịn nhục, do đó gia đình hay có nhiều xung đột.
Nếu các bạn trẻ này chưa bao giờ ra đời tự lập nhưng sống trong sự bảo bọc của cha mẹ cho đến ngày lập gia đình, họ sẽ rất bỡ ngỡ trong gia đình riêng, sẽ bối rối khi đứng trước những quyết định lớn lao, và lo lắng khi có chuyện bất ngờ xảy đến. Khi có con cái, những người cha người mẹ quá trẻ này thường không kiên nhẫn với con. Họ cũng không biết chăm sóc con, dạy dỗ con, vì trong nhiều phương diện, chính họ vẫn còn là một đứa trẻ. Những cha mẹ quá trẻ cũng thường không nêu gương tốt cho con trong đời sống hằng ngày nên dễ gặp nhiều nan đề với con khi con đến tuổi thiếu niên.
Nếu không nên lập gia đình khi còn quá trẻ, vậy đến tuổi nào là tuổi nên lập gia đình? Đây là một câu hỏi khó trả lời. Người ta có thể xác định đến tuổi nào một người được phép lái xe, được quyền bỏ phiếu, hay đến tuổi nào học lớp mấy, nhưng không ai có thể xác định rõ ràng đến tuổi nào một người có thể lập gia đình. Lý do là vì điều này còn tùy nhiều yếu tố. Chẳng hạn như tùy ở mức độ trưởng thành của bạn trẻ, tùy hoàn cảnh gia đình, đời sống tình cảm, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội, mục tiêu trong đời sống, v.v... Tuy nhiên, chúng ta có thể nói nguyên tắc chung là, khi một người có thể tự lập về kinh tế, có tinh thần trách nhiệm, biết lo cho người khác, hiểu rõ chính mình và có mục tiêu rõ ràng cho đời sống, đó là lúc người ấy có thể lập gia đình.
Có đôi vợ chồng nọ lập gia đình trong lúc cả vợ và chồng đều mới mười tám tuổi. Hai người gặp nhau trong một tiệc cưới, sau đó yêu nhau và xin cha mẹ cho lấy nhau. Vì học hành chưa xong, công việc làm không có, sau ngày cưới hai vợ chồng tiếp tục sống chung với gia đình bên chồng. Cha mẹ chồng là người giàu có nên suốt mấy năm đầu hai vợ chồng trẻ chỉ ở nhà đi ra đi vào chứ không làm lụng gì cả. Sau đó họ sinh đứa con đầu lòng và vẫn tiếp tục sống chung với cha mẹ.
Dù lập gia đình đã mấy năm nhưng vì không tự lập về kinh tế, cũng không có trách nhiệm về những quyết định liên quan đến đời sống nên hai vợ chồng rất là trẻ con trong mọi vấn đề. Họ không có tinh thần trách nhiệm, cũng không biết lo cho con cái vì việc gì cũng có cha mẹ bên cạnh giúp đỡ. Ít lâu sau, vì hoàn cảnh đất nước thay đổi, hai vợ chồng phải ra riêng và phải tự kiếm kế sinh sống.Lúc đó hai người mới khám phá ra là tính tình hai người không hợp nhau. Hai vợ chồng lúc nào cũng phiền giận nhau, gặp chuyện gì khó khăn một chút là cằn nhằn, đổ lỗi cho nhau. Thỉnh thoảng, cha mẹ hai bên lại phải gởi thư giải hòa những giận hờn giữa hai người.
Sau hai mươi năm sống với nhau, bây giờ dù đã lớn tuổi hai vợ chồng cũng vẫn không trưởng thành và không có tinh thần trách nhiệm. Họ không biết nghĩ đến nhau, cũng không biết nghĩ đến người khác. Đôi vợ chồng này chẳng khác gì những trái cây còn non nhưng đã bị hái nên chỉ khô héo chứ không chín và không ngọt ngào. Họ không những thiếu khôn ngoan trong trách nhiệm làm vợ làm chồng mà cũng không biết cách nuôi dạy và hướng dẫn con cái. Họ cũng thiếu kiên nhẫn và sức chịu đựng để đương đầu với khó khăn. Vì không chấp nhận nhau và không tha thứ cho nhau, đời sống hai người đầy dẫy bất an và cay đắng.
3. Đừng lập gia đình cách vội vàng để chạy trốn khó khăn hay che lấp khuyết điểm của mình
Một số bạn trẻ có tính hay buồn chán, bi quan, đời sống cô đơn vì tính tình khác đời, khó hòa đồng với người chung quanh. Khi có người khuyên rằng lập gia đình sẽ hết cô đơn và đời sống sẽ vui hơn, những bạn trẻ đó liền đi tìm người hoặc nhờ người làm mai mối. Khi gặp được người vừa ý họ liền quyết định làm đám cưới, với hy vọng là có gia đình mình sẽ hết cô đơn, sẽ vui vẻ và yêu đời hơn, nhưng thực tế ít khi xảy ra như điều mong muốn.
Khi một người có tính bi quan, hay buồn hay than, người đó phải nhờ Chúa thay đổi tâm tính của mình trước. Nếu không được Chúa thay đổi, dù có gia đình người đó cũng sẽ tiếp tục sống trong bi quan, buồn chán và có thể còn làm khổ cho người bạn đời của mình nữa. Trái lại, khi một người có niềm vui của Chúa trong lòng và đời sống có mục tiêu rõ ràng, dù có gia đình hay độc thân, người đó vẫn vui và đời sống vẫn có ý nghĩa.
Có những phụ huynh khi thấy con cái đã lớn nhưng vẫn sống cuộc đời độc thân bông lung, phóng túng, liền tìm cách cưới vợ gả chồng cho con để buộc chân con lại. Các bậc cha mẹ này nghĩ rằng khi con của mình có trách nhiệm với vợ con hay chồng con sẽ không còn lêu lổng chơi bời hoặc hoang phí tiền bạc nữa. Nhưng điều này thường cũng không xảy ra như cha mẹ mong muốn. Khi một người có những tâm tính hay lối sống không tốt đẹp hoặc không trưởng thành, người đó phải được Chúa thay đổi từ bên trong. Sự thay đổi bên ngoài hay những ràng buộc của trách nhiệm không đủ để khiến người đó thay đổi và trở thành người tốt.
Người ta thường quyết định lập gia đình gấp trong những trường hợp sau:
· Bị người yêu bỏ đi lấy người khác
· Cưới gấp để chạy tang
· Muốn thoát ly gia đình
· Sợ mang tiếng là ế chồng, ế vợ
· Để được hưởng một lợi lộc nào đó
· Vì đã lỡ có thai
Bất cứ khi nào bạn thấy chính mình hay người yêu của mình nôn nóng muốn làm đám cưới gấp, bạn nên suy nghĩ lại quyết định của mình. Tìm hiểu lý do tại sao mình quyết định vội vàng như thế và xét xem quyết định gấp như thế sẽ đem lại những tai hại nào. Nhiều khi chính bạn bị người khác dùng làm con cờ để giải quyết khó khăn cho họ mà bạn không biết (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành