Đại Dịch Corona & Gia Đình Chúng Ta (Bài 3)
Kính thưa quý thính giả, cho đến hôm nay đời sống chúng ta vẫn còn nhiều gò bó khó khăn vì mọi người vẫn phải làm tất cả những gì cần làm để phòng chống đại dịch Covid-19. Mấy hôm nay ra đường chúng ta phải mang khẩu trang, đi chợ hay đi bác sĩ phải giữ khoảng cách 6 feet, tức khoảng 2 mét. Chúng ta cũng không dám đến nhà ai, dù là nhà người thân yêu, ruột thịt. Những sinh hoạt có đông người dự như đám cưới, đám tang đều phải hủy bỏ, những sinh hoạt thân thương trong gia đình như: mừng sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới cũng phải dời lại hoặc tổ chức đơn sơ trước sân nhà hay trong garage. Cuối niên học năm nay con em chúng ta cũng không được có lễ ra trường như những năm trước. Vì cuộc sống hằng ngày chưa có gì sáng sủa hơn nhưng vẫn còn đầy lo lắng, gò bó về nhiều phương diện nên chúng tôi xin tiếp tục chia sẻ với quý vị một vài điều chúng ta cần nghĩ đến và áp dụng trong thời điểm này.
Trước hết, phải nhận rằng chúng ta thiếu chuẩn bị cho những ngày khó khăn như hiện nay. Có lẽ một số người trong chúng ta có chuẩn bị nhu yếu phẩm để phòng khi động đất hay bão lụt xảy ra, nhưng về những khó khăn, những thay đổi lớn lao vì đại dịch trên toàn thế giới như thế này thì thật sự chúng ta không bao giờ nghĩ đến. Điều này cho thấy đời sống chúng ta trên trần gian này không những mong manh nhưng cũng vô định, không ai biết ngày mai sẽ có gì, không ai biết điều gì sẽ xảy đến cho mình và người thân yêu. Dù có những người nói rằng mình có thể đoán biết tương lai và vì vậy chỉ dẫn cho người khác nhưng sự thật là, ngoài Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng dựng nên muôn loài, vạn vật, không ai biết được việc tương lai, dù là tương lai của chính mình. Đó là lý do chúng ta cần đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng cầm quyền trên thế giới và trên cả vũ trụ này. Chúa cũng là Đấng yêu thương, Ngài muốn dẫn dắt ban phước cho chúng ta trong đời tạm này và ban cho chúng ta sự sống vĩnh hằng trong cõi đời sau. Điều chúng ta cần làm là trao phó đời sống mình trong tay Chúa để được sống dưới sự hướng dẫn, bảo bọc của Ngài. Kinh Thánh dạy về tương lai của đời người như sau:
Hỡi anh em, là người nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành phố kia, ở đó một năm, buôn bán và phát tài, song ngày mai sẽ ra thể nào anh em chẳng biết! Vì sự sống của anh em là gì? Chẳng qua chỉ như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Đúng ra, anh em phải nói: Nếu Chúa muốn và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia (Thư Gia-cơ 4:13-15)
Giữa những hoang mang lo lắng của hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi cũng nhìn thấy có nhiều điều tốt xảy đến, đáng ghi nhận, có lẽ quý vị cũng nhìn thấy hay cũng kinh nghiệm những điều này. Trước hết, chúng tôi thấy những người có cha mẹ cao tuổi bây giờ quan tâm, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Dù không thể đến thăm cũng dành thì giờ gọi điện thoại thăm hỏi mỗi ngày, không những vậy, nhiều người đi chợ giùm hoặc nấu thức ăn đem đến cho cha mẹ. Nhiều vị cao niên chia xẻ rằng, dù không được ra khỏi nhà, họ cảm thấy vui và được an ủi vì con cháu mấy tuần qua thăm hỏi thường xuyên, mua giùm các nhu yếu phẩm hoặc nấu thức ăn đem đến để trước cửa nhà. Một điều tốt đẹp khác chúng tôi nhìn thấy và mong là quý vị cũng kinh nghiệm hoặc nhìn thấy, đó là những buồn phiền nhỏ nhặt giữa người này với người kia được xóa bỏ cách dễ dàng trong hoàn cảnh này. Mọi người nghĩ đến nhau, hỏi thăm nhau và sẵn sàng giúp nhau những gì mình có thể giúp được; sẵn sàng chia xẻ với nhau những gì mình có thể chia xẻ. Người trong xóm lúc này gặp nhau cũng vẫy chào, hỏi thăm vui vẻ thân thiện hơn trước.
Trong nếp sống cá nhân chủ nghĩa ở xứ văn minh này thường chúng ta sống cách biệt nhau, nhà ai nấy ở, việc ai nấy lo. Mỗi khi đi làm về, chúng ta thường đi mau vào nhà, đóng cửa lại, không tiếp xúc hay trò chuyện với hàng xóm. Nhưng mấy tuần qua, chúng tôi thấy khi gặp nhau trước nhà, người trong xóm vẫy tay chào nhau, hỏi thăm nhau nhiều hơn, vui vẻ hơn. Nếu bên cạnh nhà chúng ta có những người cao tuổi, già yếu sống một mình, đây là lúc chúng ta nên nghĩ đến họ, chúng ta có thể gọi điện thoại hay gởi lời nhắn qua phone, hỏi thăm xem những người hàng xóm cô đơn đó có cần chúng ta giúp gì không. Những giúp đỡ nhỏ nhặt như giúp đem thùng rác ra rồi đem vào, giúp đi chợ mua những món cần dùng hoặc chia xẻ trái cây chúng ta có trong vườn, v.v… tuy không mất nhiều thì giờ, không tốn kém bao nhiêu nhưng có thể khiến người hàng xóm cảm thấy vui và ấm lòng vì có biết người quan tâm đến mình. Những người cao tuổi lúc này không những cô đơn, buồn và lo lắng nhiều nhưng cũng là nhóm người bị nhiễm bệnh nhiều nhất và có số tử vong cao nhất.
Ngoài những điều tốt đẹp, đem lại niềm vui, hữu ích cho đời sống trong những ngày vô định bất an này, chúng tôi còn thấy đây là lúc chúng ta, người trong gia đình có nhiều thì giờ với nhau và thì giờ cho nhau. Có một bài trên mạng nói rằng, trong thời gian và hoàn cảnh hiện nay, những người sống chung dưới một mái nhà mà không hợp nhau, không thuận thảo với nhau là những người đau khổ nhất, vì phải ở bên cạnh nhau, đối diện nhau mỗi ngày. Đây là thực tế mà một số người đang đối diện. Có những vợ chồng, cha mẹ với con cái hay anh chị em không hợp tính nhau, không thuận thảo với nhau nên dù sống chung dưới một mái nhà nhưng không chấp nhận nhau. Trước đây những người này vin vào những bận rộn trong việc làm, việc học, việc buôn bán để tránh mặt nhau. Có những vợ chồng, khi người này về nhà thì người kia ra khỏi nhà, đi làm hay đi lo công việc để khỏi phải gặp nhau. Bây giờ sở làm, trường học cũng như những nơi buôn bán đều đóng cửa, không ai được đi đâu, nên chúng ta không thể tránh nhau mà bắt buộc phải gặp nhau,ở cạnh nhau mỗi ngày. Chúng tôi thiết nghĩ lúc này là cơ hội tốt để chúng ta giải hòa với nhau, dành thì giờ trò chuyện, trao đổi để hiểu nhau và thông cảm nhau hơn. Những người thân yêu ruột thịt đã sẵn có mối quan hệ trong máu mủ, bà con, nếu vì một lý do gì khiến có khoảng cách giữa người này với người kia, đây là cơ hội để chúng ta xích lại gần nhau, hạ mình, xin lỗi nhau để hàn gắn sứt mẻ và nối lại tình thân thương với nhau.
Về mặt tiêu cực, những ngày như hiện nay thật đáng lo đáng buồn, nhưng về mặt tích cực, nếu chúng ta thực hành lời dạy sau đây của Kinh Thánh:
Hãy sống như người khôn ngoan, hãy tận dụng thì giờ, hãy hiểu rõ ý Chúa như thế nào (Thư Ê-phê-sô 5:15-16)
Chúa luôn luôn muốn chúng ta sống yêu thương, thông cảm hài hòa với nhau. Vì vậy, sống khôn ngoan là tận dụng cơ hội, thì giờ mình có để thực hành Lời Chúa. Trong lúc chúng ta phải ở nhà, có nhiều thì giờ với người thân trong gia đình, xin Chúa giúp chúng ta tận dụng cơ hội hiếm có này để dành thì giờ với nhau, dành thì giờ cho nhau: cha mẹ với con cái, vợ với chồng; để chia xẻ tâm tình, trao đổi những suy nghĩ trong lòng, và xin Chúa giúp chúng ta thực hành Lời Chúa dạy, không cho mình quá quan trọng, nhưng khi người thân chia sẻ, sẵn sàng “mau nghe, chậm nói, chậm giận” hầu khoảng cách giữa chúng ta với người thân yêu được xóa bỏ, tình thương, thông cảm được xây dựng lại để chúng ta thật sự đem lại hạnh phúc và an bình cho nhau (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành