Thiên Chức Cao Trọng
Một ngày kia, những người bạn gái học cùng trường nhiều năm về trước có cơ hội gặp lại nhau, mọi người vui vẻ hỏi thăm nhau: bây giờ sống ở đâu, làm công việc gì, trong ngành nghề gì? Người thì nói: Tôi làm nghề địa ốc, những người khác hãnh diện khoe: Tôi làm nha sĩ, dược sĩ, tôi dạy ở trung học, đại học, v.v… Thấy một cô bạn im lặng không nói gì, mấy người bạn hỏi: Còn bạn, bây giờ làm gì, trong ngành nào? Cô bạn ngại ngùng trả lời: “Mình chỉ làm mẹ, ở nhà lo cho con, mình có ba đứa con còn đi học.” Cách nói rụt rè và giọng nói ngại ngùng của người mẹ trẻ cho thấy cô có vẻ mặc cảm vì mình không có một ngành nghề rõ ràng hay một chỗ đứng quan trọng trong xã hội như các bạn cùng lứa tuổi.
Chúa nhật vừa qua, là Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Năm nên chúng ta có Ngày Hiền Mẫu, là ngày để con cái ghi nhớ công ơn sinh thành của mẹ và bày tỏ lòng kính yêu, lòng biết ơn mẹ. Vì thế trong Câu Chuyện Gia Đình hôm nay chúng tôi xin nói về vai trò và vị trí cao quý của người mẹ trong gia đình. Trong xã hội ngày nay người phụ nữ góp mặt với nam giới trong mọi lãnh vực: giáo dục, khoa học, y học, thương mại, ngay cả trong quân đội và trong chính trường chúng ta cũng thấy có bóng dáng người phụ nữ, đây là điều tốt. Tuy nhiên, khi người phụ nữ bước vào hôn nhân và có gia đình riêng thì trách nhiệm quan trọng nhất phải chu toàn là với gia đình, đặc biệt là khi bước vào vai trò làm mẹ. Người làm mẹ cần dành thì giờ, sức lực, tâm trí để chăm sóc, dạy dỗ con. Làm mẹ là trách nhiệm cao quý Đức Chúa Trời ban cho người phụ nữ, chính vì thế chúng ta gọi đó là thiên chức: thiên chức làm mẹ. Giữa mẹ con có mối thân tình đặc biệt, không những vì mẹ nuôi con trong lòng từ khi con còn trứng nước và chịu đau đớn để đem con vào đời, nhưng giữa mẹ và con cũng có tình thương yêu đậm đà, một mối liên hệ sâu đậm không thể mô tả bằng văn từ, bút mực. Thường thì khi nào phải xa mẹ hay mất mẹ, chúng ta mới cảm nhận được tầm quan trọng của tình mẹ con. Một em bé được ở gần bên mẹ là niềm vui lớn cho bé, không điều gì có thể thay thế được. Ngược lại, con mà phải xa mẹ, nhất là những đứa con còn nhỏ mà không được mẹ bồng bế ôm ấp, là một thiệt thòi lớn cho các em. Các nhà tâm lý học nghiên cứu và cho biết, những đứa bé không được ở gần mẹ khi còn nhỏ, dù có người khác chăm sóc chu đáo, được ăn uống bổ dưỡng, lớn lên các em vẫn cảm thấy mình thiếu một điều gì đó trong đời sống, một số em khác khi lớn và hiểu biết thì buồn khi biết mình đã không được mẹ chăm sóc nhưng giao cho người khác. Vì lý do đó, dù có người khác có thể chăm sóc con của chúng ta, là mẹ, chúng ta không nên để con chịu thiệt thòi, phải sống xa mẹ, thiếu tình thương của mẹ, nhất là trong năm năm đầu của đời sống con. Yêu thương chăm sóc con và dạy dỗ con là trách nhiệm hàng đầu của các bà mẹ, chúng ta không nên vì đeo đuổi những mục đích khác mà để con phải chịu thiệt thòi.
Những em bé sơ sinh rất cần được mẹ bồng bế, ôm ấp, vỗ về. Công việc chính của người mẹ là cho con bú, ru con ngủ, thay tã, tắm cho con, chơi với con, v.v… Đây là những việc mà lắm khi chúng ta thấy là không quan trọng, ai làm cũng được, nhất là đây là những công việc không được trả tiền công. Ở nhà lo cho con không có thu nhập về tài chánh, vì vậy nhiều bà mẹ giao việc chăm sóc con cho người khác để đi làm ở ngoài, là những việc có vẻ quan trọng hơn, đem lại thu nhập hằng tháng rõ ràng hơn.
Dù xã hội ngày nay hầu như không đề cao vai trò người nội trợ, cũng không quý trọng vị trí của người mẹ trong gia đình như ngày trước, nhưng ảnh hưởng của người mẹ trên con cái, tầm quan trọng của người mẹ trong gia đình vẫn còn đó. Nói đúng hơn, khi Chúa ban cho người phụ nữ con cái, là giao cho một vai trò cao quý và vô cùng quan trọng: những gì mẹ làm cho con, cách mẹ gần gũi chăm sóc trò chuyện với con sẽ để lại ảnh hưởng tốt đẹp suốt cả cuộc đời con. Làm mẹ là một sứ vụ cao cả, một trách nhiệm to lớn mà không ai có thể thay thế cho chúng ta được. Chúng ta đều biết, những người con lớn lên thiếu tình yêu thương và sự chăm sóc gần gũi của mẹ khi còn nhỏ, luôn cảm thấy mình là người bất hạnh và kém may mắn. Có những bà mẹ nói: “Tính tôi nóng nảy, thiếu kiên nhẫn nên để cho người khác, dịu dàng kiên nhẫn chăm sóc cho con tôi thì tốt hơn.” Chúng ta nghĩ như vậy nhưng các bác sĩ tâm lý, sau khi nghiên cứu các em bé sơ sinh mà cha mẹ để lại trong bệnh viện suốt cả năm cho các y tá chăm sóc, kết quả cho thấy rằng tâm trí các em này và nhất là về mặt tình cảm các em không phát triển bình thường như những em được mẹ chăm sóc.
Những bà mẹ khi có con, quyết định nghỉ đi làm để ở nhà để chăm sóc con, đó là quyết khôn ngoan, quý vị sẽ không bao giờ hối tiếc; nhất là sau này khi con lớn phải xa gia đình để đi học, đi làm. Đời sống ngắn ngủi, những ngày tháng ta có bên cạnh người thân yêu đi qua rất nhanh. Một ví dụ cụ thể là năm nay mới bắt đầu đó mà hôm nay đã qua gần nửa năm. Có lẽ quý vị cũng còn nhớ mới ngày nào chúng ta lo lắng chuẩn bị để đón chào năm 2000, tức là bước vào một thế kỷ mới, nhưng đã 21 năm trôi qua, những đứa bé chào đời năm 2000 nay đã trưởng thành, tự lập, đã ra khỏi vòng tay của cha mẹ. Các con chúng ta rất mau lớn, những ngày tháng các em cần mẹ, níu áo mẹ, đòi mẹ bồng bế sẽ qua đi nhanh chóng mà chúng ta không ngờ. Vì vậy, nếu quý vị còn con nhỏ, dưới năm tuổi, mười tuổi, hôm nay là thời điểm chúng ta cần dành thì giờ cho con.
Khi đi làm việc ở ngoài, chúng ta cần định hướng, cần có mục tiêu, đặt kế hoạch và sử dụng thì giờ cẩn thận để không phí phạm thì giờ và đạt đến mục tiêu đã đặt. Làm mẹ là trọng trách cao quý, thiêng liêng, không người nào có thể thay thế được, vì vậy chúng ta cũng cần đặt mục tiêu để làm trọn trách nhiệm cách cẩn thận và khôn ngoan. Mục tiêu trước nhất của người mẹ là chăm sóc con, cho con ăn uống thế nào để được khỏe mạnh, không suy dinh dưỡng. Mục tiêu thứ hai là dạy dỗ hướng dẫn con để con biết đâu là điều tốt, điều đạo đức phải theo; đâu là điều sai quấy, là tội lỗi phải tránh. Trong xã hội chúng ta đang sống hiện nay, nhất là với những luật lệ mới ban hành, con chúng ta cần cha mẹ ở gần dạy bảo hơn bao giờ hết. Các em cần có người mẹ ở bên cạnh mỗi ngày, để từng hồi từng lúc, từng hoàn cảnh, chúng ta chỉ cho con biết điều gì là tốt, cần làm, cần bắt chước, những gì là sai, là điều xấu xa phải tránh. Chúng ta dạy con nói năng lễ độ, sống chân thật, yêu thương, tôn trọng những gì thuộc về người khác, không nói dối, không trộm cắp, v.v… Đó là đạo đức căn bản của con người. Ngày nay là mẹ, chúng ta cần dạy con những điều quan trọng khác nữa, để con hiểu rõ ràng trước khi đến tuổi đi học, vì những điều này thầy cô giáo không dạy mà còn làm cho con em chúng ta hoang mang, đó là chúng ta dạy cho con biết, là con trai hay con gái thì các em phải ăn mặc, để tóc tai như thế nào, cần phát huy nữ tính và nam tính ra sao. Chúng ta giúp con thấy rằng sinh ra là trai hay gái, nam hay nữ, là điều Thiên Chúa quyết định và cả hai phái tính đều quan trọng và có giá trị như nhau.
Có lẽ các bà mẹ chỉ ở nhà chăm sóc con chứ không đi làm ở ngoài thấy như mình không đóng góp được gì cho xã hội. Thật ra, đóng góp của quý bà rất quan trọng và có một ảnh hưởng to lớn, đó là đào tạo nên những con người đạo đức, trưởng thành, sống đúng với đạo lý con người theo điều Đấng Tạo Hóa đã ban. Chúng ta giúp những đứa con nhỏ phát huy đúng phái tính của các em và sống đúng với vai trò của người nam hoặc người nữ. Lớn lên các em sẽ sống bình thường như điều Chúa định, sẽ lập gia đình, sinh con cái và đào tạo thế hệ nối tiếp cũng có đời sống đạo đức trong sạch và tốt đẹp như vậy. Khi dành thì giờ sức lực để đào tạo thế hệ kế tiếp cho xã hội, với những con người sống đúng theo mẫu mực đạo đức trong sạch ngàn đời của con người là chúng ta đã đóng góp rất nhiều cho xã hội, con cháu chúng ta sẽ giúp cho xã hội không bị băng hoại vì tội lỗi. Ước mong chúng ta, là nữ giới, thấy được chỗ đứng quan trọng và trách nhiệm cao quý của mình trong gia đình hầu làm trọn thiên chức Chúa ban một cách thành công và tốt đẹp.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành