Dạy Con (Bài 10)
Một gia đình kia mới dọn vào trong một khu xóm thuộc vùng ngoại ô. Vài tháng sau, để làm quen với người trong xóm, hai vợ chồng mở một bữa tiệc mời các gia đình trong xóm đến dự. Bữa tiệc kéo dài từ chiều cho đến khuya. Trong lúc người lớn bận rộn trò chuyện để làm quen với nhau, đám con nhỏ của họ tự do chơi đùa ăn uống. Thấy cha mẹ uống rượu, một số em đến xin chủ nhà, người chủ nhà không cho, bảo rằng các em còn quá nhỏ. Một vài em liền chạy đến xin mẹ, một số bà mẹ đồng ý, bảo con cứ đến xin đi. Không những đồng ý, một bà còn đích thân đến lấy rượu cho con khi người chủ nhà không chịu cho. Người chủ nhà nhìn các em nhỏ nhấm rượu và thầm nghĩ: không biết có điều gì mà các bà mẹ này không chiều theo ý con hay không. Vì không muốn bị quấy rầy hoặc không muốn con buồn, họ đã chiều theo đòi hỏi của con mà không nghĩ đến hậu quả việc mình làm.
Trong khi đó, một em thiếu niên viết cho người hướng dẫn tinh thần những dòng tâm sự như sau: “Năm nay em 15 tuổi, em học giỏi, siêng năng lo việc nhà. Ngoài giờ học em đi làm thêm để không phải xin tiền cha mẹ. Em không uống rượu, hút thuốc, cũng không đi chơi với bạn bè. Em luôn luôn cố gắng làm một đứa con ngoan, nhưng dù cố gắng đến đâu, em vẫn bị cha mắng chửi nặng lời. Cha em kiểm soát em trong mọi việc, ông bảo gì em cũng phải vâng lời, dù lắm khi rất là vô lý, thế mà ông vẫn không bằng lòng. Ông chê em về cách ăn mặc, cách học hành. Khi em giúp cha mẹ làm việc nhà, cha em cũng chỉ trích em thậm tệ. Không bao giờ cha cho em một lời khen hay lời khích lệ. Mỗi tối em thường đi ngủ trong nước mắt. Em thương cha lắm nhưng không biết phải làm sao để khỏi bị la mắng, xin giúp em ý kiến.”
Một bà mẹ nọ than với bạn: “Con trai tôi mới mười sáu tuổi nhưng không lo học hành, tối ngày cứ đi chơi với bạn bè. Mỗi lần tôi khuyên răn nhắc nhở là nó cãi lại hoặc yên lặng nghe rồi bỏ đi, không trả lời, không phản đối mà cũng không sửa đổi. Gần đây nó lại bỏ học và đi chơi nhiều hơn, một hôm nó dẫn bạn gái về nhà, vào phòng ở trong đó suốt đêm, tôi không đồng ý mà không làm gì được! Tôi áp dụng đủ mọi cách khi dạy con: giận dữ la mắng, khóc lóc năn nỉ, bỏ mặc không thèm nói, nhưng tôi làm gì cũng vẫn không kết quả gì cả!
Kính thưa quý vị, mỗi bậc cha mẹ có một cách dạy con khác nhau, những cách dạy đó đưa đến những kết quả khác nhau và đều có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống con. Như chúng ta nhìn thấy trong ba trường hợp chúng tôi vừa nêu. Theo sự nghiên cứu của một số nhà tâm lý học Tin Lành trong năm 1959, 1983 và năm 1990, dựa vào yếu tố thẩm quyền của cha mẹ và sự quan tâm đến nhu cầu của con, người ta thấy có bốn nhóm phụ huynh sau đây: (1) Độc tài độc đoán với con, (2) Hờ hững, không quan tâm đến con, (3) Dễ dãi, nuông chiều con và (4) Lấy thẩm quyền hướng dẫn con. Bốn nhóm phụ huynh đó khác nhau như thế nào? Trong một câu chuyện gia đình trước đây chúng tôi có nói qua về bốn nhóm phụ huynh này nên hôm nay xin trình bày chi tiết hơn.
1. Những phụ huynh độc tài, độc đoán với con
Các phụ huynh nuôi dạy con cách độc tài độc đoán thường là người nghiêm khắc với con, đòi hỏi con nhiều điều và nắm quyền kiểm soát trên đời sống con. Những cha mẹ này thương con, và xem việc nuôi dạy con là điều quan trọng nên dành nhiều thì giờ ở bên con, dạy dỗ hướng dẫn từng li từng tí. Đây cũng là những cha mẹ sẵn sàng hy sinh cho con để đời sống con được tốt đẹp. Tuy nhiên, vì sợ con vấp váp và hư hỏng, các bậc phụ huynh này thường áp dụng kỷ luật quá nghiêm khắc với con, kiểm soát từng hành vi, cử chỉ của con, quyết định mọi việc cho con, buộc con làm theo mọi điều cha mẹ định đoạt và mong muốn. Những cha mẹ nghiêm khắc và độc đoán với con tuy thương con nhưng không quan tâm đến nhu cầu và ước muốn của con. Họ chỉ nghĩ đến điều mình muốn và cho đó là điều tốt mà không quan tâm đến điều con muốn hay sở thích của con. Các phụ huynh thuộc nhóm này thường buộc con phải vâng lời cha mẹ tuyệt đối, nếu con không vâng lời sẽ bị trừng phạt nặng nề. Bất cứ luật lệ nào cha mẹ đặt ra là con phải tuân theo, con không được thắc mắc mà cha mẹ cũng không phải giải thích. Thẩm quyền và ý kiến của cha mẹ là tuyệt đối. Một đặc điểm khác của những bậc phụ huynh này là không giúp để con có thể dần dần tự lo tự lập, vì họ muốn cầm quyền trên con và con tùy thuộc cha mẹ mãi mãi.
2. Những phụ huynh không quan tâm đến con
Những phụ huynh này hờ hững trong trách nhiệm làm cha mẹ, không xem việc nuôi dạy con là điều quan trọng, vì thế không để ý đến con, cũngkhông đòi hỏi hay trông mong nơi con điều gì. Con muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, cha mẹ không biết mà cũng không bận tâm lo lắng. Mới nhìn, chúng ta thấy như đây là người dễ dãi với con nhưng thật ra đây là những phụ huynh không xem con là ưu tiên hàng đầu trong đời. Những phụ huynh này xem nhẹ trách nhiệm làm cha mẹ có thể là vì còn mải mê làm giàu, chạy theo những tình cảm không chính đáng hoặc mải lo đeo đuổi danh vọng. Các phụ huynh này giống những phụ huynh độc tài ở chỗ là họ cũng không quan tâm đến nhu cầu và ước muốn của con. Đối với họ con cái chỉ làm mất thì giờ, làm vướng bận và cản trở những mục tiêu họ đang đeo đuổi. Để ý chăm sóc con là điều bất tiện đối với những bận rộn của cha mẹ, đặt luật lệ cho con chỉ mất công vô ích chứ không được gì, vì họ còn phải đeo đuổi những điều quan trọng hơn. Trong những gia đình này, người nuôi dạy các em thường là người giúp việc hoặc là ông bà nội, ông bà ngoại hay một người bà con gần trong gia đình. Con cái trong các gia đình này thường được đem gởi trong các nhà giữ trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ vì cả cha lẫn mẹ đều bận rộn đeo đuổi những điều khác mà họ xem là quan trọng hơn.
3. Những phụ huynh dễ dãi với con và nuông chiều con
Đặc điểm nổi bật của nhóm phụ huynh này là quan tâm rất nhiều đến nhu cầu và ước muốn của con nhưng không đòi hỏi hay trông mong con phải làm gì cả. Tương tự như trong gia đình cha mẹ hờ hững với con, con cái trong gia đình này cũng được tự do muốn làm gì thì làm, không phải vì cha mẹ không có mặt bên cạnh và không để ý nhưng vì cha mẹ lúc nào cũng sẵn sàng chiều theo đòi hỏi của con. Các phụ huynh nuông chiều con lắm khi không đòi hỏi con phải vâng lời cha mẹ, vì họ muốn là bạn của con chứ không phải là cha mẹ của con. Họ sẵn sàng chiều theo ý con để cho con vui, cho con được thoải mái. Mỗi khi đưa ra một luật lệ nào, các bậc cha mẹ này thường bị con đặt nhiều câu hỏi, họ cũng cố gắng giải thích cho con, nhưng cuối cùng, tuân theo luật hay không là tùy ở con. Trong các gia đình này, con cái thường là người quyết định những vấn đề quan trọng, vì ý kiến của con được cha mẹ tôn trọng tuyệt đối. Tuy có cha mẹ ở bên cạnh nhưng vì cha mẹ không đặt luật lệ và không đòi hỏi phải vâng lời nên con cái trong những gia đình này thường chỉ làm những gì mình muốn, vì thế dễ trở thành những đứa con vô kỷ luật. Lắm khi các em là chủ trong gia đình, các em muốn đi đâu, làm gì, muốn ăn uống lúc nào, muốn thức khuya đến bao nhiêu hoặc muốn đem bạn về nhà lúc nào, v.v... cũng được, cha mẹ không có quyền gì cả.
4. Những phụ huynh dùng thẩm quyền hướng dẫn con
Các phụ huynh này giống các phụ huynh độc đoán với con ở chỗ họ xem việc nuôi dạy con là trách nhiệm hàng đầu của bậc làm cha mẹ. Vì muốn hướng dẫn con nên người nên các cha mẹ này đặt luật lệ rõ ràng và đòi hỏi con cái phải tuân theo những luật lệ đó. Cha mẹ là chủ gia đình và có quyền trên con cái. Tuy nhiên, điểm khác biệt của các bậc cha mẹ này là họ trông mong ở con những điều chính đáng, hợp lý và họ cũng bén nhạy trước nhu cầu và ước muốn của con. Các bậc phụ huynh này biết tâm lý trẻ con, biết những dại dột cũng như những bướng bỉnh của con. Họ tế nhị uốn nắn tâm tính của con, bẻ gãy tính cứng đầu và phản loạn trong con nhưng không làm tinh thần con bị tổn thương. Các cha mẹ này quan tâm đến nhu cầu, sở thích và khả năng của từng đứa con, tuy nhiên, khi điều con muốn không đúng với luật lệ cha mẹ đã đặt ra, con phải vâng theo luật lệ của cha mẹ. Cha mẹ cũng bàn thảo và giải thích cho con những gì cần giải thích, nhưng quyết định cuối cùng của gia đình là quyết định của cha mẹ. Ngày nào con còn ở trong nhà cha mẹ ngày đó con còn phải tuân theo luật lệ của cha mẹ, dù vậy cha mẹ luôn luôn hướng dẫn để con có thể dần dần tự lo tự lập.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành