Dạy Con (Bài 13)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong Câu Chuyện Gia Đình thời gian qua chúng tôi chia sẻ với quý phụ huynh những nguyên tắc hướng dẫn con em chúng ta lớn lên là người trưởng thành, đạo đức và có đức tin nơi Chúa. Con cái là gia tài quý báu, là cơ nghiệp đời đời Đức Chúa Trời ban cho gia đình chúng ta. Dạy con nên người là một trách nhiệm lớn và khó nhưng vô cùng quan trọng, nhất là trong thế kỷ 21 này, và khi chúng ta sống trong xã hội mà nền tảng đạo đức ngày càng suy sụp như hiện nay.
Để đạt kết quả trong việc hướng dẫn con cái, chúng ta cần áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh dạy. Trước hết, là những cha mẹ tin Chúa, chúng ta cần dạy con Lời Chúa và hướng dẫn con tin Chúa khi con còn thơ bé:
Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó (Châm Ngôn 22:6)
Chúng ta dạy Lời Chúa cho con mỗi ngày, trong những sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta dạy con Lời Chúa mọi lúc mọi nơi:
“Khi ngồi trong nhà, khi đi ngoài đường, lúc đi ngủ hay là khi thức dậy” (Phục truyền 6:7).
Đó là những điều chúng ta cần làm. Và điều chúng ta cần tránh, không làm là: đừng làm cho con cái buồn giận hay nản lòng. Sứ đồ Phao-lô viết:
Những người làm cha, đừng làm cho con cái mình buồn giận, nhưng hãy dùng sự khuyên bảo, sửa phạt của Chúa mà nuôi nấng chúng (Thư Ê-phê-sô 6:4)
Trong thư Cô-lô-se, Phao-lô cũng khuyên:
Hỡi người làm cha, đừng làm cho con buồn giận, e chúng nản lòng chăng (Thư Cô-lô-se 3:21)
Làm cho con buồn giận là điều người cha thường vấp phải vì các ông trực tính và nóng nảy, nhưng quý bà mẹ cũng cần cẩn thận để không vấp phải lỗi lầm này. Có lẽ chúng ta thắc mắc: Cha mẹ làm gì hay hướng dẫn con thế nào thì sẽ khiến con buồn giận và nản lòng? Theo tác giả Lou Priolo, có ít nhất 25 điều cha mẹ làm sẽ khiến con cái buồn giận và nản lòng. Đây là những điều cha mẹ vô tình làm hoặc không để ý nhưng có ảnh hưởng sâu đậm trên con cái.Trong Câu Chuyện Gia Đình tuần này và những tuần tới, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày 25 điều mà tác giả nói đến.
- Cha mẹ không yêu thương hiệp nhất trong hôn nhân
Điều đầu tiên, là điều quan trọng nhất nhưng nhiều phụ huynh không để ý nên đã vấp phải và khiến con cái buồn và nản lòng đó là: cha mẹ không yêu thương nhau, không hiệp một nhưng phiền giận, cãi cọ và cắn đắng nhau thường xuyên. Khi thấy cha mẹ phiền giận nhau, nặng lời với nhau, các con chúng ta sẽ buồn nản vì phải sống trong một gia đình thiếu yêu thương, không khí lúc nào cũng căng thẳng, nặng nề. Khi cha mẹ than phiền nhau, chê trách nhau mà nói với con để lôi kéo con đứng về phía mình, đồng ý với mình và không yêu thương, không tôn trọng cha hay mẹ nữa, chúng ta cũng làm cho con nản lòng, buồn giận.
Sự thiếu hiệp một giữa cha mẹ sẽ khiến con mất bình an trong lòng. Các em sợ một ngày kia cha mẹ sẽ chia tay nhau và các em sẽ bơ vơ, không nơi nương tựa. Vì thế, để con cái không buồn nản, lo lắng nhưng được yên tâm lo việc học hành, là cha mẹ chúng ta cần yêu thương nhau, tha thứ nhau, dành thì giờ chăm sóc cho tình yêu vợ chồng luôn được tươi mới ngọt ngào. Những người nghiên cứu về tuổi thiếu niên cho biết, không điều gì làm các em thiếu niên vui vẻ, bình an sống trong gia đình hơn là thấy cha mẹ yêu thương nhau, tôn trọng nhau, cư xử tử tế, nói năng ngọt ngào với nhau. Nhiều em thiếu niên chỉ mong đến mười tám tuổi để ra khỏi gia đình vì không muốn chứng kiến sự căng thẳng giữa cha mẹ, không muốn sống trong không khí ngột ngạt của gia đình vì cha mẹ lúc nào cũng cãi nhau, bất hòa với nhau. Khi cha mẹ ly hôn, ly dị nhau, nhiều em buồn và ân hận, nghĩ rằng vì mình mà cha mẹ có nan đề, phải chia tay nhau. Khi vợ chồng không yêu thương, không hiệp nhất là chúng ta làm cho con buồn giận và nản lòng.
- Cha mẹ không làm chủ hướng dẫn nhưng để con làm chủ gia đình
Có những cha mẹ vì quá bận rộn với công việc hằng ngày hay vì bận đeo đuổi những điều mình ưa thích nên không còn thì giờ hướng dẫn dạy bảo con, để con cái muốn làm gì cũng được. Cũng có người vì quý con nên cưng chiều quá đáng, lúc nào cũng sẵn sàng làm theo ý con, không dám đặt kỷ luật hay giới hạn cho con, con muốn gì, đòi gì cũng được. Đây là những trường hợp con cái làm chủ gia đình. Có người nghĩ rằng nếu cha mẹ chiều theo ý con, con sẽ vui và yêu thương cha mẹ nhưng thực tế không đúng như vậy. Có thể khi còn nhỏ các em vui vì những gì mình đòi hỏi đều được cha mẹ chiều theo nhưng khi hiểu biết hơn các em sẽ buồn vì thấy cha mẹ không thật sự quan tâm, vì không đặt kỷ luật hay giới hạn cho các em, để giúp các em trở nên người có kỷ luật, giúp các em tránh khỏi những nguy hiểm và cám dỗ của tuổi trẻ. Chiều ý con trong mọi sự cũng khiến con buồn và nản lòng.
- Cha mẹ hay giận dữ, giận quá đáng và giận không chính đáng
Sứ đồ Gia-cơ khuyên:
Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em biết điều đó, người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời (Gia-cơ 1:19-20)
Để làm gương cho con trong việc kềm chế cảm xúc, nhất là kềm chế sự nóng giận của mình, cha mẹ cần thực hành lời dạy này. Chúng ta không nhạy giận nhưng chậm giận, nghĩa là không dễ giận và không giận những chuyện không chính đáng. Có ông cha nọ, mỗi khi bị lạc mất cái gì hay không tìm được những vật dụng đang cần là ông bực bội, quát mắng con cái, bắt phải tìm ra ngay cho ông. Đây là giận dữ quá đáng và không chính đáng, sẽ khiến con cái bất mãn, buồn giận và ngã lòng.
- Kỷ luật con với sự giận dữ
Lời Chúa trong Kinh Thánh không cấm chúng ta giận, nhưng bảo chúng ta phải kềm chế cơn giận. Sứ đồ Phao-lô khuyên:
Nếu anh em đang giận thì chớ phạm tội, chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn và đừng cho ma quỷ nhân dịp (Thư Ê-phê-sô 4:26-27)
Tục ngữ ta có câu: “No mất ngon, giận mất khôn.” Hay: “Giận cá chém thớt,” chỉ về những người khi giận cư xử thiếu khôn ngoan hoặc đổ cơn giận lên người khác, chẳng hạn như cha mẹ giận nhau hay giận bạn bè nhưng đổ cơn giận đó lên con cái. Không những thế, nhiều người khi giận thường có những hành động hung bạo, gây tổn thương cho người chung quanh, nhất là cho con cái. Có những cha mẹ khi có điều bất bình với nhau thì la mắng con, nạt nộ hay đánh đòn con, đó là kỷ luật con không chính đáng. Khi cha mẹ vì đang bực bội điều gì hay đang giận người nào mà la mắng con nặng nề hay đánh đòn con oan ức là chúng ta đối xử khắc nghiệt với con cách vô lý, kỷ luật con không đúng. Khi các em phạm những lỗi nhỏ, vì là trẻ con nên dại khờ lầm lỗi, chúng ta cần thông cảm, sửa dạy nhẹ nhàng. Nếu vì đang giận mà trút đổ sự giận dữ, bực bội lên con là chúng ta làm cho con buồn giận và nản lòng.
- Mắng con nặng lời
Có người chủ trương rằng con cái do mình sinh ra nên mình đối xử với con thế nào cũng được. Những cha mẹ này không bao giờ nói năng ngọt ngào tử tế với con. Khi con không vâng lời hay lỡ làm điều gì sai hỏng thì mắng chửi nặng nề. Có người không chỉ chê trách con mà còn gọi con bằng những từ thô lỗ, nặng nề, khiến con thấy mình là người tệ hại, xấu xa, không có giá trị gì. Những lời mắng mỏ chê trách đó không những khiến con buồn giận, tủi hổ nhưng cũng có thể khiến con mang mặc cảm tự ti suốt đời vì in trí rằng mình dở, vụng về, xấu xa, không làm được chuyện gì. Có lẽ trong chúng ta có người ngày nay dù đã nhiều tuổi đời nhưng vẫn còn nhớ mãi những lời mắng mỏ của cha mẹ khi còn nhỏ. Đây là điều chúng ta cần tránh để không làm cho con cái buồn giận, nản lòng và mất tự tin.
- Không nhất quán trong cách kỷ luật con
Một điều khác khiến con em trong gia đình buồn giận là cha mẹ không nhất quán trong việc sửa dạy con. Chẳng hạn như khi vui thì dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của con nhưng khi đang bực bội phiền giận ai thì dù con phạm lỗi nhỏ cũng xem là chuyện quan trọng và sửa phạt con nặng nề. Lắm khi con phạm cùng một lỗi nhưng cha mẹ áp dụng kỷ luật khác nhau. Chẳng hạn như các em quên làm bài, quên học bài, hay đi chơi với bạn về trễ nhưng có khi cha mẹ không nói gì, mà lúc khác thì bị la mắng hay bị đòn. Cách sửa phạt không nhất quán như vậy cũng khiến con bất mãn và mất lòng tin nơi cha mẹ, vì không biết khi nào mình sẽ bị kỷ luật, khi nào không.
- Đặt luật lệ cho con mà cha mẹ thì không tuân giữ
Câu mà một số cha mẹ thường nói với con là: “Cái đó Ba má làm được, con còn nhỏ không được làm!” Chẳng hạn như: ba má thức khuya coi ti-vi, đi chơi với bạn bè suốt đêm nhưng con cái thì không được làm như vậy. Lắm khi chúng ta vô tình áp dụng những luật lệ khác nhau khiến con bất mãn. Chẳng hạn như, chúng ta bảo các con phải nhường nhịn nhau, không được tranh giành hay cãi nhau nhưng cha mẹ thì cứ cãi nhau hoài. Đó là cha mẹ không làm theo những gì mình dạy con và không làm gương cho con nên sẽ khiến con buồn giận nản lòng.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành