Dạy Con (Bài 18)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Cảm ơn quý vị đã hỗ trợ Phát Thanh Tin Lành suốt nhiều năm qua, quý vị đón nghe hằng tuần và cũng giới thiệu cho bạn bè, bà con cùng nghe. Cầu xin Chúa giúp chúng ta áp dụng những nguyên tắc Chúa dạy trong Kinh Thánh để đời sống cá nhân cũng như gia đình chúng ta được hưởng trọn vẹn hồng ân của Ngài. Hôm nay chúng tôi xin trình bày phần cuối cùng trong đề tài về những điều cha mẹ vô tình làm khiến con cái buồn giận và nản lòng.
Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta hai lời khuyên căn bản trong trách nhiệm nuôi dạy con. Ông viết: “Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình buồn giận nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa” (Thư Ê-phê-sô 6:4). Và: “Hỡi những người làm cha, đừng chọc giận con cái mình, e chúng nản lòng chăng” (Thư Cô-ô-se 3:21). Nghe lời khuyên này có người nghĩ rằng không có cha mẹ nào muốn làm cho con cái buồn giận. Thưa đúng như vậy, không cha mẹ nào cố tình làm cho con buồn giận, nản lòng, nhưng lắm khi vì vô ý hoặc vô tình chúng ta làm những điều khiến con buồn và nản lòng. Trong Câu Chuyện Gia Đình trước đây chúng tôi đã chia xẻ một số điều cha mẹ làm khiến con cái buồn nản hoặc buồn giận. Hôm nay xin trình bày tiếp những điều còn lại.
- Không đặt giới hạn hay kỷ luật nhưng cho con quá nhiều tự do
Các con chúng ta khi còn nhỏ, vì chưa hiểu biết, thường muốn cha mẹ cho được tự do làm theo ý mình. Chẳng hạn như muốn ăn gì thì ăn, ăn lúc nào cũng được; muốn tự do thức khuya bao nhiêu hay đi chơi với bạn lúc nào cũng được. Trong khi đó có những cha mẹ vì quá bận với công việc nên cho con tự do làm theo ý mình, từ việc học hành đến ăn uống, dùng cell phone, xem tivi, hút thuốc, uống rượu hoặc thử cần sa ma túy, v.v… tất cả đều được tự do, cha mẹ không quan tâm cũng không đặt giới hạn. Khi quen sống vô kỷ luật, vì cha mẹ không nghiêm túc chỉ dẫn điều gì nên làm điều gì nên tránh, các em lớn lên trở nên những người vô kỷ luật. Khi đã trưởng thành và nhìn thấy hậu quả của một đời sống vô kỷ luật, các em sẽ buồn là cha mẹ đã không đặt giới hạn nhưng cho mình quá nhiều tự do nên bây giờ có nhiều tật hư thói xấu, không nên người, không học hành đến nơi đến chốn.
- Ngược đãi, hành hạ con
Khi dạy con, nhất là những đứa con còn nhỏ dại chúng ta cần áp dụng kỷ luật, nếu không các em sẽ trở nên vô kỷ luật, đời sống luông tuồng. Tuy nhiên, chúng ta cần theo khuôn mẫu sửa dạy của Chúa. Chúa sửa dạy chúng ta với lòng nhân từ, yêu thương, sẵn sàng tha thứ và Ngài sửa dạy vì lợi ích cho chúng ta. Nếu cha mẹ kỷ luật con quá đáng, phạt con vì giận con hay giận người khác, đó là ngược đãi con. Lời Chúa cho phép chúng ta áp dụng kỷ luật nhưng là để răn dạy chứ không phải làm cho con bị tổn thương, khiến con đau đớn, tủi nhục. Cũng có những cha mẹ vì say sưa, nghiện ngập, hay vì những đam mê tội lỗi, ích kỷ, không có thì giờ dạy dỗ chăm sóc con hoặc không cung ứng cho con những nhu cầu cần yếu, đó là chúng ta ngược đãi con. Có người bắt con làm những việc quá khó, quá nặng so với tuổi của con, đó cũng là ngược đãi con. Chúng ta cần tránh tất cả những điều này để không khiến con buồn giận và nản lòng.
- Gọi con bằng những từ thô lỗ, xấu xa
Có những cha mẹ không tôn trọng cũng không quý con nhưng xem con như vật sở hữu của mình. Mỗi khi con làm điều gì không đúng ý mình hay con vì vụng về làm sai, làm hỏng điều gì trong nhà thì mắng con nặng lời, gọi con bằng những từ thô lỗ, tục tĩu. Chúng tôi tin rằng ngày nay không cha mẹ nào vấp phải lỗi lầm này. Ngày trước nhiều người quan niệm con cái là do mình sinh ra nên không tôn trọng; khi giận, gọi con bằng những từ thô lỗ nặng nề, khiến con xấu hổ tủi nhục. Có người tùy theo vóc dáng của con mà đặt tên cho con, như gọi con là thằng lùn, con lé, thằng mập, con ròm, v.v… Con cái dù có khuyết tật gì hay vóc dáng như thế nào cũng là người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta không nên mắng mỏ chế nhạo con. Dù khi bực bội vì con cố ý cãi lời cha mẹ, chúng ta cũng không nên mắng con hay gọi con bằng những từ xấu xa khiến con buồn tủi và mang mặc cảm.
- Trông mong những điều quá khả năng của con
Đây là điều một số cha mẹ không để ý hoặc không nghĩ đến. Nhiều người nghĩ rằng mình phải khích lệ con làm những việc khó, việc lớn, quá khả năng, để con cố gắng và nhờ đó sẽ thành đạt và hơn bạn bè cùng lứa tuổi. Chẳng hạn như buộc con đi học lúc nào cũng phải được điểm cao, môn gì cũng phải giỏi. Khi vào đại học phải chọn ngành nghề mà cha mẹ mong muốn chứ không được chọn theo sở thích hay khả năng. Nhiều phụ huynh muốn con học bác sĩ, nha sĩ, để mình được hãnh diện với bà con bạn bè. Nhất là vào mùa ra trường như lúc này, vì thế thúc đẩy con quá nhiều, trông mong những điều quá khả năng của con. Trước đây có em đã tự vận vì không muốn học ngành mà cha mẹ em bắt buộc.
- Không công bằng trong cách đối xử với con
Đây là điều xảy ra trong nhiều gia đình, xưa cũng như nay. Tùy hoàn cảnh, người thì quý con trai hơn con gái, hay thương con gái hơn con trai. Người thì cưng con út hoặc con đầu lòng hơn những đứa khác. Cũng có người cưng chiều đứa con ốm yếu hơn đứa khỏe mạnh hay thương đứa mềm mại ngoan ngoãn hơn đứa con hay cãi lời cha mẹ. Khi cha mẹ thương con không đồng đều sẽ khiến con bất bình, buồn giận và đi đến chỗ ganh ghét nhau. Nhiều người ngày nay đã lớn, rời khỏi gia đình đã lâu nhưng vẫn còn buồn vì sự đối xử không công bằng của cha mẹ khi còn sống trong gia đình. Chúng ta cần yêu thương con cái đồng đều, không thiên vị đứa nào để các con không buồn giận và ngã lòng.
- Không áp dụng đúng Lời Chúa trong cách dạy con
Khi còn nhỏ con em chúng ta không hiểu biết nhiều Lời Chúa và mạng lệnh của Chúa, nhưng khi đã lớn và được học Lời Chúa, các em sẽ biết ngay nếu cha mẹ không vâng giữ Lời Chúa hay không dạy con theo nguyên tắc Lời Chúa. Chẳng hạn, con em chúng ta học những chân lý về Chúa trong Kinh Thánh như: “Đức Chúa Trời yêu thương những người kính sợ Ngài như Người Cha thương con mình,” “Chúa là Người Cha có lòng thương xót, hay làm ơn; chậm nóng giận và đầy nhân từ,” “Chúa không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời, v.v…” Khi học về Thiên Chúa là Đấng như vậy nhưng thấy cha mẹ hay nổi giận, không tha thứ hoặc trừng phạt con cái vô lý, các em sẽ buồn và nản lòng. Một ví dụ khác chẳng hạn như, con cái biết Lời Chúa dạy chúng ta phải nói thật, không được nói dối nhưng các em thấy khi cha mẹ muốn che giấu việc sai quấy mình đã làm hay muốn được một lợi lộc nào đó, cha mẹ đã nói dối hoặc bảo con nói dối và cho đó là nói khéo. Những cách dạy dỗ không đúng với Lời Chúa dạy như thế cũng sẽ khiến con buồn, nản lòng và có thể mất lòng tôn kính cha mẹ.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành