Quyết Định Mùa Đại Dịch
Thưa quý thính giả,
Đại dịch Covid-19 đã kéo dài suốt 5 tháng và để ngăn chận đại dịch, chính quyền các nước đã đưa ra biện pháp cách ly và đóng cửa cách dịch vụ không cần thiết. Điều nầy đã ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và tâm lý mọi người. Khi đại dịch có chiều hướng suy giảm phần nào thì chính quyền các cấp phải đối diện với một quyết định quan trọng đó là có nên mở cửa lại hay không? Và nếu mở cửa lại thì khi nào bắt đầu và trong những giới hạn nào? Quyết định mở cửa lại hay không gặp phải hai vấn đề: Không mở cửa sẽ đưa đến suy sụp nghiêm trọng về kinh tế còn mở cửa liệu sẽ khiến cho dịch bệnh gia tăng hay không? Cả hai hậu quả đều đáng sợ như nhau nên những nhà lãnh đạo vẫn còn đang phân vân và dè dặt trước quyết định nầy.
Trong đời sống, chúng ta cũng có những quyết định quan trọng như vậy, những quyết định dứt khoát, một khi đã quyết định, chúng ta không thể thay đổi những gì sẽ xảy ra sau quyết dịnh của mình. Chúa Cứu Thế Giê-xu nói về một trong những quyết định đó như sau:
Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hủy diệt, người vào đó thì nhiều. Còn cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, người tìm thấy được thì ít (Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:13-14)
Lời dạy của Chúa Giê-xu nói về hai con đường, hai cánh cửa, hai nhóm người và hai kết cuộc. Hai cánh cửa là cửa hẹp và cửa rộng. Hai con đường là đường chật và đường khoảng khoát. Người đi là ít và nhiều. Kết cuộc là hư mất và sự sống. Và dĩ nhiên quyết định của chúng ta là chọn cánh cửa nào, chọn đi con đường nào, thuộc vào nhóm người nào và kết cuộc sẽ ra sao?
Chữ “cửa” trong câu nầy nói là “cổng” thì đúng hơn. Đây là cổng để đi vào một con đường. Hẹp nói là giới hạn, có điều kiện mới được vào. Ơn cứu rỗi Chúa ban cho chúng ta là vô điều kiện nhưng chúng ta phải nhận mình có tội và ăn năn tội mới vào cổng đó được, hẹp là như vậy. Và Chúa kêu gọi, mời gọi chúng ta chọn cổng hẹp đó. Ngược lại với cổng hẹp là cổng rộng. Rộng mang ý nghĩa có thể vào dễ dàng, không đòi hỏi gì cả, mang bao nhiêu hành lý vào cũng được và không phải để lại điều gì bên ngoài, kể cả tội lỗi, lòng kiêu ngạo hay bất cứ điều gì ta muốn đem vào.
Sau hai cánh cổng là hai con đường: đường khoảng khoát và đường chật. Khoảng khoát nói lên ý tự do, phóng khoáng, khuynh hướng nào cũng được, không có gì cấm đoán, chấp nhận tất cả, cho phép tất cả. Chật hàm ý sẽ gặp khó khăn. Vì cổng rộng, dễ dàng nên nhiều người chọn cổng đó. Cổng hẹp, giới hạn, khó khăn, phải tìm mới thấy dĩ nhiên là ít người vào. Nhưng quan trọng là cuối con đường: con đường khoảng khoát dẫn đến hủy diệt, tức là diệt vong, tức là hư vong đời đời đời. Con đường chật hẹp đưa đến sự sống là sự sống vĩnh hằng trong Nước Chúa.
Câu nầy là lời Chúa kêu gọi chúng ta chọn cổng hẹp và con đường hẹp mà đi, để có hạnh phúc thật ở cuối đường. Ðây cũng là lời cảnh cáo để chúng ta không bị thu hút bởi cổng rộng và đường khoảng khoát để rồi phải hư vong đời đời. Lựa chọn và quyết định là tùy nơi chúng ta.
Thực tế của vấn đề, như lời Chúa Giê-xu dạy, đó là: cổng rộng và đường khoảng khoát thì nhiều người đi, còn cổng hẹp và đường chật, Chúa Giê-xu không nói ít người đi, nhưng Chúa nói: “Người tìm thấy được thì ít.” “Tìm thấy” hàm ý phải tìm kiếm. Và người tìm được thì không có nhiều. Những điều Chúa Giê-xu dạy là những điều thuộc phạm vi tâm linh, nói đến giá trị tinh thần, nói đến đời sau, nói đến cõi vĩnh hằng. Đây là những điều giá trị nhưng ít người đeo đuổi tìm kiếm. Chính vì vậy, lời dạy của Chúa Giê-xu là một lời kêu gọi, một lời mời. Chúa phán: “Hãy vào cửa hẹp!” Lời mời nầy hàm ý, “Hãy tìm cửa hẹp mà vào!”
Xưa nay không ai chọn con đường khó khăn gian khổ cho mình bao giờ, ai cũng chọn con đường thênh thang, thoải mái. Nhưng chúng ta phải cẩn thận, con đường thênh thang thoải mái đó là con đường đưa đến chỗ diệt vong và có rất nhiều người đang đi trên đường đó. Khuynh hướng ở đời là theo số đông. Chúng ta không muốn sống ngược lại dòng đời. Chính vì vậy mà nhiều người đi con đường rộng. Suy luận thông thường cũng là, đa số thì phải đúng cho nên ít ai muốn đi con đường hẹp, chỉ có ít người đi.
Vậy thì chúng ta chọn con đường nào? Quyết định của chúng ta phải dựa vào kết quả sau cùng, tức là ở cuối con đường có gì. Nhiều người cho rằng, con đường nào rồi thì cũng đến La-mã! Nhưng không phải như vậy. Chúa Giê-xu phán:
Ta là con đường, Ta là chân lý, Ta là sự sống. Chẳng bởi Ta, không ai được đến cùng Cha! (Phúc Âm Giăng 14:6)
Chúa Giê-xu là con đường duy nhất đi đến Thiên Chúa bởi vì chỉ một mình Ngài đã chịu chết để mở con đường đó. Chúa Giê-xu là nhịp cầu duy nhất giữa Thiên Chúa và con người vì Ngài là Thiên Chúa, hóa thân làm người, mang tội của con người và chịu chết thay cho con người. Chỉ con người vô tội là Chúa Giê-xu mới có thể chết thay cho nhân loại tội lỗi, xóa đi án phạt dành cho con người. Đức tin nơi cái chết thay thế của Chúa Giê-xu mới đem chúng ta trở lại với Thiên Chúa thánh khiết và công chính. Con người thường chỉ muốn vận dụng sức riêng, làm theo ý riêng để mong được giải thoát. Nhưng đó là điều con người không thể làm được vì tất cả đều là tội nhân như nhau trước mặt Thiên Chúa. Chỉ một mình Chúa Giê-xu là Đấng vô tội mới có thể chết thay cho con người tội lỗi và giải thoát chúng ta khỏi án phạt tội lỗi.
Chúa Giê-xu chẳng những chịu chết thay cho chúng ta, Ngài cũng đã phục sinh. Chúa đã sống lại, chiến thắng tử thần và ban cho chúng ta sự sống của Ngài. Tin Chúa Giê-xu không phải là theo một tôn giáo, nhưng tin Chúa Giê-xu là chọn cho mình một con đường. Con đường hẹp nhưng là con đường dẫn đến sự sống. Chúa Giê-xu chẳng những tuyên bố Ngài là con đường, là chân lý, là sự sống. Chúa cũng kêu gọi chúng ta, “Hãy vào cửa hẹp!” Đi con đường rộng thì dễ, đi con đường hẹp mới khó và Chúa đang mời gọi chúng ta đi con đường hẹp của Ngài. Quý vị đang chọn con đường nào? Chọn con đường nào cũng được, đi theo ai cũng được nhưng hãy nghĩ đến có gì ở cuối con đường? Diệt vong hay sự sống? Tất cả đều tùy ở quyết định của chúng ta hôm nay!
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành