Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 5)
Trong Câu Chuyện Gia Ðình các tuần qua, chúng tôi đang trình bày đề tài Ðối Thoại Trong Hôn Nhân. Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh cho chúng ta ít nhất là 10 nguyên tắc quan trọng về vấn đề đối thoại giữa người này với người kia, trong Câu Chuyện Gia Ðình các tuần qua chúng tôi đã nói đến bốn nguyên tắc đầu tiên, đó là: (1) Lời nói có sức mạnh lớn nên chúng ta phải cẩn thận khi sử dụng lời nói. (2) Chúng ta cần giữ tâm trí cho trong sạch vì đó là nơi phát xuất tư tưởng và lời nói. (3) Trong tiến trình đối thoại, nghe quan trọng hơn nói. Và: (4) Lời nói thiếu suy nghĩ gây nhiều tai hại. Hôm nay chúng tôi xin trình bày nguyên tắc thứ năm và thứ sáu, cũng từ lời Chúa dạy trong Kinh Thánh.
- Lời nói trong lúc nóng giận rất nguy hiểm
Bản tính chung của đa số chúng ta là khi giận thì nói nhiều, nói to và nói hết ra những gì chất chứa trong lòng. Hơn nữa, khi nóng giận, chúng ta không kiểm soát được lời nói cũng như cách nói, vì thế những lời nói trong lúc nóng giận thường thiếu xây dựng, và để lại một ảnh hưởng vô cùng tai hại, lắm khi làm hỏng mối quan hệ của ta với người chung quanh. Khi tức giận, chúng ta dễ nói những lời làm tổn thương người khác hoặc hạ giá trị của người khác. Biết bao nhiêu người con mang mặc cảm suốt đời vì những lời cha mẹ nói trong khi tức giận, biết bao nhiêu hôn nhân bị sứt mẻ hoặc đi đến đổ vỡ vì lời nói của người vợ, người chồng trong một phút nóng giận. Những lời mà bằng mọi giá chúng ta phải tránh là lời xua đuổi người thân trong gia đình, như cha mẹ đuổi con hoặc vợ đuổi chồng, chồng đuổi vợ ra khỏi nhà. Ðây là những lời để lại tổn thương sâu đậm trong lòng người.
Lời thứ hai cũng rất nguy hiểm mà chúng ta cần tránh là lời nói hạ giá trị của người khác, chẳng hạn như cha mẹ mắng con là vô dụng, là đồ ăn hại. Hoặc vợ chồng nói là mình không thương, không cần đến người kia. Có bà vợ kia khi giận nói với chồng: “Không hiểu sao hồi đó tôi lấy ông làm gì để bây giờ phải khổ, giá mà tôi lấy người khác thì đâu có như vầy!” Một ông chồng nọ trong một phút nóng giận nói với vợ: “Vợ người ta thì giúp chồng còn vợ của tôi thì chỉ biết làm hại chồng thôi!” Ðây là những lời chúng ta cần tuyệt đối tránh vì nó gây tổn thương vô cùng lớn lao mà nếu bình tâm suy nghĩ, chúng ta cũng không thật sự muốn nói những lời như thế.
Kinh Thánh cho chúng ta những lời khuyên sau đây về lời nói và tính nóng giận:
Chậm nóng giận là khôn ngoan
Châm Ngôn 14:29 dạy như sau:
Kẻ nào chậm nóng giận có thông sáng lớn, nhưng ai hay nóng nảy tôn lên sự điên cuồng
Theo câu Kinh Thánh này, người nóng tính và hay giận không những thiếu khôn ngoan mà còn có những hành động nguy hại không khác gì người điên. Có lẽ chúng ta đều đã từng chứng kiến người nóng giận hành động. Người đó la lối om sòm, nói những lời thô lỗ, nặng nề; đánh đập, mắng mỏ những người dưới mình hoặc đập phá những đồ đạc ở trong tầm tay. Thật chẳng khác gì hình ảnh một người điên. Có người không bao giờ nổi giận với bạn bè hay người ngoài, nhưng với vợ con hay chồng con thì nổi giận luôn luôn, bất cứ chuyện gì không vừa ý là nổi giận, và khi giận lên thì trút sự giận dữ đó ra qua những lời nói và hành động thật là xấu xa, gây tổn thương nặng nề cho người thân yêu. Ðây là điều chúng ta phải nhờ Chúa tránh đi.
Sứ đồ Phao-lô khuyên người tin Chúa như sau:
Phải bỏ khỏi anh em những cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác (Thư Ê-phê-sô 4:31)
Và:
Bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Ðừng nói hành ai, chớ có một lời tục tĩu nào ra từ miệng anh em (Thư Cô-lô-se 3:8)
Nhiều người có tính hay nóng giận mà lại hãnh diện về tính nóng giận của mình. Những người đó thường nói: Tính tôi nóng lắm, khi tôi nóng lên thì tôi nói, tôi làm, vì vậy đừng có ai đụng đến tôi. Xin Chúa giúp chúng ta không hãnh diện một cách dại dột như thế, nhưng trái lại, nhờ sức Chúa loại bỏ khỏi chính mình tính nóng giận nguy hiểm đó. Nếu khi giận, chúng ta nói năng và hành động bừa bãi cho hả cơn giận là chúng ta đã thua, thua chính mình và thua người khác. Ngược lại, nếu chúng ta kềm chế chính mình và không giận dữ là chúng ta đã thắng.
Châm Ngôn 16:32 dạy rằng:
Người chậm nóng giận thắng hơn người dũng sĩ, và ai kềm chế lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành.
Khi một người giận, lời đáp êm nhẹ của người kia sẽ có tác dụng tốt
Châm Ngôn 15:1 dạy:
Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu thịnh nộ thêm.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng đã nhiều lần kinh nghiệm chân lý này. Khi một người nổi giận mà người kia trả lời cách xẳng xớm chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa, làm người kia càng giận hơn. Trái lại, khi một người giận mà người kia bình tĩnh, đáp lại cách nhỏ nhẹ, từ tốn, thì sự cãi vã giữa hai người cũng như cơn giận của người kia không có cớ để gia tăng.
Có ông chồng kia có tính hay quên mà lại nóng tính và hay nổi giận. Ông thường hay đánh mất chìa khóa và nạt nộ vợ con bắt phải đi tìm cho ông. Mỗi lần như thế bà vợ bực mình, gắt với chồng: Ông để đâu quên rồi thì ráng chịu chứ cứ bắt người khác đi tìm cho ông sao. Ông chồng nghe vậy giận thêm nên càng la to hơn và thúc hối mọi người đi tìm. Sau đó bà vợ học được câu Kinh Thánh chúng tôi vừa trích, bà áp dụng và thấy có kết quả. Mỗi lần ông chồng nổi giận vì không tìm được món đồ ông cần, bà bình tĩnh nói nhỏ nhẹ với ông: “Có gì đâu mà anh phải nổi giận, cứ từ từ bình tĩnh đi tìm, mỗi người chia nhau tìm một chỗ là ra ngay.” Và đúng như thế, khi mọi người bình tĩnh đi tìm thì thật là dễ dàng.
Một lời dạy khác trong Châm Ngôn cũng nói lên ảnh hưởng tốt của người chậm nóng giận:
Kẻ nóng tính gây sự xung đột, nhưng người chậm nóng giận làm nguôi cuộc cãi vã (15:18)
Người nóng tính dễ sinh ra cãi cọ, còn người trầm tĩnh ôn hòa giúp đem lại hòa khí trong gia đình.
- Lời nói đúng lúc, đúng chỗ có giá trị lớn
Thánh Kinh dạy:
Lời nói phải thì khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc (Châm Ngôn 25:11)
Trong Bản Dịch Mới câu này là:
Lời nói đúng lúc khác nào trái táo vàng để trên đĩa bạc.
Trái táo vàng để trên đĩa bạc là điều rất quý giá. Lời nói đúng lúc, đúng chỗ cũng có một giá trị lớn như vậy. Muốn có những lời nói đúng lúc và đúng chỗ, chúng ta cần tập tính bén nhạy và quan tâm đến phúc lợi của người khác.
Một người vợ/ người chồng phải hiểu và thông cảm với người phối ngẫu mới biết người đó đang cần được nghe những lời nào; cần nghe lời an ủi, khích lệ hay lời góp ý xây dựng. Nếu người phối ngẫu đang buồn nản vì làm sai hỏng một việc gì, chúng ta cần nói lời an ủi, khích lệ chứ không phải lời phê bình hay sửa sai. Nếu người phối ngẫu gặp thất bại hay khó khăn vì thiếu cẩn thận, chúng ta nên bày tỏ lòng cảm thông chứ không nên nói: “Tôi đã nói mà không nghe!” Hoặc: “Tôi đã biết trước mà, làm như vầy thì hỏng chuyện là phải!” Ðó là những lời nói không đúng lúc. Những lời đó không thể giúp sửa lại điều sai hỏng mà cũng không làm cho người nghe cảm thấy nhẹ nhàng hay được an ủi; trái lại, khiến người nghe càng buồn bực và ân hận hơn.
Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta không những phải nói đúng lúc, đúng chỗ nhưng phải biết nói như thế nào đối với mỗi người. Ðây không phải là lời khuyên chúng ta nói những lời khách sáo hay giả dối, nhưng là những lời tế nhị và xây dựng. Phao-lô viết:
Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào (Cô-lô-se 4:6)
Xin Chúa giúp chúng ta cẩn thận trong lời nói và chỉ nói những lời nhân từ, ân hậu, mang lại hữu ích cho người nghe.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành