Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 35)
Kính chào quý thính giả, trước hết chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã hằng tuần đón nghe Câu Chuyện Gia Ðình và Câu Chuyện Phúc Âm của chương trình Phát Thanh Tin Lành. Chúng tôi mong ước những điều chúng tôi chia xẻ trong các buổi phát thanh đã mang lại ít nhiều hữu ích cho quý vị trong đời sống tâm linh cũng như đời sống gia đình. Chúngtôi ước mong quý vị sẽ mời Chúa bước vào cuộc đời, để được sống trong sự hướng dẫn của Chúa và Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Hôm nay chúng tôi xin tiếp tục nói về đề tài “ThaThứ trong Hôn Nhân.” Trong hôn nhân, chúng ta không chỉ tha thứ cho vợ chồng mình những lầm lỗi to lớn, nghiêm trọng cũng như tha thứ những vấp váp nhỏ nhặt hằng ngày.
Tại sao vợ chồng cần tha thứ cho nhau? Chúng ta cần tha thứ cho nhau vì những lý do sau:
- Chúng ta là con người yếu đuối bất toàn, có nhiều lỗi lầm.
- Nếu không tha thứ, buồn giận cay đắng sẽ chồng chất khiến vợ chồng trở nên ngăn cách.
- Chúng ta tha thứ cho nhau vì đó là mạng lệnh của Chúa.
- Nếu không tha thứ cho người, chúng ta sẽ không được tha thứ.
Ðó là những lý do chúng tôi đã nói đến trong Câu Chuyện Gia Ðình kỳ trước. Hôm nay xin trình bày lý do thứ 5:
Lý do 5: Tha thứ cho người chúng ta mới xứng đáng thờ phượng Chúa
Người tin Chúa thờ phượng Chúa vì kính yêu Chúa và muốn tôn cao Danh Chúa, nhưng Kinh Thánh ghi Lời Chúa nhắc nhở như sau,
“Nếu có ai nói rằng, ta yêu Đức Chúa Trời mà lại ghét anh em mình thì là kẻ nói dối. Vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (I Giăng 4:20).
Theo lời dạy này, nếu một người không có tình yêu thương đối với người chung quanh, nhất là không yêu thương vợ chồng, anh chị em mình, là người chúng ta nhìn thấy, tiếp xúc gần gũi mỗi ngày thì người đó cũng không thật lòng yêu Đức Chúa Trời và không thể nói rằng mình yêu Chúa. Khi thật lòng yêu thương người nào, chúng ta sẽ sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho người đó, không tha thứ chứng tỏ chúng ta không yêu thương, và theo lời Chúa Giê-xu dạy, nếu không yêu thương, không tha thứ cho người chung quanh mình, chúng ta không thể thờ phượng Chúa.
Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-xu cũng dạy như sau:
“Nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ (tức là thờ phượng Chúa) mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ” (Ma-thi-ơ 5:23-24).
Theo lời dạy này, thờ phượng Chúa, dâng tế lễ cho Thiên Chúa là điều quan trọng, cần làm, tuy nhiên nếu chúng ta thờ phượng Chúa, dâng tế lễ cho Chúa mà mối tương quan giữa chúng ta với người chung quanh không hài hòa tốt đẹp, chúng ta cần ngưng việc thờ phượng, trở về giải hòa với nhau rồi mới có thể thờ phượng Chúa. Đối với Chúa, nếu chúng ta nói rằng mình kính yêu Chúa, muốn thờ phượng hay dâng hiến cho Chúa mà trong lòng còn buồn giận người này người kia; nhất là còn phiền giận người bạn đời mà Chúa đã ban cho chúng ta, còn ghim lỗi chứ không sẵn sàng tha thứ thì sự thờ phượng của chúng ta không có giá trị và dĩ nhiên là không được Chúa tiếp nhận. Do đó có thể nói, nếu không tha thứ cho nhau, chúng ta không xứng đáng thờ phượng Chúa mà cũng không nhận được ơn phước của Chúa. Hơn thế nữa, khi con dân Chúa không tha thứ cho nhau, người đời sẽ chê cười Danh Chúa. Chúa Giê-xu phán:
“Nếu các ngươi yêu nhau thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35).
Nếu trong gia đình vợ chồng yêu thương, tha thứ cho nhau; cha mẹ với con cái cũng sẵn sàng bỏ qua những lầm lỡ, sơ sót của nhau, không những gia đình đó được phước nhưng người chung quanh nhìn vào sẽ biết những người đó là môn đồ thật của Chúa và gia đình đó thật sự có Chúa làm Chủ.
Có những gia đình không kinh nghiệm bình an phước hạnh, không có niềm vui, chỉ vì người trong gia đình không tha thứ nhưng cứ ghim lỗi lầm của nhau. Nếu vợ chồng thật lòng yêu nhau, nếu cha mẹ và con cái thật sự yêu thương nhau, chúng ta phải tha thứ và bỏ qua lỗi lầm của nhau. Sứ đồ Phao-lô cho biết người có tình yêu thật là người nhịn nhục, nhân từ, không nóng giận, không ghim lỗi lầm. Và ông viết:
“Tình yêu thương dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự” (Thư I Cô-rinh-tô 13:7)
Xin Chúa giúp chúng ta sống với người phối ngẫu bằng tình yêu của Chúa, là tình yêu Thánh Kinh mô tả.
Thế nào là tha thứ thật?
Để sự tha thứ của chúng ta với người chung quanh, người thân yêu trong gia đình, nhất là với người phối ngẫu là tha thứ thật chứ không phải chỉ là giả tạo bên ngoài, sự tha thứ đó cần có những điều kiện sau:
- Thành thật
Trước hết, muốn nhận được sự tha thứ thật, nghĩa là người có lỗi thật sự được tha và người bị tổn thương thật sự tha thứ, bỏ qua cho người đã gây lỗi lầm hay tổn thương cho mình, chúng ta cần phải thành thật với nhau. Nói như thế có nghĩa là, người có lỗi không tìm cách bào chữa việc sai quấy mình đã làm nhưng thật lòng nhận là mình sai sót và lầm lỗi; ân hận vì mình đã làm điều không nên làm, nói những lời không nên nói, và thật sự ăn năn, sẵn sàng hối cải, thay đổi. Sự thành thật trong tha thứ phải hai chiều: Ngưởi có lỗi thành thật nhận lỗi và người bị tổn thương cũng thành thật tha lỗi, cũng thật lòng yêu thương chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho người có lỗi. Đó mới là tha thứ thật.
Theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, lòng thành thật hay chân thật là điều rất quan trọng. Sứ đồ Phao-lô khuyên:
“Lòng yêu thương phải cho thành thật, hãy gớm điều dữ mà mến điều lành” (Rô-ma 12:9).
Trong một lá thư khác, Phao-lô cũng khuyên chúng ta phải thành thật trong cách cư xử với nhau, ông viết:
“Ngài muốn chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật… Mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau” (Thư Ê-phê-sô 4:15, 25).
Người thành thật là người chân thật, không giả dối, trong lòng suy nghĩ thế nào thì bày tỏ ra như vậy. Khi biết mình có lỗi thì thành thật nhận lỗi, khi thấy người khác thành thật nhận lỗi cũng thật lòng tha thứ cho họ. Trong gia đình, nếu mọi người, nhất là vợ và chồng, đều thành thật với nhau, không che giấu, không giả dối, không đóng kịch hoặc làm bộ bề ngoài; lúc có mặt cũng như khi vắng mặt, mọi người sống và đối xử thành thật với nhau, gia đình đó sẽ dễ dàng tha thứ cho nhau cách thật lòng. Nhìn thái độ và cách nói năng của một người khi nói lời xin lỗi hay khi nói lời tha thứ, chúng ta sẽ biết người đó có thật lòng xin lỗi, có thật lòng tha thứ hay không. Ví dụ, người chồng nói lời xin lỗi vợ nhưng nét mặt giận dữ, hoặc nói lời xin lỗi mà gằn gọng cách nặng nề, bực bội, đứng xa xa, không nhìn vợ. Tương tự như thế, người vợ nói mình tha thứ cho chồng, hứa không phiền giận nữa, nhưng nhìn đi nơi khác, không muốn đến gần chồng, nét mặt và thái độ không biểu lộ tình yêu thương hoặc sự thông cảm. Lúc đó chúng ta biết ngay lời xin lỗi cũng như lời tha thứ đó là không thật. Cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn yêu thương nhau và tha thứ nhau thật lòng, để mối quan hệ giữa chúng ta với vợ chồng cũng như với người thân yêu trong gia đình luôn được ngọt ngào, tốt đẹp (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành