Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 7)
Nguyên tắc 9: Nói thật với nhau nhưng nói với lòng yêu thương
Vợ chồng quý vị có thương nhau không? Chắc hẳn là có, thương nhau quý vị mới lập gia đình với nhau. Nhưng tình yêu của quý vị là tình yêu như thế nào? Trước hết, Lời Chúa dạy, lòng yêu thương phải cho thành thật, hãy gớm điều dữ mà mến điều lành (Rô-ma 12:9). Tình yêu phải thành thật, phải tránh điều dữ và gắn bó với điều lành. Tình yêu thật là nền tảng cho mối quan hệ giữa chúng ta với người chungquanh, nhất là trong quan hệ vợ chồng. Nếu vợ chồng thật sự yêu nhau, chúng ta phải thành thật với nhau trong lời nói. Có những vợ chồng thương nhau nhưng không thành thật với nhau, trong lời nói cũng như trong vấn đề tiền bạc, tình cảm, v.v... Ðối thoại là để vợ chồng hiểu nhau, nhưng nếu nói với nhau những lời không thành thật, chúng ta sẽ không thật sự hiểu nhau và khó có thể hiệp nhất với nhau, còn không thành thật trong chuyện tiền bạc, tình cảm, chúng ta sẽ mất lòng tin cậy nhau. Về cách sử dụng lời nói, sứ đồ Phao-lô nhắn nhủ như sau: Chúa muốn chúng ta không như trẻ con nữa, … nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật (Ê-phê-sô 4:14-15). Ðức Chúa Trời muốn chúng ta lấy tình yêu thương nói lên sự thật với nhau.
Chúng ta thường nghe câu lời thật mất lòng, và vì sợ mất lòng mà nhiều người thiếu thành thật với nhau. Lời thật có thể làm mất lòng, nhưng theo Lời Chúa dạy, chúng ta có thể nói thật mà không mất lòng nhau, cũng không gây tổn thương cho nhau, vì chúng ta nói thật với tình thương, và vì tình thương. Có người khi phê bình ai điều gì thì thường nói: Tôi thương tôi mới nói, nhưng giọng nói, câu nói và cách nói của người đó chẳng có chút gì là yêu thương. Khi chúng ta nói thật vì tình thương, kèm theo thái độ yêu thương, người nghe sẽ cảm nhận được và không phiền giận chúng ta. Chúng ta không những cần lấy tình thương nói thật với người thân trong gia đình nhưng cũng cần mềm mại sẵn sàng đón nhận lời nói thật của người khác. Có ông chồng kia bị bệnh mà ăn uống không cẩn thận, cũng không tập thể dục như lời bác sĩ khuyên, vợ ông lo lắm mà không dám nói, vì dù nói cách tế nhị và yêu thương bao nhiêu, ông cũng nổi giận chứ không nghe. Một ngày kia đi tái khám, thấy bệnh của ông chồng gia tăng, bác sĩ dặn ông phải nghe lời nhắc nhở của vợ. Từ ngày ông nghe lời vợ, ăn uống cẩn thận và tập thể dục đều đặn, bệnh của ông thuyên giảm rất nhiều. Khi thấy người phối ngẫu làm những điều có hại hay nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình, chúng ta nên nhắc nhở với lòng yêu thương. Và khi người thân chỉ cho chúng ta thấy điều sai sót của mình, chúng ta cũng nên có tinh thần phục thiện, sẵn sàng lắng nghe và sửa đổi. Nếu trong gia đình vợ chồng có thể nói thật với nhau những điều mình suy nghĩ; nói một cách tế nhị, nhẹ nhàng, và nói với lòng thương yêu thì vợ chồng sẽ đỡ phải che giấu nhau, nói dối nhau, làm tổn thương nhau mà trái lại, có thể dễ dàng hiệp nhất với nhau.
Sứ đồ Phao-lô khuyên: Mỗi người trong anh em phải chừa bỏ nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau (Ê-phê-sô 4:25). Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó (Cô-lô-se 3:9). Với anh chị em trong hội thánh, Lời Chúa bảo chúng ta phải loại bỏ sự nói dối thì với người trong gia đình chúng ta càng cần thành thật với nhau luôn luôn. Những lời nói thật kèm với một tình thương yêu chân thành sẽ giúp người nghe dễ dàng tiếp nhận và sửa đổi.
Nguyên tắc 10: Tránh tính hay cằn nhằn, cãi cọ
Hai thói quen trong cách đối thoại vô cùng tai hại cho quan hệ vợ chồng mà nhiều người thường mắc phải, đó là tính hay cằn nhằn, than van và hay cãi cọ và gây gổ. Phải sống bên cạnh một người lúc nào cũng cằn nhằn, chuyện gì cũng càu nhàu thật là khổ tâm. Càu nhàu là nhắc đi nhắc lại mãi lỗi lầm của người khác hay than van về những chuyện buồn phiền xưa cũ. Có người cứ phiền trách vợ hay chồng về những chuyện xảy ra đã hai mươi, ba mươi năm trước. Sống bên người vợ hay người chồng hay than van, phiền trách thật là khó hạnh phúc mà còn thêm bệnh nhức đầu và khổ tâm. Các ông cũng như các bà đều có người mắc bệnh hay càu nhàu, nhưng hình như các bà hay càu nhàu hơn. Sách Châm Ngôn trong Cựu Ước mô tả người đàn bà có tính hay cằn nhằn như sau: Một người vợ hay cằn nhằn giống như nước mưa nhỏ giọt không dứt (19:13b, Bản Dịch Mới). Quý vị có nghe tiếng nước nhỏ giọt trên máng xối hay trong buồng tắm bao giờ chưa? Nếu nghe một vài phút thì không sao nhưng phải nghe cả đêm hay hết ngày này sang ngày khác thì thật là khó chịu, nó làm cho đầu óc ta căng thẳng. Ở gần người hay cằn nhằn cũng giống như phải nghe tiếng nước nhỏ giọt ngày đêm như vậy. Vì phái nữ hay có tính càu nhàu nên chúng ta cần cẩn thận, bớt đi tính càu nhàu than van, cũng đừng than phiền về những chuyện xưa cũ, để không là nỗi khổ tâm cho chồng cho con.
Mỗi khi vợ chồng có điều cần nói với nhau, chúng ta nên nói cách nhỏ nhẹ và chỉ cần nói một hay hai lần là đủ. Có người nghĩ rằng chuyện gì cũng phải nói nhiều lần mới có kết quả. Thật ra, khi chúng ta nói đi nói lại mãi một điều, người nghe sẽ nhàm hoặc đâm ra bực bội; sẽ không chú ý nghe mà cũng không muốn làm theo. Còn nếu chúng ta cứ nhắc lại những chuyện đau buồn xưa cũ rồi than thở, người thân sẽ không dám ở gần bên chúng ta. Ðối với những buồn đau thất bại trong quá khứ, chúng ta hãy để cho nó đi vào quên lãng, đừng nhắc lại mà làm khổ nhau. Cách tốt nhất để quên những chuyện buồn trong quá khứ là chú tâm vào những chuyện vui, những ơn phước Chúa ban, đếm những ơn phước đó và dâng lời cảm tạ Chúa.
Ngoài tính hay cằn nhằn, có người còn có tính hay gây gổ và cãi cọ. Có người mỗi khi trò chuyện với người khác thường muốn lấn lướt cho hơn: ý của mình hay hơn, cách mình làm đúng hơn, và nếu không hơn thì phải phân trần hay tranh cãi cho hơn. Ðây cũng là cách đối thoại gây tổn hại cho mối quan hệ giữa ta với người chung quanh. Với người trong gia đình, có lẽ vì quá quen, quá gần, người có tính hay tranh cạnh và gây gổ thường để lộ tâm tính của mình ra. Mỗi khi đối thoại với chồng con hay vợ con, nếu có điều gì không đồng ý là họ nổi giận, cãi cọ và la lối om sòm để được phần hơn. Một lần nữa, có lẽ vì phái nữ hay có tính cãi cọ mà Kinh Thánh nhắc đến phái nữ khá nhiều trong vấn đề này, nhất là trong sách Châm Ngôn, với những câu như: Thà ở nơi góc mái nhà còn hơn là sống chung nhà với một người đàn bà hay cãi cọ, hoặc: Thà sống trong sa mạc hơn là với người đàn bà hay cãi cọ và than phiền (Châm Ngôn 21:9 & 19, Bản Dịch Mới). Người hay cãi cọ, hay than phiền ai cũng sợ vì thế chúng ta cần tránh những tính đó. Dù Kinh Thánh chỉ nói đến các bà nhưng các ông cũng nhiều người có tính hay cãi cọ và gây sự; vì vậy, dù là nam hay nữ, chúng ta cũng cần nhờ Chúa loại bỏ những cách nói năng tai hại đó. Sứ đồ Phao-lô biết nguy hại của tính cãi cọ, cằn nhằn nên ông khuyên: Phải bỏ khỏi anh em những cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc cùng mọi điều hung ác (Ê-phê-sô 4:31). Ðối thoại là vấn đề quan trọng, không những vì nó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và mối quan hệ giữa ta với người chung quanh nhưng nó cũng quyết định số phận của chúng ta trong ngày phán xét cuối cùng. Chúa Giê-xu phán: Ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt (Ma-thi-ơ 12:36-37).
Chúng ta đều đồng ý rằng Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy những điều thật là thực tế và cần thiết mà nếu áp dụng, chúng ta sẽ được bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên, với bản tính tội lỗi trong con người, chúng ta không thể lấy sức riêng thực hành Lời Chúa dạy, chúng ta cần sức của Chúa và tình yêu của Ngài. Tình yêu và sức mạnh của Chúa là điều chúng ta sẽ nhận được khi chúng ta mời Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng và làm Chủ cuộc đời. Lúc đó chúng ta không phải cố gắng sống yêu thương hay cố gắng làm điều tốt, nhưng là chính Chúa làm qua chúng ta. Tình yêu của Chúa sẽ giúp chúng ta sống yêu thương với người chung quanh. Vì thế, chúng tôi mong ước quý vị sẽ đến với Chúa, Người Cha Nhân Từ, và dâng cuộc đời cho Chúa làm Chủ. Chúa sẽ giúp quý vị sống theo Lời Kinh Thánh dạy và nhờ đó quý vị sẽ kinh nghiệm một cuộc sống ý nghĩa và phước hạnh.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành