Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 8)
Có hai vợ chồng kia đã khá cao tuổi. Mỗi khi ông chồng lái xe, bà vợ hay cằn nhằn, chê ông là phản ứng chậm và lái không cẩn thận. Ngồi bên cạnh chồng, bà vợ này luôn luôn nhắc ông phải lái như thế này, như thế kia. Ông chồng bực lắm nhưng biết là có nói gì bà vợ cũng không thay đổi nên ông cứ yên lặng, kể như không nghe lời vợ nói.
Một ngày nọ, khi đi đến chỗ ngã tư thì đèn đổi màu vàng. Ông chồng ngần ngừ, không biết nên ngừng lại hay đi luôn. Vì ngập ngừng, không quyết định ngay nên ông cụ đã vượt đèn đỏ và bị cảnh sát công lộ chận lại. Khi cảnh sát đến gần thì thấy người cầm tay lái không phải một người trẻ tuổi ham chạy nhanh như ông nghĩ, nhưng là một ông cụ đã cao tuổi. Ông cụ đang bị vợ cằn nhằn vì bị cảnh sát phạt. Bà vợ nói: “Tôi đã nói mà, ông phản ứng chậm quá mà ông đâu có chịu nghe. Bây giờ ông thấy khổ chưa, tiền phạt ít nhất cũng hơn một trăm đồng.” Nghe vậy, viên cảnh sát cười thầm trong lòng và thấy tội nghiệp cho ông cụ già bị vợ rầy. Vì thế viên cảnh sát xin ông cụ cho xem bằng lái xe và giấy đăng bộ xe cách qua loa rồi nói: “Cụ vượt đèn đỏ cụ có biết không? Lần này tôi tha không phạt, nhưng cụ phải hứa là mỗi khi lái xe cụ sẽ nghe lời nhắc nhở của bà cụ.”
Bà vợ nghe cảnh sát tha không phạt thì mừng quá vì không phải mất tiền. Viên cảnh sát nói xong đi trở về xe của mình, vào xe ngồi và chờ ông bà cụ kia đi rồi mới đi. Nhưng chờ một hồi lâu thấy chiếc xe đó vẫn nằm yên không nhúc nhích. Viên cảnh sát định đi trở lại hỏi thăm xem có chuyện gì cần ông giúp hay không thì ngay lúc đó thấy ông cụ già ra khỏi xe, đi về phía xe cảnh sát. Đến nơi ông cụ nói: Thưa ông, thà ông cứ phạt tôi đi, tôi sẵn sàng chịu phạt chứ đừng bắt tôi hứa là phải nghe lời bà vợ tôi mỗi khi lái xe, vì bã nói lải nhải luôn làm tôi nhức đầu lắm!!!
Khi cần nói, hãy nói đàng hoàng chứ đừng càu nhàu, cằn nhằn hay lải nhải
Ngoài những nguyên tắc Thánh Kinh dạy về cách sử dụng lời nói mà chúng tôi đã chia sẻ trong các tuần qua, còn một nguyên tắc khác cũng thật là quan trọng. Đó là khi cần nói chúng ta hãy nói đàng hoàng, rõ ràng chứ không nên càu nhàu, cằn nhằn hay lải nhải, vì cách nói như thế cũng có nhiều tai hại cho mối quan hệ vợ chồng. Các ông cũng như các bà đều có những người có tính hay càu nhàu, nhưng hình như các bà mắc bệnh này nhiều hơn. Không gì khó chịu cho bằng phải sống bên cạnh một người có tính hay cằn nhằn, mỗi khi có chuyện gì là cứ nói đi nói lại mãi. Khi vui vẻ thì không sao nhưng hễ buồn hay ai làm phiền về một chuyện gì thì lại cằn nhằn càu nhàu về những chuyện cũ.
Mỗi khi vợ chồng có chuyện cần nói với nhau, chúng ta nên nói cách rõ ràng, đàng hoàng và vui vẻ. Đừng nói úp mở hay nói bóng nói gió, cũng đừng dùng tiếng than khóc để lung lạc người phối ngẫu hay làm cho người đó cảm thấy áy náy để rồi phải chiều theo ý chúng ta. Chúng ta cũng không nên nhiều, nói đi nói lại, nói lải nhải cả ngày cả đêm. Những lời cằn nhằn đó làm người nghe ngao ngán, sợ hãi và sẽ tránh, không dám ở gần bên chúng ta.
Người hay than van thường cũng là người có tính bi quan. Bất cứ trong vấn đề gì người đó cũng chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực, việc gì cũng có thể buồn lo, lúc nào cũng có điều để phàn nàn. Chẳng hạn như có những bà mẹ khi con còn nhỏ thì than nuôi con quá vất vả, cực nhọc, không có thì giờ để làm việc gì khác. Khi con bắt đầu lớn thì than là khó dạy bảo, nói không nghe, phải lo lắng nhiều và tốn kém tiền bạc cho con quá nhiều. Và đến lúc con trưởng thành sắp ra đời tự lập thì sợ xa con sẽ nhớ con hoặc than là rồi đây con sẽ quên mình và bỏ mình cô đơn. Có người thì lúc con chưa lập gia đình than là sợ con sẽ độc thân suốt đời. Khi con có vợ có chồng thì than là con chỉ biết lo cho gia đình riêng, không nghĩ gì đến cha mẹ, v.v… Đó là đặc điểm của những người có tính hay than.
Ngoài ra những người hay than cũng có tính nhớ dai nhưng không nhớ chuyện vui hay ơn phước Chúa ban mà chỉ nhớ những chuyện buồn đau và cứ thích nhắc lại những chuyện đó. Không những thế, những người này còn hay nhớ lỗi lầm của người khác và hay nhắc đi nhắc lại những lỗi lầm đó. Lắm khi còn than khóc, kể lể làm người có lỗi rất là khổ tâm mà không thể làm gì được. Thật là đau khổ và tội nghiệp cho những ai có người vợ hay người chồng có tính hay càu nhàu, than van như thế. Người hay than van cũng là người chỉ nghĩ đến nỗi khổ của mình và luôn luôn cho mình là người khổ nhất trên đời, dù chung quanh có nhiều người khổ hơn họ.
Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước có nhiều lời dạy về những người có tính hay cằn nhằn. Châm Ngôn 21:9 dạy rằng:
Thà ở nơi xó nóc nhà, hơn là ở chung nhà với một người đàn bà hay tranh cạnh
Trong một câu Châm Ngôn khác, tác giả lại viết:
Thà ở một góc trên mái nhà, hơn là ở chung nhà với người đàn bà hay tranh cạnh (25:24)
Bản Thánh Kinh Diễn Ý gọi “người đàn bà hay tranh cạnh” là “người đàn bà hay sinh sự.” Chúng tôi không biết tại sao Kinh Thánh chỉ nói đến người đàn bà hay tranh cạnh hay người đàn bà hay sinh sự mà không nhắc gì đến những người đàn ông khó tính hay càu nhàu. Có lẽ vì các bà ngày xưa cũng có tính cằn nhằn, than van nhiều hơn các ông. Tuy nhiên, không phải như thế là các ông không mắc phải chứng bệnh này đâu. Nói chung, các ông ít nói hơn và ít cằn nhằn hơn các bà. Tuy nhiên, khi giận thì rất nóng nảy, hung dữ, quát tháo ầm ĩ hoặc có những hành động nông nổi nên cũng gây ra nhiều điều tai hại. Và trong thực tế cũng không thiếu những ông hay than van, cằn nhằn vợ con ngày đêm. Thật ra thì dù là đàn ông hay đàn bà mà hay cằn nhằn thì người chung quanh cũng sợ và không muốn ở gần.
Trong gia đình, mỗi khi vợ chồng trò chuyện với nhau hay có điều cần nói, chúng ta nên nói cách từ tốn, nhỏ nhẹ, đàng hoàng và chỉ cần nói một lần hoặc nếu cần, nhắc đến lần thứ hai là đủ. Có người nghĩ rằng mình phải nói nhiều, nói đi nói lại nhiều lần mới có kết quả. Có người khi vợ, chồng hay con cái lỡ làm điều gì lầm lỗi thì không trách mắng một lần nhưng cứ nhắc đi nhắc lại mãi. Nhiều người nói suốt ngày chưa đủ, tối còn nói đến khuya rồi sáng hôm sau thức dậy lại tiếp tục nói nữa. Chính vì thế mà Thánh Kinh nói: “Thà ở nơi vắng vẻ, thà ở nơi xó góc nhà hay ở trên mái nhà còn hơn là ở chung với người hay than van, gây gổ, hay sinh sự.”
Thật ra khi chúng ta nói đi nói lại mãi một chuyện, người nghe sẽ thấy nhàm chán, bực bội, không muốn nghe và nếu nghe cũng không để tâm và không muốn làm theo nữa. Đối với lỗi lầm của chồng, vợ hay của con cái, nếu chúng ta nhắc đi nhắc lại mãi, người đó sẽ khổ tâm, bị mặc cảm tội lỗi dày vò, sinh ra tự ti mặc cảm hoặc cảm thấy ghét chính mình và người chung quanh. Người đó cũng có thể sẽ tức giận và có những phản ứng không thuận lợi, cũng có thể người đó sẽ đổ lì ra và còn làm thêm những điều khiến chúng ta bực bội hơn nữa.
Khi một chuyện đã qua, nhất là những chuyện buồn đau, những kỷ niệm không vui, hay lầm lỗi của người thân, chúng ta nên để cho nó qua luôn, đừng nhắc đi nhắc lại mà làm khổ nhau. Đặc biệt là khi người có lỗi đã ăn năn hối lỗi, chúng ta đừng bao giờ nhắc lại nữa, dù cho hậu quả của lỗi lầm đó vẫn còn. Nếu mỗi khi quá buồn khổ hay quá tức giận, trong lòng muốn nhắc lại chuyện cũ, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa giúp mình đừng nghĩ đến những chuyện đó nữa nhưng trái lại, nghĩ đến những chuyện vui, đếm những ơn lành Chúa đã ban cho gia đình chúng ta cho bản thân chúng ta và dâng lời cảm tạ Chúa.
Có bao giờ trong đêm khuya yên tĩnh, quý vị không ngủ được và nằm nghe tiếng mưa nhỏ giọt trên máng xối hay nghe tiếng nước nhỏ từng giọt trong buồng tắm vì ống nước bị hư? Những âm thánh đó nếu nghe qua một vài phút thì không sao chứ nếu phải nghe suốt cả đêm hay cả giờ đồng hồ thì chúng ta không thể nào chịu nổi. Tiếng đó làm đầu óc chúng ta căng thẳng và lằm khi có thể làm chúng ta điên lên được. Thế mà Thánh Kinh ví sánh lời nói của những người hay càu nhàu giống như tiếng nước chảy trên máng xối. Câu này cũng trong sách Châm Ngôn của Thánh Kinh Cựu Ước. Châm Ngôn 19:13 ghi như sau:
Con trai ngu muội là tai họa cho cha, và sự tranh cãi của người vợ vốn một máng xối hằng chảy luôn!
Trong bản Thánh Kinh Diễn Ý là:
Con ngỗ nghịch là tai họa cho cha, vợ mè nheo như nhà dột cho chồng!
Có một thiếu phụ kia vì lấy chồng nghèo nên cuộc sống vất vả. Đã vậy, lúc lấy chồng bà còn quá trẻ mà lại phải từ giã cha mẹ để theo chồng về một nơi xa lạ không người thân quen. Từ đó người đàn bà này đâm ra oán hận đời, oán giận chồng con và nuôi trong lòng một nỗi đau buồn cay đắng. Mỗi khi gia đình gặp hoạn nạn hay vợ chồng có chuyện không vui, bà thức suốt đêm kể lể khóc lóc, trách chồng mắng con, khiến trong nhà không ai ngủ được. Thật ra so với nhiều người khác, cuộc đời người đàn bà này không đến nỗi lầm than, cơ cực như bà nghĩ. Hơn nữa, nếu nhìn đời với đôi mắt lạc quan, người đàn bà này sẽ thấy mình có phước hơn nhiều người khác. Bà có một người chồng hiền lành yêu thương bà. Bà có con trai con gái, các con của bà đều ngoan ngoãn dễ dạy. Bà cũng được khoẻ mạnh, không đau ốm bệnh hoạn như nhiều người khác, và dù nghèo, bà có nơi ăn chốn ở yên lành bà được sống trong tình thương yêu của chồng con. Sở dĩ bà than van và hay cằn nhằn chồng con là vì bà không thỏa lòng với những gì mình có. Nếu chúng ta không thỏa lòng với những điều mình có thì dù có tất cả mọi sự, chúng ta cũng sẽ không thỏa lòng.
Thánh Kinh Tân Ước cũng có nhiều câu khuyên chúng ta phải bỏ đi tính hay cằn nhằn, phiền giận, kêu ca, là những điều có ảnh hưởng tai hại trong đối thoại giữa chúng ta với người chung quanh. Thánh Phao-lô khuyên:
Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác (Thư Ê-phê-sô 4:31)
Trong một thư khác, thánh Phao-lô cũng khuyên:
Lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó và ăn ở như vậy. Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là thạnh nộ, buồn giận và hung ác (Thư Cô-lô-se 3:7)
Lời Chúa khuyên chúng ta phải vứt đi, bỏ đi những lời kêu ca, than van, mắng nhiếc. Điều đó cho thấy rằng chúng ta sử dụng lời nói như thế nào là tùy ở sự chọn lựa của chúng ta. Chúng ta có tự do và khả năng quyết định chọn lời tốt hay không tốt để nói với người chung quanh chứ đó không phải là tật bẩm sinh hay là điều chúng ta không thể thay đổi được. Cầu xin Chúa giúp chúng ta biềt chọn những lời nhân từ, ngọt ngào, đầy ân hậu để nói với mọi người (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành