Hạt Cải & Men
Có thể nói một trong những kỳ quan của thế giới nằm ngay tại tiểu bang California. Tôi muốn nói về những rừng gỗ đỏ (redwood) tại miền Bắc California. Redwood có hai loại: một loại có thân thật to gọi là sequoia và một loại khác, thân không to nhưng cao vút. Bước vào một rừng redwood, Bạn sẽ thấy cả một công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng Bạn có biết những rừng redwood vĩ đại đó bắt đầu từ đâu không? Dĩ nhiên là từ những cây nhỏ và những cây nhỏ nầy bắt đầu từ những hột nhỏ hơn nữa. Cầm trong tay một hột cây thông hay cây bách, ta khó có thể ngờ rằng từ một giống nhỏ bé có thể thành những thân cây vĩ đại như vậy. Ðể dạy chúng ta về một bắt đầu nhỏ nhưng kết cuộc vĩ đại, Chúa Giê-xu đã dùng hai hình ảnh: hình ảnh hột giống và hình ảnh men để làm bánh. Thánh Kinh ghi lại những lời dạy của Chúa Cứu Thế như sau:
Ngài lấy ví dụ khác mà phán rằng:
Nước thiên đàng giống như một hột cải mà người kia lấy gieo trong ruộng mình; hột ấy thật nhỏ hơn cả các giống khác, song khi đã mọc lên, thì lớn hơn các thứ rau, và trở nên cây cối, cho đến nỗi chim trời tới làm ổ trên nhành nó được. Ngài lấy ví dụ khác nữa mà phán rằng: Nước thiên đàng giống như men mà người đàn bà kia lấy trộn vào trong ba đấu bột, cho đến chừng nào bột dậy cả lên (Phúc Âm Ma-thi-ơ 13:31-33)
Hai câu chuyện nầy là hai hình ảnh nhưng Chúa Giê-xu dùng để nói lên cùng một ý. Ðó là nước Chúa bắt đầu nhỏ nhưng kết cuộc thật vĩ đại. Ðây là những lời dạy của Chúa bằng dụ ngôn mà chúng ta đã lần lượt học trong những tuần trước đây như câu chuyện bốn loại đất hay câu chuyện về gieo cỏ trong ruộng lúa. Hai câu chuyện nầy cũng như những chuyện trước, Chúa Giê-xu bắt đầu bằng câu: “Nước thiên đàng giống như.” Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình, nước thiên đàng giống như một hột cải, nước thiên đàng giống như men…” Nước thiên đàng là gì mà Chúa Giê-xu dùng những hình ảnh nầy để so sánh?
Chữ nước đây dịch đúng hơn là “vương quốc.” Vương quốc là một nước mà người đứng đầu là một vị vua. Trong nước của Chúa, Chúa là vị vua và chúng ta là thần dân của Ngài. Nhưng thần dân phải phục tùng quyền của Ngài nếu không chúng ta không phải là dân của Chúa. Thành ngữ “nước thiên đàng” hay “nước Trời” hay “nước Ðức Chúa Trời” vì vậy dùng để mô tả thẩm quyền cai trị của Chúa mà chúng ta là những người sống dưới thẩm quyền đó. Chúng ta thấy Chúa không nói đến tôn giáo hay tổ chức tôn giáo nhưng Chúa nói đến một vương quốc. Chúa đến trần gian nầy để chịu chết chuộc tội cho nhân loại nhưng Chúa cũng đến để thiết lập một vương quốc, một nước. Khi viên thống đốc người La-mã chất vấn hỏi Chúa có phải là vua không, Chúa Giê-xu đã trả lời: “Thật như lời, ta là vua. Nầy vì sao đã sinh ra và vì sao ta đã giáng thế ấy là để làm chứng cho chân lý. Hễ ai thuộc về chân lý thì nghe lấy tiếng Ta.” Chúa Giê-xu là vua nhưng là vua của chân lý, của lẽ thật và người nào thuộc về chân lý, thuộc về lẽ thật sẽ nghe tiếng Chúa.
Mỗi một người trên trần gian nầy dù là ai hay ở đâu nếu người đó nghe tiếng Chúa, đặt lòng tin nơi Chúa, người đó chẳng những được làm con của Chúa, người đó cũng là dân của nước Chúa. Và trong nước Chúa hay trong vương quốc của Chúa có những luật lệ, những qui tắc nói đúng hơn những nguyên tắc sống mà những người ngoài nước Chúa không thể nào hiểu được. Ðiều quan trọng đầu tiên vì vậy là phải ở trong nước Chúa, phải là thần dân của Ngài chúng ta mới có thể thấu hiểu những huyền nhiệm, những nhiệm mầu của Nước Chúa. Chúng ta được ở trong nước của Chúa bằng cách công nhận thẩm quyền của Ngài trong đời sống, để cho Ngài cai trị cuộc đời chúng ta. Một người nhập tịch phải khước từ quá khứ để phục tùng quốc gia mới của mình thế nào thì cũng vậy, muốn sống trong nước của Chúa, muốn làm dân của Ngài, ta cũng phải khước từ đời sống cũ để sống tuân phục vị vua của đời sống chúng ta. Chúa không bắt buộc một ai phải làm dân của Ngài nhưng vì chúng ta ý thức Ngài là Ðấng đã ban cho chúng ta sự sống, Ngài là Ðấng yêu thương chúng ta, đã chịu chết để chuộc tội chúng ta. Ý thức như vậy, chúng ta vui lòng thuận phục Chúa, tôn Ngài làm vua của đời sống và từ đó chúng ta chúng ta là dân của Nước Chúa. Dân của Nước Chúa sẽ hiểu được những nhiệm mầu của Nước Chúa trong những câu chuyện, những ẩn dụ Chúa dùng để dạy chúng ta. Vì vậy mà Chúa phán: “Nước thiên đàng hay vương quốc của Thượng Ðế giống như một hột cải mà người kia lấy gieo trong ruộng mình.”
Người Việt chúng ta thường nói nhỏ li ti, nhỏ như kiến. Người Do-thái thì nói, “Nhỏ như hột cải.” Trong thành ngữ đó Chúa Giê-xu cho thấy rằng nước của Chúa bắt đầu thật nhỏ, nhỏ như hột cải, nhưng khi đã mọc lên rồi thì lớn hơn mọi thứ rau khác. Nếu chúng ta trồng một cây cải rồi để cho nó lớn nó có thể cao đến hai ba mét. Tại vùng Trung Ðông có những loại cải rất cao, một tác giả du lịch Xứ Thánh cho biết ông đã từng trông thấy một cây cải cao ngang đầu một người cỡi ngựa và chính ông cũng đã từng nhổ được một cây cải cao đến bốn mét. Những cây cải khổng lồ nầy chim rất thích vì có hột ăn được nên chim thường bu quanh để mỏ những hột cải nầy. Ví dụ hay hình ảnh Chúa dùng ở đây để dạy các môn đệ ngày xưa cũng như chúng ta hôm nay về một thực tế mà chúng ta thường quên, đó là đừng bao giờ ngại hay buồn khi thấy như mình thuộc thành phần thiểu số hay tự hỏi tại sao vương quốc của Chúa tốt đẹp như vậy mà sao như quá nhỏ bé. Lời dạy của Chúa Giê-xu đã thành sự thật trong hai khía cạnh. Khía cạnh lịch sử và khía cạnh tâm linh.
Trong khía cạnh lịch sử, chúng ta cần nhớ rằng lúc Chúa thăng thiên số người theo Chúa lúc đó chỉ có khoảng 500 người. Khoảng nửa tháng sau, con số ấy lên đến 3,000 rồi 5,000. Nhưng đồng thời với sự gia tăng nầy, hội thánh của Chúa hay nói đúng hơn nước của Chúa cũng bị tấn công dữ dội. Những cơn bách hại đến từ những người theo Do-thái giáo rồi sau đó đến từ chính quyền La-mã và cả đến những người theo các tôn giáo khác. Thế kỷ thứ nhất và thế kỷ thứ hai chứng kiến nhiều cảnh bách hại hung tàn và những người tử vì đạo không phải là ít. Nhưng ngày nay, tất cả những người kể mình là người tin theo Chúa Giê-xu bao gồm Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo chiếm đa số. Một hột cải nhỏ bé lúc đầu đã trở thành một cây lớn.
Trên phương diện tâm linh, ảnh hưởng của Phúc Âm đã lan rộng khắp nơi trên thế giới từ một bắt đầu nhỏ bé. Chính nguyên tắc kính Chúa yêu người đã giữ cho bao nhiêu quốc gia được tồn tại và trong tinh thần đó vương quốc của Ðức Chúa Trời đã lan từ Âu sang Mỹ, từ Phi sang Á và cả vùng châu Mỹ La-tinh rộng lớn. Lời phán của Chúa đã thành sự thật qua những tăng trưởng tâm linh đó. Chính tinh thần kính Chúa yêu người đó đã giúp cho nhiều đất nước mở rộng vòng tay đón tiếp người tỵ nạn và lăn xả vào những công tác cứu trợ khắp nơi trên thế giới.
Hình ảnh một hột cải nhỏ bé nhưng từ hột cải đó mang lại những kết quả vĩ đại cũng cho chúng ta thấy rằng có nhiều việc lớn bắt đầu từ những điều những chỗ rất nhỏ. Một tư tưởng, một ý niệm đơn sơ có thể cải tạo cả một đời người, một thế hệ. Ðiều quan trọng trong hình ảnh của hột cải là sự sống, chính sự sống đã phát sinh, làm cho sinh sôi nẩy nở và kết quả tốt đẹp. Ðiểm quan trọng trong Nước Chúa không phải là tổ chức hay hình thức nhưng chính là sự sống bên trong. Hình ảnh hột cải nhỏ bé trở thành cây cải khổng lồ cũng nhắc cho mỗi chúng ta nhớ rằng không ai trong chúng ta quá nhỏ bé hay không quan trọng trong nước của Chúa. Chúng ta thường nói, “Một con én không thể làm nên mùa Xuân,” nhưng đồng thời chúng ta cũng phải nhớ rằng, nếu không có con én đầu tiên thì cũng không có con én thứ nhì, thứ ba và những con én tiếp theo. Mỗi một chúng ta đều là tác nhân quan trọng trên trần gian nầy. Nếu mỗi một người đều bắt đầu bằng hột cải của mình, chúng ta có thể xây dựng nhiều điều vĩ đại cho vương quốc của Ðức Chúa Trời.
Nước Trời giống như hột cải, lúc đầu nhỏ bé nhưng kết cuộc thật to lớn, vĩ đại. Ðiều quan trọng là hột cải đó có sự sống bên trong. Nếu chúng ta bằng lòng để cho Nước Trời gieo vào lòng chúng ta như hột cải, sức sống đó sẽ sinh sôi nẩy nở và ta sẽ kinh nghiệm được sức mạnh của Nước Chúa trong tâm hồn và ảnh hưởng, lan rộng cho nhiều người quanh ta nữa. Hạt giống đạo đã được gieo ra, nhưng Bạn có bằng lòng tiếp nhận để cho sự sống đó sinh sôi nẩy nở và kết quả trong cuộc đời của Bạn không? Chúng tôi mời Bạn mở rộng tâm hồn tiếp nhận Lời Chúa và để cho lời đó tác dụng sâu xa trên đời sống Bạn. Mời Bạn liên lạc với chúng tôi để rõ hơn về Phúc Âm của Chúa.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành