Hiroshima
Thưa quý thính giả,
Tuần lễ nầy đánh dấu 78 năm ngày hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, kết thúc Thế Chiến Thứ Hai. Từ đó đến nay, người ta vẫn tiếp tục tranh cãi về việc ném hai quả bom nguyên tử nầy. Lý luận của tổng thống Harry Truman và những người đồng ý với ông là tuy ném bom giết hại nhiều người nhưng cứu được nhiều mạng chiến sĩ nếu Hoa-kỳ phải đổ bộ vào Nhật Bản. Và người ta cũng cho rằng hai quả bom nguyên tử đã giúp cho chiến tranh chấm dứt sớm. Những người khác thì cho rằng hai quả bom nguyên tử đã giết hại quá nhiều thường dân và điều đó không cần thiết vì trước sau Nhật Bản cũng sẽ đầu hàng.
Hai cuộc chiến tranh thế giới đã giết hại khoảng 125 triệu người: 40 triệu người chết trong Thế Chiến Thứ Nhất và 85 triệu trong Thế Chiến Thứ Hai. Chiến tranh và giết hại nhau đã có từ ngàn xưa, từ gia đình đầu tiên với hai anh em là Ca-in và A-bên. Ca-in đã giết em vì lòng ganh ghét. Thánh Kinh Tân Ước cho biết:
Tại sao Ca-in giết em? Vì những việc làm của người là dữ còn việc làm của em người là công chính (Thư I Giăng 3:12)
Việc làm của Ca-in được gọi là “dữ” nghĩa là xấu ác. “Xấu ác” mang ý nghĩa phát xuất từ ma quỷ như trong bài cầu nguyện Chúa Giê-xu dạy, Chúa bảo chúng ta cầu nguyện: “Xin cứu chúng con khỏi điều dữ.” “Điều dữ” hay “kẻ dữ” là chữ dùng để mô tả ma quỷ, nguyên nhân kéo chúng ta vào tội lỗi. Làm điều dữ, rồi đưa đến ganh ghét và rồi giết hại. Đó là mầm mống của chiến tranh.
Kinh Thánh dạy:
Những tranh chiến, xung đột giữa anh em đến từ đâu? Chẳng phải từ những dục vọng đang giao tranh trong chi thể anh em sao? Anh em tham lam mà chẳng được, nên anh em giết người. Anh em thèm muốn mà không thể đạt được, nên xung đột và tranh chiến (Thư Gia-cơ 4:1-2)
Theo lời dạy nầy, dục vọng và lòng tham là nguyên nhân chính đưa đến chiến tranh, xung đột và giết hại. Nguyên nhân của mọi cuộc chiến như chúng ta thấy đều đến từ lòng tham, muốn chiếm đoạt của người khác. Vì vậy, trong Mười Giới Răn, giới răn cuối cùng Đức Chúa Trời dạy là: “Ngươi chớ tham lam.” Lòng tham chưa hẳn là một tội vì chỉ có ý muốn mà thôi. Tuy nhiên, chính lòng tham đó đưa đến tội lỗi. Kinh Thánh nói đến hai thứ tham lam: tham lam của xác thịt và tham lam của mắt.
Tham lam của xác thịt nói đến dục vọng trong lòng người. Ma quỷ đã cám dỗ bà Ê-va với hình ảnh của trái cấm vì “trái của cây đó bộ ăn ngon.” “Ăn ngon” khơi dậy lòng ham muốn của thể xác và E-va đã để cho lòng ham muốn đó đưa bà đến chỗ bất tuân lệnh Thiên Chúa. Lòng tham thứ hai, Kinh Thánh nói là lòng tham của đôi mắt. Một vị mục sư thường trích câu tục ngữ, “Mắt thấy, lòng dấy” để nói lên điều nầy. “Mắt thấy, lòng dấy” nghĩa là những gì mắt chúng ta thấy được, nó sẽ hối thúc, dấy động trong lòng, đưa chúng ta đến chỗ ham muốn. Thật ra đôi mắt chỉ là phương tiện để khơi dậy lòng tham của con người.
Kinh Thánh ghi lại nhiều câu chuyện nhiều người phạm tội chỉ vì đôi mắt. Mắt nhìn thấy, lòng tham dậy lên và rồi đi đến chỗ chiếm đoạt và giết hại. Con dân Chúa ngày xưa đã thua trần chỉ vì tội của một người trông thấy những chiến lợi phẩm tốt đẹp và cất giữ cho mình. Ông nói với lãnh tụ Giô-suê:
Khi con thấy trong chiến lợi phẩm có một áo choàng rất đẹp, hai ký bạc và một nén vàng thì con đã tham muốn và lấy các vật ấy (Giô-suê 7:21)
Vua Đa-vít đã phạm tội tà dâm và sát nhân chỉ vì “vua thấy một phụ nữ rất đẹp đang tắm.” Nhà vua đã bắt nàng vào cung và sau đó giết chồng của phụ nữ đó để chiếm đoạt.
Chúa Giê-xu cũng bị cám dỗ về những gì mình trông thấy như được ghi trong Phúc Âm như sau:
Ma quỷ lại đem Ngài lên đỉnh núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên thế gian với sự huy hoàng của chúng và nói: “Nếu ngươi sấp mình thờ lạy ta, ta sẽ cho ngươi tất cả những thứ nầy.” Đức Chúa Jêsus phán với nó rằng: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ngay! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi”(Phúc Âm Ma-thi-ơ 4:8-10)
Ma quỷ biết ba khía cạnh con người dễ bị cám dỗ nhất là tham lam của thể xác, tham lam của thị giác và lòng kiêu ngạo nên nó đã cám dỗ Chúa Giê-xu trên cả ba phương diện đó. Về tham lam của thị giác hay ham muốn đến từ những gì mắt thấy, ma quỷ “đã đem Ngài lên đỉnh núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên thế gian với sự huy hoàng của chúng.” “Chỉ cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên thế gian với sự huy hoàng của chúng.” Thấy tất cả huy hoàng của trần gian, đó là những gì mắt trông thấy. Và ma quỷ nói rằng nó sẽ cho tất cả những huy hoàng mắt trông thấy đó nếu chịu sấp mình thờ lạy nó. Nhiều người ngày nay đã sẵn sàng làm như vậy để được những gì mắt thấy được và đã đánh mất tất cả những giá trị thật của đời sống. Kinh Thánh dạy:
Chúng ta không chú tâm đến những điều thấy được, nhưng chú tâm đến những điều không thấy được. Vì những điều thấy được chỉ là tạm thời, còn những điều không thấy được là vĩnh cửu (Thư II Cô-rinh-tô 4:18)
Thay vì chú tâm đến những điều thấy được, chúng ta hãy chú tâm đến những điều không thấy vì đó là những điều có giá trị vĩnh cửu. Chú tâm đến những điều mắt thấy, chúng ta sẽ bị lòng tham lôi cuốn, đưa chúng ta đến chỗ tội lỗi. Còn chú tâm đến những điều mắt không thấy được, chúng ta sẽ có được giá trị đời đời. Chúng ta chú tâm đến những điều mắt không thấy được với lòng tin của chúng ta. Đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện sẽ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi và cho chúng ta hy vọng để tiến bước trên đường đời đầy gian khổ.
Thế Chiến Thứ Hai đã chấm dứt 78 năm rồi nhưng nhân loại vẫn chưa có hòa bình thật sự. Tranh chấp vẫn xảy ra mỗi ngày trong lòng người. Tất cả chì vì dục vọng trong lòng đưa đến tham muốn và chiếm đoạt. Chúng ta cần giải quyết vấn đề tận gốc rễ với đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đã chịu chết để cứu rỗi chúng ta. Đức tin nơi Chúa sẽ cho chúng ta sức mạnh chiến thắng cám dỗ, chiến thắng lòng tham và đưa chúng ta đến hy vọng, bình an. Đây là những điều mắt không thấy được nhưng là những điều trường tồn, vĩnh cửu, không phải là những gì tạm bợ, chóng qua, chúng ta thấy trên trần gian nầy.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành