Hỏng Thi
Tuần vừa qua tôi phải thi lại bằng lái xe, đây là bài thi viết và tôi đã bị hỏng cả ba lần vì coi thường và không cẩn thận! Bài thi gồm 18 câu hỏi và chỉ được phép sai 3 câu nhưng lần nào tôi cũng bị sai 4 câu nên kể là bị hỏng. Bài thi nhằm mục đích đo lường hiểu biết và luôn luôn có tiêu chuẩn để đo lường. Dưới mức tiêu chuẩn ấn định người thi bị kể là rớt.
Một số thầy cô giáo ở trường, vì muốn nâng đỡ thí sinh nên có khi tính điểm theo “đường cong” (grading on the curve). Theo lối tính điểm nầy thì người được điểm cao nhất trong lớp, không nhất thiết là được 100 điểm kể là được điểm A và những người khác trong lớp sẽ theo tiêu chuẩn đó để tính điểm. Lối tính điểm nầy nhằm khích lệ thí sinh, dù làm bài không hoàn toàn cũng có thể được điểm cao so với những người khác trong lớp. Nhưng đây chỉ là so với những người cùng lớp thôi, còn đem so với tiêu chuẩn chính thì chắc chắn là hỏng.
Thưa quý vị,
Đây cũng là cách Thiên Chúa đo lường mức độ đạo đức của chúng ta. Con người chúng ta có thể cho rằng mình đạo đức. So với nhiều người trong xã hội, trong cộng đồng mình đang sống, chúng ta thấy mình khá hơn nhiều người. Nhưng so với tiêu chuẩn của Thiên Chúa thì sao? Lời Chúa dạy:
Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa (Rô-ma 3:23)
“Mọi người” là tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai. Toàn thể nhân loại chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Không phải vì phạm tội mà chúng ta bị kể là tội nhân nhưng chính vì là tội nhân nên chúng ta phạm tội. Nói như vậy nghĩa là tội lỗi nằm trong người chúng ta. Sinh ra, chúng ta đã là tội nhân. Đây là tội lỗi di truyền từ tổ tiên. Chúng ta gọi đây là nguyên tội, tội từ trong gốc.
Nhưng chúng ta cũng có kỷ tội, nghĩa là tội của chính mình, do chính mình làm nên tội. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình chưa từng nói dối hay không bao giờ có lòng tham hoặc là nói những lời bất xứng. Tội của chúng ta dù lớn hay nhỏ cũng đều là tội và theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, chúng ta đã hỏng trong bài thi của Ngài. Thiên Chúa không thể tính điểm theo “đường cong” vì bản tính thánh khiết tuyệt đối của Ngài. Nếu Thiên Chúa hạ thấp tiêu chuẩn của Ngài thì Ngài không còn là Thiên Chúa nữa vì Thiên Chúa là tuyết đối và bản chất thánh khiết của Ngài cũng tuyệt đối. Cũng giống như lửa. Lửa phải đốt cháy, nếu lửa không đốt cháy thì lửa không còn là lửa nữa!
Thiên Chúa thánh khiết nên Ngài phải hình phạt tội lỗi. Người phạm tội là người mang bản án chết với Đức Chúa Trời. Chết mang ý nghĩa phân cách nghĩa là dù chúng ta vẫn sống, sinh hoạt trên phương diện thể chất và tinh thần, tâm linh chúng ta hoàn toàn chết trước mặt Đức Chúa Trời. Giữa con người tội lỗi và Đức Chúa Trời thánh khiết không có mối tương giao nào cà. Chính vì vậy mà đời sống mất đi ý nghĩa, không biết mình sống để làm gì và khi qua đời, chắc chắn sẽ bị trầm luân.
Thiên Chúa không muốn con người phải chết mất như vậy, vì Ngài là Đấng yêu thương. Để giải quyết vấn đề tội lỗi của con người Đức Chúa Trời phải thiết lập một kế hoạch cứu rỗi. Tại sao phải có kế hoạch cứu rỗi. Cần phải có kế hoạch cứu rỗi vì hai bản tính thánh khiết và yêu thương của Thiên Chúa. Thánh khiết, Chúa phải hình phạt mọi người nhưng yêu thương, Chúa muốn cứu mọi người. Làm thế nào để giải quyết vấn đề?
Phương cách Thiên Chúa dùng để cứu rỗi nhân loại là sai Chúa Giê-xu giáng trần làm người để chịu án phạt thay cho con người, qua đó, công lý của Thiên Chúa được thi hành. Thiên Chúa đã thật sự thi hành bản án tội lỗi của con người qua Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là người vô tội, khi Chúa chịu chết trên thập tự giá là Chúa mang bản án thay cho con người chúng ta. Dựa vào đó, Thiên Chúa có thể tha tội cho chúng ta. Thiên Chúa tha tội cho chúng ta không phải là Ngài bỏ qua tội lỗi nhưng vì tội lỗi đã có án phạt qua cái chết của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đã mang án chết thay cho chúng ta nên chúng ta không còn phải chết. Bản án đã được thi hành nơi Chúa Giê-xu.
Nhưng Chúa Giê-xu chịu án thay cho chúng ta không có nghĩa là chúng ta tự nhiên được tha tội. Chúng ta phải nhận mình là người có tội và tin rằng Chúa Giê-xu đã giáng trần chịu chết thay cho mình. Đức tin nơi Thiên Chúa qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu sẽ giải quyết vấn đề tội lỗi cho chúng ta.
Ngày xưa khi con dân Chúa đi trong hoang mạc, họ than phiền oán trách Chúa và nhiều người đã bị rắn cắn chết vì tội nầy. Thiên Chúa bảo lãnh tụ Môi-se làm một con rằn bằng đồng treo trên cây sào để ai bị rắn cắn, đưa mắt nhìn lên con rắn đồng thì được sống.
Chúa Giê-xu dùng hình ảnh nầy để nói về chính Ngài như sau:
Như Môi-se treo con rắn lên trong hoang mạc thể nào thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy, để ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 3:14-15)
Con rắn đồng treo trên cây sào ngày xưa là biểu tượng cho việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá. Người xưa nhìn vào con rắn đồng chứng tỏ họ có đức tin và vâng lời làm theo Lời Chúa dạy. Hôm nay cũng vậy, biết Chúa Giê-xu đã mang tội của chúng ta và chịu chết thay cho chúng ta, chúng ta đặt đức tin nơi Chúa thì sự chết của Chúa mới có giá trị cho chúng ta.
Chúng ta không thể nói rằng mình không có tội gì cả vì “nhân vô thập toàn” và theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, mọi người đều có tội, mọi người đều phải lãnh án phạt. Chỉ những những ai nhận mình có tội, ăn năn, đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu là Đấng đã gánh tội thay cho mình mới hưởng được ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Trong ngày phán xét cuối cùng, khi đứng trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không thể chạy chữa tội lỗi của mình vì đã được nghe Phúc Âm cứu rỗi của Chúa. Sau lời dạy:
Như Môi-se treo con rắn lên trong hoang mạc thể nào thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy, để ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.
là lời sau đây:
Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 3:16)
“Hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Quý vị có tin nơi Chúa Giê-xu để được hưởng sự sống đời đời không?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành