Không Thể Tự Cứu
Trong hai tuần liên tiếp, chúng ta nói về vấn đề tội lỗi. Tội lỗi là nan đề chung của nhân loại: “Mọi người đều phạm tội.” Hậu quả của tội là sự chết. Đây chẳng những là cái chết thân xác nhưng cũng là chết tâm linh nghĩa là bị xa lìa khỏi Nguồn Sống là Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng chúng ta. Con người làm gì trong hoàn cảnh chết nầy? Người chết không thể nào cứu được người chết. Cũng vậy, con người chúng ta vì đều là tội nhân, vì đều chết như nhau nên không ai có thể cứu ai được. Chính vì vậy mà chúng ta cần đến Phúc Âm. Phúc Âm là chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời. Tất cả những cố gắng của con người nhằm cứu rỗi hay giải thoát con người đều không đem lại kết quả vì một lý do dễ hiểu đó là vì là con người tội lỗi như nhau, chúng ta không thể cứu nhau được. Chúng ta đều là phạm nhân cùng bị giam trong tù, không ai có thể phóng thích ai cả. Chúng ta đều là tội nhân đối với Thiên Chúa nên chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ân xá và cứu chúng ta.
Pascal nói rằng: “Thế giới nầy là một căn phòng rộng lớn cửa bị khóa chặt bên ngoài. Toàn thể nhân loại bị giam trong đó, người khôn ngoan, tri thức ở chung quanh, gần với vách tường hơn, những người dốt nát thì ở giữa. Tất cả đều sờ soạng để tìm một lối thoát.” Thưa quý vị đó là hình ảnh đích thực của con người trải mọi thời đại. Những điểm căn bản của Phúc Âm chúng ta đã thảo luận trong các tuần qua là:
- Mọi người đều là tội nhân
- Án phạt của tội là sự chết
- Con người không thể tự cứu
Chính vì ba lý do nầy mà con người cần đến Phúc Âm. Con người ở trong tình trạng tuyệt vọng hoàn toàn, xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi và không có cách nào để trở về với Thiên Chúa chí công, chí thiện. Thật ra, con người trải mọi thời đại cũng đã nhiều lần, nhiều cách tìm đường trở về với Thiên Chúa qua những cố gắng của mình. Con người đã tìm đường quay trở lại với Thiên Chúa qua nhiều cách như tu thân tích đức, làm lành lánh dữ, khổ tu, tuân giữ các quy luật đạo đức, v.v… Tất cả cách hình thức tôn giáo, nói chung, là những phương cách con người dùng để được cứu rỗi hay giải thoát. Đây là những cố gắng đáng được đề cao nhưng vấn đề là mọi cố gắng của con người không thể giải quyết vấn đề như người chết không thể cứu người chết, đồng ngồi tù không thể phóng thích nhau hay có ở gần bờ vách tường như hình ảnh căn phòng tối của Pascal thì tất cả cũng đều là sờ soạng để tìm một lối thoát!
Chúng ta hãy nhìn vào vấn đề như thế nầy để thấy rõ: tôn giáo là cố gắng của con người để vươn đến Thiên Chúa, vươn đến chân thiện mỹ. Chúng ta giống như những con người trên hành tinh nầy, mỗi người cố nhảy thật cao nhưng chúng ta lại phải rơi xuống vì hấp lực của trái đất kéo chúng ta xuống. Phúc Âm, trái lại, là phương cách, là con đường từ Trời đến, vì vậy mới có thể đem con người ra khỏi tội lỗi. Thập tự giá tượng trưng cho cái chết của Chúa Giê-xu, chính là chiếc cầu nối liền Trời với đất, Thiên Chúa công chính với con người tội lỗi vì trên thập tự giá, tức là dựa vào bản án chết Chúa Giê-xu gánh thay cho chúng ta, vấn đề tội lỗi của con người mới được giải quyết để thỏa mãn công lý của Đức Chúa Trời.
Câu Kinh Thánh đầu tiên tôi đọc cho quý vị nghe mấy tuần trước như thế nầy:
Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời (Thư Rô-ma 3:23)
Hai chữ chúng ta cần để ý là “thiếu mất” hay “hụt mất.” Cố gắng của con người, dù tốt đẹp đến đâu đều không đạt được tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Chúng ta từ dưới vươn lên nên không bao giờ đạt đến Đức Chúa Trời được. Chỉ một mình Đức Chúa Trời, với chương trình và phương cách của Ngài từ trên xuống mới có thể đến với con người. Tôn giáo là đường lối của con người cố vươn đến Đức Chúa Trời còn Phúc Âm là phương cách Đức Chúa Trời dùng để đem con người trở lại với Ngài. Như người bị thương nằm dưới những căn nhà đổ nát trong cơn động đất cần phải có người bên ngoài cứu sống, như phạm nhân trong tù, phải có lệnh phóng thích của tòa án, như người bên ngoài căn phòng tối tăm mở cửa thì người bên trong mới ra được. Cũng vậy, Phúc Âm bên ngoài tội lỗi mới cứu được con người tội lỗi.
Chính vì vậy, Chúa Giê-xu tuyên bố:
Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha (Phúc Âm Giăng 14:6)
Đây là lời tuyên bố khó chấp nhận vì câu nầy cho thấy Chúa Giê-xu là con đường duy nhất để trở về với Thiên Chúa. Đây không phải là lời tuyên bố vô căn cứ nhưng là lời tuyên bố dựa vào thực trạng của con người. Thực trạng của con người là con người tội lỗi bị phân cách khỏi Thiên Chúa. Con người không thể tự cứu hay người nầy cứu người nọ vì cùng đều là tội nhân như nhau. Vì vậy, chỉ một mình Chúa Giê-xu là con người vô tội mới có thể cứu con người có tội. Chẳng những vậy, Chúa Giê-xu cũng đã làm một điều để tạo phương tiện cứu rỗi con người. Không có phương tiện nầy hay cách nầy con người không thể được cứu. Phương tiện hay phương cách đó là cái chết của Chúa. Chúa Giê-xu phải trả giá hay lãnh bản án chết thay cho chúng ta, dựa vào đó, Thiên Chúa mới có cơ sở để tha tội cho chúng ta. Chúng ta là tội nhân. Thiên Chúa không thể tự nhiên tha tội cho chúng ta. Chúng ta phải chịu án hay phải có người chịu án thay, Thiên Chúa mới có thể tha thứ cho chúng ta. Thưa quý vị, đó chính là Phúc Âm, là Tin Mừng cho con người tội lỗi. Đó là phương cách Đức Chúa Trời dùng để cứu rỗi con người.
Phúc Âm là chương trình của Đức Chúa Trời nhưng đòi hỏi sự đáp ứng của con người. Đức Chúa Trời đã làm tất cả, đã xong phần của Ngài, nhưng con người chúng ta thì sao? Chúng ta đáp ứng như thế nào với điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta? Thiên Chúa đã bắt nhịp cầu giữa Thiên Chúa với con người qua cái chết của Chúa Giê-xu. Chiếc cầu đã được bắc nhưng phải bước đi, phải đi qua chiếc cầu đó chúng ta mới đến được với Đức Chúa Trời. Chúng ta bước lên chiếc cầu nầy để đến với Đức Chúa Trời qua đức tin của chúng ta. Đức tin của chúng ta nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là bước cuối cùng trong năm bước của Phúc Âm. Tôi trình bày câu chuyện Phúc Âm nầy cho quý vị vì tôi đã tiếp nhận Phúc Âm đó và kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Ước mong quý vị cũng có cùng kinh nghiệm cứu rỗi đó. Kính mời quý vị mở rộng tâm hồn, đặt đức tin mình nơi Chúa Giê-xu hôm nay để kinh nghiệm ơn cứu rỗi Đức Chúa Trời dành cho quý vị.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành