Mục Đích Hôn Nhân (Bài 18)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho chúng tôi lại được hoan nghênh quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành. Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục chia xẻ về “Chương Trình của Đức Chúa Trời cho Hôn Nhân,” và xin trình bày thêm về mối quan hệ giữa vợ chồng của con cái với cha mẹ hai bên. Theo Lời Chúa dạy, khi có gia đình riêng đôi vợ chồng mới lìa khỏi ảnh hưởng và thẩm quyền của cha mẹ nhưng vẫn yêu thương tôn kính cha mẹ; quan trọng hơn, chúng ta vẫn quan tâm chăm sóc cha mẹ chồng cũng như cha mẹ vợ, về mặt tình cảm, tinh thần cũng như vật chất hay thể chất. Chúng ta cần sống và cư xử thế nào để không lỗi đạo làm con nhưng luôn luôn hiếu kính, chu toàn bổn phận đối với cha mẹ đôi bên. Chúng ta chăm sóc cha mẹ vì lòng yêu thương, tôn kính chứ không phải chỉ làm trọn bổn phận để không bị người chung quanh chê cười hay lương tâm cáo trách; tình thương và lòng biết ơn của con cái luôn đem lại niềm an ủi sâu xa cho các bậc cha mẹ cao tuổi.
Sau đây chúng tôi xin chia xẻ thêm vài điều chúng ta cần thực hành để mối quan hệ giữa chúng ta với cha mẹ đôi bên luôn được tốt đẹp. Trước hết, Chúa dạy rằng con cái phải tôn kính cha mẹ. Chúng ta thực hành mạng lệnh này bằng cách chăm sóc và đáp ứng nhu cầu cho cha mẹ. Tuy nhiên, vì cha mẹ đã lớn tuổi nên hay quên, có người thì lãng trí mà lại khó tính, dễ khiến cho con cái phiền lòng. Ngoài ra, người cao tuổi cũng dễ bị đau ốm, mất ngủ, và thường nhớ chuyện cũ nên hay buồn bã, than vãn. Trong khi đó vợ chồng con còn trẻ nên luôn bận rộn với những trách nhiệm trong đời sống: phải đi làm việc mỗi ngày, phải chăm sóc con nuôi dạy con, đưa con đi học, đi bác sĩ, v.v… Vì vợ chồng có nhiều việc phải lo, phải làm nên khi cha mẹ chậm chạp và hay quên, làm mất thì giờ khiến chúng ta bực bội, không kiên nhẫn, lắm khi không nói năng lễ độ với cha mẹ. Khi chúng ta chăm sóc cha mẹ mà bực bội, không vui, các cụ biết ngay và sẽ buồn tủi. Đây là điều rất tế nhị, dù cái quên của cha mẹ khiến chúng ta mất thì giờ, có khi bị nguy hiểm nữa, chẳng hạn như quên uống thuốc, quên tắt bếp, là những cái quên rất nguy hiểm. Trong trường hợp đó, vì tôn kính và yêu thương cha mẹ, chúng ta sẽ không nặng lời hay tỏ vẻ bực bội.
Về cách cư xử với người lớn tuổi trong cộng đồng đức tin, sứ đồ Phao-lô khuyên:
Đừng nặng lời quở trách người già cả nhưng hãy an ủi họ như cha… với các bà cao tuổi như mẹ (Thư I Ti-mô-thê 5:1-2)
Đối với người lớn tuổi trong gia đình của Chúa, sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta đừng nói nặng lời nhưng an ủi nhẹ nhàng như với cha mẹ của mình, thì đối với cha mẹ trong gia đình hai bên chắc chắn chúng ta lại càng phải nhẹ nhàng và tế nhị hơn. Ngay cả khi trong gia đình có chuyện rầy rà không vui vì những điều cha mẹ hai bên nói hay làm, là con chúng ta vẫn tôn kính vẫn nói năng lễ phép với cha mẹ. Chúng ta cần hiểu và thông cảm với tuổi tác, trí nhớ hay sức khỏe của cha mẹ. Không vì lý do gì mà xem thường hay nặng lời, vô lễ với cha mẹ. Có lẽ một số quý vị biết câu chuyện một người con nọ có ông cha mỗi khi ăn cơm thì vụng về, run rẩy hay làm bể chén nên anh lấy cái sọ dừa làm chén cho cha ăn. Một hôm người con này thấy đứa con nhỏ của anh lấy một cái sọ dừa ra chặt, anh hỏi: con làm gì vậy, đứa bé trả lời: “Con làm cái chén cho ba, giống như ba làm cho ông nội, để mai mốt ba ăn cơm không làm bể chén.” Nghe đứa con nói, người cha trẻ ân hận và xấu hổ vì đã xem chén bát quý hơn người cha già và cũng làm gương xấu cho con.
Về cách sử dụng lời nói, tục ngữ ta có câu: “Lời thật mất lòng,” vì vậy có người sợ mất lòng người nghe nên dù biết mình cần nói thật, cũng không dám nói lên sự thật. Ngược lại, có người lại dựa vào câu này để nói lên điều mình muốn nói mà không ngại gây tổn thương cho người nghe vì chủ trương rằng, lời thật mất lòng, là điều không thể tránh, nên dù lời đó sẽ gây tổn thương, người nghe phải chấp nhận vì cần biết sự thật. Lời Chúa trong Kinh Thánh cho chúng ta một nguyên tắc để nói lên sự thật mà không gây thương tổn cho người nghe, đây là nguyên tắc chúng ta cần áp dụng với mọi người. Sứ đồ Phao-lô viết:
Ngài muốn chúng ta nói lên sự thật trong tình yêu thương, để chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện, hướng đến Chúa Cứu Thế, là Đầu (Thư Ê-phê-sô 4:15)
Theo nguyên tắc này, chúng ta cần thành thật với mọi người, nhất là thành thật trong lời nói. Chúa muốn chúng ta nói thật nhưng nói với tình thương, nói vì yêu thương. Áp dụng nguyên tắc này với cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, khi có điều phải nói thật với các cụ, chúng ta sẽ nói với tình yêu thương, nói vì yêu thương và nói với lòng kính trọng, lúc đó cha mẹ chúng ta sẽ không bị tổn thương nhưng sẵn sàng nghe và tiếp nhận điều chúng ta nói. Ngoài ra, trong cách cư xử, nói năng với người trong gia đình cũng như người chung quanh, lời khuyên sau đây cũng thật quan trọng, Phao-lô viết:
Hãy loại bỏ khỏi anh em những cay đắng, phẫn nộ, tức giận, la lối, lăng mạ cùng mọi điều hiểm độc. Hãy cư xử với nhau cách nhân từ, dịu dàng; tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế (Thư Ê-phê-sô 4:31-32)
Mối quan hệ giữa vợ chồng con với cha mẹ hai bên dễ có vấn đề vì nhiều lý do: Trước hết, vì tuổi tác cách biệt nên khác nhau trong cách suy nghĩ và cách sống, lý do thứ hai là vì tình thương của cha mẹ đối với con trai con gái mà thiếu đi tình thương đối với con rể, con dâu. Nan đề sẽ to lớn hơn khi cha mẹ không chấp nhận con trai hay con gái mình lìa cha mẹ, để tự lập xây dựng gia đình mới. Tất cả những yếu tố đó sẽ khiến gia đình con và cha mẹ đôi bên có vấn đề. Tuy nhiên, người làm con cần thực hành mạng lệnh của Chúa: Hết lòng tôn kính cha mẹ và hiếu thảo với cha mẹ. Để làm được điều này, chúng ta hãy đặt mình vào tâm trạng và hoàn cảnh của cha mẹ, như thế chúng ta mới hiểu và thông cảm với cha mẹ. Một khi đã hiểu và thông cảm, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua những điều cha mẹ nói hay làm khiến chúng ta buồn hay bị tổn thương, lúc đó những cay đắng, phiền giận sẽ không còn. Trong một số gia đình, giữa con rể với cha mẹ vợ hoặc con dâu với cha mẹ chồng không có tình thương, không thông cảm nhưng đầy ganh tị ganh ghét, có người ghét nhau đến độ muốn làm hại nhau hoặc gây đau buồn cho nhau, đây là điều chúng ta cần nhờ Chúa tránh đi. Nếu vì quá thương con trai/con gái mà cha mẹ người bạn đời không chấp nhận chúng ta hay có những lời nói, hành động khiến chúng ta bị tổn thương, vâng lời Chúa dạy, chúng ta sẵn sàng bỏ qua những điều đó thay vì ghi nhớ để rồi buồn phiền, khiến quan hệ giữa chúng ta với các bậc sinh thành không được tốt đẹp. Đây là lúc chúng ta cần vâng lời Chúa: loại bỏ những cay đắng, buồn giận và tất cả những gì khiến chúng ta đau lòng khi nghĩ đến, nhờ Chúa giúp chúng ta thật sự yêu thương để thật sự đối xử với hai bên cha mẹ cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương yêu, sẵn sàng bỏ qua những điều không vui không đẹp trong quá khứ, thật sự tha thứ hết tất cả như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Nếu là người tin Chúa, là con dân của Chúa, chúng ta lại càng phải thực hành Lời Chúa phán dạy, Chúa Giê-xu dạy:
Các con là ánh sáng cho thế gian… ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:14, 16)
Chúa cũng dạy:
Nếu các con yêu thương nhau thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ ta (Phúc Âm Giăng 13:35)
Cầu xin Chúa giúp chúng ta sống theo Lời Chúa dạy, khi đã có gia đình riêng, vẫn hết lòng tôn kính yêu thương cha mẹ của mình và cha mẹ người bạn đời, để qua cách sống và cư xử của chúng ta, nhiều người sẽ nhìn thấy Chúa qua chúng ta và tin nhận Chúa để được ơn cứu rỗi (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành