Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 18)
Kính chào quý thính giả,
chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe “Câu Chuyệnn Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Có lẽ một số quý vị còn nhớ, tại Quận Cam nơi nhiều người trong chúng ta hiện đang sống, vào ngày 20 tháng 11, năm 1995 có một chiếc máy bay nhỏ gặp nạn và rớt xuống thành phố Fullerton. Tai nạn này đã cướp đi mạng sống của ba người, trong ba gia đình khác nhau: Hai gia đình mất người chồng, người cha yêu quý. Gia đình thứ ba mất người vợ hiền, cũng là người mẹ yêu thương chăm sóc các con, và là bà ngoại chăm lo cho các cháu. Điều đáng nói về tai nạn này không phải là số người bị thương vong, vì chỉ có ba người, nhưng điều khiến mọi người sửng sốt, kinh hoàng và khó chấp nhận đó là cái chết đã đến quá bất ngờ, lúc mọi người đang sống trong an lành, sinh hoạt bình thường, không có một dấu hiệu gì cho thấy là tai hoạ sắp đến, và mình sẽ mất người thân yêu.
Buổi tối trước ngày xảy ra tai nạn, viên phi công (cũng là chủ chiếc máy bay) vừa được dự một bữa tiệc vui vẻ với gia đình và bạn bè. Trong gia đình mất người vợ thì đôi vợ chồng cao tuổi này cũng đang sống vui vẻ hạnh phúc, bên cạnh con cháu. Cái chết đã đến quá bất ngờ, khiến tất cả bạn bè và người thân đều sửng sốt và vô cùng đau đớn. Sáng hôm đó là ngày thứ hai, chồng của người đàn bà gặp nạn thức dậy sớm, như mọi ngày, ông xuống nhà bếp ở tầng dưới để pha cà phê. Ông đâu ngờ đó là giây phút êm đềm cuối cùng của gia đình ông. Vì chỉ mấy phút sau, một chiếc máy bay nhỏ đã rớt xuống, đâm thẳng vào phòng ngủ nhà ông và bốc cháy. Người vợ thân yêu của ông không kịp chạy để tránh, và có lẽ bà cũng không kịp biết chuyện gì xảy ra. Qua tai nạn này, cũng như những tai nạn khác xảy ra mỗi ngày trong đời sống, chúng ta thấy đời sống con người thật mỏng manh, nay còn mai mất. Chúng ta cũng thấy không gì quý bằng sự sống của con người và không gì có thể thay thế được tình người, những người thân yêu trong cuộc đời chúng ta. Nếu người chồng kia chỉ bị máy bay rớt làm cháy nhà, tiêu tan tài sản nhưng vợ ông được thoát nạn thì ông cũng không đến nỗi quá đau buồn.
Đời sống không những mong manh tạm bợ nhưng tình thương yêu giữa người với người là điều quý hơn tất cả mọi điều khác trong đời sống. Khi cái chết đến, khi đối diện với cái chết của người thân yêu, chúng ta thấy không gì quý hơn sự sống và cũng không gì có thể thay thế tình thương yêu giữa người trong gia đình với nhau. Thật ra chân lý này không phải là điều mới lạ và ai trong chúng ta cũng đã biết, tuy nhiên lắm khi cách chúng ta đối xử với người thân yêu, nhất là với vợ chồng hay con cái, cho thấy hình như chúng ta quý chuộng tiền bạc, tài sản và những điều khác hơn tình người. Đã bao nhiêu lần chúng ta làm buồn lòng người thân yêu để đạt được điều mình yêu thích hay mong muốn, và biết bao nhiêu lần chúng ta bỏ qua những thì giờ được ở bên cạnh người thân yêu để tìm niềm vui riêng hay để kiếm thêm một ít tiền. Không những thế, lắm khi vì ích kỷ hoặc vì tự ái, chúng ta đã có những lời nói hay cử chỉ không đẹp, thiếu yêu thương, thiếu tôn trọng, vì thế chúng ta đã vô tình làm tổn thương người mình yêu mến nhất trong đời. Tục ngữ ta có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Những lời nói tốt đẹp không tốn kém tiền bạc hay tổn hao sức lực nhưng đem lại nhiều ích lợi cho người nói cũng như người nghe. Nó khiến người nghe được an ủi, khích lệ, lên tình thần; nhất là khiến cho tình thân giữa chúng ta với nhau thêm đậm đà thắm thiết. Dĩ nhiên chúng ta không nên vì “lựa lời “ mà nói với nhau những lời giả dối; trái lại chúng ta cần nói thật với nhau nhưng nói với lòng yêu thương. Lời Chúa trong Kinh Thánh không bảo chúng ta lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, nhưng Chúa dạy chúng ta: “Hãy lấy tình yêu thương nói lên sự thật,” tức là nói thật nhưng nói với tình yêu thương để đem lại xây dựng. Sứ đồ Phao-lô cũng dạy chúng ta cách dùng lời nói như sau, ông viết:
“Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói (tức là khi cần phải nói), hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe” (Thư Ê-phê-sô 4:29).
Nếu vợ hay chồng của ba người bị chết cách bất ngờ, vì máy bay rớt vào nhà tại thành phố Fullerton năm đó, đã nói những lời làm tổn thương hay làm điều gì khiến người thân yêu buồn mà chưa xin lỗi, chưa giải hoà thì ân hận biết chừng nào. Trong đời sống hằng ngày của gia đình, nhiều điều bất hoà có thể tránh được nếu người trong gia đình: vợ với chồng cũng như cha mẹ với con cái dành thì giờ trò chuyện, đối thoại với nhau, thành thật nói lên điều mình suy nghĩ hay mong ước. Người có điều cần nói thì nói cách cởi mở và thành thật rõ ràng, còn người nghe thì sẵn sàng nghe, nghe với lòng thông cảm, không định kiến cũng không chấp nhất hay phê phán. Nếu như thế thì đối thoại giữa người này với người kia tốt đẹp biết bao. Có lẽ quý vị còn nhớ những lần vợ chồng mình có chuyện không vui hay giận nhau đến nỗi cãi vã to tiếng, rồi khi vấn đề được giải toả, chồng nói với vợ: “Chuyện chỉ đơn giản như vậy mà sao không nói cho anh biết?” Hoặc người vợ nói: “Phải mà anh nói cho em biết sớm thì mình đã không có gì để giận nhau!” Vì vậy, để tránh những lúc vợ chồng không hiểu nhau hoặc hiểu lầm nhau, chúng ta cần dành thì giờ, đến nơi yên tịnh, để trò chuyện với nhau. Có lẽ quý ông cần bớt thì giờ coi ti-vi, thì giờ ngồi trước máy điện toán hay thì giờ đi gặp bạn bè để ăn uống, tán gẫu. Quý bà thì có lẽ cũng cần giảm bớt thì giờ nấu nướng, đi mua sắm hay nói điện thoại với bạn để có thì giờ thăm hỏi, trò chuyện với chồng.
Thật ra vợ chồng nào thật lòng yêu nhau cũng muốn cùng nhau xây dựng gia đình mình cho được êm ấm và hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta thấy mình cố gắng thế nào cũng không tránh được những lúc hiểu lầm hay buồn phiền nhau chỉ vì những lời lỡ nói hay những lời không nói, cũng có khi vợ hay chồng nói lên một điều mà người kia hiểu thành một điều khác hay hiểu theo nghĩa khác, và vì thế có nan đề. Tiến sĩ Norman Wright, một chuyên gia tâm vấn Tin Lành nói rằng, “Đối thoại giữa người này với người kia thường dễ có hiểu lầm vì những lời chúng ta trao đổi với nhau có thể mang những ý nghĩa khác nhau. Và Tiến sĩ Wright cho biết: Tiến trình đối thoại thường gồm có sáu bước, đó là:
- Điều ta muốn nói.
- Điều ta thật sự nói
- Điều người kia nghe
- Điều người kia hiểu
- Điều người đó đáp lại
- Điều ta nghĩ về câu đáp hay phản ứng của người đó
Trong một Câu Chuyện Gia Đình khác, chúng tôi sẽ trình bày ví dụ về sáu bước trong tiến trình đối thoại để chúng ta thấy rõ tiến trình này hầu hiểu nhau hơn khi trò chuyện với nhau (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành