Mùa Bầu Cử
Chúng ta đang ở trong mùa bầu cử và người ta nói nhiều về chính trị. Tôi sẽ không bàn gì đến vấn đề chính trị nhưng muốn cho quý vị thấy một vài điểm tương đồng giữa đời sống chính trị và đời sống tâm linh và cả hai đều ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta đang sống tại một nước dân chủ và tinh thần dân chủ đó được khẳng định trong bài diễn văn của vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là Abraham Lincoln sau cuộc chiến. Theo bài diễn văn nầy, một chính quyền dân chủ thật sự là một chính quyền “của dân, do dân và vì dân.” Có thể nói gọn lại là quyền nằm trong tay người dân hay dân quyền.
Trước khi có dân quyền, chúng ta có chế độ quân chủ hay vương quyền. Nhà vua của một nước có quyền tuyệt đối và người dân được hạnh phúc hay không tùy nơi vị minh quân hay hôn quân. Lịch sử của nhiều nước xây dựng trên các chế độ vương quyền đó. Nhưng trước khi có vương quyền chúng ta có gì? Chúng ta có các chế độ lãnh chúa hay bộ lạc tức là mỗi vùng, mỗi địa phương có những lãnh tụ khác nhau cai trị. Đây thuộc phạm vi lịch sử chính trị, chúng ta không bàn đến. Tôi chỉ muốn nhìn lại lịch sử của con dân Chúa để chúng ta thấy rằng trước khi có dân quyền và vương quyền, con dân Chúa đã được Chúa trực tiếp cai trị và chúng ta gọi đó là thần quyền.
Nhiều người cho rằng theo đà tiến hóa của nhân loại, nhìn lại lịch sử để học hỏi là điều tốt nhưng còn nói đến chế độ thần quyền trong lúc nầy là lỗi thời. Vâng, có thể lỗi thời trên phương diện chính trị hoặc nếu coi thần quyền là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế và dựa vào lời dạy của Thánh Kinh, hơn lúc nào hết chúng ta cần trở lại với thần quyền và đây là giải pháp duy nhất để cứu vãn tình thế hiện tại.
Nói đến thần quyền như một chế độ thì hơi quá đáng nhưng nếu chúng ta nhìn vào thần quyền như một lối sống, một triết lý sống, hay nói đúng hơn, một mối tương giao, chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề hơn. Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng con người đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng để tương giao với Ngài. Rồi qua cá nhân, gia đình hay cả một đoàn thể, một nước, Thiên Chúa vẫn tiếp tục hướng dẫn, trực tiếp cai trị cho đến một ngày con dân của Chúa đòi phải có vương quyền, phải có vua cai trị. Họ đòi hỏi như vậy vì họ muốn gạt bỏ Chúa sang một bên, không muốn để Ngài trực tiếp cai trị nữa, nhưng Chúa vẫn yêu thương và dùng những sứ giả khác nhau đem lời của Chúa đến cho họ để hướng dẫn họ. Khi Chúa Cứu Thế Giê-xu đến trần gian thì sứ điệp của Ngài cho nhân loại lúc đó là: “Các ngươi hãy ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần.” Chữ “nước” trong sứ điệp nầy không phải là đất nước trong nghĩa bình thường nhưng là vương quốc tức là đất nước có vị vua đứng đầu. Chúa cũng dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời.” Một lần nữa, nước nói đến vương quốc hay vương quyền của Chúa. Nhiều lần giảng dạy, Chúa Cứu Thế dùng những câu chuyện hay hình ảnh để so sánh và mỗi lần Chúa đều bắt đầu bằng câu: “Nước thiên đàng giống như điều nầy, giống như điều nọ.” Nước thiên đàng là vương quốc của Chúa. Vương quốc hay vương quyền nói đến một thẩm quyền bên trên chúng ta. Thẩm quyền đó là chính Thiên Chúa nên ta cũng có thể gọi đây là thần quyền.
Dân quyền hay dân chủ là lý tưởng của con người hiện đại, chúng ta không phủ nhận điều đó, và dân quyền hay dân chủ nhấn mạnh đến phúc lợi của người dân. Một chính quyền, bất cứ là chính quyền nào cũng phải đem lại phúc lợi đó thì mới xứng đáng được gọi là “của dân, do dân và vì dân.” Thiên Chúa tạo dựng con người và bao giờ cũng muốn những điều tốt nhất cho con người, nhưng vì con người đã quay lưng lại với Ngài, không công nhận thẩm quyền của Ngài và vì vậy đương nhiên phải gặt hái những hậu quả đau đớn, ê chề. Con người cần tuân phục thẩm quyền của Thiên Chúa, để cho Ngài cai trị đời sống, lúc đó chúng ta mới kinh nghiệm được ân phúc của con dân Nước Trời hay nói đúng hơn Vương Quốc của Đức Chúa Trời.
Thần quyền chúng ta nói đến đây vì vậy không phải là vấn đề chính trị nhưng là vấn đề tâm linh. Vấn đề tâm linh nầy ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị và đời sống con người. Ảnh hưởng đó như thế nầy: một người sống với ý thức về thẩm quyền của Thiên Chúa trong đời sống, sẽ sống theo lời dạy của Ngài. Người đó sẽ sống trong sạch, liêm chính, yêu thương, trên thuận dưới hòa, kính trên nhường dưới, lúc nào cũng sẵn sàng giang rộng vòng tay giúp đỡ người chung quanh. Đất nước nào mà nhà lãnh đạo cũng như người dân đều như vậy thì chúng ta có thiên đàng ngay trên hạ giới! Thánh Kinh dạy: “Phước cho nước nào có Chúa làm Đức Chúa Trời, phước cho dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp.” Được Thiên Chúa trực tiếp cai trị là một ân phúc vô cùng lớn lao mà con dân Chúa đã bỏ sang một bên. Dầu vậy, suốt cả dòng lịch sử, Thiên Chúa vẫn kêu gọi con người đến với Ngài, sống trong quyền cai trị của Ngài.
Nước Mỹ là quốc gia chúng ta đang sống được thành lập với ý thức về thần quyền đó. Trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, cha ông của họ nhắc đến “Tạo Hóa là Đấng ban cho con người quyền sống, tự do và đeo đuổi hạnh phúc.” Trong lời tuyên thệ đọc mỗi lúc ochào quốc kỳ, người ta nói đến một đất nước dưới quyền cai trị của Thiên Chúa (one nation under God). Trên mỗi đồng bạc chúng ta chi dùng đều có hàng chữ: “In God we trust” (Chúng tôi tin tưởng nơi Đức Chúa Trời). Ý thức về sự hiện diện và dẫn dắt của Thiên Chúa như vậy là điều rất tốt, nhưng có khi những điều đó chỉ còn trên giấy tờ, trên lý thuyết và đã hoàn toàn biến mất khỏi thực tế. Những tệ trạng và tội ác kinh khủng nhất ngày nay đang diễn ra trên quốc gia nầy chỉ vì một lý do duy nhất là người ta đã từ bỏ Thiên Chúa, sống ngược lại với lời dạy của Chúa, gạt sang một bên quyền cai trị của Ngài trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Chúng ta không ngạc nhiên khi những tệ trạng trong xã hội ngày càng gia tăng. Chính vì vậy mà những nhà lãnh đạo tinh thần, những người ý thức được vấn đề đã không ngừng kêu gọi mọi người quay lại với Đức Chúa Trời. Thông điệp của Chúa Cứu Thế cho con dân của Ngài hơn 2,000 năm trước cũng là thông điệp cho chúng ta hôm nay: “Các ngươi hãy ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần!”
Con người chúng ta ngày hôm nay không tuân phục thẩm quyền của Thiên Chúa, vì vậy chúng ta đang sống bên ngoài vương quốc của Ngài. Chỉ khi nào chúng ta ăn năn tội lỗi, quay trở lại với Chúa, thần phục Chúa, lúc ấy vương quốc của Đức Chúa Trời mới được tái lập trong chúng ta, hay nói đúng hơn, giữa chúng ta với Chúa. Lúc ấy, chúng ta mới được sống trong vương quốc của Chúa, được làm thần dân của Ngài và tận hưởng những ân phúc Ngài dành cho chúng ta.
Từ bây giờ đến ngày bầu cử, chúng ta sẽ nghe nhiều bài diễn văn chính trị, nhiều lời hứa hẹn của các ứng viên, nhiều lập trường và chính kiến khác nhau, nhưng dù là ai, lập trường như thế nào, nếu những người đó xa lìa những nguyên tắc căn bản của Thánh Kinh, xa lìa lời dạy của Thiên Chúa, chúng ta có thể tin chắc rằng họ sẽ là những người đưa đất nước nầy đến chỗ diệt vong. Hoa Kỳ là nước giàu mạnh, tiến bộ nhất trên thế giới. nước nầy có thể sẽ không sụp đổ vì văn minh tiến bộ nhưng sẽ sụp đổ vì đạo đức suy đồi, vì căn bản giá trị nhất của con người không còn. Dân chủ, dân quyền là điều tốt, nhưng khi nào con người trở thành trọng tâm của vũ trụ và Thiên Chúa bị gạt sang một bên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy họa diệt vong.
Đây không phải là vấn đề chỉ liên quan đến chính trị hay nước Mỹ mà thôi nhưng liên quan đến đời sống mỗi chúng ta. Thần quyền chẳng những cần thiết trên bình diện quốc gia nhưng cần thiết hơn nhiều trên bình diện cá nhân và gia đình. Một đời sống có Chúa làm Chủ, làm Vua là một đời sống hạnh phúc. Một gia đình có Chúa cai trị là một gia đình hạnh phúc. Người ta nói nhiều đến chính sách thuế má, lương hướng, xã hội, y tế, v.v.. nhưng trên hết, nếu con người không kính sợ Chúa, không tuân phục vương quyền của Ngài thì cũng chẳng có chính sách hay đường lối cai trị nào có thể đem lại phúc lợi thật sự cho con người.
Lời Chúa dạy về vương quốc của Đức Chúa Trời cần phải được đáp dụng hôm nay từ mỗi cá nhân thì hạnh phúc thật sự mới có thể đến với con người. Chúa Giê-xu dạy:
Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và đường lối công chính của Ngài thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:33)
Mọi điều ấy nói đến nhu cầu cơm áo và những nhu cầu khác của con người. “Tìm kiếm nước Đức Chúa Trời” nghĩa là đeo đuổi tìm kiếm thế nào để được Thiên Chúa ngự trị trong lòng, để cho Ngài làm vua của đời sống. Thiên Chúa tôn trọng dân quyền hay chủ quyền của chúng ta, nhưng Ngài để ý nhiều hơn về phúc lợi của chúng ta. Chúa biết rằng chúng ta không thể sống hạnh phúc ngoài Chúa. Hãy để cho Chúa cai trị, làm vua, hãy để cho vương quyền và thần quyền của Ngài tràn ngập đời sống, chúng ta sẽ kinh nghiệm một đời sống mới không thể tìm thấy ở đâu khác.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành