Mục Đích Hôn Nhân (Bài 10)
Kính chào quý thính giả, hơn bao giờ hết, đời sống ngày nay đầy dẫy bất an, chúng ta đang đối diện với một tương lai vô định: chiến tranh, bạo hành khắp nơi, bệnh dịch thì lan tràn trên cả thế giới, không ai biết ngày mai sẽ ra thế nào. Cầu xin Đức Chúa Trời gìn giữ gia đình quý vị trong bình an của Ngài. Cảm tạ Chúa dù đời sống nhiều khó khăn, chúng ta vẫn còn cơ hội nghe Lời Chúa qua Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong tiết mục này chúng tôi đang trình bày đề tài: “Chương Trình của Đức Chúa Trời cho Hôn Nhân.” Vì muốn ban phước cho loài người, Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân , Ngài cũng ban những mạng lệnh và lời dạy mà nếu nghiêm chỉnh vâng theo, chúng ta sẽ có một hôn nhân hạnh phúc như điều Chúa hứa ban.
Chúng ta đều biết tình yêu thương là nền tảng cho mọi mối quan hệ giữa con người với nhau, đặc biệt là trong hôn nhân. Tình yêu thật, yêu như Chúa dạy trong Kinh Thánh, là điều không thể thiếu nếu muốn có một hôn nhân tốt đẹp, vững bền. Vợ chồng cần yêu nhau bằng tình yêu của Chúa, tức là yêu bằng tình yêu hy sinh, vô điều kiện và không bao giờ phai tàn. Sứ đồ Phao-lô mô tả tình yêu thật với những đặc điểm dễ hiểu, dễ nhớ mà nếu thực hành, chúng ta sẽ kinh nghiệm một hôn nhân hạnh phúc vững bền. Phao-lô viết,
“tình yêu thật sẽ nhịn nhục, nhân từ, không ganh tị, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, tha thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự và yêu cho đến cuối cùng” (Thư I Cô-rinh-tô 13:4-8b).
Để tình yêu luôn đậm đà tươi mới, chúng ta không che giấu tình cảm mình dành cho nhau nhưng bày tỏ ra qua lời nói và hành động. Lời nói là phương tiện chính chúng ta dùng để trao đổi thông tin, biểu lộ tình yêu cũng như bày tỏ ước muốn hay cảm xúc trong lòng. Lời nói rất quan trọng trong đời sống, đặc biệt là trong hôn nhân. Vì lời nói quan trọng nên Kinh Thánh dạy rất nhiều về cách sử dụng lời nói. Qua Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng ta biết rằng vợ chồng cần nói với nhau lời khen, lời khích lệ, là những lời ân hậu, có tính cách xây dựng và đem lại niềm vui cho người ta yêu. Chúng ta cũng cần nói năng với nhau cách nhân từ, không dùng lời nói để gây thương tổn cho nhau. Vì thật lòng yêu nhau, chúng ta sẽ thành thật chia xẻ những gì cần chia xẻ nhưng nói đúng lúc, đúng chỗ và nói với tình yêu thương. Đó là những nguyên tắc Kinh Thánh dạy mà chúng tôi đã trình bày trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước.
Ngoài ra, để tình cảm vợ chồng được ngọt ngào tốt đẹp, chúng ta cũng bày tỏ tình yêu bằng cách sẵn sàng lắng nghe khi vợ/chồng có điều muốn nói; chú ý nghe, vui vẻ tiếp nhận và bày tỏ lòng thông cảm, dù đó là lời trách hay lời đề nghị, góp ý. Ví dụ, vợ trách chồng hứa làm điều gì đó cho gia đình nhưng vì bạn bè hay bận công việc nên quên và không giữ lời hứa. Khi vợ chỉ ra thiếu sót đó của chồng, và nói với lời nhẹ nhàng, với lòng tôn trọng, thì vì yêu vợ, chồng sẽ không bực mình hay nổi giận nhưng chú ý nghe, nghe và chấp nhận điều vợ nói; không những thế, đồng ý là vợ nói đúng, nên tỏ lòng thông cảm, xin lỗi và nói lời an ủi vợ. Khi vợ chồng đối thoại với nhau với lòng nhịn nhục, kiên nhẫn và khiêm nhường như thế, bất đồng ý kiến sẽ được giải quyết nhanh chóng. Ngược lại, khi người phối ngẫu nói lên thiếu sót hay lầm lỗi của chúng ta, chúng ta không lắng nghe nhưng tìm cách bào chữa, giải thích hay phản ứng cách giận dữ, tình cảm vợ chồng sẽ bị tổn thương rất nhiều.
Một điều khác chúng ta cũng cần để ý, đó là người có tình yêu thật không nhắc lại những lỗi lầm trong quá khứ. Nhiều người có tính hay nhớ chuyện cũ, nhất là chị em phụ nữ chúng ta, hay nhớ những chuyện buồn, những sai sót lầm lỗi của chồng con và mỗi khi có dịp là nhắc lại, để người có lỗi phải nhớ và ân hận mãi. Chúng ta cần nhờ Chúa giúp để không vấp phải lỗi lầm này. Có lẽ vì phái nữ hay nhắc chuyện cũ, hay cằn nhằn chồng con nên sách Châm Ngôn trong Cựu Ước có nhiều câu nói về tính này của phụ nữ và nỗi khổ, nỗi lo sợ của những người ở gần. Ví dụ những câu như:
“Thà sống nơi vắng vẻ hơn là sống với một người đàn bà hay tranh cạnh và nóng giận” (Châm Ngôn 21:19). “Thà ở một góc trên mái nhà hơn là ở chung nhà với người đàn bà hay tranh cạnh” (25:24). “Nhà dột liên miên trong ngày mưa dầm và một người đàn bà hay tranh cạnh, cả hai đều như nhau” (27:15, BHĐ).
Có một người vợ hay cằn nhằn trách móc, nhất là cứ đem chuyện cũ ra để than thở là điều các ông chồng rất sợ và rất khổ tâm. Cũng có những vợ chồng không nhìn vào mặt tích cực của hoàn cảnh nhưng cứ nhắc lại những lầm lỗi cũ và làm khổ nhau đến nỗi cuối cùng vợ chồng phải chia tay. Cầu xin Chúa giúp chúng ta, dù còn nhớ những chuyện buồn trong quá khứ nhưng quyết tâm không nhắc lại mà chỉ nhắc lại những chuyện vui, đếm ơn phước Chúa ban trong đời sống và dâng lời cảm tạ Chúa. Chúng ta cần thực hành lời khuyên của vua Đa-vít , là một tác giả trong Kinh Thánh. Ông viết:
“Hỡi linh hồn ta, hãy chúc tụng Chúa Hằng Hữu! Mọi điều gì ở trong ta, hãy ca ngợi Danh Thánh của Ngài! Hỡi linh hồn ta, hãy chúc tụng Chúa, chớ quên các ân huệ của Ngài!” (Thi Thiên 103: 1-2, BHĐ).
Một nguyên tắc khác chúng ta cũng cần áp dụng để bày tỏ tình thương với người thân yêu, nhất là với người bạn đời, là lời khuyên của sứ đồ Giăng, ông viết: “Hỡi các con bé nhỏ, chớ yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, mà phải yêu bằng việc làm và sự chân thật” (I Giăng 3:18). Áp dụng lời dạy này, chúng ta không chỉ nói yêu thương nhưng bày tỏ tình thương qua hành động cụ thể. Kinh Thánh dạy: “Tình yêu thương hay nhịn nhục,” nếu thật yêu thương, chúng ta sẽ kiên nhẫn, không bực bội khi phải chờ đợi. Thực hành lời dạy này, quý ông mỗi khi phải chờ vợ để đi đâu: đi nhà thờ, đi đám cưới, đám tang, v.v… nếu thật sự thương và thông cảm với vợ, khi phải chờ đừng thúc hối, cằn nhằn, hay đứng ngồi không yên vì bực bội, sốt ruột; làm như thế chỉ khiến vợ ngại hay quýnh lên mà càng chậm trễ hơn. Đa số các bà thường chậm hơn các ông mà lại hay quên trước quên sau, vì vậy mỗi khi chuẩn bị đi đâu thường hay bị trễ. Thương vợ, quý ông hãy bày tỏ lòng thông cảm, kiên nhẫn chờ đợi, không bực bội phàn nàn hay thúc hối. Tuy nhiên, các bà vợ cũng cần thông cảm với tính mau mắn hoặc thiếu kiên nhẫn của chồng và cố gắng sửa soạn nhanh và gọn để chồng không phải chờ đợi quá lâu. Đó là chúng ta thực hành Lời Chúa dạy.
Lời Chúa cũng dạy:
“Tình yêu thương hay nhân từ.” Có rất nhiều điều, nhiều cách để chúng ta áp dụng lời dạy này. Là vợ hay chồng chúng ta đều muốn người kia đối xử nhân từ với mình. Kinh Thánh mô tả lòng nhân từ của Chúa như sau: “Chúa Hằng Hữu có lòng thương xót, hay làm ơn; chậm nóng giận và đầy nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời” (Thi Thiên 103:8-9).
Chúa muốn chúng ta đối xử nhân từ với nhau như Chúa đã nhân từ với chúng ta. Áp dụng lời Chúa, nếu thật lòng yêu nhau, chúng ta sẽ có lòng thương xót, sẽ thông cảm trước những yếu đuối, vấp váp của người bạn đời. Chúng ta sẽ chậm nóng giận, không bắt lỗi khi vợ/chồng lầm lỗi nhưng sẵn sàng bỏ qua và tha thứ. Ví dụ, vì chồng hay vợ cố tình cãi lời, làm theo ý riêng mà chúng ta bị thiệt hại, như bị trễ nải khi đi lo công việc hoặc bị sai hỏng một việc quan trọng. Trong trường hợp đó chúng ta có quyền cằn nhằn, bực bội, nhưng vì nhân từ với nhau, chúng ta sẽ không phiền giận, không bắt tội hay lên án người bạn đời. Nếu chúng ta bực bội chỉ ra lỗi lầm của người có lỗi thì sự việc cũng đã xảy ra rồi, chúng ta không thể làm gì để thay đổi hoàn cảnh. Nhưng nếu chúng ta thực hành Lời Chúa dạy, bày tỏ tình thương yêu qua việc làm cụ thể, nghĩa là đối xử nhân từ, không phiền giận cũng không bắt lỗi, tình cảm vợ chồng không những không sứt mẻ mà được vun đắp tốt đẹp và vững bền hơn (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành