Mục Đích Hôn Nhân (Bài 14)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi cảm tạ Chúa lại được thưa chuyện cùng quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Chúng tôi đang trình bày về “Chương Trình của Đức Chúa Trời cho Hôn Nhân,” hôm nay xin trình bày tiếp về trách nhiệm của vợ chồng trong đời sống gia đình.
Về trách nhiệm trong hôn nhân, chúng ta biết, trách nhiệm của người vợ là sinh con, nuôi nấng chăm sóc con và chăm lo việc nhà. Người chồng thì lãnh đạo gia đình, đi làm cung ứng nhu cầu cho gia đình, hướng dẫn và bảo vệ vợ con khỏi mọi nguy hiểm trong đời sống. Sự phân chia trách nhiệm này có thể uyển chuyển thay đổi trong những hoàn cảnh đặc biệt hay những bất trắc xảy ra trong đời sống, nhằm thích ứng với nhu cầu và đem lại yên vui phước hạnh cho mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, trách nhiệm chính yếu hay vị trí của vợ/chồng trong gia đình không thay đổi, đó là chồng làm chủ, lãnh đạo còn vợ vâng phục và hỗ trợ chồng trong những gì mình có thể làm được. Nguyên tắc muôn đời này được ghi trong thư Kinh Thánh, sứ đồ Phao-lô viết:
Người làm vợ, hãy thuận phục chồng như thuận phục Chúa. Vì chồng là đầu vợ, cũng như Chúa Cứu Thế là Đầu Hội Thánh… Vậy nên, như Hội Thánh thuận phục Chúa thể nào thì vợ cũng thuận phục chồng trong mọi sự thể ấy” (Thư Ê-phê-sô 5:22-24, Bản Hiệu Đính).
Nguyên tắc Chúa dạy về hôn nhân không thay đổi: “Chồng lãnh đạo, vợ thuận phục”, nhưng người chồng phải lãnh đạo như thế nào để vợ có thể vâng phục? Có những người chồng áp dụng nguyên tắc này cách sai lầm, nói rằng Chúa giao cho mình trách nhiệm lãnh đạo còn vợ phải vâng phục trong mọi sự, vì thế lãnh đạo cách độc tài, độc đoán, thiếu tình yêu thương, do đó đưa đến nhiều nan đề trong hôn nhân.
Mỗi khi đi dự đám cưới, chúng ta thấy cô dâu chú rể thật xứng đôi vừa lứa, vui vẻ sẵn sàng đi chung đường đời với nhau trong hiệp một yêu thương, nhưng sau khi chung sống một thời gian, đôi vợ chồng trẻ khám phá ra rằng mình và người bạn đời có nhiều điều khác nhau, hoặc không hợp nhau và bắt đầu cảm thấy khó chịu. Thưa quý vị, vợ chồng khác nhau là điều bình thường, đúng ra vợ chồng khác nhau là điều tự nhiên và cần thiết, vợ chồng không khác nhau mới là điều bất thường. Tuy nhiên, nếu không thông cảm, không chấp nhận nhau, vợ chồng sẽ dễ có những va chạm trong đời sống chung, dần dần đưa đến bất đồng ý kiến, nhất là khi đứng trước những quyết định quan trọng.
Khi bắt đầu sống chung trong gia đình mới, đôi vợ chồng trẻ có nhiều điều phải quyết định, chẳng hạn như: thuê nhà hay mua nhà? Nếu mua nhà thì mua nhà như thế nào, ở thành phố nào? Gần với gia đình cha mẹ bên nào? Những quyết định khác nữa như: Khi nào nên có con? Có con rồi người vợ có nên tiếp tục đi làm không? v.v… Đây là những điều thực tế vợ chồng phải đối diện và cần quyết định thế nào để đôi bên đều đồng ý trong vui vẻ, hài hòa. Các nhà tâm vấn hôn nhân cho biết, vợ chồng rất dễ bất đồng ý kiến về những quyết định quan trọng của gia đình, hôn nhân có thể mất hạnh phúc hay đi đến đổ vỡ vì vợ chồng bất đồng ý kiến trong những vấn đề đó. Để tránh nan đề này, chúng ta cần áp dụng nguyên tắc gì hay làm thế nào để vợ chồng thuận ý nhau trước những quyết định của gia đình? Ai là người quyết định?
Lời Chúa, qua sứ đồ Phao-lô, dạy rằng, chồng là đầu vợ, là người lãnh đạo gia đình, nhưng lãnh đạo như thế nào? Có phải người chồng có quyền quyết định mọi việc theo ý mình và vợ phải vâng theo không? Dĩ nhiên là không, “là đầu vợ” không có nghĩa là chồng có quyền quyết định tất cả mọi việc cách độc tài và bắt vợ phải vâng phục, làm theo, chứ không được có ý kiến. Vì Lời Chúa dạy rằng “Chồng phải yêu vợ như Chúa Cứu Thế yêu Hội Thánh, phó mạng sống vì Hội Thánh.” Theo mẫu mực của Chúa, chồng là người lãnh đạo gia đình nhưng lãnh đạo với tình yêu thương, và nếu cần, sẵn sàng hy sinh cho vợ con. Dĩ nhiên các ông không phải hy sinh tính mạng nhưng hy sinh những điều nhỏ nhặt, như hy sinh giấc ngủ, sự thoải mái, hy sinh thì giờ, tiền bạc hay hy sinh những điều mình ưa thích, để có thì giờ cho vợ con, để gia đình được hiệp một và hạnh phúc. Áp dụng nguyên tắc này vào những quyết định quan trọng của gia đình, các ông sẽ không lấy quyền làm chồng buộc vợ phải chiều theo ý mình, đồng ý với những quyết định của mình. Trái lại, khi quyết định những điều ảnh hưởng đến cả hai vợ chồng, người chồng cần nghĩ đến phúc lợi của vợ, niềm vui và ý kiến của vợ. Nếu trước những quyết định quan trọng, người chồng áp dụng Lời dạy sau đây thì gia đình sẽ không có nan đề:
Người làm chồng hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế yêu Hội Thánh, xả thân vì Hội Thánh… Chồng phải yêu vợ như chính thân mình, ai yêu vợ là yêu chính mình (Thư Ê-phê-sô 5:25, 28, BHĐ)
Khi chồng yêu vợ như chính thân mình, sẽ không có những quyết định ích kỷ, độc tài, độc đoán để vợ con phải buồn khổ. Khi phải quyết định những điều quan trọng, quan trọng nhưng không cấp bách, chúng ta nên kiên nhẫn, tìm biết ý kiến của nhau và đợi đến khi vợ chồng cùng một lòng một ý hãy đi đến quyết định. Chúng ta cần nhớ, giữ gìn sự hiệp một giữa vợ chồng là điều tối quan trọng, còn những vấn đề khác, dù quan trọng đến đâu cũng chỉ là thứ yếu. Đừng bao giờ vì muốn được việc cho mình hay theo ý mình muốn, mà không quan tâm đến ý kiến hay mong ước của người phối ngẫu. Làm như thế chúng ta có thể đạt được điều mình muốn nhưng tình cảm vợ chồng sẽ bị sứt mẻ.
Trong trường hợp vợ cho chồng toàn quyền quyền định, hoặc chồng hỏi ý vợ rồi quyết định nhưng quyết định đó đưa đến kết quả không tốt hay gây một thiệt hại nào đó, chúng ta không nên chê cười hay trách nhau, khiến người đã quyết định phải ân hận hay đau buồn về quyết định của mình, nhất là khi quyết định đó để lại ảnh hưởng lâu dài. Tác giả Gary Chapman, trong một bài nói về vợ chồng nên quyết định thế nào trong đời sống chung, nói như sau: “Trong trường hợp có những vấn đề phải quyết định gấp nhưng vợ chồng vẫn không đồng ý với nhau thì người chồng có trách nhiệm phải quyết định, phải chọn điều mình nghĩ là tốt nhất hay giải pháp tốt nhất cho gia đình, và khi đã quyết định, người chồng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho vợ hay người nào khác. Khi gặp trường hợp điều người chồng quyết định đem lại kết quả không tốt, vợ không nên trách hay chê cười chồng thiếu khôn ngoan hay nói rằng nếu nghe theo ý của mình thì sự việc đã tốt hơn. Chúng ta nên tránh điều đó, vì khi một người ân hận về quyết định của mình, người đó cần được an ủi nâng đỡ, cần được nghe lời khích lệ. Người vợ khôn ngoan và thật lòng yêu chồng sẽ có lời an ủi khích lệ chồng chứ không làm cho chồng ân hận và khổ tâm hơn. Cũng đừng bao giờ nói: “Em đã nói rồi mà anh không nghe nên bây giờ mới khổ như vậy.” Đây là lúc chúng ta cần thực hành lời Chúa dạy:
Chớ có một lời độc dữ nào ra từ miệng anh chị em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính cách xây dựng, để đem ơn phước đến cho người nghe (Thư Ê-phê-sô 4:29)
Khi một người ân hận về quyết định sai lầm của mình, người đó rất cần nghe những lời thông cảm, an ủi, đem lại xây dựng.
Vợ chồng là hai người ở trong cùng một đội ngũ, phải quyết tâm hiệp một, nâng đỡ nhau trong mọi phương diện để đạt đến mục tiêu chung. Mục tiêu đó là: xây dựng cho hôn nhân được tốt đẹp, gia đình vững mạnh để thật sự hưởng hồng ân Chúa ban và làm rạng Danh Chúa giữa trần gian tăm tối này (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành