Mục Đích Hôn Nhân (Bài 16)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui được gặp lại quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Dựa vào những nguyên tắc Kinh Thánh dạy chúng tôi xin tiếp tục chia xẻ với quý vị đề tài: “Chương Trình của Đức Chúa Trời cho Hôn Nhân,” và hôm nay xin trình bày thêm về mối quan hệ giữa đôi vợ chồng trẻ với cha mẹ hai bên, đây là mối quan hệ gần gũi thân thương nhưng đôi khi cũng có vấn đề hoặc gặp trường hợp khó xử, vì vậy chúng ta cần biết Chúa dạy gì về thẩm quyền của cha mẹ trên con và bổn phận của con cái khi có gia đình riêng.
Như chúng tôi trình bày trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, khi thiết lập hôn nhân đầu tiên, Đức Chúa Trời truyền dạy: “Người nam phải rời cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở nên một thịt” (Sáng thế ký 2:24). Mạng lệnh này gồm có ba phần: (1) Người nam phải rời cha mẹ, (2) gắn bó với vợ, và (3) hai vợ chồng trở nên một. Mạng lệnh này dành cho người nam, là người chồng trẻ, chủ của gia đình mới, người nam cần tuân thủ mạng lệnh này theo thứ tự Chúa truyền. Khi cưới vợ, người nam phải rời cha mẹ thì mới có thể gắn bó với vợ và hai người mới trở nên một. Đây là điều chúng ta thấy khó chấp nhận và khó tuân hành nhưng là điều cần yếu cho hạnh phúc của gia đình con.
Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa mạng lệnh chính trong lời dạy này, đó là “Lìa cha mẹ”, “lìa cha mẹ” hay “rời cha mẹ” nghĩa là gì và phải làm gì? Trước hết, “lìa cha mẹ” không có nghĩa là từ bỏ cha mẹ hay rời xa khỏi cha mẹ, không yêu thương, không quan tâm đến cha mẹ nữa. “Rời cha mẹ” chỉ có nghĩa là rời khỏi thẩm quyền và khỏi ảnh hưởng của cha mẹ. Khi người con trai còn độc thân, sống trong nhà cha mẹ thì ở dưới thẩm quyền của cha mẹ. Vì chưa có gia đình riêng nên bổn phận và trách nhiệm chính của người con là lo cho cha mẹ và gia đình cha mẹ, nhưng khi cưới vợ và có gia đình riêng, người con trai là chủ của gia đình của mình, vì thế trách nhiệm và bổn phận chính của người đó là với gia đình mới. Đây là một quyết định, một thay đổi khó chứ không dễ nhưng rất quan trọng, vì nếu không vâng theo mạng lệnh của Chúa ngay từ đầu, lúc vợ chồng mới cưới, sẽ đưa đến nhiều vấn đề nan giải sau này.
Người nam rời khỏi ảnh hưởng của cha mẹ là làm gì? Quyết định này liên quan đến nhiều phương diện trong đời sống của đôi vợ chồng mới. Trước hết, thực tế nhất là vợ chồng mới cần có một chỗ ở riêng biệt. Sống chung với cha mẹ có thể đỡ tốn kém và cha mẹ sẽ vui hơn nhưng dần dần không tránh được nan đề vì sự đụng chạm giữa hai thế hệ. Người trẻ và người lớn tuổi có những sở thích và nhu cầu khác nhau nên sống chung sẽ không tránh được những lúc làm phiền nhau hay làm buồn lòng nhau. Hơn nữa, sống chung với gia đình cha mẹ sẽ khiến vợ chồng mới không hoàn toàn tự lập: tự lập trong cách sử dụng thì giờ, cách làm việc, nghỉ ngơi, cách sắp xếp nhà cửa và các sinh hoạt của gia đình, nhất là vợ chồng khó có thì giờ riêng với nhau. Ngoài ra, nếu sống chung, vợ chồng mới sẽ không tự lập, tự chủ nhưng tiếp tục tùy thuộc cha mẹ hay chịu ảnh hưởng của cha mẹ, dần dần sẽ thiếu tinh thần trách nhiệm, người chồng trẻ không thật sự là chủ gia đình như Lời Chúa dạy. Vì thế, nếu đôi vợ chồng mới phải ở một nơi chật hẹp, thiếu tiện nghi một chút vẫn tốt hơn, vì khi sống riêng biệt như thế sẽ giúp vợ chồng trẻ biết tự lo tự lập; người chồng thật sự làm chủ gia đình và nhờ đó sẽ trưởng thành hơn.
Đối với chúng ta là cha mẹ có con đến tuổi lập gia đình, con trai sắp cưới vợ hay con gái sắp lấy chồng, chúng ta cần khuyến khích con ra riêng hoặc tạo cơ hội và phương tiện cho vợ chồng con ra riêng, để tự lo tự lập, đó là chúng ta giúp con làm theo Lời Chúa dạy. Dù khi con lìa gia đình chúng ta có thể buồn hay cảm thấy mất mát nhưng các con sẽ biết ơn cha mẹ, và sau này nhìn lại cha mẹ sẽ vui vì thấy mình không ích kỷ nắm giữ con nhưng đã nghĩ đến phúc lợi của con, hy sinh cho hạnh phúc của con. Quý hơn nữa, Chúa sẽ ban phước cho chúng ta vì chúng ta đã giúp con vâng Lời Chúa, còn con cái vì biết ơn cha mẹ sẽ yêu thương, thông cảm với cha mẹ và quan tâm đến cha mẹ hơn.
Không những ở riêng, đôi vợ chồng mới cũng không nên tùy thuộc cha mẹ về mặt tài chánh, dù cha mẹ khá giả đến đâu, nhất là người chồng trẻ, cần phải có công ăn việc làm vững chắc để nuôi vợ và nuôi con sau này. Nếu cha mẹ khá giả, muốn giúp đỡ tiền bạc, đôi vợ chồng mới có thể nhận sự giúp đỡ của cha mẹ một vài lần lúc đầu, sau đó nên tự lo tự lập. Nếu tùy thuộc cha mẹ về mặt tài chánh nhiều hay lâu dài, vợ chồng khó đi đến chỗ tự lập tự lo, và người chồng trẻ sẽ không thật sự là chủ gia đình mình. Vì lý do đó, nếu người nam chưa thể tự lập về mặt tài chánh, chưa có công việc làm vững chắc hầu có thể nuôi gia đình thì nên chờ đợi đến khi có thể tự lập tự lo, hơn là có gia đình riêng mà phải tùy thuộc cha mẹ về tiền bạc.
Người nam khi cưới vợ không những không tùy thuộc cha mẹ về chỗ ở của vợ chồng mình hay về mặt tài chánh nhưng cũng xác định rõ về vai trò làm chủ gia đình. Người chồng trẻ sẽ là chủ gia đình mình chứ không phải cha mẹ. Khi đứng trước những quyết định liên quan đến đời sống riêng, hai vợ chồng sẽ bàn thảo với nhau, cầu nguyện để biết ý Chúa và quyết định theo ý của Chúa. Về chúng ta là cha mẹ, dù thương con và có nhiều kinh nghiệm trong đời, cũng không nên quyết định giùm con hoặc dùng quyền làm cha mẹ để vợ chồng con phải quyết định theo ý mình. Đây cũng là thách thức lớn cho đôi bạn trẻ, nếu không thật sự lìa cha mẹ, sẽ phải quyết định những vấn đề của gia đình mình theo ý của cha mẹ, để rồi sau đó vợ chồng không vui hoặc ân hận vì đã không dám làm trái ý cha mẹ. Cha mẹ có thể góp ý hay đưa ra những đề nghị liên quan đến vấn đề của vợ chồng con, nhưng quyết định cuối cùng phải là của vợ chồng con, không nên vì ngại cha mẹ buồn mà chiều ý cha mẹ. Trước những quyết định quan trọng của gia đình, nếu đã thật sự lìa cha mẹ, đôi vợ chồng mới sẽ cẩn thận bàn tính với nhau và rồi quyết định theo điều vợ chồng đã đồng ý với nhau. Điều quan trọng không phải là ý kiến hay niềm vui của cha mẹ nhưng là vợ chồng phải đồng một lòng một ý với nhau, như thế mới đưa đến sự hiệp nhất giữa vợ chồng.
Về trách nhiệm của các bậc cha mẹ, khi con cái lập gia đình, chúng ta cần giúp con vâng theo Lời Chúa dạy, vui vẻ cho con ra riêng để làm chủ gia đình mình; không tạo áp lực để con phải theo ý cha mẹ, trái lại chúng ta để vợ chồng con tự do quyết định những việc liên quan đến gia đình con. Người mẹ, thường gần với con trai và thương con trai nên dễ buồn và cảm thấy mất mát khi con trai dành tình thương cho vợ, lo cho vợ. Chính vì tâm lý này mà giữa mẹ chồng con dâu thường có nan đề. Tuy nhiên, nếu muốn con cái được hạnh phúc, chúng ta cần vâng theo lời Chúa trong mọi phương diện của đời sống. Chúng ta hãy giúp con, tạo mọi dễ dàng cho con, nhất là làm thế nào để con trai chúng ta có thể rời cha mẹ mà không phải áy náy, lo lắng, hay sợ cha mẹ buồn. Đó là thật sự thương con và muốn vợ chồng con được hạnh phúc.
Để thực hành những điều này, chúng ta cần sống theo Lời Kinh Thánh dạy. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa” (Thư Phi-líp 2:3-4). Chúng ta áp dụng lời dạy này trong quan hệ với anh chị em cùng niềm tin, và với người thân trong gia đình: với gia đình chồng, gia đình vợ, nhất là với con dâu, con rể. Là cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, chúng ta không ích kỷ, chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng nhưng thật lòng yêu thương, quan tâm đến hạnh phúc của con, chúng ta tôn trọng con, quan tâm đến hạnh phúc của con dâu con rể. Khi cả hai thế hệ vâng theo Lời Chúa dạy: con cái sẵn sàng rời cha mẹ, cha mẹ không nắm giữ con, kết quả là cả hai thế hệ sẽ được hưởng niềm vui và phước hạnh mà Chúa dành cho chúng ta (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành