Mục Đích Hôn Nhân (Bài 4)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong tiết mục này chúng tôi sẽ trình bày những nguyên tắc Chúa dạy về hôn nhân mà nếu áp dụng vào đời sống, hôn nhân của chúng ta sẽ được tốt đẹp bền lâu. Chúng ta cũng có thể chia xẻ những nguyên tắc này với những gia đình khác để hôn nhân của tất cả mọi người được vững bền và hạnh phúc, như điều Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta khi Ngài thiết lập hôn nhân.
Tại sao hôn nhân thường có nan đề? Có nhiều lý do khiến đời sống vợ chồng có nan đề chứ không ngọt ngào êm ấm mãi như mô tả trong những câu chuyện thần tiên. Lý do trước nhất là vì vợ và chồng là hai cá thể riêng biệt, khác nhau trong nhiều phương diện, khác nhau từ phái tính đến vóc dáng, tâm tính đến sở thích, v.v… Có những khác biệt lúc ban đầu là lý do thu hút hai người đến với nhau, nhưng sau một thời gian chung sống, những khác biệt đó có thể trở thành lý do đẩy hai người ra xa nhau. Chúng tôi xin nêu một ví dụ mà có lẽ có người đã kinh nghiệm: Một thanh niên có tính trầm lặng, ít nói và hay bi quan buồn chán khi gặp một thiếu nữ tính tình vui vẻ lạc quan, nói nhiều và hăng hái trong mọi việc thì sẽ bị thu hút và thích người nữ vui tính đó. Nhưng khi trở thành vợ chồng và sống với nhau nhiều năm tháng sẽ có lúc người chồng trầm lặng bi quan cảm thấy bực bội vì vợ mình nói nhiều và luôn có cái nhìn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Tương tự như vậy, những thiếu nữ vui vẻ, nhanh nhẹn hoạt bát cũng dễ có cảm tình với những thanh niên trầm lặng ít nói, nhưng trong đời sống vợ chồng những người vợ vui tính, lạc quan, nói nhiều cũng dễ bực bội khi thấy chồng chậm chạp, bi quan, thích nơi yên lặng và ít muốn trò chuyện với vợ.
Một lý do khác khiến hôn nhân dễ mất đi niềm vui và hạnh phúc là khi có nan đề, cả vợ và chồng đều không nhìn thấy lỗi của mình nhưng chỉ thấy lỗi của người kia. Cảm tạ Chúa, Kinh Thánh cho chúng ta lời dạy rất thực tế và rõ ràng về vấn đề này mà nếu áp dụng, vợ chồng chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết nan đề và giải hòa với nhau. Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi lời Chúa Giê-xu dạy như sau:
Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán. Vì các con xét đoán người ta thể nào, thì họ cũng xét đoán các con thể ấy, các con lường cho người ta mực nào thì người ta cũng sẽ lường cho các con mực ấy. Sao các con thấy cái dằm trong mắt anh em mà lại không thấy cây đà trong mắt mình? Sao con có thể bảo anh em: Để tôi lấy cái dằm khỏi mắt anh’ trong lúc cây đà vẫn còn nằm trong mắt mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Trước hết hãy lấy cây đà khỏi mắt mình đi rồi mới thấy rõ mà lấy cái dằm khỏi mắt anh em được (Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:1-5)
Chúa Giê-xu dùng hình ảnh cái dằm trong mắt người và cây đà trong mắt chúng ta để so sánh một điều thật nhỏ với một điều thật lớn, để chỉ ra điều mà con người nói chung thường mắc phải, đó là chúng ta nhanh chóng nhìn thấy lỗi lầm nhỏ của người khác mà không thấy lỗi lầm lớn của chính mình. Qua lời dạy này, Chúa nhắc rằng, khi đời sống gặp nan đề, chúng ta đừng vội vàng đoán xét hay đổ lỗi cho người khác nhưng hãy nhìn vào chính mình và sửa lỗi của mình trước, lúc đó chúng ta mới có thể thấy lỗi của người khác mà giúp người đó sửa đổi. Chúa cũng dạy rằng lỗi của chúng ta thường là lớn hơn vì vậy nếu không nhìn vào chính mình và sửa đổi trước, chúng ta không thể giúp người kia sửa lỗi lầm của họ.
Mỗi khi có dịp tâm vấn những vợ chồng có nan đề, chúng tôi thường nghe người vợ kể ra rất nhiều những sai sót, lỗi lầm của chồng mình, và các ông chồng cũng vậy, kể ra rất nhiều những lầm lỗi vợ mình sai phạm. Cả hai vợ chồng đều gián tiếp nói rằng, tôi là người vợ tốt/người chồng tốt, tôi luôn luôn làm trọn bổn phận, sở dĩ có nan đề là vì người kia không sống đúng trong vai trò của mình hoặc không chu toàn bổn phận.
Vì cho rằng vợ hay chồng mình là người gây ra nan đề nên chúng ta thường nghĩ: nếu vợ hay chồng mình thay đổi, phục thiện thì nan đề sẽ được giải quyết. Vì nghĩ như thế, chúng ta bực bội, cằn nhằn, nói nặng nói nhẹ để người kia bực bội mà sửa đổi. Nếu người đó vẫn không thay đổi, chúng ta sẽ than van, khóc lóc, có khi dọa bỏ đi, bước ra khỏi hôn nhân để người đó sợ mà thay đổi.
Nếu khi vợ chồng buồn giận nhau mà trong lòng chúng ta có tiếng nói rằng, nếu vợ/chồng mình không thay đổi, mình sẽ phải sống trong đau khổ suốt đời! Chúng ta đừng tin điều đó, nhưng hãy nhớ rằng hôn nhân là món quà Đức Chúa Trời ban cho loài người để đời sống chúng ta được trọn vẹn và phước hạnh. Nếu hôn nhân có nan đề, chúng ta hãy nhờ sức Chúa và áp dụng Lời Chúa để hôn nhân được tốt đẹp hơn. Nếu người bạn đời không nhìn thấy lỗi lầm và không thay đổi, chúng ta hãy kiên nhẫn thực hành Lời Chúa dạy trước, sửa lỗi lầm của mình trước, ơn phước của Chúa sẽ tuôn tràn và mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Chúa Giê-xu dạy: “Người nào nghe Lời ta phán dạy và làm theo là người khôn, xây nhà mình trên đá, dù có mưa gió giông bão, nhà đó cũng sẽ không sụp đổ.” Ngược lại, nếu chúng ta biết Lời Chúa dạy mà không thực hành, Chúa cho biết: “khi khó khăn giông bão xảy đến, gia đình chúng ta, như ngôi nhà xây trên cát, sẽ sụp đổ và bị hư hại nặng nề.”
Để giải quyết nan đề và để tránh sai lầm là chỉ thấy lỗi của người phối ngẫu chứ không thấy lỗi của mình, chúng ta cần áp dụng Lời Chúa Giê-xu dạy trong Phúc âm Ma-thi-ơ 7. Trước hết, Chúa dạy rằng, nếu chúng ta muốn sửa cái lỗi nhỏ của người khác mà không sửa cái lỗi lớn của mình, chúng ta là người đạo đức giả, vì trong thâm tâm chúng ta biết mình cũng là người bất toàn, đầy dẫy lỗi lầm. Vì vậy, khi vợ chồng có điều bất hòa hay hiểu lầm nhau, làm buồn lòng nhau chúng ta cần tự hỏi: “Mình đã làm gì, nói gì hay cư xử thế nào mà khiến vợ chồng mình giận nhau?” Đặt câu hỏi như thế không có nghĩa là chúng ta tự trách hay tự lên án, nói rằng người kia không có lỗi gì cả, “lỗi tại tôi, lỗi là hoàn toàn của tôi,” rồi than thân trách phận. Không, nguyên tắc ở đây là, để giải quyết nan đề, chúng ta bắt đầu với chính mình, khiêm nhường và thành thật nhìn vào chính mình trước. Có thể phương cách này lạ và mới mẻ đối với một số người vì chúng ta chưa bao giờ áp dụng hoặc chúng ta tin rằng 90% nguyên nhân của nan đề trong gia đình là nơi người kia. Nếu đúng như vậy thì chúng ta cũng chịu trách nhiệm 10% trong nan đề của vợ chồng, vì chúng ta cũng yếu đuối bất toàn như mọi người. Nếu cho là mình chỉ có lỗi 10% trong chuyện bất hòa của gia đình, chúng ta cũng cần nhìn vào nan đề cách khách quan, để biết 10% đó là gì và áp dụng Lời Chúa, lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước, rồi mới giúp vợ hay chồng lấy cái dằm ra khỏi mắt người đó.
Để lấy cây đà ra khỏi mắt mình, chúng ta hãy dành thì giờ yên tịnh, riêng tư với Chúa trong một nơi vắng vẻ, nơi mà chúng ta có thể tự do cầu nguyện. Nếu đang giận người bạn đời và muốn nói to tiếng cho hả giận, chúng ta có thể cầu nguyện lớn tiếng, để giúp mình bớt giận. Nếu còn nhớ đến những điều người bạn đời nói hay làm khiến chúng ta bị tổn thương, hãy viết những điều đó xuống và dâng trình lên Chúa. Về mặt tâm lý, khi dâng lên Chúa những điều đau buồn trong lòng, tâm hồn chúng ta sẽ nhẹ nhàng, chúng ta sáng suốt hơn và sẽ nhìn thấy phần lỗi của mình trong nan đề giữa vợ chồng. Chúng ta đều biết, thực tế là, không bao giờ vì một người mà xảy ra nan đề giữa hai người; không nhiều thì ít, cả vợ và chồng đều có trách nhiệm trước nan đề trong hôn nhân của mình. Vì giới hạn thì giờ, Câu Chuyện Gia Đình xin tạm ngưng nơi đây. Kỳ tới chúng tôi sẽ trình bày thêm những điều chúng ta cần làm để nhìn thấy lỗi của chính mình và sửa đổi thay vì chỉ thấy lỗi của người phối ngẫu. Kính mời quý vị đón nghe.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành