Mục Đích Hôn Nhân (Bài 7)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Kinh Thánh ghi rằng khi tạo dựng con người đầu tiên, là A-đam, Chúa phán:
Con người ở một mình thì không tốt, ta sẽ tạo nên một người giúp đỡ thích hợp với nó (Sáng thế ký 2:18, Bản Hiệu Đính)
Sau đó Chúa dựng nên bà Ê-va, đem đến cho A-đam và thiết lập hôn nhân cho loài người. Vì muốn ban phước cho con người, muốn đời sống con người được hạnh phúc, Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân, nhưng tại sao nhiều hôn nhân không hạnh phúc nhưng đầy dẫy đau buồn và cuối cùng đi đến gãy đổ? Lý do khiến hôn nhân gãy đổ là vì chúng ta là con người bất toàn, yếu đuối, có khuynh hướng làm điều sai quấy; hơn nữa con người chúng ta thường ích kỷ và kiêu ngạo, luôn cho mình quan trọng hơn người khác nên khó nhường nhịn, khó hạ mình để nâng người khác lên, dù là giữa vợ và chồng, chính vì thế mà vợ chồng dễ có bất hòa, bất đồng ý kiến. Ngoài những lý do đó, vợ chồng cũng khác nhau về nhiều phương diện nên khó hòa hợp nhưng dễ va chạm, dễ làm tổn thương nhau. Vì vậy chúng ta cần học biết những nguyên tắc Kinh Thánh dạy và áp dụng vào đời sống, trong mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh, nhất là với vợ/chồng để thật sự được hưởng phước hạnh mà Chúa muốn ban cho chúng ta.
Áp dụng lời Chúa Giê-xu dạy, khi hôn nhân có nan đề, chúng ta cần nhìn vào chính mình để tìm lỗi lầm của mình, sau đó xin lỗi người bạn đời để vợ chồng giải hòa với nhau. Khi cả vợ và chồng đều thực hành Lời Chúa dạy, nan đề sẽ dễ dàng được giải quyết. Tuy nhiên trong thực tế sự việc không đơn giản như vậy, có khi người chồng biết lỗi, hạ mình xin lỗi và mong được giải hòa với vợ nhưng người vợ, vì bị tổn thương quá sâu đậm nên không muốn tha thứ, không muốn giải hòa. Trong trường hợp đó người chồng cần kiên nhẫn, không nổi giận nhưng thông cảm với vợ, cho vợ thêm thì giờ để cho buồn giận trong lòng nguôi đi, lúc đó hai vợ chồng mới có thể xích lại gần nhau, hiểu nhau và nan đề mới được giải quyết. Nếu chúng ta là người bị tổn thương, Chúa dạy chúng ta nên sẵn sàng bỏ qua và tha thứ cho người phối ngẫu. Trong bài cầu nguyện Chúa Giê-xu dạy, chúng ta cần thưa với Chúa:
Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:12, Bản Hiệu Đính)
Chúa cũng dạy:
Nếu các ngươi tha lỗi cho người, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:14-15)
Chúa muốn chúng ta tha thứ cho người gây đau buồn và tổn hại cho chúng ta như Chúa đã tha thứ chúng ta.
Sau khi nhận lỗi và thành thật xin lỗi người bạn đời, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi người đó chấp nhận lời xin lỗi của chúng ta. Nếu chúng ta thúc đẩy hay ép buộc người phối ngẫu tiếp nhận lời xin lỗi ngay và bỏ qua tất cả để vợ chồng làm hòa với nhau ngay, sự hòa giải có thể không thật và không bền. Nếu người bạn đời chưa sẵn sàng tiếp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho chúng ta nhưng còn buồn hay tỏ vẻ cay đắng, chúng ta cần xin Chúa ban cho mình lòng kiên nhẫn, không vì vậy mà ghét bỏ hay tức giận thêm. Nếu vợ/chồng chúng ta cũng vâng lời Chúa, Chúa Thánh Linh sẽ chỉ dạy, hướng dẫn người đó, nên chúng ta cứ kiên nhẫn chờ đợi. Đây là lúc chúng ta cần xử sự theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Sứ đồ Phao-lô dạy rằng, người có Chúa Thánh Linh làm Chủ sẽ có trái của Thánh Linh, tức là có những mỹ đức: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ. Nếu Chúa Thánh Linh làm Chủ đời sống, đây là lúc chúng ta sẽ yêu thương, nhịn nhục, sẽ kiên nhẫn với người phối ngẫu. Thay vì tức giận, chúng ta sẽ cư xử với lòng nhân từ, hiền lành và mềm mại. Cách cư xử đó sẽ cảm hóa người bạn đời, người đó sẽ tiếp nhận lời xin lỗi của chúng ta với lòng nhân từ, mềm mại, yêu thương. Không những thế, người đó sẽ nhìn thấy lỗi của mình và xưng nhận, nhờ đó nan đề được giải quyết tốt đẹp. Xin Chúa giúp chúng ta, dù là vợ hay chồng, sẽ là nhân tố đem lại hòa giải chứ không phải là nguyên nhân gây ra nan đề hay làm cho nan đề to lớn hơn.
Có những vợ chồng khi có chuyện buồn phiền không giải hòa ngay nhưng cứ im lặng không nói ra nên ngày càng giận nhau nhiều hơn, vì thế một bức tường vô hình dân dần dựng lên giữa hai người. Chúng ta biết, khi xây tường người thợ xây sắp lên từng viên gạch một, dần dần thành một bức tường cao. Bức tường ngăn cách giữa vợ chồng cũng vậy, vô hình nhưng rất kiên cố và khó tháo bỏ. Chúng ta hãy tưởng tượng, khi người chồng nói nặng lời với vợ hay có cử chỉ thiếu yêu thương, thiếu thông cảm. Người vợ giận, nên cũng đáp lại bằng lời nói thiếu ngọt ngào hay có thái độ thiếu tôn kính đối với chồng. Đó là lúc hai người chất từng viên gạch lên bức tường ngăn cách giữa vợ chồng. Khi hai người nhận biết lầm lỗi của mình và xin lỗi nhau, những viên gạch ngăn cách đó sẽ được gỡ bỏ đi. Trái lại nếu vợ chồng tiếp tục phiền giận, cay đắng, có những lời nói không ngọt ngào, thái độ thiếu yêu thương đối với nhau, những viên gạch buồn giận, bực bội, bất mãn sẽ tiếp tục được chất lên, dần dần giữa hai người có một bức tường, dù vô hình nhưng rất kiên cố nên khó dẹp bỏ đi được. Vợ chồng, dù đến với nhau và kết hợp với nhau trong tình yêu nhưng lúc đó sẽ không thể nhìn mặt nhau mà chỉ muốn chia tay mà thôi. Vì bức tường ngăn cách giữa vợ chồng nguy hiểm như vậy nên nếu cảm thấy vợ chồng mình đang thiếu tình yêu, thiếu hiệp một, chúng ta cần thức tỉnh ngay và cầu nguyện xin Chúa soi sáng để mỗi người nhìn thấy lỗi của mình và ăn năn sửa đổi.
Việc tháo bỏ bức tường ngăn cách cũng tương tự như việc xây tường, nghĩa là chúng ta phải tháo gỡ từng viên gạch thì mới không gây tổn hại. Áp dụng vào thực tế, vợ và chồng cần nhận là mình có lỗi, nhận rằng vì cách cư xử thiếu yêu thương, thiếu kiên nhẫn của chính mình mà vợ chồng có vấn đề, và cả hai sẽ nhờ Chúa ban cho sáng suốt để thấy rõ nan đề, ban cho tấm lòng khiêm nhường để hạ mình nhận lỗi, nhờ đó những viên gạch ngăn cách sẽ dần dần được tháo gỡ, vợ chồng sẽ thông cảm nhau, sẵn sàng tha thứ nhau để hiệp một như buổi ban đầu.
Có lẽ có người nghĩ: Nếu tôi muốn làm hòa, muốn bỏ đi những viên gạch ngăn cách nhưng người kia không muốn, không sẵn sàng thì tôi phải làm sao? Thưa, chúng ta không chịu trách nhiệm về việc làm của người khác nhưng chỉ chịu trách nhiệm về hành động hay quyết định của chính mình. Vì thế, nếu Chúa nhắc nhở chúng ta cần làm gì để giải hòa, để tháo dở bức tường ngăn cách giữa vợ chồng, chúng ta hãy vâng lời Chúa, làm theo Lời Chúa dạy, người kia nhìn thấy sự thay đổi nơi chúng ta, sẽ được cảm hóa, sẽ biết điều người đó phải làm và dần dần bức tường thiếu thông cảm, thiếu yêu thương giữa hai người sẽ được hạ xuống, vợ chồng có thể làm lại từ đầu, và từ những đổ nát đó chúng ta có thể xây lại một hôn nhân ngọt ngào, tốt đẹp như điều Chúa muốn ban cho chúng ta.
Nếu thấy mình là người trưởng thành, đã cư xử phải lẽ để giải quyết nan đề nhưng người kia vẫn không tha thứ, chúng ta không nên buồn nhưng nhờ Chúa, thực hành lời khuyên của sứ đồ Phao-lô:
Chúng ta là người mạnh, phải gánh vác những khiếm khuyết của người yếu, thay vì chỉ làm vừa lòng chính mình. Mỗi người trong chúng ta nên làm vừa lòng người lân cận mình để giúp ích và xây dựng họ (Thư Rô-ma 15:1-2, Bản Hiệu Đính)
Theo lời dạy này, chúng ta là người mạnh, phải gánh vác, chấp nhận hay bỏ qua khiếm khuyết của người bạn đời và tìm cách nâng đỡ người đó. Quý hơn nữa, nếu chúng ta là tác nhân hòa bình, là người đem lại giải hòa giữa vợ chồng, chúng ta sẽ được gọi là con của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu dạy:
Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:9)
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành