Nan Đề Trong Hôn Nhân (Bài 2)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Qua tiết mục này chúng tôi chia xẻ những nguyên tắc Kinh Thánh dạy về cách sống và cư xử trong gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, hầu giúp hôn nhân của chúng ta được bền lâu, gia đình được hạnh phúc. Quý vị có thể chia xẻ những nguyên tắc chúng tôi trình bày với con cháu hay bạn bè, là những người đang sống bên vợ, chồng, bên cha mẹ, con cái, để hôn nhân và gia đình của mọi người được vững mạnh bền lâu, thật sự đem lại hạnh phúc, đúng như mục đích của Đức Chúa Trời khi Ngài thiết lập hôn nhân cho loài người.
Ngày nay hầu hết chúng ta bước vào hôn nhân vì tình yêu chứ không phải vì cha mẹ ép uổng nhưng tại sao vẫn có nhiều hôn nhân đi đến gãy đổ? Chúng ta phải đồng ý rằng đời sống vợ chồng khó tránh khỏi nan đề, trước hết là vì, vợ và chồng là hai cá thể riêng biệt, vợ chồng khác nhau trong nhiều phương diện nên dễ có bất đồng ý kiến, dễ đi đến xung đột. Lý do thứ hai là, khi vợ chồng có nan đề chúng ta thường không nhìn thấy lỗi của mình nhưng chỉ thấy lỗi của người phối ngẫu. Tuy nhiên, thực hành Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta phương cách để giải quyết nan đề. Chúa Giê-xu dạy:
“Đừng đoán xét ai để các con khỏi bị xét đoán. Vì các con xét đoán người ta thể nào, thì họ cũng xét đoán các con thể ấy, các con lường cho người ta mực nào thì người ta cũng sẽ lường cho các con mực ấy. Sao các con thấy cái dằm trong mắt anh em mà không thấy cây đà trong mắt mình? Sao con có thể bảo anh em: ‘Để tôi lấy cái dằm khỏi mắt anh’ trong lúc cây đà vẫn còn nằm trong mắt mình? … Trước hết hãy lấy cây đà khỏi mắt mình đi rồi mới thấy rõ mà lấy cái dằm khỏi mắt anh em được” (Ma-thi-ơ 7:1-5, BHĐ).
Lời dạy của Chúa Giê-xu cho chúng ta nhiều nguyên tắc quan trọng, không chỉ áp dụng trong hôn nhân nhưng trong tất cả các mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh.
Chúa dạy chúng ta “đừng đoán xét ai,” áp dụng vào đời sống vợ chồng, câu này có nghĩa là đừng nhìn vợ/chồng mình với cặp mắt đoán xét, soi mói và chỉ thấy sai sót lầm lỗi của người đó, vì làm như thế chỉ khiến nan đề trở nên to lớn hơn và khó giải quyết hơn. Có lẽ chúng ta đã kinh nghiệm điều này: Khi vợ nhìn thấy lỗi của chồng và nói ra, người chồng bị tổn thương nên cũng sẽ cố tìm lỗi của vợ chứ không thấy mình có lỗi. Tương tự như vậy, khi chồng cứ nhìn thấy sai sót của vợ và nhắc đi nhắc lại, vợ sẽ bị tổn thương nên không sửa đổi nhưng trái lại, chú tâm tìm lỗi của chồng.
Khi vợ chồng có chuyện không vui đi đến chỗ buồn giận nhau, chúng ta hãy trước hết nhìn vào chính mình, xem mình đã làm điều gì, vô tình hay cố ý, khiến mất đi hòa khí giữa vợ chồng. Đó là chúng ta áp dụng Lời Chúa dạy: “Lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước.” Để thực hành điều này, chúng ta cần trước hết dành thì giờ tĩnh tâm, cầu nguyện với Chúa, xin Chúa chỉ cho biết mình phải làm gì. Một nhà tâm vấn hôn nhân Cơ-đốc đề nghị khi vợ chồng có điều phiền giận nhau, chúng ta cần làm ba điều sau đây để giải hòa với nhau: (1) Viết xuống lỗi lầm hay sai sót của chính mình. (2) Xưng tội với Chúa và tiếp nhận ơn tha thứ của Ngài. (3) Nhận lỗi với người phối ngẫu và thành thật xin lỗi. Ba điều này khó làm chứ không dễ, nhưng nếu chúng ta thật lòng muốn vâng Lời Chúa để hôn nhân được chữa lành, Chúa sẽ thêm sức cho chúng ta. Hơn nữa, khi chúng ta thành thật xưng tội với Chúa và hạ mình xin lỗi người phối ngẫu, Chúa sẽ ban phước trên hôn nhân của chúng ta. Vì Kinh Thánh dạy:
“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6).
Người khiêm nhường là người hạ mình xin lỗi nên sẽ được phước.
- Ghi ra lỗi của chính mình: Trong thì giờ tâm giao với Chúa, khi chỉ một mình ta với Chúa, chúng ta hãy thưa: “Lạy Chúa, con biết con đã lầm lỗi khiến vợ chồng con buồn giận nhau, xin Chúa chỉ cho con thấy lỗi của con và xin thêm sức cho con để con sửa đổi.” Nếu chúng ta thành thật muốn biết lỗi mình đã phạm là gì, đây là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa, chắc chắn Ngài sẽ đáp lời. Qua Đức Thánh Linh, Chúa sẽ chỉ ra những điều chúng ta làm khiến vợ chồng buồn giận nhau. Đểkhông quên những điều Chúa chỉ ra, chúng ta nên ghi xuống vào giấy. Trước hết, có thể Chúa sẽ chỉ cho thấy rằng chính chúng ta là người có lòng cay đắng, hay ghim những gì người bạn đời lỡ nói hay làm. Vì bị tổn thương, chúng ta cứ nghĩ đến những điều không vui đó. Lòng cay đắng là điều Lời Chúa lên án rõ ràng và Ngài muốn chúng ta phải loại bỏ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy loại bỏ khỏi anh em những cay đắng, phẫn nộ, tức giận, la lối, lăng mạ, cùng mọi điều hiểm độc” (Ê-phê-sô 4:31). Đây là những điều chúng ta cần loại bỏ khỏi tâm trí. Có thể vì cách người phối ngẫu nói năng hay cư xử khiến ta buồn giận và có cái nhìn bi quan trong mọi vấn đề, mọi hoàn cảnh; nhưng chính chúng ta là người để cho những cay đắng đó in sâu trong trí, mọc rễ trong lòng.
Ngoài tội cay đắng và ghim lỗi lầm của người bạn đời, có thể Chúa sẽ chỉ cho chúng ta thấy một lỗi khác của mình, đó là thiếu lòng nhân từ và không tha thứ. Khi chúng ta không đối xử với người khác với lòng nhân từ và không sẵn sàng tha thứ là chúng ta không vâng theo Lời Chúa dạy. Mạng lệnh của Chúa là:
“Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót; tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế” (Ê-phê-sô 4:32).
Có lẽ khi Chúa chỉ cho thấy rằng mình thiếu lòng nhân từ trong cách cư xử hằng ngày, chúng ta sẽ lý luận: Thưa Chúa, chồng con (hay vợ con) cũng chẳng cư xử nhân từ với con bao giờ nên con khó đáp lại bằng lòng nhân từ. Lý luận này nghe có vẻ hợp lý nhưng chúng ta cần nhớ rằng mỗi người sẽ chịu trách nhiệm về cách sống và cách cư xử của mình, chúng ta không thể đổ lỗi cho người khác. Chúng ta được tự do quyết định sống nhân từ như Lời Chúa dạy hoặc không nhân từ với người bạn đời, nhưng hãy nhớ, người không có lòng nhân từ đối với người chung quanh, nhất là với người gần gũi, gắn bó với mình hơn hết, là chúng ta sống ngược với điều Chúa dạy. Chúa rất nhân từ với chúng ta: khi chúng ta còn là người có tội Chúa đã vì chúng ta chịu chết, vì vậy chúng ta hãy sống nhân từ với mọi người, nhất là với người yêu thương chúng ta và bằng lòng đi chung đường đời với ta.
Một lỗi lầm khác Chúa sẽ chỉ cho thấy khi chúng ta cầu xin Ngài, đó là cho thấy chúng ta đã thiếu yêu thương trong cách cư xử, nói năng với vợ hay chồng mình, chính vì đó mà vợ chồng buồn giận nhau hay có những nan đề không thể giải quyết được. Cư xử với người chung quanh bằng tình yêu thương cũng là mạng lệnh quan trọng Chúa ban. Chúa Giê-xu luôn nhắc nhở môn đồ Ngài phải sống với nhau bằng tình yêu thương. Chúa phán: “Các con hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con.” Và: “Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy.” Khi tóm tắt cả Mười Giới Răn, Chúa Ciê-xu dạy:
Giới Răn Thứ nhất là các con phải hết lòng, hết ý, hết sức mà kính mến Đức Chúa Trời, và Giới Răn thứ hai: các con phải yêu người lân cận như mình (Mat 22:37-39).
Người lân cận mà Chúa muốn chúng ta yêu thương trước nhất và nhiều nhất chính là người vợ/người chồng mà Chúa đã ban cho cuộc đời chúng ta (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành