Nghĩa Trang Hoa Kỳ
Trong chuyến đi Âu châu trong Tháng Sáu vừa qua, nước thứ hai tôi đặt chân đến là nước Pháp. Tôi đi từ Anh sang Pháp bằng xe lửa chạy dưới đáy biển qua eo biển Manche. Đây là một kỳ công của con người nối liền đảo quốc Anh với đất liền Âu châu. Đường hầm đi dưới biển Manche dài 50 km và xe lửa mất 35 phút chạy qua đường hầm nầy. Đường hầm được khánh thành vào tháng Năm năm 1994 và vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến nay mặc dù có hai lần hầm bị cháy và một lần tuyết tan ảnh hưởng đến hệ thống điện của xe lửa. Hiện nay mỗi ngày có khoảng 50,000 hành khách qua lại giữa Anh và Pháp qua đường hầm nầy.
Đường hầm hay những chiếc cầu là phương tiện nối liền giữa hai khoảng cách, đặc biệt là qua những con sông hay biển, hồ rộng lớn. Khi đi trong hầm xe lửa từ Anh sang Pháp tôi liên tưởng đến một khoảng cách rộng lớn tương tự phân cách giữa con người và Thiên Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng con người để tương giao với con người, gần gũi, thân mật với con người, không có khoảng cách nào cả. Nhưng từ khi bất tuân Lời của Thiên Chúa, con người đã tạo một khoảng cách rộng lớn giữa Thiên Chúa với con người. Đây là khoảng cách tội lỗi. Sở dĩ có khoảng cách nầy là vi Thiên Chúa là Đấng thánh khiết, không thể chấp nhận tội lỗi, không thể sống với tội. Cũng giống như ánh sáng với bóng tối. Nơi nào có ánh sáng thì không thể có bóng tối. Chính vì vậy đã có một khoảng cách rộng lớn giữa Thiên Chúa và con người khiến cho con người không thể đến gần Ngài. Vì mối tương giao bị cắt đứt như vậy nên con người mất đi sự sống tâm linh, bị kể như chết đối với Thiên Chúa. Đó chính là nguồn gốc của mọi khổ đau, xấu xa, tội lỗi trên đời.
Vấn đề của con người chỉ có thể được giải quyết khi khoảng cách tội lỗi được cất bỏ. Nhưng làm thế nào để cất bỏ khoảng cách đó? Con người đã cố gắng làm lành, lánh dữ, khổ tu, sống đời nhân đức nhưng vì bản tính tội lỗi, mọi việc làm của con người đều vô ích, không thể cứu con người được.
Thiên Chúa yêu thương nhân loại, không muốn con người sống trong trầm luân như vậy cho nên đã đưa ra giải pháp cứu rỗi thỏa mãn đức thánh khiết của Ngài. Giải pháp đó là ban Chúa Giê-xu là con người vô tội chịu chết thay cho con người tội lỗi. Dựa vào cái chết thay thế đó, công lý của Thiên Chúa được thi hành và bản tính yêu thương của Ngài cũng được thỏa mãn.
Thiên Chúa đã thực hiện giải pháp cứu rỗi của Ngài và vì Ngài đã tạo dựng con người với ý chí tự do để lựa chọn. Con người phải quyết định tiếp nhận ơn cứu rỗi hay không. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá là chiếc cầu nối liền khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người hay như chiếc hầm xe lửa nối liền giữa Anh quốc và Âu châu. Chiếc cầu đã bắc, hầm xe lửa đã có nhưng chúng ta phải bước đi trên cầu, phải đi trên xe lửa mới đến nơi.
Đó là quyết định đặt lòng tin nơi cái chết thay thế của Giê-xu, tin rằng Chúa đã chết vì tội của mình, mang tội thế cho mình. Quý vị có tin như vậy và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa không?
Tiếp tục hành trình đến nước Pháp, tôi đi được nhiều nơi nhưng phải kể vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp là nơi đáng nhớ nhất. Tôi đến Normandie đúng vào ngày 6 tháng 6 năm 2024, đánh dấu 80 năm ngày Đồng Minh đổ bộ lên Âu châu. Vì hôm đó là ngày lễ lớn, có quá đông người, tôi không đến gần được bãi biển nơi cuộc đổ bộ xảy ra 80 năm trước cũng không đến được Nghĩa Trang Hoa-kỳ nơi chôn cất gần 10 ngàn quân nhân Hoa-kỳ đã hy sinh trong cuộc đổ bộ. Dù không đến được chính nơi chôn cất các quân nhân nầy nhưng qua hình ảnh và tài liệu, tôi không thể không cảm xúc trước hàng nghìn cây thập tự trắng, ghi tên những anh hùng đã bỏ mình để đem lại giải phóng cho nước Pháp và Âu châu nói chung.
Giữa nghĩa trang là một nhà nguyện nhỏ trong nhà nguyện có khắc hàng chữ được trích Lời của Chúa Giê-xu từ Phúc Âm như sau:
Ta ban cho họ sự sống vĩnh hằng, họ sẽ không bao giờ bị diệt vong (Phúc Âm Giăng 10:28)
“Ta ban cho họ sự sống vĩnh hằng, họ sẽ không bao giờ bị diệt vong,” thật là một câu nói ý nghĩa cho những người nằm xuống. Đây cũng là lời Chúa phán hứa cho những người đặt lòng tin nơi Chúa mà Ngài gọi là chiên của Ngài. Quý vị muốn nhận được sự sống vĩnh hằng nầy không?
Trong câu chuyện tiếp theo trong Phúc Âm Giăng, Chúa Giê-xu cũng phán:
Ta là sự sống lại và sự sống. Người nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai sống mà tin Ta thì sẽ không bao giờ chết (Phúc Âm Giăng 11:25-26)
“Không bao giờ chết” nói đến sự sống tâm linh, được sống mãi với Chúa trên đời nầy và trong cõi vĩnh hằng!
Hàng ngàn người đã bỏ mạng tại bờ biển Normandie trong ngày Đồng Minh đổ bộ, nhờ đó Âu châu được giải phóng, được sống. Chúa Giê-xu đã hy sinh thân báu của Ngài trên thập giá hơn 2,000 năm trước, nhờ đó chúng ta chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được thật sự sống.
Chúa đã làm phần của Ngài, chúng ta phải làm phần của mình, phải quyết định cho mình. Đó là nhận mình là tội nhân vì đã không tôn thờ Thiên Chúa là điều đáng phải làm. Nhận rằng Chúa Giê-xu đã chịu chết thay cho mình. Công nhận hai điều đó trong một lời cầu nguyện, Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện và nhận chúng ta làm con của Ngài.
Quý vị có thể cầu nguyện như sau:
Kính lạy Chúa Giê-xu. Con cảm ơn Chúa vì Chúa yêu thương con, Chúa đã chịu chết vì tội của con. Xin Chúa tha tội cho con và nhận con làm con của Chúa. Con tạ ơn Chúa và cầu nguyện nhân Danh Chúa Giê-xu. A-men
“A-men” mang ý nghĩa mong muốn được như điều mình cầu xin. Ước mong quý vị đã cầu nguyện như vậy với Chúa và xin liên lạc với chúng tôi để được hướng dẫn thêm.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành