Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống
Một quyển sách nổi tiếng của Dale Carnegie được Nguyễn Hiến Lê dịch ra tiếng Việt mang tựa đề Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống. Đây là loại sách “Học Làm Người” trong đó tác giả đề nghị những cách giúp chúng ta có thể vui sống. Tác giả trích lại phương châm của một người khác. Phương châm nầy chỉ gồm 21 chữ trong tiếng Anh như sau:
Our main business is not to see what lies dimly at a distance, but to do what lies clearly at hand: “Điều quan trọng không phải là biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, mà là biết được phải làm gì trong hiện tại.” Phương châm nầy đã giúp cho tác giả và nhiều người khác sống một đời sống vui vẻ, thành công. Đây có lẽ cũng là phương châm chúng ta cần áp dụng cho thời gian dịch bệnh nầy: “Điều quan trọng không phải là biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, mà là biết được phải làm gì trong hiện tại.” “Phải làm gì trong hiện tại?” Tác giả Carnegie bảo chúng ta phải quẳng gánh lo đi và vui sống. Nhưng làm thế nào để quẳng gánh lo đi? Làm thế nào để không còn lo lắng? Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa dạy như sau:
Đừng lo lắng gì cả nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời (Thư Phi-líp 4:6)
Đối chiếu với lời khuyên “Đừng lo lắng gì cả” là lời dạy: “Trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời.” Lời Chúa dạy chúng ta hãy cầu nguyện, hãy trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Cầu nguyện trong hoàn cảnh khó khăn nghe có vẻ ương hèn và thụ động. Tại sao không làm gì cả mà cầu nguyện? Thật ra cầu nguyện không phải là ương hèn hay thụ động nhưng cầu nguyện là ý thức hai điều quan trọng sau đây:
- Con người có giới hạn của mình, có những hoàn cảnh,cónhững trường hợp như dịch bệnh hiện tại, con người chỉ có thể chờ đợi. Dĩ nhiên những cố gắng tìm phương thuốc chữa trị hay ngăn ngừa là những điều tốt, phải làm và cần làm. Nhưng giải pháp đó cũng đến từ Thiên Chúa, chính Thiên Chúa ban cho khôn ngoan và sáng kiến để tìm kiếm và phát minh.
- Cầu nguyện cũng có nghĩa là chúng ta ý thức mình chỉ là tạo vật, có Đấng Tạo Hóa Chí Cao tạo dựng chúng ta.Cầu nguyện là công nhận quyền tể trị của Ngài.
Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Ngài biết nhu cầu của chúng ta, vì vậy, chúng ta chỉ cần trình bày sự việc cho Ngài. Có người sẽ hỏi: “Nếu Thiên Chúa biết nhu cầu của chúng ta thì chúng ta đâu cần phải nói cho Ngài biết nữa?” Cầu nguyện vì vậy không cần thiết! Dĩ nhiên Thiên Chúa biết nhu cầu của chúng ta nhưng cầu nguyện chứng tỏ chúng ta có lòng tin nơi Chúa, có lòng nhờ cậy Chúa. Cầu nguyện chứng tỏ chúng ta công nhận quyền tể trị của Ngài.
Nhưng bây giờ trở lại với vấn đề lo lắng. Có thể nói ai trong chúng ta cũng đều đang lo lắng bây giờ. Lo cho ngày mai, lo cho bản thân, lo cho gia đình. Chúng ta không biết tình trạng nầy sẽ kéo dài bao lâu và không biết ngày mai sẽ ra thể nào. Cầu nguyện thì giúp ích được gì? Tiếp theo lời dạy: “Hãy dùng lời cầu nguyện… mà trình dâng nhu cầu cho Đức Chúa Trời” là câu: “Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.” Đối chiếu với sự lo lắng của chúng ta là sự bình an của Đức Chúa Trời. Thay vào lo lắng, cầu nguyện sẽ đem sự bình an của Đức Chúa Trời đến với chúng ta. Sự bình an của Đức Chúa Trời nghĩa là sự bình an đến từ Đức Chúa Trời và sự bình an theo cách của Đức Chúa Trời.
Sự bình an đến từ Đức Chúa Trời bởi vì chúng ta không thể tự tạo bình an đó cho mình. Chúng ta có thể tự nhủ lòng, không sao đâu, không việc gì đâu, có gì mà phải lo… Nhưng đó là cố gắng của chúng ta, không thay đổi được hoàn cảnh, cũng không thay đổi được suy nghĩ của mình. Lời Chúa dạy: “Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em.” Có hai điều trong lời dạy nầy:
(1) Sự bình an của Đức Chúa Trời là sự bình an vượt trên mọi hiểu biết. Đây nói đến hiểu biết của con người. Dù con người cố gắng đến đâu, hiểu biết con người có giới hạn còn sự bình an của Chúa thì “vượt trên mọi hiểu biết.” Chúng ta không thể suy đoán, chúng ta không thể ngờ, chúng ta không thể tưởng tượng ra được. Khi cầu nguyện, Chúa sẽ ban cho chúng ta sự bình an đó.
(2) Điểm thứ hai trong lời dạy nầy là, sự bình an của Đức Chúa Trời là sự bình an “gìn giữ lòng và trí anh em.” Lòng và trí nói đến con người bên trong, nói đến đời sống nội tâm. Mọi lo âu, phiền muộn của chúng ta đến từ bên ngoài, đến từ hoàn cảnh. Nhưng sự bình an của Đức Chúa Trời hành động từ bên trong. Hoàn cảnh có thể không thay đổi nhưng trong lòng chúng ta vẫn an bình và có thể vui sống. Hình ảnh con chim nhỏ, đứng hót trong hốc đá dù giông tố bên ngoài chính là hình ảnh bình an trong tâm hồn Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với Ngài.
Bình an của Đức Chúa Trời chẳng những là bình an đến từ Đức Chúa Trời nhưng cũng là loại bình an Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúa Giê-xu phán:
Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi (Phúc Âm Giăng 14:27)
Chúa Giê-xu nhấn mạnh: “Sự bình an CỦA TA” và sự bình an “không giống như thế gian cho.” Sự bình an Chúa Giê-xu ban chúng ta là sự bình an thiên thượng. Sự bình an được trả bằng một giá rất đắt. Giá đó là sự sống của Con Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã hy sinh thân báu của Ngài, chịu chết trên cây thập tự để ban cho chúng ta sự bình an đó. Đó là chúng ta được giải hòa với Đức Chúa Trời để chúng ta có được bình an nội tâm.
Mọi người, ai cũng lo lắng trong dịch bệnh hiện tại. Nhưng chúng ta có thể sống bình an không lo lắng, chúng ta có thể “quẳng gánh lo đi và vui sống” khi chúng ta trao lo lắng đó cho Chúa. Lời Chúa dạy:
Hãy trao mọi lo lắng của mình cho Đức Chúa Trời vì Ngài hằng chăm sóc anh em (Thư I Phi-e-rơ 5:6)
“Hãy trao mọi lo lắng của mình cho Đức Chúa Trời vì Ngài hằng chăm sóc anh em.” Quý vị đã trao lo lắng mình cho Đức Chúa Trời chưa? Hãy làm điều đó giờ nầy trong một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Chúa nghe và: “Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu!”
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành