Quyết Tâm Trong Năm Mới
Thưa quý thính giả,
Vào đầu Năm Mới, chúng ta thường đặt cho mình những quyết tâm đầu năm. Nhiều người có những quyết tâm nầy nhưng không giữ được lâu cho nên không muốn có những quyết tâm nầy nữa. Đây là những quyết tâm liên quan đến sức khỏe, kỷ luật bản thân hay từ bỏ một tật hư thói xấu nào đó. Chúng ta không giữ quyết tâm được lâu vì hoàn cảnh, vì người chung quanh nhưng trên hết là vì chính bản thân. Chúng ta đã không có đủ ý chí để thực hiện điều mình quyết tâm.
Chúng ta có thể không còn có những quyết tâm đầu năm nữa vì thấy mình không thực hiện được, quyết tâm cũng như không. Tuy nhiên, thưa quý vị, có một quyết tâm mà chúng ta phải có, nếu không, chúng ta không thể tiếp tục sinh tồn. Đó là quyết tâm liên quan đến đời sống tinh thần.
Sống ở đời, chúng ta không phải chỉ có đời sống thể xác: ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ, chúng ta còn có đời sống tinh thần. Chúng ta có con người bên trong, con người nội tâm. Tinh thần nói đến những gì chúng ta suy nghĩ, quyết định và theo đó để sống. Một yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần là niềm tin của chúng ta. Niềm tin nói đến căn bản chúng ta dựa vào đó để mà sống. Có thể gọi đó là triết lý sống hay nguyên tắc sống của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta quyết định, hành động đều dựa trên triết lý sống hay nguyên tắc sống đó.
Triết lý sống hay nguyên tắc sống của quý vị là gì? Chúng ta phải xác nhận điều nầy và quyết tâm sống với nguyên tắc nầy. Tôi muốn gởi đến quý vị nguyên tắc sống của một nhân vật trong Kinh Thánh là sứ đồ Phao-lô. Ông đã có quyết tâm như sau và tôi nghĩ đây cũng là quyết tâm chúng ta cần có.
Trong lá thư gởi cho các tín hữu trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô viết:
Tôi cứ làm một điều: quên đi những gì ở đằng sau, vươn tới những gì ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà theo đuổi để đoạt giải về sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Giê-xu (Thư Phi-líp 3:14)
Trước khi viết những lời nầy, sứ đồ Phao-lô nói, ông hãnh diện mình là con nhà danh gia vọng tộc, trí thức, đạo đức, nhiệt tâm trong lý tưởng của mình. Tuy nhiên, một biến cố quan trọng đã xảy ra trong đời sống ông. Ông trực diện với Chúa Giê-xu trên con đường công tác, bách hại những người tin Chúa. Sau giây phút gặp Chúa, đời sống ông đã thay đổi hoàn toàn. Từ một người chống Chúa ông trở thành nhân chứng cho Chúa và những điều ông một thời tự hào, ông đã coi là rơm rác. Và rồi ông quyết tâm:
Tôi cứ làm một điều: quên đi những gì ở đằng sau, vươn tới những gì ở đằng trước…
“Cứ làm một điều” cho thấy quyết tâm của Phao-lô và quyết tâm đó là: “Quên đi những gì ở phía sau.” Phao-lô đã có một thời oanh liệt nhưng ông đã vứt bỏ tất những điều đó lại đằng sau. Quyết tâm của ông là “quên đi những gì ở đằng sau.” Quý vị và tôi cũng cần có quyết tâm tương tự. Có những người chỉ vì cứ sống với quá khứ, quá khứ vàng son của mình mà nay không còn nên vẫn cứ đau khổ mãi.
Có người thì lại chỉ sống với niềm đau, nỗi khổ của quá khứ. Nhìn lại một năm rồi, người đó chỉ thấy bệnh tật, lo buồn, mất mát, không thấy một cái gì tích cực. Đời sống dĩ nhiên là không thiếu những khổ đau, nhưng nếu lúc nào cũng nghĩ đến những điều đó rồi than thân, trách phận, sẽ chẳng đi đến đâu!
Quá khứ huy hoàng hay quá khứ đau buồn, quyết tâm của chúng ta là quên đi quá khứ đó. Có người đã nói:
Đối với dĩ vãng, ta nên ngã mũ. Đối với tương lai, ta nên xắn tay áo.
Và thật vậy, đó cũng là quyết tâm của sứ đồ Phao-lô trong lời dạy của ông. Ông nói:
Tôi cứ làm một điều: quên đi những gì ở đằng sau, vươn tới những gì ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà theo đuổi để đoạt giải về sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Giê-xu
Quên đi quá khứ là tiêu cực. Tích cực, chúng ta phải vươn tới những gì ở đằng trước, nhắm mục đích mà chạy. Lời dạy nầy cho thấy hai điều:
- Đời sống là một cuộc chạy đua.
- Chúng ta sống là phải có mục đích.
1. Đời sống là một cuộc chạy đua.
Chạy đua không phải là đua tranh để sống còn nhưng cho thấy đời sống là một hành trình có mục đích. Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh cuộc tranh tài thể thao ngày xưa để cho thấy ý nghĩa nầy. Đây không phải là cuộc chạy đua nước rút nhưng là một cuộc đua đường dài như chạy Marathon. Quãng đường chạy Marathon là 26 dặm nhưng cuộc đua của chúng ta là suốt đời. Đến cuối đời, sứ đồ Phao-lô mới có thể nói rằng: “Ta đã xong cuộc chạy!”
Quý vị và tôi sẽ phải chạy mãi cho đến cuối cuộc đời để hoàn tất đời sống mình trên đất. Đây không phải là cuộc đua muốn chạy hay không cũng được nhưng là cuộc đua bắt buộc. Sống là tham dự vào cuộc đua nầy.
Vì sống là tham gia một cuộc đua nên điều quan trọng là chúng ta phải có mức đến, phải có mục đích cho cuộc đua của mình. Quý vị chạy đua nhưng có biết mức đến của mình là gì không? Mục đích sống của quý vị là gì?
2. Phải có mục đích sống.Đời sống là một cuộc chạy đua và sống là phải có mục đích. Sứ đồ Phao-lô nói:
Tôi nhắm mục đích mà theo đuổi để đoạt giải về sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Giê-xu.
Phao-lô gọi mục đích của đời ông là “sự kêu gọi trên cao” hay tiếng gọi từ trời. Đó là niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng đã cứu chuộc ông. Mỗi chúng ta sống trên đời nầy là đang đi theo một tiếng gọi nào đó. Dù nói rằng mình không theo tiếng gọi nào thì đó cũng là tiếng gọi. Đó là một đời sống không mục đích.
Quý vị đã có quyết tâm đầu năm cho mình trong năm nay chưa? Nếu chưa, tôi đề nghị quý vị hãy bắt chước sứ đồ Phao-lô. Ông đã quên đi những gì phía sau, hướng đến phía trước, nhắm mục đích mà chạy. Mục đích của ông là đi theo tiếng gọi trên cao, tiếng gọi của Thiên Chúa. Tiếng gọi nầy được mô tả là tiếng gọi trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, nghĩa là kêu gọi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhờ cái chết chuộc tội của Ngài mà được rỗi linh hồn. Tiếng gọi đó vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta mỗi ngày. Quý vị đáp ứng như thế nào trước tiếng gọi đó?
Kính mời quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau để được hướng dẫn trong việc tin nhận Chúa Giê-xu. Dịa chỉ của chúng tôi như sau:
Phát Thanh Tin Lành
2275 W Lincoln Ave
Anaheim CA 9801
(714) 533-2278
Nhấn Vào Liên Lạc
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành