Sống Thỏa Lòng
Thưa quý thính giả,
Mùa Thu lại trở về với chúng ta và những người yêu thơ Đường chắc đều biết bài:
Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
Tạm dịch: “Xuân chơi miền cỏ mượt, Hạ ngắm hồ sen xanh, Thu uống rượu cúc vàng, Đông ngâm thơ tuyết trắng.” Bài thơ nầy cho thấy, dù là mùa nào trong năm cũng có điều cho ta thưởng thức, tận hưởng, bất kể là Xuân Hạ hay Thu Đông. Vì vậy dù mùa Thu năm nay không phải là một mùa Thu êm đềm như những năm trước, ta cũng vẫn có thể tận hưởng mùa Thu và tiếp nhận mỗi mùa trong năm như món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Sống như vậy là sống thỏa lòng, sống với lòng biết ơn. Kinh Thánh dạy:
Tin kính và thỏa lòng là một mối lợi lớn (Thư I Ti-mô-thê 6:6)
Sống ở đời, điều gì có lợi thì ta mới làm, mới đeo đuổi và Lời Chúa cho thấy tin kính và thỏa lòng chẳng những là điều có lợi nhưng là một mối lợi lớn! Tin kính nói lên lòng sùng kính của chúng ta đối với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu rỗi chúng ta. Thỏa lòng, nói đến suy nghĩ của chúng ta đối với bản thân. Người thỏa lòng là người hạnh phúc nhất trên đới. Người không thỏa lòng luôn luôn thấy mình thiếu thốn, bất an. Người không thỏa lòng cũng là người thiếu lòng biết ơn.
Một vị mục sư đến thăm một nhà vườn trồng bắp cải. Vị mục sư hỏi thăm người chủ vườn và người ấy than: “Chúa không thương tôi gì cả, bắp cải năm nay cái nào cũng nhỏ xíu, bán chẳng được bao nhiêu tiền!” Qua năm sau, mục sư lại đến và hỏi thăm, người ấy lại than: “Chúa không thương tôi gì cả, bắp cải năm nay cái nào cũng lớn, không có cái nào cho heo ăn!”
Chúng ta có thể cười người nhà vườn nầy nhưng lắm khi chúng ta cũng sống không thỏa lòng như vậy. Hoàn cảnh nào cũng có điều cho chúng ta than. Có người đã nói đùa, chúng ta không nên than vì bán than cực khổ lắm! Để không than van, chúng ta phải sống thỏa lòng, biết sống thỏa lòng. Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin ban cho chúng con bánh ăn ngày nào đủ cho ngày đó.” Bánh ăn cho mỗi ngày và ngày nào đủ cho ngày đó hàm ý chúng ta phải sống thỏa lòng mỗi ngày. Thỏa lòng không có nghĩa là chúng ta không có mục đích cao đẹp cho đời sống nhưng thỏa lòng nói đến một thái độ sống, một cách sống.
Tôi xin đọc lại cả phân đoạn Kinh Thánh nói về thỏa lòng như sau:
Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn. Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được, vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng. Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất. Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối (Thư I Ti-mô-thê 6:6-10, Bản Hiệu Đính)
Lý do chúng ta phải sống thỏa lòng là:
Khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được, vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng (câu 7-8)
Để có thể sống thỏa lòng, chúng ta cần nhìn vào giá trị thật của đời sống. Đời sống ngắn ngủi, phù du, sớm còn tối mất, vì vậy chúng ta phải sống cho những giá trị đời đời. Giá trị đời đời đó là linh hồn của chúng ta, là phần tâm linh, đối ngược với phần vật chất. Những gì chúng ta thâu trữ trên đời nầy, chúng ta không thể đem về thế giới bên kia.
Chuyện kể về A-lịch-sơn Đại Đế như sau:
Trước khi qua đời, vì hoàng đế trẻ tuổi để lại ước nguyện của mình như sau:
- Để cho các vị lương y chữa bệnh cho ông khiêng quan tài.
- Lấy tất cả vàng bạc và đá quý trong kho tàng của ông trang hoàng suốt theo con đường đến nơi chôn cất.
- Khoét hai lỗ bên quan tài cho hai bàn tay của ông thòng ra bên ngoài.
A-lịch-sơn giải thích: “Ta muốn các lương y khiêng quan tài để cho thấy họ là những người bất tài, không thể cứu sống ai. Vàng bạc và đá quý suốt con đường đến nơi chôn cất để cho thấy rằng không một vật quý nào có thể đi được với ta sang bên kia thế giới và hai bàn tay thòng ra ngoài để cho thấy rằng, ta vào đời tay không thì cũng lìa đời tay không như vậy!” Thật là một bài học thính thị rõ ràng và đầy đủ!
Chúng ta cần đặt câu hỏi cho mình: “Tôi có sống thỏa lòng mỗi ngày không?” Sống thỏa lòng chúng ta được lợi rất nhiều vì không phải lo lắng, cũng không lo sợ trước thời thế đổi thay. Sứ đồ Phao-lô là người sống thỏa lòng và ông cho biết bí quyết sống thỏa lòng như sau:
Tôi đã học sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Tôi biết thế nào là thiếu thốn, thế nào là dư dật. Trong mọi nơi, mọi tình huống tôi đã học bí quyết để sống, dù no hay đói, dù dư hay thiếu. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi (Thư Phi-líp 4:12, Bản Hiệu Đính)
Bí quyết của Phao-lô là ông “HỌC sống thỏa lòng.” “Học” nghĩa là tập luyện qua kinh nghiệm. Thỏa lòng là một thái độ của tâm trí nhưng phải cùng đi với quyết định của ý chí: quyết tâm sống thỏa lòng! Nhưng tự sức chúng ta không thể quyết tâm, do đó ông cho thấy bí quyết thứ hai để sống thỏa lòng là: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi.” Chúng ta cần đến sức mạnh của Chúa, vững tin nơi Ngài để sống thỏ a lòng. Chính vì vậy mà ông nói: “Tin kính và thỏ a lòng là mối lợi lớn.” Đức tin nơi Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta sống thỏa lòng. Và sống thỏa lòng là điều hạnh phúc nhất trên đời!
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành