Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 4)
Kính chào quý thính giả. Cảm tạ Chúa cho “Câu Chuyện Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với Quý vị hôm nay. Mấy tuần qua chúng tôi bắt đầu chia sẻ về đề tài: “Tiêu Chuẩn cho Một Hôn Nhân Bền Lâu.” Hôn nhân là định chế quan trọng và cao quý mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, thiết lập để ban phước cho con người. Như chúng ta đã biết, hôn nhân là kết hợp giữa một người nam với một người nữ, vợ chồng sống với nhau suốt đời, yêu thương giúp đỡ nhau để đem lại hạnh phúc cho nhau. Thiên Chúa không chỉ thiết lập hôn nhân nhưng cũng ban những nguyên tắc và mạng lệnh, để nếu vâng theo, chúng ta sẽ nhận được ơn phước của Chúa, vì vậy chúng ta cần biết những nguyên tắc Chúa đã ban truyền, biết điều gì cần làm, điều gì phải tránh để hôn nhân của chúng ta được hạnh phúc bền lâu. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi có chia xẻ rằng, để hôn nhân thật sự hạnh phúc, vợ chồng phải loại bỏ tính ích kỷ, tức là không chỉ quan tâm đến nhu cầu và phúc lợi của riêng mình nhưng cần phải quan tâm đến nhu cầu và phúc lợi của người bạn đời nữa.
Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng khuyên chúng ta phải cẩn thận trong cách sử dụng thì giờ và dạy rằng, người biết tận dụng thì giờ và biết Chúa muốn mình sống như thế nào là người khôn ngoan. Với những người có gia đình, Chúa dạy vợ chồng phải yêu nhau, nâng đỡ nhau, ràng buộc và hiệp một với nhau cho đến cuối cuộc đời. Tuy nhiên, nếu vợ chồng yêu nhau bằng tình yêu ích kỷ, mỗi người chỉ nghĩ đến nhu cầu và phúc lợi riêng, luôn luôn đòi hỏi vợ/chồng làm điều này điều kia cho mình thay vì quan tâm chăm sóc người bạn đời, hôn nhân đó sẽ không hạnh phúc và cũng khó bền lâu. Chúng ta không chỉ dành thì giờ với nhau, cho nhau, nhưng cũng cần quan tâm và bén nhạy để thông cảm với những nhu cầu, ước muốn và cảm xúc của vợ/chồng mình.
Người trưởng thành là người khiêm nhường, sẵn sàng thuận phục người bạn đời.
Tính cứng cỏi, không chịu sửa lỗi lầm là một trong những yếu tố khiến hôn nhân gãy đổ. Có lẽ quý vị từng thấy những người vợ/người chồng có tính quá cứng cỏi, nóng nảy khiến người bạn đời rất mệt mỏi và khổ tâm. Điều đáng buồn hơn là những người này biết vợ hay chồng không vui vì tính khó chịu và độc tài của mình nhưng không sửa đổi mà lại nói: “Tính tôi như vậy đó, nếu không chịu được thì thôi.” Có người biện minh cho tính nóng nảy, khó chịu của mình và nói: “Tôi nóng tính thật nhưng nói xong là quên, không ghim trong lòng như người khác.”
Đây là những người không biết phục thiện, không quan tâm đến niềm vui và hạnh phúc của người bạn đời, họ biết mình làm cho vợ/chồng buồn khổ mà không chịu thay đổi. Có những ông chồng khi vợ nói điều gì không đúng ý mình thì tức giận, nạt nộ lớn tiếng, dọa điều này điều kia để vợ phải nhường. Tương tự như vậy, cũng có những người vợ biết chồng rất khổ tâm về tính bi quan, hay buồn hay than của mình nhưng không sửa đổi, trái lại tiếp tục cố tình dùng lời phàn nàn than van để chồng phải chiều, phải làm theo ý mình. Những người biết mình đem lại buồn lo hơn là niềm vui cho người bạn đời mà không sửa đổi là không trưởng thành vì cái tôi của họ còn quá lớn.
Có người nói với vợ/ chồng là mình không bao giờ sai, hoặc bảo vợ hay chồng đừng bao giờ mong mình sửa đổi. Chúng ta cũng thấy có những người cố chấp, không tha thứ khi vợ hay chồng vấp váp, lầm lỗi nhưng đã thành thật nhận lỗi, xin lỗi và đã sửa đổi. Thực tế mà nói, không ai muốn sống trong một hôn nhân mà lúc nào mình cũng là người thua cuộc, lúc nào cũng phải nhường, phải chiều ý người kia để gia đình được êm ấm. Những vợ chồng sống với nhau thiếu lòng phục thiện, không nhường nhịn nhau, sẽ không thể vui hay hạnh phúc, vợ chồng có thể không ly dị nhau nhưng không khí trong gia đình lúc nào cũng nặng nề, căng thẳng. Người trưởng thành là người khiêm nhường, khi biết mình có lỗi hay lỡ làm điều sai sót sẽ xin lỗi và sẵn sàng sửa đổi; người trưởng thành cũng sẵn sàng tha thứ và bỏ qua lỗi lầm để vợ chồng đem lại niềm vui cho nhau và gia đình thật sự được hạnh phúc.
Nguyên tắc quan trọng Kinh Thánh dạy về hôn nhân là lời khuyên của sứ đồ Phao-lô. Ông viết:
Hỡi người làm vợ, hãy thuận phục chồng như thuận phục Chúa. Vì chồng là đầu vợ, cũng như Chúa Cứu Thế là Đầu Hội Thánh (Thư Ê-phê-sô 5:22)
Với quý ông chồng, Phao-lô khuyên:
Người làm chồng hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế đã yêu Hội Thánh, xả thân vì Hội Thánh… Mỗi người trong anh em phải yêu vợ như chính thân mình, ai yêu vợ là yêu chính mình (Thư Ê-phê-sô 5:25, 28)
Lời Chúa dạy cho chúng ta hai nguyên tắc rất rõ ràng, thực tế, và vô cùng quan trọng cho hôn nhân. Hai nguyên tắc đó là: vợ thuận phục chồng như thuận phục Chúa, còn chồng thì yêu vợ như Chúa yêu Hội Thánh, hy sinh cho Hội Thánh. Có người khi nghe lời Chúa dạy: “Vợ phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa” thì rất thích, nghĩ rằng mình có quyền bắt vợ phải vâng lời, phải tùng phục trong mọi sự, bảo gì, nói gì vợ cũng phải vâng theo. Nhưng sự thật không phải như vậy, vì trước khi khuyên các bà vâng phục chồng, sứ đồ Phao-lô khuyên tất cả mọi người:
Hãy vì kính sợ Chúa Cứu Thế mà vâng phục nhau (Thư Ê-phê-sô 5:21)
Theo lời khuyên này tất cả chúng ta hãy vì kính yêu Chúa Cứu Thế mà vâng phục nhau, chiều ý nhau. Áp dụng vào hôn nhân, lời khuyên này có nghĩa là: vì kính yêu Chúa, người vợ sẽ tôn trọng và vâng phục chồng, quý ông chồng cũng vậy, vì kính yêu Chúa sẽ vâng phục vợ, vì vậy không có chuyện “chồng chúa vợ tôi.”
Nhìn lại lời Chúa dạy về bổn phận vợ chồng, chúng ta thấy mạng lệnh Chúa truyền cho quý ông khó hơn, đòi hỏi nhiều cố gắng hơn là mạng lệnh truyền cho quý bà. Vì Chúa truyền người chồng phải:
(1) “Yêu vợ như Chúa Cứu Thế yêu Hội Thánh, hy sinh cho Hội Thánh.”
Và:
(2) Yêu vợ như chính thân mình, vì ai yêu vợ là yêu chính mình.”
Chúa truyền dạy người chồng hai điều: yêu vợ, hy sinh cho vợ, và yêu vợ như chính thân mình. Lời Chúa cũng khẳng định:
Người nào yêu vợ là yêu chính mình, vì không có người nào ghét thân mình, nhưng nuôi nấng chăm sóc chính mình, như Chúa Cứu Thế đối với Hội Thánh.
Khi người chồng yêu vợ hy sinh cho vợ và yêu vợ như chính thân mình sẽ không bao giờ lấy quyền làm chồng buộc vợ phải chiều ý mình một cách độc tài, vô lý; trái lại vì kính yêu Chúa, người chồng sẽ yêu vợ và sẵn sàng hy sinh cho vợ nữa.
Cũng có những người vợ, khi nghe Lời dạy “vợ phải vâng phục chồng trong mọi sự, và vâng phục chồng như vâng phục Chúa” thì nghĩ đây là điều không thể nào làm được nên không muốn vâng theo. Có người còn nói: “Chồng tôi là con người bất toàn chứ đâu phải là thánh hay là Chúa mà tôi phải vâng phục như vâng phục Chúa? Nếu tôi vâng phục trong mọi việc, ổng sẽ lấn lướt và làm khổ tôi nhiều hơn nữa.
Tương tự như vậy, cũng có những người chồng khi nghe mạng lệnh Chúa truyền thì nói: “Tôi sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy, yêu thương vợ như chính mình nhưng vợ tôi phải thuận phục tôi trước, nếu không thuận phục, khi thấy mình được yêu thương quý trọng cô ta sẽ lấn quyền, gia đình sẽ không còn thứ tự trên dưới.” Những điều này có thể xảy ra, nếu vợ chồng chúng ta không vâng theo mạng lệnh của Chúa, thiếu lòng tôn trọng nhau, cũng không giúp nhau thực hành Lời Chúa dạy.
Thưa quý vị, điều quan trọng là, nếu thật sự muốn có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, chúng ta không nên chờ đợi hay đòi hỏi người bạn đời phải thực hành Lời Chúa dạy trước, nhưng mỗi chúng ta, dù là vợ hay chồng, sẽ cầu xin Chúa giúp chính mình có đủ nghị lực vâng lời Chúa, sống và cư xử theo Lời Chúa dạy trước. Lúc đó người bạn đời sẽ nhìn thấy và được Chúa cảm hóa, sẽ muốn vâng theo mạng lệnh của Chúa và kết quả là hôn nhân sẽ ngọt ngào êm ấm; gia đình chúng ta có Chúa ngự trị nên được tràn đầy bình an và hạnh phúc. Cầu xin Chúa giúp chúng ta ghi nhớ Lời Chúa ban truyền cho chính mình hôm nay và xin Chúa giúp sức để chúng ta áp dụng những Lời dạy này mỗi ngày trong hôn nhân, trong gia đình mà Chúa ban cho chúng ta. Vì định chế hôn nhân đến từ Chúa, do chính Thiên Chúa thiết lập nên ngoài mạng lệnh Chúa dạy trong Kinh Thánh không một bí quyết khôn ngoan nào của con người có thể giúp cho hôn nhân được hạnh phúc và vững bền (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành