Tội
Đây là Câu Chuyện Phúc Âm của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành. Tin Lành là Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu. Những điểm căn bản của Phúc Âm dựa trên lời dạy của Thánh Kinh là:
1. Mọi người đều là tội nhân
2. Án phạt của tội là sự chết
3. Con người không thể tự cứu
4. Chúa Cứu Thế Giê-xu là con đường cứu rỗi duy nhất
5. Ơn cứu rỗi đến với con người qua đức tin nơi Chúa Giê-xu
Hôm nay chúng ta sẽ lần lượt đi vào chi tiết từng điểm một. Trước hết là vấn đề tội lỗi của con người hay mọi người đều có tội. Chúng ta có thể phân biệt hai thứ tội trong đời sống của con người là nguyên tội và kỷ tội hay tội tổ tông và tội riêng. Nguyên tội là tội di truyền từ tổ tiên và kỷ tội là tội chính bản thân chúng ta gây ra. Mọi người đều có tội trước hết là vì chúng ta sinh ra làm người. Sinh ra làm người là chúng ta tự nhiên mang tội do huyết thống như cây chanh sinh ra quả chanh thì phải chua. Trái chanh chua vì từ gốc chanh mà ra, nó phải chua. Con người chúng ta cũng vậy, từ một gốc mà ra nên mang trong người mầm mống di truyền của tội lỗi. Hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va, bất tuân lời dạy của Thiên Chúa đã đưa toàn thể nhân loại vào con đường tội lỗi. Gốc rễ của tội lỗi nằm ở đó cho nên mở mắt chào đời là chúng ta đã mang tội lỗi trong người rồi. Bằng chứng rõ ràng nhất của nguyên tội hay tội tổ tông là không ai dạy cho trẻ con nói dối, ích kỷ hay làm điều xấu bao giờ. Nhưng ngay từ khi bắt đầu nói được những tiếng đầu tiên hay làm những chuyện đầu tiên là trẻ con đã thể hiện dối trá, ích kỷ và những điều xấu. Một trong những tiếng trẻ con thướng nói khi mới biết nói là, “Không!” Hầu như bất cứ điều gì cha mẹ hay người lớn nói là các em trả lời, “Không!” Không muốn làm, không chịu làm điều người lớn bảo các em làm. Các em thường giành giựt đồ chơi với nhau và luôn luôn nói vật các em đang cầm trong tay là của mình. Khi lớn hơn, các em dễ dàng nói dối để chối tội hay đổ lỗi cho người khác.
Bản tính tội lỗi di truyền trong con người như vậy cho nên không ai sinh ra trên đời nầy mà có thể nói rằng mình vô tội. “Mọi người đều đã phạm tội,” Kinh Thánh dạy như vậy. Người xưa cũng nói: “Nhân vô thập toàn,” không ai là người hoàn toàn cả. Đó là nguyên tội hay tội tổ tông. Nhưng cũng có những người phủ nhận tội tổ tông, nói rằng không thể gán tội của tổ tiên cho mình được. Tôi không thể chịu trách nhiệm về tội hay lỗi lầm của ông bà để lại. Đó không phải là lỗi hay tội của tôi! Dù không nhận tội tổ tông quy gán về cho mình, trong thực tế, chúng ta thấy rằng rất nhiều lần và mỗi ngày chúng ta vẫn tiếp tục phạm tội. Không ai sống trên đời nầy có thể vỗ ngực nói rằng mình chưa phạm tội hay lầm lỗi bao giờ! Nói mình chưa phạm tội hay lầm lỗi bao giờ là chúng ta dối mình và dối trá cũng là tội nữa. Con người chúng ta phạm tội vì sinh ra trong tội. Tội lỗi di truyền trong máu huyết chúng ta. Và con người chúng ta cũng có tội vì chính chúng ta làm điều tội lỗi thường xuyên. Không nhất thiết phải giết người hay trộm cắp mới là tội. Tội là sống không đúng với tiêu chuẩn của Thiên Chúa và tội là vượt ra ngoài hay vi phạm luật của Ngài.
Có thể nói rằng không có tội nếu không có luật. Luật là tiêu chuẩn để định tội. Xã hội nào của con người cũng có luật và Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ và con người, Ngài cũng có luật của Ngài. Luật của Thiên Chúa được ghi trong Thánh Kinh là Lời của Ngài mạc khải cho con người. Mười điều luật hay thập giới như sau:
1. Không được tôn thờ ai khác ngoài Thiên Chúa.
2. Không được làm và thờ hình tượng.
3. Không được coi thường Danh của Chúa.
4. Phải giữ Ngày Yên Nghỉ của Chúa.
5. Phải hiếu kính cha mẹ.
6. Không được sát nhân.
7. Không được tà dâm.
8. Không được trộm cắp.
9. Không được làm chứng dối hay nói dối
10. Không được tham lam.
Có ai có thể nói rằng mình không phạm một điều nào trong những điều luật nầy không? Chắc chắn là không! Mười điều luật nầy cho thấy mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Bốn điều luật đầu tiên là bổn phận của con người đối với Thiên Chúa và sáu điều còn lại nói về bổn phận của con người với nhau. Chúa Giê-xu đã tóm tắt mười điều luật nầy thành hai điều đơn giản là yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa, chúng ta sẽ tôn thờ Chúa, tôn trọng Chúa và tôn trọng Ngày Của Chúa. Yêu người, chúng ta sẽ hiếu kính cha mẹ, không sát nhân, không tà dâm, không trộm cắp, không dối trá, không tham lam. Nếu chúng ta không hết lòng yêu kính Thiên Chúa, nếu không yêu người như chính bản thân là chúng ta đã mắc tội với Chúa. Nhưng cũng có người sẽ nói vì Luật của Chúa trong Kinh Thánh, tôi không biết Luật nên tôi không bị kể là có tội được? Đối với luật lệ của trần gian nầy, chúng ta đã không thể lý luận như vậy được. Chúng ta không thể nói với nhân viên công lực vì không thấy bảng stop nên tôi không dừng hay nói tôi không biết chỗ nầy vận tốc là 25 dặm một giờ nên tôi chạy nhanh! Chúng ta cũng không thể viện lẽ như vậy trước mặt Thiên Chúa!
Thiên Chúa chẳng những có luật của Ngài trong Thánh Kinh nhưng Ngài cũng đặt luật của Ngài trong lương tâm con người. Lương tâm cáo trách chúng ta, cho chúng ta biết mỗi khi chúng ta làm điều sai quấy. Lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta. Sâu kín trong đáy lòng của mỗi người, chúng ta biết có Thiên Chúa. Thiên Chúa có thật, Ngài là Ông Trời đã sinh ra muôn loài vạn vật và con người chúng ta phải tôn thờ Ngài. Người Việt chúng ta dù không có đạo cũng biết đặt bàn thờ Ông Thiên trước nhà và trong mỗi lời nói chúng ta đều ý thức về sự hiện hữu của Đấng Tối Cao là Ông Trời. Làm việc gì, chúng ta cũng nói nhờ Trời. Chúng ta biết số phận mình nằm trong bàn tay của Thiên Chúa: “Trời kêu ai nấy dạ!” Bằng chứng của Thiên Chúa khắp nơi cho nên không tôn thờ Thiên Chúa là chúng ta mắc tội với Ngài!
Thiên Chúa cũng cho chúng ta biết về một hình thức tội khác nữa mà con người không thể chối cãi. Kinh Thánh dạy: “Ai biết điều tốt cần phải làm mà không làm, thì phạm tội.” Tội là làm điều sai trái nhưng theo tiêu chuẩn của Chúa, không làm điều đúng cũng bị kể là có tội rồi.
Với tất cả những định nghĩa về tội như vừa kể, không ai trong chúng ta là người không có tội và vì vậy mỗi chúng ta cần được ơn tha thứ và ơn cứu rỗi của Chúa. Đức tin nơi Thiên Chúa bắt đầu từ chỗ nhận mình là tội nhân trước mặt Ngài. Từ đó sẽ tiếp nhận ơn tha thứ đến từ Chúa Giê-xu là Đấng gánh chịu hình phạt tội lỗi thay cho chúng ta. Chỉ một mình Chúa Giê-xu gánh tội cho chúng ta mới có thể cứu chúng ta. Nhận mình là người có tội là bước đầu của niềm tin. Và đó chính là Phúc Âm vì Phúc Âm là Tin Mừng cho người có tội. Chúng ta không cần Tin Mừng nếu không có tội. Ước mong mỗi chúng ta sẽ nhìn lại con người của mình để mở lòng mình ra tiếp nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa qua Chúa Cứu Thế Giê-xu trước khi quá muộn lúc hình phạt của Thiên Chúa sẽ đến với con người. Thánh Phao-lô là người đã gặp Chúa Giê-xu trên con đường đến Damascus, sau khi gặp Chúa, ông đã để lại cho chúng ta lời nhắn nhủ sau:
Đây là lời chắc chắn và hoàn toàn đáng tiếp nhận: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trong thế gian để cứu vớt tội nhân, trong những tội nhân đó ta là người đứng đầu! (Thư I Ti-mô-thê 1:15)
Một thánh nhân như Phao-lô khi đứng trước mặt Chúa thấy mình là người đứng đầu sổ tội nhân còn chúng ta thì sao?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành