Ve Sầu
Mùa Xuân năm nay, dân chúng tại các tiểu bang Miền Đông Hoa Kỳ sẽ chịu đinh tai nhức óc vì tiếng ve sầu! Ve sầu, một côn trùng đặc biệt, sống trong lòng đất trong dạng ấu trùng suốt 17 năm mới xuất hiện. Cũng có những loại ve xuất hiện hàng năm hay mỗi 13 năm. Riêng năm nay, hàng tỉ con ve sẽ xuất hiện cùng một lúc và đồng loạt cất tiếng. Nói đến ve sầu, chắc chúng ta đều nhớ chuyện ngụ ngôn ve sầu và con kiến của La Fontaine:
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày
Từ nay sang tháng hạ
Em lại xin đem trả
Trước thu, thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời
Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi
Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy
Ve rằng: Luôn đêm ngày
Tôi hát, thiệt gì bác!
Kiến rằng: Xưa chú hát
Nay thử múa coi đây!
Đó là bài thơ Ve Sầu Và Con Kiến của Nguyễn văn Vĩnh dịch từ chuyện ngụ ngôn của La Fontaine. Bài thơ có ý dạy đời trong lời nói mỉa mai của chú Kiến, dù siêng năng làm việc nhưng lại ích kỷ không muốn giúp đỡ người khác. Kiến là loài siêng năng, mỗi chúng ta đều biết. Kinh Thánh nói về loài kiến như sau:
Hỡi kẻ lười biếng, hãy đến với loài kiến,
Xem xét cách nó sống để học khôn!
Dù không có thủ lĩnh,
Quan chức hay người cai trị,
Nó vẫn biết dự trữ lương thực cho mình vào mùa hè,
Và thu gom thực phẩm trong mùa gặt.
Con kiến dù là loài yếu ớt,
Nhưng biết lo dự trữ thức ăn trong mùa hạ (Châm Ngôn 6:6-8; 3:25)
Loài kiến có được đặc tính trên là do bản năng Thiên Chúa phú cho nó. Nó tự động làm vì điều đó có sẵn trong người của nó. Loài người chúng ta thì khác, chúng ta cũng có khả năng biết phòng xa, dự trữ như loài kiến nhưng chúng ta có ý chí tự do, muốn siêng năng hay lười biếng cũng được. Chúng ta không thể trách loài ve thích ca hát mà không lo dự trữ vì nó chỉ sống, chỉ hoạt động theo bản năng.
Con người chúng ta nếu chỉ sống theo bản năng thì có những bản năng tốt và những bản năng không tốt nhưng chúng ta có ý chí tự do để lựa chọn sống theo bản năng hay không, vì vậy chúng ta phải biết suy xét, lựa chọn và quyết định. Đường đời thật ra một chuỗi những quyết định và lựa chọn đó và quyết định của chúng ta sẽ quyết định số phận đời đời của mình. Chúa Giê-xu dạy về việc lựa chọn và quyết định đó trong hình ảnh của hai cánh cửa, hai con đường và hai kết cuộc. Chúa phán:
Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hủy diệt, người vào đó thì nhiều. Còn cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, người tìm thấy được thì ít (Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:13-14)
Lời dạy của Chúa Giê-xu cho thấy có hai cánh cửa, hai con đường, hai nhóm người và hai kết cuộc. Hai cánh cửa là hẹp và rộng. Hai con đường là chật và khoảng khoát. Hai nhóm người là ít và nhiều và hai kết cuộc là sống và hủy diệt. Tất cả đều do nơi quyết định của chúng ta.
Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta, “Hãy vào cửa hẹp!” Cửa hẹp là cửa gì? Tại sao lại hẹp? Hẹp hàm ý khó vào, vì nó nhỏ, phải cố gắng mới có thể vào. Cửa vào Nước Chúa cũng hẹp như vậy vì nó đòi hỏi chúng ta phải khiêm nhường, hạ mình, nhận mình là tội nhân. Để vào cửa hẹp chúng ta phải nhận mình có tội và ăn năn tội mới có thể vào. Khi vào rồi thì con đường chúng ta đi cũng không dễ dàng vì sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhìn quanh, chúng ta sẽ thấy không có nhiều người cùng đi với mình nhưng kết cuộc chúng ta sẽ được sự sống hay ý nghĩa thật sự của đời sống và hạnh phúc đời đời.
Cửa rộng và đường khoảng khoát ngược lại với cửa hẹp và đường chật nghĩa là đi vào dễ dàng, không đòi hỏi điều gì. Đi trên đường thì thảnh thơi, không có gì khó khăn và lại có nhiều người cùng đi với mình. Tuy nhiên cuối cùng, Chúa phán, “Đó là con đường dẫn đến hủy diệt!”
Quý vị sẽ chọn con đường nào? Đường chật hay đường khoảng khoát? Cửa hẹp hay hay cửa rộng? Đường có nhiều người đi hay chỉ có ít người? Theo bản năng, chúng ta sẽ thích đi con đường rộng. Nhưng vấn đề không phải là thích hay không thích nhưng là có gì ở cuối đường? Sự sống vĩnh hằng hay hư vong đời đời?
Chúa Giê-xu phán:
Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hủy diệt, người vào đó thì nhiều. Còn cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, người tìm thấy được thì ít (Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:13-14)
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành