Tôi Đã Chọn
Trong Câu Chuyện Phúc Âm lần trước, chúng tôi có chia sẻ với quý vị lời chứng của Ông Trần Thuyên, một học giả sinh sống tại Pháp trước đây.
Ông Trần Thuyên viết:
Gia đình tôi thật ra không thực hành một tôn giáo nào. Cha tôi theo Nho Giáo, nhưng có khuynh hướng tự do. Mẹ tôi theo Phật Giáo như trăm nghìn đồng bào khác, thỉnh thoảng đi chùa chiền lễ bái ngày rằm và mùng một, và ăn chay. Riêng tôi, tôi chống mọi thứ tôn giáo. Đối với tôi, tôn giáo chỉ là mê tín dị đoan, dành riêng cho hạng đàn bà quê mùa, mù chữ, dốt nát.
Sau cuộc Thế Chiến Thứ Hai, tôi qua Âu Châu. Cuối năm 1954, tôi lâm bệnh, phải nằm điều trị tại một bệnh viện ở Haute-Savoie (Pháp). Suốt hai năm nằm trong bệnh viện tĩnh mịch, tôi có đủ thì giờ nghĩ ngợi, suy tư. Tôi mơ hồ nhận thấy rằng mang bệnh tật giữa lúc bước vào chỗ rẽ quan trọng trên đường sự nghiệp thật là một thứ hình phạt do một Đấng Cao Cả đã bất mãn với tôi, với nếp sống vô tư và tội lỗi của tôi. Phải chăng đây chính là triệu chứng báo hiệu một hiểm họa chết mất đang chờ đợi tôi nếu tôi cứ tiếp tục sống theo nếp sống cũ?
Hôm nay chúng tôi xin đọc tiếp lời chứng của Ông Trần Thuyên như sau:
Tôi bắt đầu hỏi: Thượng Đế thực hữu hay không? Hay nói đúng hơn, lý trí của tôi, do trực giác thúc đẩy, biết trước chỉ có thể chọn một trong hai lẽ vô cùng quan trọng: hoặc thừa nhận có Thượng Đế, hoặc thừa nhận một sự phi lý hoàn toàn. Không có Thượng Đế mọi sự đều phi lý, không sao giải thích được và cuộc đời – như đại văn hào Shakespeare đã viết trong bi kịch Macbeth – chỉ là “một truyện do anh ngốc kể, đầy dẫy tiếng ồn ào và giận dữ mà chẳng có nghĩa lý gì.”
Tạo vật chứng minh rằng nguyên thủy có Đấng Tạo Hóa. Đạo đức và trí tuệ của con người làm chứng rằng con người tất phải do một Đấng Tạo Hóa đạo đức và thông sáng tuyệt vời sinh thành. Thật đúng như một câu Kinh Thánh mà tôi đọc thấy sau này:
Các tầng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm (Thi Thiên 19:1)
Phương pháp loại suy liên tục để suy luận về Thượng Đế ấy chính là phương pháp trí năng, đi từ cái đã biết mà suy ra cái chưa biết.
Một phương pháp tri thức khác, thuộc phạm vi luân lý, khởi đi từ sự phân biệt Thiện và Ác. Khoa học đã tìm thấy trật tự của vũ trụ. Như thế sao lại không thể chấp nhận một trật tự trong cõi đạo đức? Theo trật tự đạo đức ấy Thiện phải thắng Ác, phải đánh bại mọi cường lực, bạo tàn của Ác, của bất công, của đau khổ, của sự chết, một việc không thể nào thực hiện trong vũ trụ và nhân sinh hiện tại. Như thế, sao ta lại không thể tin rằng có một Đấng Cao Cả luôn luôn chăm chú theo dõi việc lành của người thiện, việc dữ của kẻ ác để rồi một ngày kia tái lập trật tự đạo đức và thưởng thiện phạt ác phân minh? Chả thế mà con người khi đứng trước nanh vuốt của bất công, đau khổ và tử thần, đã tìm được nguồn an ủi nơi Thượng Đế và do đó đã đặt lòng tin nơi một lẽ công bình, thanh liêm khiết bạch, cao siêu tuyệt đối.
Chính vì thế mà hiền triết Socrate đã tuyên bố không hề sợ chết – mặc dầu ông bị bức phải uống thuốc độc chết cách oan uổng – chỉ vì ông tin rằng bên kia cõi chết còn có một điều “điều gì dành sẵn cho người thiện, tuyệt hảo hơn điều ác cho kẻ ác.”
Tôi tiến trên con đường nhận biết Đức Chúa Trời – nhưng đây mới chỉ là một nhận thức mơ hồ, một khái niệm, không hơn không kém. Ý niệm về Đức Chúa Trời ở mỗi người mỗi khác: dường như không có mối liên quan nào giữa Thượng Đế của người Semang ở Mã-lai; Ngọc Hoàng, Đấng Chí Tôn, Thượng Đế của phái Vệ-đà ở Ấn-độ; Thượng Đế của Aristotle, của Spinoza và Đức Chúa Trời của Cơ-đốc Giáo. Thượng Đế của tôi lúc bấy giờ còn là “Đức Chúa Trời của các nhà triết học và bác học” – danh từ mà Pascal đã dùng để đối chiếu với “Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-xu.” Thật ra tôi cố ý gạt bỏ Cơ-đốc Giáo ra ngoài suy luận, vì tôi không bao giờ nghĩ rằng Cơ-đốc giáo có thể đem lại câu giải đáp mà tôi đang tìm kiếm.
Trong khi tìm kiếm chân lý, tôi không quên tham khảo các tôn giáo của tổ tiên. Tôi ra công nghiên cứu kỹ càng Nho Giáo và Phật Giáo, hai hệ thống tôn giáo chính của nước nhà và lần này, với một tinh thần không thiên kiến và một tấm lòng cởi mở. Nhưng dầu tôi đã tận tâm nghiên cứu, Nho Giáo và Phật Giáo vẫn không làm thỏa mãn được tấm lòng khao khát chân lý của tôi.
Giữa khi tâm trí tôi đang hoang mang rối loạn, một hôm, một nhà truyền bá Phúc Âm ghé thăm tôi. Ông đến vào lúc tôi đang sửa soạn đi nghỉ theo lời bác sĩ căn dặn. Tôi miễn cưỡng tiếp ông mặc dầu gần như muốn đuổi khéo ông ra cửa. Hai bên chỉ gặp nhau ở một điểm – ông ta đã viện lẽ ấy để bước vào phòng tôi – là hai chúng tôi cùng nói được tiếng Anh. Thế là chúng tôi dùng Anh ngữ đàm đạo về Cơ-đốc Giáo.
Tôi nhẹ cả người khi ông đứng lên từ giã, nhưng trước khi đi ông còn tặng tôi một quyển Kinh Thánh Tân Ước và khuyên tôi đọc. Theo phép lịch sự, tôi nhận quyển sách mặc dầu chẳng muốn đọc tí nào. Chờ ông đi khỏi, tôi bỏ quyển sách bìa xanh, cỡ bỏ túi, vào ngăn bàn. Ác cảm từ thuở niên thiếu đối với Cơ-đốc Giáo đã dịu bớt từ lâu, nhưng tôi vẫn còn nhiều nghi kỵ. Tôi đã từng được dịp bắt gặp một quyển Kinh Thánh hoặc các sách Cơ-đốc khác, nhưng chẳng bao giờ tôi tọc mạch mó tay đến loại sách ấy, chứ đừng nói đến đọc. Theo ý tôi, loại văn chương quá buồn tẻ đó chỉ dành cho riêng một hạng người đặc biệt như các linh mục và mục sư.
Tuy nhiên, từ khi quyển sách nhỏ ấy nằm trong ngăn bàn, mỗi khi kéo ngăn ra, mắt tôi lại phải nhìn thấy nó, tay lại đụng đến nó. Ác cảm cố hữu của tôi lần lần tiêu tan và tôi bắt đầu mở sách, liếc mắt đọc qua. Tôi chợt có ý muốn nghiên cứu quyển sách ấy để tìm hiểu những điển tích Kinh Thánh nhan nhản trong văn chương Anh Pháp. Tôi nhận thấy rằng, nếu không đọc qua Kinh Thánh, là quyển sách căn bản của một nền văn hóa đang chi phối hàng nghìn triệu người thì kiến thức tôi còn nhiều khuyết điểm. Mặt khác, nhà truyền đạo vẫn kiên nhẫn đến thăm tôi đều đều để bàn luận về Cơ-đốc Giáo, lẽ nào tôi cứ chịu đóng vai câm, điếc trước mặt ông ta.
Tôi phải cố gắng mãi mới có thể bắt đầu nghiên cứu Kinh Thánh Tân Ước cách chín chắn. Dần dần tôi càng say mê đọc quyển sách nhỏ ấy như một quyển tiểu thuyết mê lòng nhất. Tôi bỏ cả thì giờ, thu hết tâm trí vào việc nghiên cứu và càng đọc, càng muốn đọc thêm. Tôi gởi mua một bộ Kinh Thánh toàn thư. Ít lâu sau, tôi nhận được quyển Kinh Thánh có tham chiếu do Tiến sĩ Scofield chú giải. Tôi đọc suốt từ đầu đến cuối và gởi mua thêm nhiều tác phẩm luận về các phương diện khác nhau của đời sống Chúa Giê-xu và lời giáo huấn của Ngài. Tôi cảm thấy càng khao khát hiểu biết thêm về “Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-xu,” một cơn khát khao chưa hề có trong đời tôi.
Chúng tôi vừa đọc phần tiếp theo của lời chứng của Ông Trần Thuyên. Chúng tôi sẽ trình bày tiếp lời chứng nầy trong chương trình kỳ tới. Kính mời quý vị đón nghe.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành