Trường Ca Messiah & Thiên Tài George Frederic Handel
Trong Mùa Giáng Sinh chúng ta không thể không nói đến âm nhạc. Cả tháng nay chắc hẳn quý vị đã nghe rất nhiều bài ca Giáng Sinh. Những bài ca nói lên niềm vui lớn khi con người nghênh đón Chúa Cứu Thế vào đời cũng như những bài hát ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa là điều nổi bật trong mùa Giáng Sinh. Một trong những bài Thánh Ca nổi tiếng mà chúng ta thường nghe trong mùa Giáng Sinh là bản Trường Ca Messiah của George Frederic Handel. George Frederic Handel là ai và tại sao sáng tác của ông trở thành tác phẩm vĩ đại nhất trong kho tàng nhạc Giáng Sinh?
George Frederic Handel sinh tại nước Ðức năm 1685. Năm 12 tuổi, ông được chọn làm phụ tá cho vị nhạc trưởng của Thánh Ðường Halle tại nước Ðức. Nhờ tài năng thiên phú về âm nhạc, ông được nhận vào học trường âm nhạc ở Hamburg. Năm 21 tuổi, ông qua Ý, làm bạn với nhiều nhà soạn nhạc Ý danh tiếng, vì thế ông chịu ảnh hưởng của âm nhạc Ý khá nhiều. Sau đó, nhạc sĩ Handel qua nước Anh, được vua của Anh Quốc là George Ðệ Nhất kết thân vì nể tài của ông. Nhạc sĩ Handel quyết định sống tại Anh nên nhập quốc tịch Anh, và từ năm 1740, tức là lúc được 55 tuổi, ông bắt đầu dành thì giờ sáng tác các bản thánh ca.
Xưa nay thiên tài hình như bao giờ cũng gặp đời sống hẩm hiu cùng khổ. George Frederic Handel cũng vậy. Ông mắc nợ rất nhiều. Mỗi buổi sáng khi mở cửa nhà bước ra là có hai ba chủ nợ níu áo đòi nợ, thêm vào đó là bệnh thấp khớp dai dẳng nên ông Handel thấy đời sống thật là bất hạnh. Mùa hè năm 1741, nhạc sĩ Handel nhận được thư của quận công xứ Devenshire mời qua Dublin, thủ đô Ái-nhĩ-lan, soạn nhạc để giúp cho một dự án từ thiện. Ông vui vẻ nhận lời, mục đích là để tránh những người đến đòi nợ mỗi ngày một đông. Người nhạc sĩ tài ba vẫn sống trong nghèo thiếu. Có những ngày ông không có đủ tiền để mua thức ăn. Một đêm nọ, trong năm 1741, quá buồn nản, chán chường vì thất bại, George Frederic Handel đi lang thang suốt đêm trên các đường phố vắng vẻ cho đến gần sáng. Khi trở về căn phòng tồi tàn, ông thấy trên bàn có một phong thư dày. Cầm lên xem, ông thấy đó là của Charles Jennens, một người thuộc Anh Quốc Giáo gởi đến. Trong thư chỉ là một xấp giấy viết đầy những câu Kinh Thánh. Ðây là những câu Kinh Thánh ông Jennens viết để giúp những người không tin vào thần tính của Chúa Giê-xu nhìn thấy rằng Chúa Giê-xu chính là Ðức Chúa Trời. Trong đó ông Jennens trích câu trong sách của tiên tri Ê-sai:
Có một Con Trẻ sinh cho chúng ta, tức là một Con Trai ban cho chúng ta, quyền cai trị sẽ đặt trên vai Ngài. Ngài sẽ được gọi là Ðấng Mưu Luận Lạ Lùng, là Ðức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Ðời Ðời, là Chúa Bình An (Tiên tri Ê-sai 9:5)
Ông Jennens mô tả Chúa Cứu Thế Giê-xu là Con của Ðức Chúa Trời qua những sự kiện như: những lời dự ngôn về Ngài đã được ứng nghiệm, Ngài chính là Ðấng Cứu Thế của nhân loại và là vị Vua sẽ trở lại trần gian.
Quá mệt mỏi, George Frederic Handel đọc qua vài giòng Kinh Thánh mà Jennens viết rồi để những trang giấy đó qua một bên, lên giường nằm ngủ. Nhưng ông không ngủ được, những dòng chữ vừa đọc cứ trở lại trong trí ông. Những câu:
Ðức Chúa Trời phán: Hãy an ủi, hãy an ủi dân ta… Dân đi trong nơi tối tăm đã nhìn thấy ánh sáng lớn… Vì có một Con Trẻ đã sinh ra cho chúng ta… Sáng Danh Thiên Chúa trên các từng trời rất cao… Ha-lê-lu-gia! Ha-lê-lu-gia!
Những câu Kinh Thánh đó cứ vang vọng mãi trong trí khiến người nhạc sĩ không sao ngủ được. Ông bèn ngồi dậy ra khỏi giường, đến bên chiếc đàn dương cầm. Ngay lúc đó những giòng nhạc tự nhiên tràn đến trong tâm trí ông, những giòng nhạc sâu sắc, vĩ đại và oai hùng. Nhạc sĩ Handel bắt đầu viết ra những giòng nhạc đó. Ông viết cả ngày lẫn đêm, trong suốt 23 ngày, viết một cách nhiệt tình, hăng hái. Ông quên ăn, quên ngủ, quên cả nghỉ ngơi. Ông cũng từ chối không tiếp, không gặp một người nào. Cuối cùng, ngày mà George Frederic Handel soạn xong bản trường ca, một người bạn cố gắng lắm mới vào được căn phòng ông ở. Khi bước vào, người bạn thấy ông ngồi bên chiếc đàn dương cầm, những trang giấy nhạc rải đầy dưới đất chung quanh ông, với nước mặt ràn rụa trên má, người nhạc sĩ nói với bạn: “Tôi tin là tôi đã được nhìn thấy thiên đàng hiện ra trước mặt tôi, và thấy cả Ðức Chúa Trời cao cả nữa.” Hàng triệu người đã tin lời nói đó của ông, đó là nhạc sĩ Handel đã nhìn thấy Chúa và thiên đàng khi ông ở một mình suốt ba tuần lễ để viết lên những giòng nhạc tôn cao Chúa. Sáng tác của thiên tài George Frederic Handel gồm ba phần:
- Phần thứ nhất mô tả sự giáng trần của Chúa Cứu Thế
- Phần thứ hai nói đến sự hy sinh của Chúa để cứu rỗi nhân loại
- Phần thứ ba nói về sự sống lại và Vương quốc vinh hiển của Chúa khi Ngài trở lại trần gian làm Vua
Tác phẩm này được gọi là Messiah, là một trong những danh hiệu của Chúa Cứu Thế.
Ngày 13 tháng 4 năm 1742, trong mùa Lễ Phục Sinh, tại Dublin, nhóm khán giả được nghe bài Trường Ca Messiah trình bày lần đầu tiên đã đứng lên tán thưởng nhiệt liệt. Vài tuần sau đó, bản trường ca được trình diễn tại Luân-đôn và một lần nữa, cũng được khán giả hoan hô nhiệt liệt. Vua George Ðệ Nhất của nước Anh quá cảm động khi nghe phần điệp khúc, gọi là Halelugia Chorus, đã kính cẩn đứng lên tỏ lòng ngưỡng mộ như có Chúa Cứu Thế đang hiện diện. Có lẽ Vua George Ðệ Nhất nghĩ rằng chẳng một người nào, kể cả các bậc vua chúa, được phép ngồi trước mặt Vua của muôn vua, Chúa của muôn Chúa. Và cho đến nay điều đó đã trở thành một truyền thống tốt đẹp. Truyền thống đó là khi nghe trình diễn bản Trường Ca Messiah, mỗi lần đến điệp khúc Halelugia, phần tôn cao Chúa Cứu Thế là Vua trên muôn vua, mọi người đều đứng lên, không phải để tán thưởng ca đoàn nhưng để tỏ lòng tôn kính Chúa Cứu Thế, Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa.
Bản Trường Ca Messsiah thường được trình bày tại các nhà thờ vào dịp Lễ Giáng Sinh và như một thông lệ bất thành văn, khi bản nhạc ấy tấu lên đến ca khúc Halelujah thì mọi người không ai bảo ai, đồng một loạt đứng lên kính cẩn ra mắt Thiên Chúa. Bản trường ca Messiah đặc biệt ở chỗ nó cuốn hút người nghe, khiến tâm thần được thoát tục, bay bổng lên tận ngai của Vua muôn vua. Thiên tài George Frederic Handel qua đời ngày 14 tháng 4 năm 1759, hưởng thọ 74 tuổi. Các tài liệu nói về nhà nhạc sĩ tài ba này cho biết rằng từ ngày bản Trường Ca Messiah được trình bày lần đầu tiên vào năm 1742 cho đến nay, tức là hơn 250 năm qua, không có một năm nào mà bản trường ca này không được trình tấu tại các thánh đường, hoặc ở những thính phòng nổi tiếng trên thế giới. Bản trường ca bất hủ đã làm cho tác giả George Frederic Handel trở thành bất tử. Mùa Giáng Sinh năm nay tại các thánh đường cũng như các thính phòng trên thế giới cũng trình tấu bản Trường Ca Messiah và hàng triệu người lại tìm thấy niềm tin và hy vọng qua bản trường ca tôn cao Chúa Cứu Thế.
Kính mời quý thính giả nghe sau đây Điệp Khúc Halelugia, trích trong Trường Ca Messiah của George Frederic Handel, do ca đoàn và dàn nhạc giao hưởng Luân Ðôn trình bày.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành