Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 15)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho chúng tôi lại được thưa chuyện với quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Ngoại trừ những người kết hôn giả với một mục đích nào đó, khi bước vào hôn nhân, ai cũng mong muốn hôn nhân của mình sẽ được hạnh phúc, ngọt ngào và tốt đẹp suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên biết bao nhiêu vợ chồng sau một thời gian sống với nhau không muốn nhìn nhau nữa mà phải đưa nhau ra tòa ly dị. Sở dĩ có chuyện đáng tiếc đó là vì vợ chồng không biết sống thế nào để mang lại hạnh phúc cho nhau.Đức Chúa Trời là Đấng thiết lập hôn nhân và Ngài cũng ban cho chúng ta những nguyên tắc chúng ta cần áp dụng để hôn nhân được hạnh phúc lâu bền. Chúng ta cần biết Lời Chúa dạy và cần áp dụng vào đời sống để gia đình chúng ta được hạnh phúc như điều Chúa hứa ban cho chúng ta.
Dựa vào lời Kinh Thánh dạy, trong các tuần qua chúng tôi đã trình bày những nguyên tắc sau: (1) Vợ chồng không ích kỷ nhưng quan tâm đến phúc lợi của nhau. (2) Người có gia đình phải dứt khoát khỏi những ràng buộc, thói quen và kỷ niệm của thời độc thân để thật sự hiệp một với nhau. (3) Quyết tâm giúp nhau tránh cám dỗ về mặt tình dục dưới mọi hình thức, trong mọi hoàn cảnh. Và (4) Dành thì giờ trò chuyện, chia xẻ buồn vui để vợ chồng hiểu nhau, thông cảm nhau.
Trong đời sống văn minh vật chất, với kỹ thuật hiện đại ngày nay, có nhiều lý do khiến vợ chồng khó có thì giờ dành cho nhau, để trò chuyện, tâm tình với nhau. Trước hết là chúng ta quá bận rộn với những công việc và trách nhiệm ngoài xã hội. Câu mà chúng ta nói nhiều nhất và cũng nghe nhiều nhất là: “Tôi bận quá, không có thì giờ làm việc này việc kia” Rất nhiều đôi vợ chồng vì bận công việc mà không còn thì giờ cho nhau. Lý do thứ hai khiến vợ chồng không có thì giờ trò chuyện với nhau là vì phải lo cho con cái. Lý do thứ ba chúng ta đã biết là, vì những phương tiện truyền thông tân tiến, khiến chúng ta mất quá nhiều thì giờ trao đổi thông tin với mọi người, tìm biết tin tức trên cả thế giới và không còn thì giờ cho những người thân yêu nhất.
Nguyên tắc Chúa dạy mà chúng ta cần ghi nhớ và áp dụng trong hôn nhân cũng như trong mối quan hệ với người chung quanh là:
Chớ ai tìm lợi riêng cho mình nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác (I Cô-rinh-tô 10:24)
Khi chúng ta không làm điều gì vì ích kỷ, vì lợi ích cá nhân nhưng luôn quan tâm đến phúc lợi của người khác, chúng ta sẽ là ống dẫn ơn phước đến cho người chung quanh. Tương tự như thế, khi vợ chồng không tìm kiếm phúc lợi cho riêng mình nhưng nghĩ đến phúc lợi của người phối ngẫu, chúng ta sẽ mang lại niềm vui, phước hạnh cho nhau. Chúng ta đã biết ba điều có thể cản trở đối thoại giữa vợ chồng là: quá bận rộn với công việc làm, vì phải lo cho con cái, và vì mất thì giờ với những kỹ thuật truyền thông hiện đại. Ngoài ra còn có một lý do khác nữa khiến vợ chồng không muốn trò chuyện với nhau, đó là vì sợ nói chuyện sẽ đưa đến xung đột, bất đồng ý kiến rồi cãi nhau hay giận nhau. Một tác giả nọ nói rằng, nếu vợ chồng nào không bao giờ có bất hòa, bất đồng ý kiến với nhau, ta có thể đoán là vợ chồng đó không bao giờ thật sự trò chuyện với nhau. Bất hòa hay bất đồng ý kiến là điều bình thường trong hôn nhân. Khi vợ chồng nói chuyện hay trao đổi với nhau những ý kiến, suy nghĩ, ước mơ của mình, chắc chắn sẽ có lúc không đồng ý với nhau. Đó là điều tự nhiên, không thể tránh được. Điều quan trọng là khi có bất đồng ý kiến, chúng ta không bỏ cuộc nhưng tiếp tục nghe, sẵn sàng lắng nghe để hiểu nhau hơn và giúp nhau giải quyết hay vượt lên trên những bất đồng ý kiến đó. Khi làm được điều đó, vợ chồng sẽ hiểu nhau, thông cảm và cũng sẽ trưởng thành trong hôn nhân. Có người vì sợ vợ hay chồng không đồng ý với mình, hiểu lầm mình hay nổi giận khi nghe điều mình chia xẻ nên cứ giữ im lặng, không dám nói lên điều suy nghĩ trong lòng. Và vì thế giữa vợ chồng thiếu đối thoại. Những gia đình này có thể thấy như bình an, yên lành, nhưng thật ra người trong gia đình rất là cô đơn.
Chúng ta biết rằng vợ chồng cần trao đổi, chia xẻ tâm tình với nhau thường xuyên thì mới hiểu nhau, thông cảm và hiệp nhất với nhau, chúng ta cũng biết khi vợ chồng quá bận rộn với công việc, với con cái sẽ khó có thì giờ cho nhau; ngoài ra, khi vợ chồng có những sở thích, công việc hay tính tình khác nhau cũng sẽ khó tìm những điểm chung để chia xẻ trò chuyện với nhau. Vì vậy chúng ta cần cố gắng vượt lên trên những bận rộn, những khác biệt giữa hai người, quyết tâm dành thì giờ cho nhau để vợ chồng có thì giờ và thật sự trao đổi tâm tình với nhau. Tiến sĩ David Mace là người tiên phong trong việc nghiên cứu những phương cách giúp bảo tồn hạnh phúc trong hôn nhân. Khi nghiên cứu về đối thoại giữa vợ chồng, Tiến sĩ Mace và một số chuyên gia thấy rằng các đôi vợ chồng thường trò chuyện với nhau trong bốn mức độ khác nhau như sau:
Mức độ I: Trao đổi những lời có tính cách xã giao, Ví dụ như hỏi nhau: “Anh khỏe không?” “Bữa nay em khỏe không?” rồi đi lo những công việc khác. Khi hỏi như thế chúng ta không thật sự muốn biết người kia có khỏe mạnh trong thân thể, có bình an trong tinh thần hay không. Thật ra đây là câu chúng ta thường trao đổi khi gặp những người không thân lắm hoặc mới gặp lần đầu. Đây là câu hỏi lịch sự nhưng có tính cách xã giao chứ không có gì đặc biệt, cũng không nói lên sự gần gũi giữa ta với người đó. Dù vậy, có những vợ chồng cũng không trò chuyện ở mức độ đối thoại này, vì không quen chào nhau hay hỏi thăm nhau. Trong thực tế có những vợ chồng cũng chẳng bao giờ trò chuyện chứ đừng nói đến việc hỏi thăm nhau. Chúng tôi gọi mức độ đối thoại I này là đối thoại xã giao.
Mức độ II: Chỉ trao đổi những sự kiện hay sự việc xảy ra chung quanh mà không chia xẻ ý kiến hay cảm nghĩ của mình. Ví dụ: Vợ nói với chồng: “Chà, bữa nay mưa to quá!” Chồng nói: “Ngày mai mấy đứa nhỏ được nghỉ học!” Hoặc chồng xem tin tức trên mạng rồi buông một câu: “Đường đi ra chợ sáng nay có tai nạn lớn quá!” Hoặc bà vợ nói: “Sắp đến ngày phải đóng tiền học cho con rồi!” Trao đổi những sự kiện hay sự việc xảy ra chung quanh mình là điều cần thiết, nhất là khi có những ngày, tháng hay những chi tiết quan trọng chúng ta cần biết để chuẩn bị. Tuy nhiên, nếu vợ chồng chỉ trao đổi với nhau những sự kiện hay con số cần thiết mà không đụng đến ý kiến hay cảm xúc, cảm nghĩ của nhau thì cũng khó thông cảm nhau hay thấy gần nhau. Chúng tôi gọi mức độ đối thoại II này là đối thoại sơ giao. Khi mới gặp người nào và mới nói chuyện lần đầu, chúng ta thường chỉ nói bâng quơ những chuyện không đâu vào đâu hoặc trao đổi những tin tức trong báo, trên ti-vi chứ không chia xẻ ý kiến hay suy nghĩ của mình. Để thật sự hiểu và thông cảm nhau, vợ chồng cần đối thoại trong mức độ cao hơn.
Mức độ III: Chia xẻ ý kiến và phán đoán của mình. Trong mức độ đối thoại này chúng ta cũng nói về sự kiện hay sự việc xảy ra cách rõ ràng, chính xác nhưng thêm vào đó ý kiến hay phán đoán của mình về những sự việc đó. Ví dụ, người vợ nói: “Lúc này anh thường đi về khuya, em sợ anh thiếu ngủ rồi bị đau đó.” Hoặc chồng nói: “Anh nghĩ là em nên bớt nấu những món cầu kỳ, mất thì giờ, để mình có thì giờ với nhau.” Khi nghe một tin tức trên báo hay trong cộng đồng, chúng ta dám bày tỏ ý kiến của mình, dám nói là mình đồng ý hay không đồng ý những sự việc xảy ra hay những thay đổi trong cộng đồng, trong đời sống, đó là chúng ta đối thoại ở mức độ thứ ba. Chúng ta có thể gọi mức độ đối thoại này là thông giao, chúng ta không chỉ nói lời xã giao hay sơ giao nhưng trao đổi với nhau nhiều hơn, đường dây đối thoại mở rộng hơn nên gọi là thông giao. Tuy nhiên, khi vợ chồng nói lên ý kiến của mình, nếu những ý đó không giống nhau và nếu vợ chồng thiếu tôn trọng nhau sẽ dễ đưa đến bất đồng ý kiến hay tranh cãi. Vì lý do đó, có người không bao giờ dám nói lên ý kiến hay phán đoán của mình về một sự việc nào, sợ vợ/chồng không đồng ý rồi phê phán chê bai khiến giữa hai người có bất hòa. Có người khi nghe ý kiến của người phối ngẫu thì nói: “Bà biết gì mà nói!” hoặc chê: “Ông hay xét đoán người ta, cứ nghĩ xấu về người khác không thôi.” Khi nói với nhau những lời như thế chúng ta làm cho đối thoại giữa vợ chồng bị tắc nghẽn và rất khó mở lại đường dây đối thoại. Vì vậy chúng ta cần tránh nói những lời thiếu khích lệ, thiếu tôn trọng như vậy.
Kinh Thánh dạy về cách dùng lời nói như sau:
Lời nói của anh chị em phải luôn có ân hậu và nêm thêm muối, để anh em biết phải đối đáp thể nào với mỗi người (Thư Cô-lô-se 4:6)
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành