Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 19)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi vui và cảm tạ Chúa vì được hoan nghênh quý vị đến với Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong tiết mục này thời gian qua chúng tôi trình bày đề tài “Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu” và mấy tuần gần đây chúng ta học về “Đối Thoại trong Hôn Nhân.” Quý vị có đồng ý rằng dù vợ chồng sống bên nhau lâu, yêu nhau nhiều nhưng lắm khi qua lời nói và cách trò chuyện chúng ta cũng dễ hiểu lầm nhau hay phiền giận nhau? Một nhà tâm vấn Hôn Nhân nọ, khi nghiên cứu về cách đối thoại giữa vợ chồng, nói rằng vì vợ chồng thuộc hai phái tính khác nhau, được nuôi dưỡng trong hai gia đình khác nhau và lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau nên cách nói năng, suy nghĩ, bày tỏ những gì mình suy nghĩ cũng khác nhau. Vì lý do đó đối thoại giữa vợ chồng dễ có nan đề. Ngoài ra, vấn đề đối thoại cũng phức tạp vì khi hai người nói chuyện với nhau, đối thoại giữa hai người thường đi qua sáu bước như sau.
- Điều chúng ta muốn nói.
- Điều ta thật sự nói.
- Điều người kia nghe.
- Điều người kia hiểu.
- Điều người đó đáp lại.
- Điều ta nghĩ hay phản ứng của chúng ta về lời đáp của người đó.
Nói một cách đơn giản, khi hai người trò chuyện với nhau, người này không hiểu đúng ý người kia muốn nói nhưng hiểu theo những gì mình đã in trí hay kinh nghiệm trước đó, vì vậy sẽ phản ứng hoặc đáp lại một cách sai lạc, khiến hiểu lầm nhau và dần dần tạo ra khoảng cách giữa hai người, đối thoại giữa vợ chồng cũng không tránh được điều này.
Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ:
Hai vợ chồng cùng đi làm suốt ngày, cuối ngày về đến nhà cả hai đều mệt mỏi nhưng người vợ phải vào bếp chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình. Người chồng cũng mệt nên ra phòng khách xem ti-vi hoặc mở computer lên xem thử có tin tức gì mới không, chứ không hỏi thăm, không nói chuyện với vợ. Người vợ thấy chồng không vào bếp giúp cũng không hỏi thăm thì hơi buồn, và muốn nói với chồng: “Anh vào bếp giúp em chuẩn bị cơm tối được không?” Nhưng thay vì nói thẳng nói thật là mình cần giúp, người vợ thở dài và nói: “Đi làm suốt ngày mà về còn phải nấu ăn, mệt quá!” Người chồng nghe vậy nghĩ ngay là vợ mình than, hàm ý nói: “Em cũng đi làm cả ngày như anh mà về còn phải lo cơm nước, mệt quá!” Vì vậy người chồng không hiểu là vợ muốn ông vào bếp phụ giúp nhưng lại hiểu khác và nói thầm trong trí: “Vợ mình bây giờ cũng ra ngoài đi làm ra nên không muốn nấu ăn hay chăm sóc cho gia đình nữa.” Và vì nghĩ như vậy nên người chồng nói: “Nếu nấu ăn mệt quá thì lấy cơm tháng hay ăn mì gói cũng được, em đâu cần phải nấu!” Nghe chồng nói vậy, người vợ buồn, thầm nghĩ: “Mình chỉ cần vô bếp phụ giúp một chút mà ổng lại nói như vậy, chẳng hiểu ý vợ gì hết!” Sau những lời trao đổi và những suy nghĩ như vậy dĩ nhiên cả vợ và chồng đều cảm thấy buồn phiền, không vui.
Chúng tôi xin nêu một ví dụ khác để chúng ta thấy rõ tình cách phức tạp của những lời nói vợ chồng trao đổi với nhau mỗi ngày:
Một thiếu nữ kia khi lập gia đình phải rời gia đình cha mẹ, theo chồng về sống ở một thành phố khá xa. Một ngày kia, vì nhớ cha mẹ và muốn về thăm nên cô định nói với chồng: “Lâu rồi không có dịp về thăm bố mẹ, cuối tháng này mình về thăm được không anh?” Nhưng có lẽ vì ngại nên cô chỉ nói vu vơ với chồng một câu: “Lâu rồi mình không về thăm chắc ba mẹ em cũng trông lắm.” Người chồng nghe nói vậy thì hiểu là vợ trách mình rằng: “Lâu rồi anh không đưa gia đình về thăm ba má em,” và nghĩ ngay rằng đó là lời trách mình không làm trọn bổn phận với gia đình vợ. Vì nghĩ như vậy, người chồng không vui nên nói: “Mình đi làm mỗi ngày, làm suốt cả tuần, cuối tuần còn phải lo bao nhiêu công việc, đâu có ở không mà về thăm hoài!” Người vợ nghe chồng nói vậy thì mủi lòng, nghĩ rằng chồng không thương bố mẹ mình, và thầm nhủ trong lòng bữa nào mình sẽ nghỉ làm vài ngày rồi một mình đưa mấy con về thăm ông bà ngoại.”
Thưa quý vị, mỗi một ngày trôi qua, cứ mỗi lần vợ chồng trao đổi lời nói với nhau lại có những lúc không dám thành thật nói lên điều mình suy nghĩ hay muốn nói. Cũng có khi vì thành kiến hay định kiến mà vợ chồng không hiểu nhau, hiểu lầm nhau, dần dần đi đến chỗ thiếu thông cảm và rồi không ai muốn nói ra điều mình suy nghĩ hay mong ước.
Khi nói về đối thoại trong hôn nhân, chúng ta không nói đến những trao đổi có tính cách công việc, như vợ dặn chồng việc này việc kia, hay chồng nhờ vợ làm điều này điều kia để giúp mình. Đối thoại thật là lúc vợ chồng chia xẻ tâm tình, nói cho nhau biết những cảm nghĩ, cảm xúc hay những ưu tư lo lắng trong đời sống, để thông cảm với nhau và làm một điều gì đó để an ủi hay nâng đỡ nhau. Cách tốt nhất để tránh hiểu lầm khi vợ chồng trò chuyện với nhau là, chúng ta hãy loại bỏ tất cả định kiến hay thành kiến, cũng tránh võ đoán, tức là nghĩ rằng vợ hay chồng chưa nói ra hay nói như vậy nhưng mình cũng hiểu, cũng biết hết rồi. Thay vì võ đoán hay có thành kiến như vậy, chúng ta nên chú ý lắng nghe, nghe đến nơi đến chốn để thật sự hiểu rõ, hiểu đúng điều vợ/chồng muốn chia xẻ với mình. Nguyên tắc quan trọng và căn bản Kinh Thánh dạy về cách sử dụng lời nói là “Mau nghe, chậm nói và chậm giận.” Sứ đồ Gia-cơ dạy: “Thưa anh em yêu dấu, anh em phải biết điều này: Mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của loài người không thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời” (Thư Gia-cơ 1:19, BHĐ). “Mau nghe” nghĩa là sẵn sàng lắng nghe và chú ý nghe để tiếp nhận đầy đủ và hiểu rõ điều người kia muốn nói. “Chậm nói” không phải là nói chậm nhưn là yên lặng lắng nghe, nghe đến nơi đến chốn, nghe đầy đủ rồi mới nói, còn “chậm giận” là không phản ứng vội vàng hay phản ứng quá mạnh, quá đáng về những gì mình nghe, và cũng không quá chủ quan, vội vàng lên án lời nói của người khác khi chúng ta không thật sự hiểu người đó.
Nguyên tắc Chúa dạy về đối thoại: “Mau nghe, chậm nói, chậm giận” là nguyên tắc ngắn gọn và đơn giản, cũng dễ hiểu dễ nhớ nhưng rất quan trọng và cũng khó thực hành. Nếu tấm lòng chúng ta chưa có Chúa ngự trị, con người yếu đuối bất toàn của chúng ta chưa được Chúa chạm đến và thay đổi trở nên một người mới, chúng ta sẽ tiếp sống theo con người cũ, sẽ tiếp tục chậm nghe, nhưng mau nói và mau giận, vì thế đối thoại giữa chúng ta với người chung quanh: với bạn bè, người thân yêu và nhất là với người bạn đời sẽ tiếp tục có nan đề. Vì vậy chúng tôi kính mời quý vị đến với Chúa, đặt lòng tin nơi Chúa, xin Ngài tha thứ tội, và dâng đời sống cho Chúa làm Chủ, Chúa sẽ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh để có thể sống theo Lời Chúa dạy. Lúc đó, khi nói năng trò chuyện với bạn bè và người thân, chúng ta sẽ thật sự mau nghe, chậm nói và chậm giận, và nhờ đó mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh sẽ tốt đẹp, nhất là mối quan hệ giữa chúng ta với với người bạn đời sẽ ngọt ngào, bền chặt và chúng ta sẽ thật sự là ơn phước cho nhau như điều Chúa muốn khi Ngài thiết lập hôn nhân (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành