Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 20)
Kính chào quý thính giả, một lần nữa, chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe “Câu Chuyện Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành. Trong mấy tuần qua, dựa vào Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh và những tài liệu Cơ đốc, nói về nguyên tắc giúp vợ chồng xây dựng một hôn nhân tốt đẹp và bền lâu, chúng tôi chia xẻ với quý vị những nguyên tắc quan trọng chúng ta cần áp dụng vào đời sống hằng ngày, để hôn nhân của chúng ta được ngọt ngào hạnh phúc, như điều Chúa muốn ban cho con người khi Ngài thiết lập hôn nhân.
Bất cứ người nào muốn có mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp với người thân yêu hay với bạn bè, muốn mình thật sự hiểu nhau và thông cảm nhau thì phải dành thì giờ trao đổi, trò chuyện với nhau. Chúng ta trao đổi tâm tình với nhau bằng lời nói, tức là trò chuyện tâm tình với nhau; bằng chữ viết qua những lá thư, cánh thiệp, cũng như bằng cử chỉ, cái nhìn, cách bày tỏ tình thương yêu, v.v… Tất cả những điều đó gọi là đối thoại, tiếng Anh gọi là communication. Giữa vợ chồng cũng vậy, phải có đối thoại, trao đổi mới hiểu nhau và thông cảm nhau. Vợ chồng nào việc đối thoại được thông suốt tốt đẹp thì tình yêu giữa hai người sẽ bền chặt, hôn nhân hạnh phúc. Như chúng tôi trình bày trong một Câu Chuyện Gia Đình trước đây, là có năm mức đối thoại giữa người với người, là: năm mức độ đó là Xã giao, sơ giao, thông giao, tâm giao và thâm giao. Vợ chồng là một đơn vị gia đình, chia xẻ cùng một đời sống, mang cùng một tên, chia xẻ cùng một hành trình trên đường đời. Như Chúa Giê-xu dạy:
“Vợ chồng không phải là hai nữa, mà chỉ là một thịt. Vậy loài người không được phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã phối hợp” (Ma-thi-ơ 19:6).
Vì vợ chồng là một, nên cần đối thoại với nhau ở mức độ sâu đậm nhất, tức là tâm giao hay thâm giao. Đã là vợ chồng, chúng ta không nên khách sáo, cũng không giả dối nhưng cần thành thật nói cho nhau biết những ưu tư, ước muốn, lo buồn cũng như thành thật bày tỏ tình cảm mình dành cho nhau. Nếu là vợ chồng mà còn phải võ đoán hay nói xa nói gần, nói bóng nói gió để biết ý nhau thì chưa thật sự kết hợp làm một như điều Chúa dạy. Trong quyển sách tựa đề “Mười Giới Răn Cho Hôn Nhân” tác giả cho biết, để cải thiện đối thoại giữa vợ chồng, điều đầu tiên chúng ta cần làm là, hãy nhớ rằng nam và nữ hoàn toàn khác nhau trong cách suy nghĩ cũng như cách diễn đạt hay bày tỏ điều mình suy nghĩ. Có người nói rằng, sự khác biệt trong cách nói năng, trò chuyện giữa phái nam và phái nữ nhiều khi cũng tương tự như hai người ngoại quốc nói chuyện với nhau bằng hai thứ tiếng khác nhau, vì vậy người này không hiểu người kia nói gì.
Như chúng ta đã biết, vợ chồng thường không giống nhau vì lớn lên trong hai gia đình khác nhau, được nuôi dạy trong hai môi trường khác nhau, không những thế, tâm trí của phái nam và phái nữ cũng được tạo dựng khác nhau, do đó cách suy nghĩ và cách diễn đạt tư tưởng cũng khác nhau. Vì vậy nếu thấy vợ chồng mình khi nói chuyện thường hiểu sai ý của nhau hay hiểu lầm nhau, chúng ta đừng ngạc nhiên, cũng không nên buồn hay thất vọng nhưng hãy nhớ đó là điều bình thường và tự nhiên, không tránh được. Khi biết sự khác biệt trong cách nam nữ đối thoại với nhau, chúng ta sẽ thông cảm với vợ / chồng mình hơn, cũng sẽ kiên nhẫn với nhau và dễ tha thứ nhau hơn. Để thật sự kiên nhẫn khi vợ chồng trò chuyện, trao đổi với nhau, chúng ta cần áp dụng hai nguyên tắc sau đây:
- Nói đúng điều mình muốn nói và chú ý nghe khi người kia nói, để thật sự hiểu nhau.
Nếu muốn đối thoại giữa vợ chồng được tốt đẹp, trước hết chúng ta phải thành thật với chính mình: Chúng ta phải nói lên điều mình muốn nói, cần nói và nói cách rõ ràng, thành thật. Đây là nguyên tắc đơn giản nhưng nhiều người không áp dụng được, lý do là vì không quen nói thật điều mình muốn nói, hoặc không quen nói ra cách rõ ràng điều mình muốn hay điều mình cần. Có người không cảm thấy thoải mái khi phải nói thật điều mình suy nghĩ trong trí, dù là với vợ hay chồng. Họ sợ hay ngại khi phải thành thật nói lên điều mình cần nói. Vì sợ hay e ngại, chúng ta chỉ nói xa nói gần, hay nói bóng nói gió điều mình muốn nói. Rồi khi người nghe không hiểu đúng ý mình thì buồn, giận và không muốn nói nữa. Có lẽ chúng ta từng nghe vợ chồng của bạn bè hay người quen nói với nhau những câu như: người chồng trách vợ: “Em sống với anh bao nhiêu năm rồi mà chẳng biết ý anh gì cả!” Hoặc vợ nói với chồng: “Nếu em phải nói thẳng ra hết anh mới hiểu ý em thì đâu còn ý nghĩa gì nữa!” Chúng ta cần tránh nói với nhau những lời có ý trách móc như vậy. Trong khi đó thì ngược lại, cũng có những người nghĩ gì nói nấy, nói quá thẳng, quá mạnh điều mình nghĩ trong trí, khiến người nghe phải ngượng ngùng, xấu hổ hoặc là bị tổn thương. Cũng có người không những nói thẳng nhưng hễ nói là nổi giận, luôn luôn nói với vợ chồng hay con cái những lời gắt gỏng, giận dữ, khó chịu. Ngoài ra, cũng có người không dùng lời nói để bày tỏ điều mình trông mong nhưng dùng sự im lặng để điều khiển hay đe dọa người bạn đời, khiến người đó vì sợ phải chìu theo ý mình. Có lẽ chúng ta cũng từng nghe có người nói với vợ: “Tôi im lặng là bà phải hiểu tôi muốn nói gì rồi!” Có những người vợ thì không nói lên điều mình mong ước nhưng dùng nước mắt để chồng phải sợ mà chiều theo ý mình.
Khi vợ chồng đối thoại với nhau bằng cách nói quanh, nói xa nói gần để người kia phải đoán được ý mình hoặc nói với lòng giận dữ, nói quá thẳng hay là dùng nước mắt, dùng sự im lặng để gây áp lực, khiến người bạn đời phải lo lắng, khi làm như vậy là chúng ta gây tổn thương cho tình cảm vợ chồng. Điều cần hơn hết và tốt hơn hết là vợ chồng nói thật với nhau nhưng nói cách tế nhị, nhẹ nhàng, nói vì yêu thương và nói với lòng yêu thương thành thật. Sứ đồ Phao-lô dạy về cách nói năng như sau. Ông viết:
“Chúa muốn chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương, để chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện. … Mỗi người trong anh em hãy loại bỏ sự giả dối. Hãy nói thật với người lân cận vì chúng ta đều là chi thể của nhau” (Thư Ê-phê-sôn 4:15 & 25).
Nhiều người thường dùng câu “Lời thật mất lòng” để bào chữa cho những lời nói thiếu tôn trọng, thiếu yêu thương, khiến người nghe phải đau lòng hay buồn nản. Lời Chúa cũng dạy chúng ta phải tránh những lời nói giận dữ, không xây dựng và thiếu yêu thương như thế. Sứ đồ Phao-lô khuyên:
“Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính cách xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe” (Thư Ê-phê-sô 4:29).
Để đối thoại giữa vợ chồng được tốt đẹp, chúng ta không những thành thật nói lên điều mình muốn nói hay cần phải nói nhưng cũng sẵn sàng chú ý lắng nghe, nghe để hiểu rõ điều người bạn đời muốn nói; hiểu đúng những gì mình nghe, đừng hiểu thêm hay đoán thêm những gì người kia nói. Thật ra trong đối thoại, nghe quan trọng hơn nói. Nếu người nói thành thật nói lên điều mình muốn nói mà người nghe không chú ý lắng nghe hay nghe với định kiến thì đối thoại giữa hai người cũng không tốt đẹp. Trong “Câu Chuyện Gia Đình” kỳ tới chúng tôi sẽ trình bày thêm về đề tài này, kinh mời quý vị nhớ đón nghe (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành