Tại Sao Hôn Nhân Gặp Nan Đề? (Bài 1)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui lại được thưa chuyện cùng quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong Câu Chuyện Gia Đình những tuần sắp đến chúng tôi sẽ trình bày mục đích của Đức Chúa Trời khi thiết lập hôn nhân và những phước hạnh chúng ta nhận được khi cả vợ và chồng áp dụng Lời Chúa dạy vào đời sống. Hôm nay chúng tôi xin nói về những nan đề vợ chồng thường gặp trong đời sống chung và nguyên tắc Kinh Thánh dạy mà chúng ta cần áp dụng để giải quyết những nan đề đó. Chúng ta cần áp dụng Lời Chúa dạy vào đời sống để vợ chồng hiểu nhau và ngày càng yêu nhau hơn, hầu những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống không khiến tình yêu vợ chồng phai nhạt và hôn nhân đi đến gãy đổ.
Thường thường sau ngày cưới, trong tuần trăng mật, đôi vợ chồng mới thấy đời sống của người có gia đình thật vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng sau đó một thời gian, nhất là khi có con cái, vì bận rộn lo cho con, vợ chồng không còn thì giờ cho nhau, không trò chuyện thường xuyên nên không thông cảm nhưng thấy ngày càng xa cách. Thêm vào đó nếu đời sống vật chất gặp khó khăn, chẳng hạn như trước ngày cưới phải mượn tiền để lo mọi chi phí cho đám cưới, hoặc sau ngày cưới mua nhà ngay nên nhu cầu tài chánh trở thành gánh nặng, hoặc là đôi vợ chồng mới có nan đề với gia đình hai bên, sự ngăn cách giữa vợ chồng lại càng to lớn hơn. Tất cả những lo lắng đó khiến đời sống có nhiều căng thẳng; vợ chồng không nói năng ngọt ngào, không cư xử yêu thương như trước nữa.
Một lý do khác cũng có thể khiến hôn nhân có nan đề, đó là sau khi sống chung một thời gian chúng ta thất vọng vì thấy vợ chồng mình quá khác nhau: khác nhau trong cách ăn uống, nói năng, trong cách làm việc cũng như cách giải quyết nan đề và vì khác nhau nên dễ có bất đồng ý kiến. Vợ chồng khác nhau là điều bình thường, vì hai người thuộc hai phái tính khác nhau, thêm vào đó hai người được sinh ra và lớn lên trong môi trường và hoàn cảnh khác nhau, được dạy dỗ trong hai gia đình khác nhau và được Chúa ban cho cá tính khác nhau. Vì lý do đó, vợ chồng khác nhau là điều bình thường, không thể tránh được. Thật ra, vì khác nhau chúng ta có thể bù đắp hay bổ khuyết những thiếu sót của nhau, nhờ đó đời sống chung được đầy đủ, trọn vẹn. Tuy nhiên, nếu những khác biệt giữa vợ chồng không được đem ra chia xẻ, phân tích để hiểu nhau, vợ chồng có thể cảm thấy ngăn cách và tình yêu hai người dành cho nhau sẽ dần dần phai nhạt. Điều nguy hiểm nhất trong trường hợp này, cũng như trong thời điểm này là cả vợ và chồng đều cảm thấy thất vọng, nghĩ rằng mình đã lấy lầm người. Từ đó đưa đến nhiều nan đề lớn hơn và dễ dàng khiến hôn nhân đi đến chỗ gãy đổ.
Một cô vợ trẻ kia có nan đề trong gia đình mà không biết giải quyết thế nào nên xin gặp vị mục sư hội thánh để xin mục sư giúp ý kiến. Mục sư hỏi: “Cô có nan đề gì muốn chia xẻ với tôi hôm nay?” Cô vợ trẻ nói: “Thưa mục sư, con với chồng con quá khác nhau nên không thể nào hiểu nhau, chúng con không đồng ý với nhau chuyện gì cả. Hai vợ chồng cãi nhau luôn nên con quá mệt mỏi, muốn buông xuôi,bỏ cuộc.” Vị mục sư hỏi: “Hai người không đồng ý với nhau chuyện gì, cô có thể cho biết được không?” Cô vợ liền tuôn hết những bực bội, thất vọng về người chồng của mình. Cô nói: “Chồng con không giúp con lo cho con cái, việc nhà thì nhiều mà ảnh chỉ giúp một chút cho có lệ, ảnh nói công việc ở sở quá căng thẳng nên về nhà anh cần nghỉ ngơi. Trong khi đó con phải lo quá nhiều việc, cũng cần nghỉ ngơi mà chồng con không thông cảm, không giúp. Nếu ảnh chịu khó giúp một chút thì vợ chồng con có thì giờ để cùng nghỉ ngơi và trò chuyện với nhau.”
Tuần sau đó, vị mục sư mời người chồng đến văn phòng nói chuyện để biết cái nhìn của anh về nan đề của hai vợ chồng như thế nào. Khi mục sư hỏi “Vợ chồng anh đang có vấn đề gì, anh có thể cho tôi biết được không?” Người chồng trẻ nói: “Thưa mục sư, con tưởng khi con lập gia đình là con được lìa xa khỏi mẹ của con, đâu ngờ vợ con giống y như mẹ con, mà còn khó chịu hơn mẹ con nữa. Cô ấy đòi hỏi đủ thứ, con không thể nào làm cho cô ấy vừa lòng được. Dù công việc ở sở rất nhiều, mỗi ngày về nhà con cũng cố gắng giúp lo việc nhà, chăm sóc con cái, nhưng khi con làm việc này thì cô ấy nói sao không làm việc kia trước? Cái gì con làm cô ấy cũng không vừa ý, nhưng cứ muốn làm lại hay sửa lại theo ý mình. Đối với vợ của con, con là người chồng quá tệ, quá dở, vì vậy nhiều lúc giận quá, con không giúp gì nữa.”
Lời than phiền của đôi vợ chồng trẻ này cho thấy nan đề của họ khá nghiêm trọng. Cả hai đều là nguyên nhân, là lý do khiến hôn nhân của họ buồn tẻ, căng thẳng, nhưng không người nào nhìn thấy điều đó. Khi mục sư hỏi, người vợ chỉ nói về thiếu sót của chồng; người chồng cũng vậy, chỉ nhìn thấy lỗi của vợ, vì thế người này đổ lỗi cho người kia, nói rằng vì người đó mà đời sống vợ chồng căng thẳng, hôn nhân không hạnh phúc. Vì chỉ thấy lỗi lầm của người bạn đời chứ không thấy thiếu sót của mình, đôi vợ chồng này nghĩ rằng nếu vợ hay chồng mình thay đổi, như điều mình mong muốn thì hôn nhân sẽ tốt đẹp. Tuy không ai nói ra nhưng cả hai vợ chồng đều nghĩ mình là người vợ/người chồng tốt, chỉ vì người kia không cư xử phải lẽ nên hôn nhân trở nên căng thẳng, không hạnh phúc.
Thực tế mà nói, không chỉ đôi vợ chồng chúng tôi vừa nói đến nghĩ rằng hôn nhân của họ có nan đề là vì lỗi của người bạn đời hoàn toàn và người ấy phải thay đổi; nhưng tâm lý chung là, khi hôn nhân gặp nan đề, hầu hết vợ chồng chúng ta thường đổ lỗi cho nhau. Không những thế, chúng ta muốn người kia thay đổi theo ý mình và tin rằng đó là cách để giải quyết nan đề. Đổ lỗi cho người khác khi gặp nan đề là điều chúng ta thường vấp phải, vì chúng ta là con cháu của A-đam và Ê-va, đôi vợ chồng đầu tiên trên địa cầu. Bà Ê-va là người nghe lời dụ dỗ của con rắn, hái trái cấm ăn rồi đưa cho chồng, và A-đam cũng ăn. Chiều hôm đó, khi Đức Chúa Trời trở lại vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va sợ nên đi trốn. Kinh Thánh ghi lại mẩu đối thoại giữa Chúa với hai vợ chồng như sau:
“Đức Chúa Trời hỏi A-đam: “Ai đã chỉ cho con biết mình trần truồng? Có phải con đã ăn trái cây mà ta cấm không được ăn đó không?” A-đam thưa: “Người nữ mà Chúa đặt bên con đã cho con trái cây đó và con đã ăn rồi.” Đức Chúa Trời hỏi người nữ: “Con đã làm gì vậy?” Người nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn rổi.” (Sáng thế ký 3:11-13, BHĐ).
Cả A-đam và Ê-va đều phạm tội bất tuân mạng lệnh của Chúa, nhưng khi Chúa hỏi, Ê-va đổ thừa cho con rắn, còn A-đam đổ thừa cho Ê-va và gián tiếp đổ lỗi cho Chúa, ông nói: “Vì người nữ mà Chúa đặt bên con đã cho con trái cấm.”
Khi đời sống có nan đề chúng ta thường không nghĩ là lỗi của mình nhưng cho đó là lỗi của người khác. Khi hôn nhân có nan đề, ít khi nào là lỗi của một người nhưng thường là lỗi của cả vợ và chồng. Nếu giữa vợ chồng thiếu ngọt ngào, êm ấm, chúng ta đừng vội đổ lỗi cho người bạn đời nhưng hãy nhìn lại chính mình, xem mình đã thiếu sót ở chỗ nào hay vấp váp trong điều gì và sẵn sàng sửa đổi, lúc đó nan đề sẽ dễ dàng được giải quyết. Nguyên tắc tự xét mình và sửa đổi trước là nguyên tắc Chúa Giê-xu dạy ngày xưa, Chúa phán:
“Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán. .. Sao các con thấy cái dằm trong mắt anh em mà lại không thấy cây đà trong mắt mình? Sao con có thể bảo anh em: ‘Để tôi lấy cái dằm khỏi mắt anh’ trong lúc cây đà vẫn còn nằm trong mắt mình? Kẻ đạo đức giả! Trước hết hãy lấy cây đà khỏi mắt mình đi rồi mới thấy rõ mà lấy cái dằm khỏi mắt anh em được” (Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:1-5).
Qua lời này, Chúa Giê-xu dạy chúng ta trước hết hãy nhìn vào chính mình, sửa lỗi lầm của mình trước rồi mới thấy rõ để giúp người khác sửa lỗi lầm của họ. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ tới chúng tôi sẽ phân tích chi tiết hơn về nguyên tắc Chúa dạy, kính mời quý vị đón nghe. Kính chào tạm biệt quý thính giả.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành