Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 37)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của chương trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Chúng tôi đang trình bày về những Nguyên Tắc giúp chúng ta xây dựng hôn nhân trong thế kỷ 21 này cho được vững bền và hạnh phúc. Những nguyên tắc đó gồm có:
(1) Vợ chồng không sống ích kỷ nhưng quan tâm đến phúc lợi của nhau
(2) Dứt khoát khỏi những ràng buộc và kỷ niệm của thời độc than
(3) Vợ chồng giúp nhau tránh khỏi cám dỗ tình dục, dưới mọi hình thức
(4) Dành thì giờ trò chuyện với nhau thường xuyên để vợ chồng luôn tâm đầu ý hiệp
(5) Khi có bất đồng ý kiến, ứng xử khôn ngoan để vợ chồng hiểu nhau và thông cảm nhau hơn
(6) Cẩn thận trong việc chi dùng tiền bạc để không sa vào nợ nần
(7) Sẵn sàng tha thứ và tiếp tục tha thứ lỗi lầm của nhau
(8) Quyết tâm chăm sóc nhau để giữ cho tình yêu luôn được tươi mới
(9) Khi gặp nan đề, không bỏ cuộc nhưng sẵn sàng làm lại từ đầu
(10) Đặt mục tiêu: quyết tâm xây dựng một hôn nhân hạnh phúc cho đến cuối cuộc đời
Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng tôi nói tiếp về Nguyên Tắc VII, Tinh Thần Tha Thứ Trong Hôn Nhân. Nếu quý vị muốn nghe lại những điều chúng tôi đã trình bày, xin liên lạc với chúng tôi qua số điện thoại sẽ loan báo ở cuối giờ phát thanh, chúng tôi sẽ rất vui được gởi đến quý vị.
Thưa quý vị, chúng ta đều biết, vợ chồng cần sẵn sàng tha thứ nhau khi có lỗi lầm thì đời sống mới yên vui hạnh phúc và hôn nhân mới được bền lâu. Nhưng chúng ta cần tha thứ với lòng thành thật. Để việc tha thứ nhau mang lại kết quả, sự tha thứ đó phải thành thật, người xin lỗi cũng như người tha lỗi phải thành thật biết lỗi và thành thật bỏ qua lỗi lầm của nhau. Đặc điểm thứ hai của tha thứ thật là tha thứ rồi thì quên, không nhớ tới lỗi lầm của nhau nữa. Đặc điểm thứ ba của tha thứ thật là không nhắc lại chuyện đã xảy ra, không kể lể cho người khác. Đó là những đặc điểm chúng tôi trình bày trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước. Đặc điểm cuối cùng của tha thứ thật là:
Sẵn sàng tha thứ nhiều lần
Người có tinh thần tha thứ thật, khi người bạn đời có lỗi, không những tha thứ và quên nhưng cũng sẵn sàng tha thứ nhiều lần nếu người bạn đời lại vấp váp hay vô tình gây buồn phiền hay thiệt thòi cho mình. Chúng ta cần tha thứ cho nhau nhiều lần vì vợ chồng sống bên cạnh nhau mỗi ngày, suốt cả cuộc đời, chắc chắn không thể nào tránh khỏi những lúc làm buồn lòng nhau, gây tổn thương cho nhau. Nếu thật lòng yêu thương nhau, vợ chồng không chỉ tha thứ nhau vài ba lần nhưng sẵn sàng tha thứ bất cứ khi nào người có lỗi nhận lỗi và ăn năn. Phúc Âm Ma-thi-ơ ghi lời Chúa Giê-xu dạy về tha thứ như sau, Kinh Thánh ghi:
Phi-e-rơ đến gần Đức Chúa Giê-xu mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy (Phúc Âm Ma-thi-ơ 18:21-22)
Có lẽ sứ đồ Phi-e-rơ nghĩ, khi nói mình sẽ tha thứ cho người có lỗi đến bảy lần thì Chúa sẽ khen ông là người rộng lượng, đầy tình yêu thương. Nhưng không, Chúa đáp: “Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy” Khi phán dạy câu này, Chúa Giê-xu không hàm ý rằng mỗi khi tha lỗi cho ai chúng ta phải ghi xuống và đếm cho đến khi tha đủ bảy mươi lần bảy, tức là 490 lần, nhưng chỉ có nghĩa là chúng ta phải tha thứ cho nhau mãi. Người đời thường nói “sự bất quá tam,” việc gì cũng đến ba lần là quá nhiều rồi, nhiều hơn nữa là ta không thể chấp nhận. Tha thứ cho một người đến ba lần là quá nhiều rồi, hoặc như sứ đồ Phi-e-rơ nghĩ: tha thứ đến bảy lần là quá tốt rồi, nhưng theo Lời Chúa Giê-xu dạy, Chúa muốn chúng ta tha thứ nhau mãi, và tiếp tục tha thứ khi người khác vẫn còn lầm lỗi. Đây là điều khó thực hành nhưng đây là mạng lệnh Chúa phán truyền cho chúng ta, là môn đồ của Ngài. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta có đủ kiên nhẫn và lòng yêu thương để có thể thật sự tha thứ cho nhau, nhất là cho người bạn đời, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Mỗi khi thấy khó tha thứ cho người nào, hãy nhớ chính mình là người tội lỗi, xấu xa nhưng Chúa đã hy sinh mạng sống của Ngài để tha thứ tất cả lỗi lầm của chúng ta và cứu chuộc chúng ta, ban cho chúng ta địa vị cao quý làm con dân của Chúa, trong Nước vinh hiển của Ngài. Nghĩ đến ơn tha thứ của Chúa chúng ta sẽ thấy dễ tha thứ cho người chung quanh hơn.
Lắm khi giữa vợ chồng có điều bất đồng ý kiến, người này cho người kia làm như thế là sai và rồi không chấp nhận nhau, không tha thứ những lỗi lầm nhỏ nhặt của nhau. Trong trường hợp đó có những ông chồng cũng như những bà vợ tìm cách thay đổi người bạn đời của mình, muốn người đó làm theo điều mình muốn, khi không thay đổi được người phối ngẫu thì phiền giận và cay đắng với nhau. Để tránh tình trạng này, chúng ta cần nhớ rằng, vợ chồng có thể bất đồng ý kiến nhưng vẫn tôn trọng nhau, trân quý nhau, và thay đổi tấm lòng hay tâm tính con người là điều chỉ một mình Chúa có thể làm. Điều quan trọng là chúng ta cần biết vợ chồng mình khác nhau trong lãnh vực nào, về phương diện nào để rồi chấp nhận nhau. Vợ và chồng vì sinh ra và lớn lên trong hai gia đình khác nhau, được nuôi dạy trong hai hoàn cảnh khác nhau. Vì thế hai người có tính tình khác nhau, sở thích thói quen, đặc điểm khác nhau. Tất cả những khác nhau đó khiến vợ chồng dễ có bất đồng ý kiến, dễ có những lời nói hành động làm buồn lòng nhau. Chúng tôi xin nêu vài ví dụ điển hình trong đời sống hằng ngày: Vợ chồng thường thích những món ăn khác nhau, người thì thích món ăn có nhiều gia vị, người thì thích những món đơn sơ, không thích nhiều gia vị. Chúng ta không nên vì vậy mà chê vợ hay chồng mình không biết thưởng thức các món ăn, không sành điệu trong việc ăn uống.
Có hai vợ chồng kia người thì thích cổ nhạc, người thì thích tân nhạc. Thế rồi người này chê người kia lỗi thời, người kia bảo người nọ là mất gốc! Đây là điều chúng ta cần tránh. Có khi vợ chồng phải dung hòa những khác biệt để sống với nhau trong yêu thương, hòa thuận. Nhưng cũng có những khác biệt chúng ta có thể giữ, không cần thay đổi mà không ảnh hưởng đến tình yêu giữa vợ chồng. Trước những khác biệt này chúng ta nên chấp nhận và tôn trọng ý của nhau.
Có ông chồng kia rất ít khi chăm sóc nhà cửa. Bà vợ thấy trong nhà có biết bao nhiêu việc cần làm, bao nhiêu chỗ cần sửa chữa như: ổ khóa hư cần đổi, bóng đèn hư cần thay, v.v… nhưng ông chồng không để ý đến những việc đó mà chỉ thích chăm sóc cây cối, vườn hoa… khi có thì giờ rảnh rỗi thì ông ngồi đánh đàn piano. Bà vợ nhắc nhiều lần nhưng chồng cũng không lo những việc mà bà thấy là cần làm. Người vợ này quên rằng chồng mình không phải là handy man nên không khéo tay về những việc đó và cũng không muốn làm. Nếu người vợ biết chồng mình có những sở thích và khả năng khác với điều mình suy nghĩ thì sẽ thông cảm và không bực bội với chồng. Tương tự như vậy, cũng có những phụ nữ là người vợ hiền lành, chăm sóc con cái, dạy con học hành rất tốt nhưng không xuất sắc trong việc nấu ăn. Nếu người chồng biết rõ sở trường sở đoản, điểm mạnh điểm yếu của vợ, sẽ không phiền không trách nhưng phụ giúp vợ trong những công việc mà vợ không thể làm được.
Trong đời sống hôn nhân không những vợ chồng cần sẵn sàng tha thứ lỗi lầm, và thiếu sót của nhau nhưng cũng cần biết hai người khác nhau như thế nào, có những sở trường sở đoản như thế nào, để chúng ta thông cảm nhau, chấp nhận nhau và sẵn sàng thay đổi chính mình để bù đắp những thiếu sót của nhau. Đó là hình ảnh của một hôn nhân trưởng thành và vì thế sẽ được hạnh phúc bền lâu (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành