Thư Cho Cha
Ba yêu quý của con,
Từ trước đến nay thỉnh thoảng con cũng có viết thư cho Ba, nhưng hôm nay, nhân ngày lễ của các ông cha, con muốn mượn trang giấy này, viết lên tất cả những gì con suy nghĩ về Ba, về tình cha con của Ba và con. Con không biết bắt nguồn từ đâu mà người Hoa Kỳ có ngày dành cho các ông cha, nhưng con thấy đây là một điều hay, vì ít nhất mỗi năm có một ngày con cái được nhắc nhở để suy nghĩ đến tình thương của người cha, đến bổn phận của mình đối với cha và làm một điều gì đó để bày tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành ra mình.
Cũng vì có ngày lễ này mà hôm nay con được nhắc nhở để hướng tâm hồn con đến Ba. Ba biết không, con thương Ba nhiều lắm, và con biết Ba cũng thương con nữa, nhưng cha con mình không bao giờ nói lên với nhau điều đó, dù trực tiếp hay gián tiếp. Con nhớ hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng ngồi gần Ba, nhìn những đường gân trên tay Ba, trên trán Ba, con thấy thương làm sao. Con biết vì lo làm lụng để nuôi anh em chúng con mà bàn tay Ba trở nên chai cứng, da mặt Ba sạm lại, trán Ba nhăn nheo. Con thương bàn tay đó, cái trán nhăn nheo đó, nhưng không bao giờ con dám đến gần đụng đến Ba, hay nói cho Ba biết là con thương Ba.
Không hiểu tại sao giữa Ba và anh em chúng con lúc nào cũng có một sự ngăn cách mà không ai giải thích được, cũng không ai biết làm gì để xóa bỏ ngăn cách đó. Ba lúc nào cũng nghiêm nghị, cứng rắn, có khi lạnh lùng và dữ dằn nữa. Có lẽ vì thế mà ít khi nào con dám đến gần hay nói chuyện với Ba. Nhiều khi có những điều ở trường con thắc mắc không hiểu mà không biết hỏi ai. Con nghĩ Ba có câu trả lời nhưng con không dám hỏi, vì Ba chẳng bao giờ nói chuyện với con. Những khi có chuyện buồn vui, con cũng chỉ nói với mẹ hay với bạn chứ không dám nói với Ba. Con không đủ can đảm để nói mà có nói chắc Ba cũng không có thì giờ nghe. Con nhớ hồi còn nhỏ, mỗi khi đang chơi ngoài sân mà thấy Ba đi làm về là con ngừng ngay và tránh đi nơi khác. Vì ở gần bên Ba thế nào cũng bị la chuyện này, chuyện kia hoặc bị sai làm việc kia việc nọ. Mỗi lần Ba gọi đến tên con là con giật bắn người lên, vì biết mình sắp bị la hay bị đòn vì một lỗi lầm nào đó.
Mỗi lần con bị đòn, những trận đòn chí tử, thì các cô các chú an ủi: Ba mày thương mới đánh như vậy cho mày nên người. Trong tâm trí đơn sơ và non nớt của con lúc đó, con không hiểu mà cũng không chấp nhận những lời an ủi đó. Con nghĩ nếu ba thương mình, sao không tha thứ lỗi lầm của mình mà cứ la mắng và đánh đòn mình một cách giận dữ như vậy. Nhiều khi có những điều Ba không dặn bảo hay cảnh cáo trước mà đến khi con phạm phải những điều đó thì con cũng không được phép bào chữa để khỏi bị đòn. Biết bao nhiêu lần con muốn bỏ nhà đi, để khỏi phải ở dưới sự kiểm soát gắt gao của Ba, nhưng không dám vì không biết đi đâu. Tuy nhiên, nghĩ lại con cảm tạ Chúa, vì nếu con thoát ly gia đình như điều mong muốn thì chắc chắn cuộc đời con không được như ngày hôm nay.
Con cảm ơn Ba đã hy sinh làm lụng vất vả để mấy anh em con được ăn học đến nơi đến chốn. Cảm ơn Ba đã răn bảo sửa dạy để anh em chúng con nên người trưởng thành. Con thương Ba nhiều lắm, nhưng có một điều con xin thành thật thưa với Ba là con không muốn trở nên một người cha giống như Ba, vì con không muốn con của con sau này lúc nào cũng khiếp sợ và cách xa người cha của nó.
Tuy bây giờ con chưa có gia đình, nhưng con đã nguyện với lòng mình rằng con sẽ không là một người chồng cứng rắn, khiến vợ phải khiếp sợ; con cũng sẽ không là một người cha nóng nảy, độc tài mà con cái lúc nào cũng tránh xa. Không phải là con muốn nói con tốt đẹp hơn Ba, nhưng con cảm tạ Chúa một điều, là sau chuyến vượt biên năm đó, con đã được gặp Chúa. Sau khi tin nhận Chúa, con đã được học Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Qua những Lời dạy đó, con được biết hình ảnh của một người cha nhân từ.
Nhờ đọc Thánh Kinh con biết rằng, Đức Chúa Trời yêu thương những người kính sợ Ngài khác nào người cha yêu thương con mình. Đây là một ý tưởng rất lạ đối với con. Khi nói đến người mẹ hiền, đến tình thương của mẹ thì con hiểu, nhưng nói đến tình thương của người cha con thấy lạ và khó hiểu làm sao, vì con chưa bao giờ kinh nghiệm tình thương đó cách cụ thể rõ ràng. Khi nhận được tình thương của Chúa con mới cảm nhận một cách đau xót rằng suốt cả cuộc đời, con thèm khát tình thương của người cha mà không bao giờ nhận được.
Con biết Kinh Thánh là quyển sách nói về tình thương, nhưng con không ngờ Kinh Thánh nói về tình cha con cách sâu xa và rõ ràng như vậy. Kinh Thánh dạy cho con biết rằng Chúa Hằng Hữu thương xót kẻ kính sợ Ngài khác nào cha thương xót con cái mình. Lòng nhân từ của Ngài hằng có đời đời cho những người kính sợ Ngài. Chúa có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Đây là hình ảnh người cha mà con hằng mơ ước: có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, đầy lòng nhân từ, không bắt tội luôn luôn và không giữ lòng giận đến đời đời. Chính tình thương của Chúa là lý do khiến con tin nhận Chúa để được làm con của Chúa, để được sống trong tình thương của Ngài.
Từ khi biết Chúa, con thường cầu xin Chúa giúp con sống với mọi người với lòng yêu thương, nhất là với vợ và con của con sau này. Con muốn là người cha nhân từ, đầy lòng thương xót, vì con biết sống với người cha thiếu nhân từ khổ như thế nào. Con cũng sẽ xin Chúa giúp để con là người cha chậm nóng giận, không bắt tội luôn luôn và không giữ lòng giận đến đời đời. Con biết trên đời cũng có những ông cha nhân từ và kiên nhẫn với con cái, nhưng những ông cha này rất hiếm, vì con thấy chung quanh con hầu như ông cha nào cũng nóng nảy, cứng rắn. Con còn nhớ, biết bao nhiêu lần, vì sự nóng giận của Ba mà má và mấy anh em con mất một bữa cơm ngon lành. Cũng vì Ba nóng giận mà chén bát bị bể, bàn ghế bị hư. Bây giờ đã lớn mà nhiều khi trong giấc ngủ con còn mơ thấy những cơn giận dữ đó của Ba.
Con nhắc lại những điều này không phải để làm cho Ba buồn, Ba yêu dấu của con, nhưng chỉ để chia xẻ với Ba rằng những điều đó có lẽ Ba đã quên hết rồi nhưng nó còn in rõ trong trí con và còn ảnh hưởng trên con cho đến ngày nay. Ngày xưa nhiều lúc mấy anh em con nói với nhau: hình như mình chẳng bao giờ làm vừa lòng Ba được. Dù cố gắng đến đâu cũng không khỏi bị la bị đòn. Con tin Ba thương anh em con vì có ông cha nào mà không thương con mình, nhưng con phải tự nhủ, tự nhắc về tình thương đó, vì nó không bao giờ được biểu lộ ra. Và nếu có biểu lộ thì tình thương đó hình như là tình thương có điều kiện. Nếu con và các em ngoan ngoãn, học giỏi, đừng làm sai làm hỏng điều gì, nghĩa là đạt đến những điều Ba mong muốn thì Ba thương, nhưng nếu không đạt đến tiêu chuẩn của Ba thì sẽ bị la mắng đòn vọt.
Con biết Ba phải sửa dạy thì anh em con mới nên người, nhưng con ước gì Ba nghe con phân trần, xem lỗi của con có đáng đánh đòn không, và khi đánh, ước gì Ba nhẹ tay một chút, khi la mắng ước gì Ba đừng quá nặng lời. Con nghĩ con sẽ không bao giờ trừng phạt con của con về những lỗi lầm vì lỡ tay hay sơ ý, chẳng hạn như làm bể chén, chạy chơi bị té trầy chân, rách quần áo. Con cũng sẽ không mắng mỏ con của con về những lỗi lầm gây ra bởi sự vụng về của trẻ con. Trẻ con là trẻ con, phải vấp váp nhiều lần mới được như người lớn. Hồi nhỏ con cứ ước gì Ba thông cảm với những vụng về, non nớt của con một chút thì con đỡ biết bao nhiêu. Con rất thích cách Chúa đối xử với con dân của Ngài: Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài cũng không đối xử với chúng ta tùy theo tội lỗi của chúng ta. Ngài sửa dạy chừng mực và Ngài tha thứ dồi dào.
Ba yêu quý của con, người ta nói rằng nếu trong gia đình người cha gần gũi với con cái thì con cái sẽ không muốn lìa xa gia đình. Còn nếu trong gia đình người cha quá nghiêm khắc, lạnh lùng, cách xa con cái, không khí gia đình sẽ nặng nề, ngột ngạt thì khi con đủ tuổi, nó sẽ tìm cớ này cớ kia để không sống với cha mẹ nữa. Con thấy điều này thật đúng. Ngày xưa mỗi khi con và mấy đứa bạn nói chuyện với nhau, đứa nào cũng than ông bố quá nghiêm khắc và đứa nào cũng mong mau lớn để đi ra khỏi nhà. Và đúng như vậy, đứa nào vừa học xong trung học cũng tìm cách đi xa gia đình chứ không sống với cha mẹ nữa. Con cũng thấy rằng gia đình nào như cái tổ ấm, không khí nhẹ nhàng đầm ấm, tràn đầy yêu thương, thì những con chim nhỏ sẽ không bay đi sớm, và nếu có bay đi rồi nó cũng tìm dịp trở về thăm.
Có người nói rằng, cách tốt nhất để bày tỏ lòng thương con là thương mẹ của chúng. Thật vậy, khi con cái thấy cha mẹ yêu thương nhau, đối xử dịu dàng và sẵn sàng tha thứ nhau, chúng thấy yên lòng và thích ở gần bên cha mẹ. Ngược lại, nếu trong gia đình mà cha mẹ hay giận nhau, to tiếng với nhau hay cắn đắng nhau thì con cái sẽ bị tinh thần căng thẳng, lo âu, sợ sệt. Và khi cơ hội đến, chúng sẽ bỏ nhà đi để thoát ra khỏi không khí căng thẳng đó.
Ba yêu quý của con, nhân ngày của các bậc từ phụ, con muốn thưa với Ba rằng con thương Ba rất nhiều. Cảm ơn Ba đã hy sinh cả cuộc đời cho vợ cho con. Đã nuôi dạy và dẫn dắt chúng con cho đến ngày hôm nay. Con cũng cảm tạ Chúa là Ba của con không giống nhiều người cha khác, bỏ vợ con để chạy theo niềm vui riêng, tội lỗi và ích kỷ, gieo đau khổ cho vợ con. Con cũng cảm ơn Chúa cho con có một người cha cương trực, ngay thẳng và trong sạch. Ba đã để một gương sáng cho chúng con noi theo. Con chỉ tiếc một điều là vì Ba quá cứng rắn và quá bận rộn mà cha con mình đã không có nhiều kỷ niệm đẹp với nhau. Con ước mong tâm tình này Ba sẽ đọc, chấp nhận và thông cảm, để ngày nào gặp lại nhau, chacon mình sẽ thấy gần gũi với nhau hơn. Lúc đó con có thể ôm Ba và nói con thương Ba nhiều.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành