Cảm Nghĩ Mùa Tạ Ơn
Kính chào quý thính giả, chúng ta đã bước vào tuần cuối của tháng 11, năm 2020. Mỗi năm, vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11 chúng ta có Lễ Cảm Tạ. Đây là ngày chính phủ Hoa Kỳ đã chọn, dành ra để người dân trong nước có thì giờ nghĩ lại những điều Chúa đem đến trong đời sống cũng như trong gia đình và dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời về những ơn lành Chúa ban cho trong suốt một năm. Ngày lễ Tạ Ơn vào cuối tháng 11, là lúc nhà nông gặt hái lúa mì, cây trái và các sản vật trong đồng ruộng trước khi mùa đông tuyết giá bắt đầu. Người Việt chúng ta sống tại đây đã nhiều thập niên nên cũng đã quen với lễ Tạ Ơn. Hơn nữa, vào nhân dịp này trường học và hầu hết công sở đều đóng cửa nên chúng ta cũng được nghỉ để mừng lễ Tạ Ơn, để dâng lên Chúa lời cảm tạ về sự quan phòng và dẫn dắt của Ngài trên gia đình chúng ta trong suốt một năm qua.
Tuy nhiên, Lễ Cảm Tạ năm nay, năm 2020 này không giống Lễ Cảm Tạ những năm trước. Đời sống chúng ta, vì con Corona virus nhỏ bé, đã bị xáo trộn và trở thành đầy dẫy lo lắng khó khăn. Mọi người đều thấy năm nay đời sống mình rơi vào hoàn cảnh thật khó khăn: Mọi sự đều thay đổi: không bình an vui vẻ như trước nhưng đầy dẫy bất an, bạo loạn và lo buồn; không những thế, không ai biết ngày mai rồi đây sẽ ra sao? Bệnh dịch Covid-19 này sẽ chấm dứt hay sẽ gia tăng. Tình hình đạo đức sẽ thay đổi như thế nào? Vì những đe dọa đó, Lễ Cảm Tạ năm nay hầu như chúng ta không có ơn phước gì để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.
Dù vậy nếu nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy rằng dù hoàn cảnh khó khăn, dù tương lai vô định, chúng ta vẫn có lý do, vẫn có nhiều điều để cảm tạ Chúa. Trước hết, chúng ta được sống ở một đất nước bình an, không chiến tranh, không phải lo sợ súng đạn rủi ro bay vào nhà. Dù có những luật lệ và giới hạn phải tuân thủ, chúng ta vẫn được tự do đi lại, vẫn có thể đi làm, đi mua bán, đi thăm người thân, nhất là chúng ta vẫn được tự do thờ phượng Chúa. Ngoài ra, những người bị mất việc làm được nhận tiền thất nghiệp, quý vị cao niên nếu không thể đi chợ nấu ăn được sở xã hội cung ứng thực phẩm mỗi ngày. Các em học sinh, dù không được đến trường vui vẻ với bạn bè nhưng phải học ở nhà một mình, qua mạng, nếu gia đình các em trong hoàn cảnh thiếu thốn, sẽ được cơ quan xã hội phân phát thức ăn mỗi ngày. Trước đây, khi bệnh dịch mới lan tràn, mỗi người dân trong nước được chính phủ cấp cho 1,200 Mỹ kim. Dù chúng ta lo buồn, không biết hoàn cảnh khó khăn và bất an này bao giờ mới chấm dứt, nhưng so với nhiều nơi khác trên thế giới, so với hoàn cảnh sống của nhiều dân tộc khác trên thế giới, chúng ta phải dâng lời cảm tạ Chúa, vì dù trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn được tự do, dư dật và bình an hơn nhiều nơi trên thế giới.
Để thấy rõ ý nghĩa của lòng biết ơn Chúa, chúng tôi xin chia xẻ với quý vị câu chuyện thật sau đây:
Ngày mai là lễ Tạ Ơn, hôm nay chị Vân còn đi làm một ngày nữa rồi mới được một cuối tuần dài nghỉ ngơi với gia đình. Ngồi trên xe, giữa freeway đông đúc nhộn nhịp nhưng chị thấy thật là cô đơn. Chị nghĩ: Mai là lễ Tạ Ơn rồi nhưng năm nay mình có ơn phước gì để cảm tạ Chúa đâu. Người chồng yêu dấu của chị, sau bảy tháng vật vã với chứng ung thư phổi đã qua đời vào cuối tháng Ba. Hai đứa con chị, đang trong tuổi thiếu niên, lúc nào cũng chỉ biết có bạn bè: nói điện thoại với bạn, đi chơi với bạn. Chúng nó chẳng biết làm gì hay nói gì để an ủi mẹ. Gia đình chồng hầu như cũng quên chị rồi. Những tháng đầu, khi chồng chị mới mất họ còn liên lạc thăm hỏi, nhưng dần dần ai lo việc người nấy, cuộc sống trở lại bình thường cho mọi người, ngoại trừ chị. Mỗi ngày mỗi đêm chị Vân vẫn phải tranh đấu với nỗi cô đơn kinh khiếp, phải vươn lên trên niềm đau nỗi khổ của mình để đi làm nuôi con, phải cố gắng can đảm để làm gương cho con. Mỗi lần đến ngày lễ hay dịp đặc biệt, chị khổ sở vô cùng, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu nhung nhớ dày vò tâm hồn cô đơn của chị. Gần hai mươi năm lập gia đình, đây là lễ Tạ Ơn đầu tiên chị Vân không có người chồng bên cạnh. Chị suy nghĩ không biết có nên nấu gì hay làm gì không, nếu không làm thì tội cho con mà làm thì tội cho chị.
Chị Vân đang vừa lái xe vừa suy nghĩ lan man như thế thì xe chị bị nổ lốp. May là nhờ đang kẹt xe chị không chạy mau nên không bị mất thăng bằng và không đụng vào ai. Chị lầm thầm trong miệng: “Nếu có anh Thanh chăm sóc xe cộ thì mình đâu có bị bể bánh xe giữa đường như vầy!” Quá chán nản, chị ra khỏi freeway và lết vào cây xăng gần nhất. May cho chị, đó cũng là chỗ sửa xe. Chị Vân thật ngại ngùng khi phải bước vào cái thế giới xa lạ của những người thợ máy, nơi mà từ trước đến giờ chị chưa bao giờ bước vào. Một người thợ hăng hái đến giải thích cho chị nghe về các loại bánh xe khác nhau để chị muốn chọn loại nào tùy ý. Chị Vân không hiểu bao nhiêu nhưng cũng gật đầu, làm như đã hiểu hết mọi lời anh thợ máy nói. Nhưng thấy chị Vân có vẻ ngơ ngác, không hiểu gì bao nhiêu, anh thợ máy nói: “Thôi, chị vào quán kia uống nước, chờ khoảng 30 phút là xe sửa xong!” Chị Vân đi về hướng quán ăn, thầm than: “Chúa ơi, nếu anh Thanh còn thì con đâu có vất vả như vầy!”
Vừa lúc đó chị thấy một người đàn bà trẻ đi đến, một tay dắt đứa con nhỏ, tay kia đẩy một chiếc xe, trong có đứa bé nhỏ hơn. Chị bước lại giúp ba mẹ con bước lên hiên tiệm ăn. Người đàn bà trẻ nói rằng cô chờ người nhà đến đón để đưa đi bác sĩ. Hai người đứng đó một lát, người đàn bà trẻ hỏi chị Vân: “Chị có gia đình không?” Chị Vân đáp: “Có, nhưng chồng chị bị bệnh, qua đời gần một năm nay rồi!” Chị Vân nghĩ thiếu phụ trẻ sẽ nói vài lời an ủi chị, nhưng không, cô hỏi thêm: “Anh chị sống với nhau được bao nhiêu năm?” “Mười tám năm.” Thiếu phụ kia lại hỏi: “”Anh có yêu chị không?” “Có, yêu nhiều lắm!” Chị Vân đang ngạc nhiên thì người đàn bà trẻ hỏi dồn: “Chị có yêu anh không?” Chị Vân đáp với giọng thật buồn: “Có, bởi vậy bây giờ chị mới khổ, gần cả năm nay chị như người dở sống dở chết.” Người đàn bà trẻ lại hỏi: “Anh chị có con cái gì không?” “Có hai đứa, đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ 14.” Người đàn bà trẻ nói: “Chị được sống 18 năm hạnh phúc với anh, bây giờ còn có hai đứa con bên cạnh. Em nói thật với chị, chị có phước hơn bao nhiêu người đó. Như em đây, chồng em ở với em chưa được bốn năm thì bỏ em đi theo người khác. Trước khi bỏ đi còn gây gổ, mắng chửi, đánh đập em rồi lấy hết tiền của em nữa. Bây giờ em với hai đứa con nhỏ, không biết làm sao đi làm để sống mà nuôi con.”
Lời kể lể của thiếu phụ trẻ làm chị Vân thấy mình thật là người có phước. Đúng như cô ấy nói, dù sao chị cũng còn may mắn hơn bao nhiêu người: Chị được hưởng trọn vẹn tình yêu của chồng trong gần hai mươi năm. Anh ra đi để lại cho chị bao nhiêu kỷ niệm đẹp với hai đứa con đã khá lớn. Không những thế, chị còn có một ngôi nhà khang trang để ở, có công ăn việc làm, có cha mẹ và anh chị em ở gần, nhất là chị không phải mang niềm đau của người bị tình phụ. Và quý hơn nữa, chị còn có Chúa và anh chị em trong đại gia đình của Chúa.
Thưa quý vị, có lẽ quý vị cũng đang nghĩ: đời sống mình nhọc nhằn, vất vả quả, đầy dẫy những buồn phiền, lo lắng, có gì để mà cảm tạ Chúa đâu. Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến những người kém may mắn hơn, để thấy bao nhiêu ơn phước lớn lao Chúa đã ban cho chúng ta. Trong mùa Tạ Ơn này, thay vì nghĩ đến đến những gì mình không có hay những gì mình đã mất, hãy nghĩ đến những gì mình đang có trong tầm tay, và những gì mình đã được hưởng trong những năm tháng qua, để rồi sống với lòng biết ơn Chúa. Có người đã nói: “Chúng ta không cần phải có nhiều hơn mới cảm tạ Chúa nhưng cần cảm tạ Chúa nhiều hơn.” Hãy nghĩ đến những người thân yêu đang có mặt trong cuộc đời chúng ta: Người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những đứa con, đứa cháu đang ở gần bên chúng ta, dù những người thân yêu đó không toàn hảo như ta mong muốn, nhưng đó là những người thương yêu ta, lo lắng cho ta, đó là những người Chúa đem đến trong cuộc đời ta, để đời sống chúng ta thêm ý nghĩa. Hãy sống với tinh thần biết ơn Chúa và cảm tạ Ngài, không chỉ trong ngày Lễ Tạ Ơn nhưng mỗi một ngày trong đời sống.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành