Chuyện Lứa Đôi (Bài 2)
Thật ra, chúng ta phải đồng ý rằng, hầu hết các đôi vợ chồng ngày xưa không quen nhau trước, không đến với nhau bằng tình yêu và cũng ít ai có một thời gian gặp gỡ riêng để tìm hiểu, thế mà họ vẫn có thể sống với nhau trọn đời. Tuy nhiên, những đôi vợ chồng đó có thật sự hạnh phúc hay không là điều chúng ta phải xét lại.
Ngày nay hầu hết các bạn trẻ đều đến với nhau bằng tình yêu, được tự do chọn lựa người mình yêu thương và cũng được phép tiếp xúc một thời gian để tìm hiểu, nhưng vấn đề gia đình không hạnh phúc, hôn nhân đổ vỡ lại xảy ra quá nhiều so với những thập niên trước.
Có nhiều lý do đưa đến sự đổ vỡ của gia đình trong xã hội ngày nay. Riêng trong vấn đề nam nữ tìm hiểu trước khi đi đến hôn nhân, chúng ta có nên trở về lối “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” như ngày xưa hay vẫn nên khuyến khích các bạn trẻ tiếp xúc, tìm hiểu nhau thấu đáo trước khi tiến đến hôn nhân?
Sở dĩ các đôi vợ chồng ngày xưa tuy không biết nhau nhiều và ít có cơ hội tìm hiểu nhau trước nhưng vẫn có thể sống với nhau suốt đời là vì những lý do sau đây:
1. Người xưa không có nhiều bạn khác phái nên không có nhiều chọn lựa
Đa số người trẻ trong các thế hệ trước không giao thiệp nhiều nên ngoài người cha mẹ chọn cho, họ không có sự so sánh hay chọn lựa nào khác.Người xưa sống theo quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân,” trai gái không được phép làm quen hay trò chuyện với nhau. Vì lý do đó thanh niên nam nữ không có chuyện bạn trai bạn gái.
Ngoài người mà cha mẹ để ý và chọn lựa cho mình hoặc ngoài người đánh tiếng đi hỏi mình, các bạn trẻ ngày trước thường ít được tự do làm quen với những người bạn khác phái, cũng ít dám công khai tiếp xúc nhiều với những người bạn đó.
Ngày nay thanh niên nam nữ được nhiều tự do hơn, có nhiều cơ hội làm quen để tìm hiểu nhau hơn. Dù vậy, đa số các bậc phụ huynh không chấp nhận những thanh niên thiếu nữ quen nhau lâu mà không có ý định tiến đến hôn nhân. Thật ra, đây là điều nguy hiểm, vì những bạn trẻ đó có thể theo chủ trương sống chung nhưng không cưới hỏi đàng hoàng để tránh trách nhiệm và tránh sự ràng buộc về mặt pháp lý.
Những bạn trẻ quen biết nhau nhiều và thường đi riêng với nhau nhưng vì một lý do nào đó, không tiến đến hôn nhân cũng để lại một ấn tượng không đẹp giữa những người quen biết.
2. Đa số sống với thái độ chấp nhận và không muốn thay đổi
Người thời trước thường sống với thái độ chấp nhận hoàn cảnh, để mặc cho số phận đưa đẩy. Nếu may mắn gặp người đạo đức, dễ dãi, có tình thương, hoặc gặp người hợp với mình, họ sẽ có một gia đình hạnh phúc. Nếu không may gặp người khó tính, không hợp hoặc không yêu thương, các đôi vợ chồng ngày xưa cũng vẫn cố gắng sống với nhau cho đến hết cuộc đời. Lý do là vì một trong hai người, thường là người đàn bà, sẵnsàng chấp nhận tất cả thiệt thòi để giữ cho gia đình không đổ vỡ.
Ngoài ra, người xưa cũng thường quan niệm hôn nhân là duyên số và “may nhờ rủi chịu,” vì thế một khi đã lập gia đình, dù hạnh phúc hay đau khổ cũng yên lặng chịu đựng. Có người còn nghĩ rằng phần số mình đã được an bài như thế, nếu thay vợ đổi chồng sẽ mang tiếng xấu mà chưa chắc đã tốt hơn hay chỉ là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” mà thôi. Vì e ngại trước thay đổi, trước tương lai vô định và lời gièm chê của người chungquanh, vợ chồng ngày xưa dù không hạnh phúc ít khi nào dám nghĩ đến chuyện bỏ nhau.
3. Sợ làm tổn hại danh dự của gia đình
Có những đôi vợ chồng sống với nhau không tình yêu, không hạnh phúc, đời sống gia đình không khác gì địa ngục, nhưng vì danh dự của gia đình, dòng họ và vì sợ dư luận, họ cố gắng che giấu nỗi bất hạnh của mình và tiếp tục sống với nhau cho đến cuối cuộc đời. Người thời trước hầu hết thường sống cho lợi ích chung của gia đình và danh dự của dòng họ hơn là cho hạnh phúc cá nhân.
Một khi cha mẹ gả con gái đi lấy chồng, người con gái phải chấp nhận số phận của mình. Nếu gặp người chồng không tốt, gia đình không hạnh phúc hoặc cha mẹ chồng đối xử không tử tế, người con gái đó thường yên lặng chịu đựng chứ không nói cho cha mẹ biết. Lý do thứ nhất là sợ cha mẹ buồn, thứ hai là sợ nhà chồng mang tiếng xấu. Cũng có thể người con gái đó sợ người ngoài cười mình là người vô phước, chê mình không biết cách cư xử với nhà chồng hoặc chê chồng mình là người không biết điều.
Ngày trước người ta rất sợ lời phê bình của người chung quanh và sợ gia đình mang tiếng xấu nên tất cả những chuyện không đẹp trong gia đình đều được giấu kín.
4. Xã hội có luật lệ nghiêm khắc và đời sống ít cám dỗ hơn ngày nay
Ngày xưa, những người bỏ vợ bỏ chồng thường bị xã hội khinh khi, bà con chê cười, nên ít vợ chồng nào dám nghĩ đến chuyện bỏ nhau. Hơn nữa, nhờ xã hội có những luật lệ nghiêm khắc, nam nữ không được tự do tiếp xúc thân mật với nhau, nên những người đã có gia đình ít bị cám dỗ để phạm tội ngoại tình. Thêm vào đó, đời sống không có nhiều tự do, không quá nhiều cơ hội để người đã có gia đình bị cám dỗ , nên gia đình của những thế hệ trước ít bị tấn công như gia đình của chúng ta ngày nay.
5. Người đàn bà thường sẵn sàng hy sinh để giữ cho gia đình khỏi đổ vỡ
Ngày trước, vợ chồng ít ly dị nhau một phần là vì người đàn bà chấp nhận vai trò nội trợ, chấp nhận chỗ đứng của mình trong gia đình. Trong xã hội theo quan niệm trọng nam khinh nữ, mọi người hầu như chấp nhận quy luật bất công: “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.” Trong quan niệm đó, nếu người đàn bà gặp ông chồng không chung thủy, đi chia xẻ tình yêu với những người đàn bà khác, người chung quanh sẽ khuyên người vợ nhịn chịu cho yên cửa yên nhà. Vì thế dù biết chồng ngoại tình hoặc chồng đối xử không tốt, người vợ cũng hy sinh chịu đựng chứ không dám ly dị.
Hơn thế nữa, vì cuộc đời người đàn bà tùy thuộc vào chồng về mọi mặt: kinh tế, tình cảm, nơi nương thân, chỗ đứng trong xã hội, sự kính trọng của người chung quanh, v.v... nên dù trong hoàn cảnh nào, người đàn bà cũng sẵn sàng hy sinh và chấp nhận tất cả để sống với chồng cho đến cuối cùng.
Ngày nay chúng ta thấy một hình ảnh khác trong gia đình. Người đàn bà ngày nay đòi hỏi chồng phải tôn trọng và đối xử công bằng. Người vợ nhiều khi cũng không tùy thuộc chồng về mặt kinh tế cũng như về vị trí của mình trong xã hội. Với những lý do đó, nếu gặp một người chồng không tốt, người đàn bà sẽ dứt áo ra đi chứ không nhịn nhục chấp nhận như ngày trước.
Thật ra, một cuộc hôn nhân có bền vững hay không là tùy ở lòng nhẫn nhục và sự cam kết của người trong cuộc. Nếu không có hai yếu tố này, dù đã quen nhau lâu và biết nhau nhiều, khi thấy đời sống vợ chồng gặp khó khăn, người ta vẫn có thể bỏ nhau dễ dàng.
Dù sao, chúng ta phải nhận rằng việc nam nữ làm quen để tìm hiểu trước khi đi đến hôn nhân là điều cần thiết. Không những cần biết nhau và hiểu rõ nhau, những người sắp lập gia đình còn cần được hướng dẫn qua một lớp chuẩn bị hôn nhân để không quá bỡ ngỡ khi bước vào đời sống vợ chồng (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành