Chuyện Lứa Đôi (Bài 3)
Chúng tôi cũng hy vọng rằng ngày nay không cha mẹ nào còn sắp đặt chuyện vợ chồng cho con cái hoặc ép buộc con cái phải lập gia đình với người chúng không thương. Riêng đối với chúng ta là con dân của Chúa, chúng ta biết rằng mọi sự trong đời sống người tin Chúa đều do Chúa hướng dẫn, theo ý định và chương trình tốt đẹp của Ngài, chứ không phải do duyên số hay may rủi.
Dù thực tế cho thấy các bạn trẻ không nên giao thiệp với nhau nhiều vì trong quan hệ nam nữ dễ đưa đến những điều không hay; những đôi vợ chồng tìm hiểu nhau kỹ càng trước khi tiến tới hôn nhân cũng vẫn có lý do để bỏ nhau; những đôi bạn trẻ quen nhau lâu cuối cùng không lấy nhau để lại những tiếng đồn không tốt hoặc những kỷ niệm khó quên. Nhưng ngày nay hầu như mọi người đều đồng ý rằng các bạn trẻ cần tìm hiểu nhau đến nơi đến chốn trước khi tiến tới hôn nhân.
Khi bằng lòng làm vợ hay làm chồng một người nào là chúng ta bằng lòng trao phó cả con người chúng ta và chia xẻ cả cuộc đời chúng ta với người đó. Vì thế các bạn không nên quyết định một cách thiếu suy nghĩ, quyết định theo ý của người khác hoặc quyết định theo lời bàn của ông mai bà mối.
Các bạn cũng không nên nói: “Tôi đã lỡ yêu nên dù gặp khó khăn và có nhiều khác biệt, tôi vẫn quyết định lập gia đình với người đó. Tình yêu sẽ giúp chúng tôi vượt qua mọi khác biệt để gây dựng hạnh phúc.” Lý luận này chỉ có trong tiểu thuyết hay mộng tưởng mà thôi. Trong đời sống thực tế, tình yêu, nhất là tình yêu lãng mạn giữa hai người trẻ, không thể là điều kiện duy nhất đảm bảo cho một hôn nhân hạnh phúc và bền lâu.
Vì những lý do nêu trên, nếu muốn tiến đến hôn nhân với nhau, ngoài tình yêu các bạn còn cần tìm hiểu để biết rõ nhau về những phương diện sau:
1. Gia đình
Người xưa thường nói, “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống.” Câu này hàm ý rằng khi một thanh niên muốn cưới vợ hay một thiếu nữ muốn lấy chồng, cả hai đều cần biết rõ về gia đình và dòng họ của người mà mình muốn lập gia đình với.
Điều này rất đúng. Không phải chúng ta để ý xem gia đình của người yêu danh giá hay giàu có như thế nào, nhưng chúng ta cần biết ông bà, cha mẹ của người đó là ai, có đời sống như thế nào: đạo đức, đàng hoàng hay là vô đạo và có nhiều tiếng xấu.
Nếp sống đạo đức của cha mẹ có ảnh hưởng nhiều trên đời sống con cái. Ví dụ, nếu một người được trưởng dưỡng trong một gia đình đạo đức và kính sợ Chúa, người đó không nhiều thì ít, cũng chịu những ảnh hưởng tốt của cha mẹ, vì thế có thể là một người chồng tốt, người vợ hiền; người cha, người mẹ gương mẫu.
Một điều khác bạn cần biết về gia đình người bạn đời của mình là tình trạng sức khoẻ, nhất là về các chứng bệnh di truyền. Trước khi bước vào mối cam kết ràng buộc suốt đời với một người, chúng ta cần biết gia đình người đó có chứng nan y nào không. Ví dụ nếu trong gia đình có người bị bệnh thần kinh, người yêu của bạn có thể cũng bị ảnh hưởng phần nào. Ảnh hưởng đó bạn sẽ nhìn thấy từng hồi từng lúc, trong cách sống và cách cư xử với người chung quanh, nhất là những khi gặp chuyện bất ngờ, làm tinh thần giao động.
Những chứng bệnh có tính cách di truyền khác cũng nguy hiểm và sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống gia đình, vì thế bạn cũng cần biết rõ. Nếu biết người mình yêu bị một chứng nan y nào đó nhưng vì tình yêu, bạn bằng lòng chấp nhận, đó là quyền quyết định của bạn. Hai người có thể vì tình yêu sẽ vượt lên trên những khó khăn do bệnh tật đưa đến. Nhưng nếu vì không tìm hiểu kỹ càng mà bạn lập gia đình với người không có một sức khoẻ bình thường, bạn có thể sẽ trở thành cay đắng với người đó và gia đình sẽ mất hạnh phúc.
Cách cư xử trong gia đình của người bạn yêu cũng rất quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống chung của hai vợ chồng sau này. Nếu người yêu của bạn sống trong một gia đình trên thuận dưới hòa, cha mẹ gần gũi, yêu thương và thông cảm với con cái, người đó sẽ có một đời sống tình cảm quân bình, không có mặc cảm tự ti hay tự tôn.
Nếu trong gia đình anh chị em sống với nhau trong tinh thần bình đẳng, cởi mở, tương trợ nhau, người đó cũng chịu những ảnh hưởng tốt. Ngược lại, nếu một người được trưởng dưỡng trong một gia đình có khuynh hướng trọng nam khinh nữ, hoặc người trên bắt nạt người dưới, cách người đó cư xử với vợ con hay chồng con sau này cũng dễ có chiều hướng tương tự như vậy.
Gia đình đông con hay ít con, có nhiều con trai hay con gái, v.v... cũng là những chi tiết bạn cần để ý. Không nhất thiết là bạn cần biết những chi tiết này để quyết định lập gia đình với người đó hay không, nhưng còn để biết cách cư xử với người đó trong đời sống chung sau này.
Nếu người yêu của bạn lớn lên trong một gia đình đông con, mỗi người tự lo lấy phần mình, sự ràng buộc giữa người trong gia đình có thể không quá chặt chẽ, do đó gia đình mới của bạn sẽ có nhiều tự do. Ngược lại, nếu người yêu của bạn sinh trưởng trong một gia đình ít con, người trong gia đình quá gần gũi với nhau và sự ràng buộc giữa người trong gia đình quá chặt chẽ, gia đình mới của bạn có thể sẽ trở thành một phần của gia đình cũ và khó tách rời ra để trở thành một đơn vị riêng biệt. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc của gia đình bạn. Trong trường hợp này, bạn cần chuẩn bị để biết cách cư xử hầu tránh được những đụng chạm trong liên hệ với gia đình hai bên.
Nếu người yêu của bạn mồ côi cha hay mẹ từ khi còn nhỏ, hoặc cả cha mẹ đều mất sớm là điều bạn cũng cần biết. Yếu tố này cũng ảnh hưởng đến cách người đó cư xử với bạn và những điều người đó trông mong nơi bạn trong quan hệ vợ chồng.
Các nhà tâm lý học cho biết, những người con trai mồ côi mẹ sớm thường trông mong tìm thấy tình mẫu tử nơi người vợ của mình. Tương tự như vậy, những người con gái thiếu tình thương của người cha thường trông mong nơi chồng sự chăm sóc, thương yêu của một người cha. Hiểu rõ những điều này, các bạn sẽ dễ thông cảm nhau và biết cách cư xử với nhau hơn.
Những người lớn lên trong gia đình mà cha mẹ thường gây gổ với nhau hay đã ly dị nhau, có thể có cái nhìn không mấy lạc quan về liên hệ vợ chồng và đời sống gia đình. Cũng có thể người đó lại khôn ngoan và trưởng thành trong đời sống vợ chồng. Vì đã nhìn thấy thất bại của cha mẹ nên có thể sẽ cẩn thận với gia đình riêng của mình. Những yếu tố này đều ảnh hưởng ít nhiều đến sự thông cảm và hiệp một giữa vợ và chồng.Nếu không để ý hoặc không biết, chúng ta sẽ không hiểu nhau mà còn có thể làm tổn thương nhau.
Có một điều quan trọng khác bạn cần để ý, đó là đời sống đạo đức trong gia đình người yêu của bạn. Nếu người cha trong gia đình đó có tính ăn chơi, bay bướm, không chung thủy với vợ, con cái sẽ bị ảnh hưởng không nhiều thì ít. Những người con trai có thể có tính tương tự như thế. Nếu người mẹ trong gia đình đó thích ăn diện, phung phí tiền bạc, đời sống lãng mạn, không nết na, thùy mị, không vâng phục chồng, v.v... Các cô con gái trong gia đình có thể cũng có tính giống như mẹ.
Người ta thường nói: “Hãy nhìn bà mẹ của người con gái bạn yêu thì sẽ biết hai mươi năm nữa người bạn yêu sẽ là người như thế nào.” Tương tự như thế, chúng ta cũng có thể nói, nếu muốn biết hai mươi năm sau, người bạn trai của bạn sẽ là một người đàn ông như thế nào, hãy nhìn người cha của chàng hôm nay.
Nếu gia đình người yêu của bạn là một gia đình có nề nếp, đạo đức, tin kính Chúa, bạn có thể tin cậy được. Nếu gia đình đó không có kỷ luật, con cái có đời sống không đàng hoàng, bạn có thể sẽ gặp khó khăn nếu lập gia đình với người trong gia đình đó.
Hoàn cảnh kinh tế của gia đình cũng có ảnh hưởng trên cách sống và cách suy nghĩ của một người, vì thế các bạn cần biết rõ hoàn cảnh và đời sống gia đình người bạn đời tương lai của mình. Những người lớn lên trong gia đình nghèo thiếu thường là người siêng năng, chịu khó làm việc, biết giá trị đồng tiền, nhưng đó cũng có thể là người hà tiện, không dám tiêu xài gì cả vì xem đồng tiền quá lớn.
Nếu người yêu của bạn sống trong gia đình giàu có có thể sẽ quen tính muốn gì được nấy, hay phung phí tiền bạc, không chịu được thiếu thốn.Nhưng đó cũng có thể là người rộng rãi, dễ dãi trong vấn đề tiền bạc. Tất cả những chi tiết này bạn cần để ý tìm hiểu hầu có thể thích ứng với nhau trong đời sống chung sau này (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành