Dạy Con (Bài 7)
Có đôi vợ chồng kia cưới nhau được ba năm và rất mong có con nhưng khi thấy vợ chồng người bạn ở cạnh nhà vất vả với hai đứa con nhỏ họ cảm thấy ngao ngán, không biết mình có nên có con hay không. Hai đứa con trong gia đình người hàng xóm chỉ mới hai tuổi và bốn tuổi mà bà mẹ cứ phải la hét suốt ngày. Có một lần đứa bé bốn tuổi vọc đất ngoài sân, bà mẹ ở trong nhà gọi vói ra: “Tâm, vô rửa tay, không vọc đất nữa!” Bà mẹ gọi một lần, hai lần, rồi ba lần. Mỗi lần giọng bà cao hơn, to hơn, nhưng đứa bé không nhúc nhích, cứ tiếp tục chơi, làm như không nghe gì cả. Cuối cùng bà mẹ mở cửa thò đầu ra và hét: “Vô ngay không là có roi đó!” Thằng bé con nghe nhắc đến roi, trả lời: “Con không muốn vô, con muốn chơi thêm một chút nữa!” Trong khi đó đứa bé hai tuổi ở trong nhà không biết vì cớ gì gào khóc om sòm. Đứa bé ngoài sân vẫn tiếp tục vọc đất, dù mẹ đã nói là sẽ có roi. Một lát sau, bà mẹ ra, không cầm roi nhưng bưng trên tay một ly sữa, bảo: “Nè, uống đi, trưa nay ngủ dậy chưa uống sữa!” Đứa bé đẩy ly sữa ra, nói: “Con không muốn uống sữa, con muốn ăn ice cream!” Bà mẹ ép một lần nữa, không được, bà cằn nhằn: “Thằng này hư quá, sữa không uống mà cứ đòi ăn bậy bạ không thôi!” Rồi đem ly sữa vào nhà!
Thưa quý vị, trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng tôi có nói về vấn đề tại sao ngày nay hầu như cha mẹ sợ con thay vì con cái kính sợ và vâng lời cha mẹ. Có những đứa con chỉ mới vài ba tuổi mà đã xem thường lời dạy bảo của cha mẹ. Thật ra không phải là cha mẹ sợ con nhưng vì quá thương con, không muốn làm con buồn, con khóc, không muốn làm phật ý con nên cha mẹ cứ phải chiều theo những đòi hỏi của con. Điều lạ là những đứa con được cha mẹ cưng chiều không biết yêu quý cha mẹ, cũng không biết vâng lời và ngoan ngoãn cho cha mẹ vui lòng nhưng trái lại, càng vòi vĩnh, đòi hỏi điều này điều kia, khiến cha mẹ phải chiều chuộng nhiều hơn, và thường thường, những đứa con đó lớn lên là những đứa hư hỏng, gây xấu hổ và khổ đau cho cha mẹ.
Không cha mẹ nào cố tình tạo nên những đứa con hư hỏng, nhưng vì thương con, nuông chiều con, cha mẹ không áp dụng kỷ luật, không sửa dạy khi con phạm lỗi nên dần dần con trở thành vô kỷ luật. Như vậy, nếu muốn có những đứa con ngoan ngoãn, vâng lời, chúng ta phải làm gì, nên áp dụng những nguyên tắc nào? Các nhà tâm lý học cho biết, con cái không tôn trọng thẩm quyền của cha mẹ một phần là vì bản tính của đứa bé nhưng phần lớn là do ở cách dạy dỗ và hướng dẫn của cha mẹ. Thánh Kinh dạy rằng, tất cả mọi người đều sinh ra trong tội lỗi, có khuynh hướng muốn làm điều sai quấy. Con cái của chúng ta cũng thế, luôn luôn có khuynh hướng làm điều quấy vì thế nếu để tự nhiên, không uốn nắn, các em sẽ khó trở nên người tốt, có kỷ luật và tinh thần trách nhiệm. Bằng chứng là các em nhỏ không ai dạy mà tự nhiên đã biết tranh giành, tham lam, nói dối, bắt nạt người khác, v.v... Bản tính tội lỗi trong con cái mà chúng ta nhìn thấy rõ ràng nhất là, những điều xấu cha mẹ cấm thì các em muốn làm, những điều tốt cha mẹ bảo làm thì các em không muốn làm.
Vì bản tính của con em chúng ta là như thế nên cha mẹ cần áp dụng kỷ luật và sửa dạy nghiêm chỉnh từ khi con còn nhỏ. Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước dạy như sau:
“Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ, song roi răn phạt sẽ khiến cho sự ấy lìa xa nó” (Châm ngôn 22:15).
Trẻ con vốn dại dột nên hay làm điều lầm lỗi sai quấy, cha mẹ cần dùng roi răn phạt để sự dại dột đó lìa xa các em. Lời Chúa bảo rằng cha mẹ cần dùng roi để răn dạy và sửa phạt con chứ không phải để làm cho con bị thương tích.
Có lẽ quý vị cũng đồng ý rằng ngày trước bênViệt Nam hầu hết các bậc cha mẹ rất là nghiêm khắc với con cái, nhờ vậy đỡ được tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng. Cũng có người quá nghiêm khắc với con, khi con lỡ làm điều gì không đúng ý là đánh đòn thẳng tay, không cần biết đó là con vụng về, vô ý hay cố tình làm sai như thế. Sở dĩ có tình trạng đó là vì hầu như mọi người đồng ý với quan niệm: “Cha mẹ nói oan làm quan bắt hiếp.” Ngày nay trong đời sống tại xứ người thì các bậc cha mẹ lại hầu như nghiêng về khuynh hướng trái ngược, tức là quá dễ dãi với con. Khi con làm điều sai quấy, không đánh đòn cũng không sửa dạy hay có một biện pháp nào cả, và vì thế chúng ta đào tạo ra một thế hệ thanh thiếu niên không có kỷ luật. Quá nghiêm khắc với con cũng không tốt mà quá dễ dãi với con cũng rất là nguy hiểm. Như vậy, chúng ta phải hướng dẫn con cái như thế nào để đạt kết quả tốt? Nguyên tắc muôn đời để chúng ta noi theo là nguyên tắc của Kinh Thánh, vì những nguyên tắc này đến từ Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, Ngài biết rõ con cái chúng ta cần được nuôi dạy như thế nào. Nguyên tắc của Chúa là, các bậc cha mẹ phải dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi dạy con cái. Cha mẹ phải yêu thương con, dạy bảo và làm gương cho con. Khi cần cũng phải sửa phạt để con bỏ những tật hư thói xấu. Sách Châm ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước, chương 13:24 dạy như sau: “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình, song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.”
Ông Paul Meier, là một bác sĩ y khoa Tin Lành, chuyên nghiên cứu về vấn đề dạy con và sự phát triển tâm tính của trẻ em, cho biết rằng nếu phân tích cách dạy con của các bậc phụ huynh, chúng ta thấy có bốn mẫu mực hay bốn khuynh hướng chung như sau: (1) Cầm quyền trên con. (2) Hờ hững, không quan tâm đến con. (3) Dễ dãi, nuông chiều con và (4) Hướng dẫn con với thẩm quyền.
1. Những bậc cha mẹ cầm quyền trên con thường bắt buộc con làm theo ý mình, đòi hỏi nhiều điều nơi con và kiểm soát con chặt chẽ. Các bậc phụ huynh này áp dụng kỷ luật nghiêm khắc trong việc dạy con và muốn con phải vâng lời tuyệt đối nhưng không để ý đến nhu cầu hoặc ý kiến của con.
2. Những cha mẹ hờ hững với con, không quan tâm đến con thì ngược lại, ít khi nào đặt luật lệ cho con và cũng không đòi hỏi, trông mong hay bắt buộc điều gì nơi con. Các bậc phụ huynh này hầu hết bận rộn đeo đuổi một mục tiêu riêng nào đó trong cuộc đời. Họ không quan tâm nhiều đến con vì con cái không phải là ưu tiên số một trong cuộc đời họ.
3. Những cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con thì quan tâm đến con cái hơn nhưng họ chỉ để ý đến nhu cầu và ý thích của con để chiều theo chứ không buộc con phải vâng lời cha mẹ hay vâng theo một kỷ luật nào. Các phụ huynh này muốn làm bạn với con và chiều theo ý con để tuổi thơ của con được vui hoặc để cha mẹ rảnh tay và thoải mái vì không phải sợ con buồn giận hay không thương cha mẹ.
4. Những cha mẹ hướng dẫn con với thẩm quyền thường đặt nhiều kỳ vọng nơi con, vì thế quan tâm đến mọi phương diện trong đời sống con. Các phụ huynh này đặt mục tiêu và kỷ luật cho con rõ ràng và dùng thẩm quyền của cha mẹ để uốn nắn vào những luật lệ mà cha mẹ đã đặt ra. Những phụ huynh lấy thẩm quyền dạy dỗ con xem việc dạy dỗ con nên người là điều quan trọng nên dành nhiều thì giờ ở gần con cũng như dùng sự kiên nhẫn và cứng rắn để uốn nắn con vào khuôn phép. Hầu hết những con em có cha mẹ dùng thẩm quyền dạy dỗ đều nên người tốt và thành công trong xã hội.
Chúng tôi xin tạm ngưng Câu Chuyện Gia Đình hôm nay tại đây. Trong bài kỳ tới chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về bốn nhóm phụ huynh và những mẫu mực dạy con khác nhau, chúng tôi cũng sẽ nêu lên những ví dụ để quý vị nhìn vào và biết mình đang dạy dỗ, hướng dẫn con theo mẫu mực nào. Kính mời quý vị nhớ đón nghe. Kính chào tạm biệt quý thính giả.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành